Nghệ sĩ Trịnh Huyền: Đợi mối duyên lành

08:00 03/11/2014
Gặp Trịnh Huyền vào một buổi chiều cuối thu, gương mặt chị vẫn ánh lên niềm vui khó tả. Được đứng trên sân khấu nhận giải thưởng cao nhất trong một cuộc thi là niềm mơ ước của mọi diễn viên, nhất là với một diễn viên trẻ đầy ngọn lửa đam mê và nhiệt tình như Trịnh Huyền. Thành công lần này với Huyền thực sự là một dấu mốc quan trọng, là động lực để chị nỗ lực hơn với niềm đam mê từ thuở thiếu thời...

Tin diễn viên Trịnh Huyền của Đoàn kịch CAND đoạt giải Vàng trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất với vai Huệ trong vở kịch nổi tiếng một thời "Bản danh sách điệp viên" (Kịch bản: Văn Báu - Đạo diễn: NSND Lê Hùng) là một bất ngờ ngay cả với người nhận giải. Gặp Trịnh Huyền vào một buổi chiều cuối thu, gương mặt chị vẫn ánh lên niềm vui khó tả. Được đứng trên sân khấu nhận giải thưởng cao nhất trong một cuộc thi là niềm mơ ước của mọi diễn viên, nhất là với một diễn viên trẻ đầy ngọn lửa đam mê và nhiệt tình như Trịnh Huyền. Thành công lần này với Huyền thực sự là một dấu mốc quan trọng, là động lực để chị nỗ lực hơn với niềm đam mê từ thuở thiếu thời...

Vốn là một vở diễn nhiều kịch tính với câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn và thấm đẫm chất anh hùng ca, vai Huệ của Trịnh Huyền trong "Bản danh sách điệp viên" có thời gian xuất hiện trên sân khấu không dài, khắc họa hình ảnh người con gái kiên trung của đất Hà thành đã anh dũng hi sinh để bảo vệ mẹ của người yêu và người yêu là chiến sĩ tình báo đang ở trong lòng địch. Bản phục dựng của Đoàn kịch CAND trình diễn trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần này đã một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của một vở diễn lấy hình tượng người chiến sĩ tình báo làm trung tâm, nhưng đan cài trong đó là tình yêu lứa đôi, tình người Hà Nội thủy chung, son sắc. Nghệ sĩ Trịnh Huyền tâm sự rằng: "Mặc dù đã vào vai Huệ nhiều lần, nhưng chính tôi cũng phải ngạc nhiên bởi sự thăng hoa của mình trong đêm diễn 27/9 vừa qua. Tôi diễn mà như không diễn, cũng không biết mình đã làm thế nào, bởi cảm giác trong khoảnh khắc tôi đã thật sự là Huệ - cô gái Hà Nội đã chọn lấy cái chết để bảo vệ đồng đội, bảo vệ người mình yêu. Khi tôi diễn xong, vào cánh gà thấy điện thoại ngập tràn tin nhắn chúc mừng, chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp... Đến khi nghe thấy tên mình ở hạng mục giải Vàng, tôi vẫn bất ngờ, xúc động và cảm thấy thật hạnh phúc...".

Thực ra, giải Vàng mà Trịnh Huyền được trao tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất không phải là thành công đầu tiên mà Huyền đạt được ở chốn... ba quân. Cách đây 2 năm, tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc tổ chức tại Huế, Trịnh Huyền đã vinh dự đoạt Huy chương bạc cho vai Trinh - con gái chiến sĩ tình báo trong vở kịch "Tôi là người Việt Nam" (Kịch bản: Nguyễn Đình Chính - Đạo diễn: NSND Lê Hùng). Huyền cho biết, chị cảm thấy may mắn khi được đạo diễn tin tưởng chọn giao vai, cũng là trao cho chị một cơ hội để thể hiện mình. Huyền tâm sự rằng, chị rất trân trọng những cơ hội ấy, luôn cố gắng hết sức để không phụ lòng tin của đạo diễn cũng như lãnh đạo đoàn. Với chị, NSND Lê Hùng không chỉ là một đạo diễn tài năng mà còn là một người thầy tận tâm, luôn biết phát huy những điểm mạnh và chỉ ra những yếu điểm của diễn viên để tìm hướng khắc phục. Huyền cũng tự biết rằng, nhược điểm của mình là nói hơi nhanh bởi vậy sẽ không thật sự thuyết phục nếu nhập vào các vai phải diễn nhiều nội tâm.

Nghệ sĩ Trịnh Huyền vào vai Huệ trong vở kịch ''Bản danh sách điệp viên''.

"Nhận ra nhược điểm này của tôi với vai Trinh trong "Tôi là người Việt Nam", NSND Lê Hùng đã âm thầm ghi âm lại giọng nói của tôi, sau đó cho tôi nghe lại để rút kinh nghiệm. Và cuối cùng tôi đã làm được'' Huyền chia sẻ. Trinh là con gái người chiến sĩ tình báo từ khi nhận nhiệm vụ đã phải chịu nhiều hi sinh, thiệt thòi không chỉ cho bản thân mà cả gia đình, vợ con mà những hi sinh ấy ngay cả người thân trong gia đình cũng không biết, không hiểu được. Chỉ có cô con gái tên Trinh là thấu hiểu được tâm sự và luôn đứng về phía bố. Với vai diễn này, Huyền đã lấy được nước mắt của nhiều khán giả tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc tổ chức tại Huế. Diễn xong khi ra đường gặp khán giả mà nhiều người vẫn còn thương xót.

Trịnh Huyền tâm sự: "Với vở "Tôi là người Việt Nam", những đêm diễn trước, cán bộ, chiến sĩ của Tổng cục Tình báo luôn chứa đựng rất nhiều cảm xúc. Đây là vở diễn kể câu chuyện về sự hi sinh thầm lặng của người chiến sĩ tình báo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, mà trong đời thực, những sự hi sinh lớn lao như thế có thể gặp rất nhiều. Vì thế, hơn ai hết, khi xem vở kịch này, những khán giả là các chiến sĩ tình báo đã thấu hiểu và có mối đồng cảm sâu sắc. Họ dường như tìm thấy hình ảnh của chính mình và đồng đội của mình trong vở diễn. Cũng qua vở diễn này, tôi trở nên rất thân thiết với anh em bên Công an. Tôi đã tham gia viết nhiều kịch bản, cũng như dàn dựng các chương trình văn hóa văn nghệ với anh em bên ấy. Tôi xem đó như mối duyên lành!".

Thượng úy Trịnh Thị Huyền đầu quân về Đoàn kịch CAND đến nay vừa chẵn 10 năm. Còn nhớ những ngày đầu đặt chân đến Hà Nội, cô gái Thái Bình lơ ngơ tìm đến nhà vợ chồng NSƯT Hoàng Mai - Minh Hằng theo lời giới thiệu của cố NSƯT Trọng Thịnh và được nhận về làm diễn viên Nhà hát kịch Quân đội. Là gương mặt được lựa chọn tham gia một số vở diễn như "Miền xa thẳm", "Tiếng gọi"..., Trịnh Huyền đã "ăn cơm lính, biểu diễn cho lính xem" trong mấy năm với những chuyến đi công tác liên miên. Tuổi còn trẻ nên mặc dù mắc chứng say xe rất nặng, cứ lên xe là nôn thốc nôn tháo, nằm bê bết trên xe, nhưng rồi đi nhiều, rèn luyện nhiều nên Huyền cũng quen dần. Vốn học chuyên Văn, có chút năng khiếu viết lách và ưa phiêu lưu nên mỗi chuyến đi với Trịnh Huyền là một trải nghiệm thú vị. Tình cờ có lần NSƯT Trần Nhượng (khi đó đang là Trưởng đoàn kịch CAND) qua Nhà hát kịch Quân đội xem vở kịch "Tiếng gọi" đã có những ấn tượng tốt đẹp về cô diễn viên trẻ với gương mặt biểu cảm và đôi mắt biết nói Trịnh Huyền. Biết Trịnh Huyền vẫn chưa được "biên chế" ở Nhà hát kịch Quân đội nên khi Đoàn kịch CAND có chỉ tiêu tuyển diễn viên, NSƯT Trần Nhượng đã mời Trịnh Huyền về đoàn và chị trở thành người nghệ sĩ - chiến sĩ mang sắc phục Công an từ đó. Mà đã là chiến sĩ, tức là đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ chức cần đến. Huyền quen dần với những chuyến đi lưu diễn dài ngày, đến những đơn vị ở miền núi xa xôi, quen với việc khuân vác, trang trí sân khấu rồi diễn xong lại tháo dỡ, thu xếp cảnh trí chuẩn bị cho đêm diễn tiếp theo...

Với chiều cao khiêm tốn hơn những bạn diễn khác, trong những năm đầu đến với sân khấu kịch nói CAND, Trịnh Huyền thường chỉ được chọn vào các vai phụ hoặc làm... trẻ con, chạy đi chạy lại trên sân khấu trong các vở "Ngọt ngào trong cay đắng", "Vòng xoáy", "Đối đầu", "Quyết định sinh tử"... Đó đều là những vở diễn tạo được tiếng vang, dư âm tốt và thiện cảm của khán giả đối với kịch nói CAND. Trịnh Huyền có duyên làm... trẻ con đến nỗi các anh chị trong đoàn còn trêu "Mãi chẳng chịu lớn lên gì cả!". Nhưng cũng như nhiều diễn viên, trong thâm tâm Huyền vẫn mong một ngày nào đó sẽ được giao những vai diễn lớn hơn, có chiều sâu tâm lý, có số phận, kịch tính, có "đất" diễn hơn. Và rồi ngày đó cũng đến và thật vui với Trịnh Huyền khi được giao hai vai diễn quan trọng thì cũng đồng thời là hai vai diễn đã đem về cho chị giải thưởng cao quý.

Năm 2014 quả là một năm sôi động đối với Trịnh Huyền. Vừa qua, dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam đã chiếu bộ phim "Đường lên Điện Biên" có sự tham gia của Trịnh Huyền vào vai Mây. Quá trình tham gia "Đường lên Điện Biên" có rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Đóng phim chiến tranh, ngoài sự gian khổ bởi các cảnh quay ở hiện trường toàn nơi đèo heo hút gió, rừng rú xa xôi, mà đôi khi còn cả sự nguy hiểm cận kề.

Nghệ sĩ Trịnh Huyền nhớ có lần đi quay phải ở bản 5 ngày trong cái lạnh thấu xương, không được tắm gội gì, ăn uống cũng kham khổ. Lại có cảnh quay Huyền cùng bạn diễn phải tắm suối trong cái lạnh 6 độ C ở núi rừng Yên Bái khiến bạn diễn của chị đã ngất đi khi kết thúc cảnh quay, còn chị sau đó bị cảm nặng, dù cả hai đã uống rượu gừng và được trùm chăn ngay sau đó. Hơn ai hết, Trịnh Huyền thấu hiểu sự nhọc nhằn, hi sinh của nghề diễn viên chính là những "thước phim đời" không bao giờ xuất hiện trên màn ảnh.

Trịnh Huyền đã hoàn tất khóa học đào tạo ngành đạo diễn cách đây mấy năm. Hỏi khẽ Trịnh Huyền rằng, vì sao đến nay vẫn đi về lẻ bóng, ở nhà công vụ? Huyền ý nhị cười: "Có lẽ là chưa đến duyên. Mình không chỉ chờ đợi mối duyên lành, mà còn tìm kiếm nó ấy chứ! Vậy mà vẫn chưa thấy nó xuất hiện!". Nghệ sĩ Trịnh Huyền đã có được "mối duyên lành" trong công việc, đó là trở thành một nghệ sĩ, một người bạn với các chiến sĩ Công an. Mong một ngày không xa, Trịnh Huyền sẽ tìm được "mối duyên lành" cho riêng mình...

Nguyệt Hà

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文