Chính quyền Seoul-Bắc Kinh căng thẳng vì chương trình tên lửa tầm cao:

Nghệ sĩ giải trí Hàn Quốc bị Trung Quốc tẩy chay

08:02 23/08/2016
Theo NY Times, trong những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành giải trí Hàn Quốc (K-pop). Tuy nhiên, vào ngày 1-8, một số sự kiện âm nhạc và chương trình truyền hình giải trí ở Trung Quốc có sự tham gia của các ngôi sao Hàn Quốc đồng loạt bị hủy diễn. Giá cổ phiếu của một số công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc cũng theo đó giảm mạnh.

Nạn nhân của chính trị

Buổi họp fan tại Bắc Kinh của hai ngôi sao Hàn Quốc Kim Woo-bin và Suzy Bae bị hoãn lại cuối tháng 7-2016 sau khi đơn vị tổ chức chương trình - công ty Youku - nhận được yêu cầu từ Sở Cảnh sát Bắc Kinh. Công ty Youku đưa ra thông báo chính thức cho hay, việc hủy bỏ sự kiện này "nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng tôi".

Ngoài ra, hai buổi biểu diễn của nhóm nhạc EXO dự kiến diễn ra tại Thượng Hải trong tháng 8 cũng bị hủy. Theo nguồn tin trong ngành giải trí Trung Quốc, một số dự án truyền hình hợp tác giữa hai nước cũng bị đình trệ.

Tuy nhiên, một số người trong ngành giải trí Hàn Quốc nhấn mạnh rằng, việc các buổi biểu diễn bị hủy không có gì là bất thường. Các nghệ sĩ lớn của K-pop như Psy và Bi Rain cho biết, vẫn tiếp tục các hoạt động tại Trung Quốc. Thực tế, nhiều bộ phim Hàn Quốc ăn khách và gây sốt ở Trung Quốc hơn cả thị trường nhà: "Hậu duệ mặt trời", "Vì sao đưa anh tới"…

Các bộ phim bom tấn, những chương trình giải trí đình đám tại đại lục hàng thập kỷ nay luôn có sự góp mặt của các sao Hàn Quốc. Việc hủy bỏ các chương trình trong thời gian quan hệ giữa hai nước căng thẳng có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy vậy, một số nhân viên truyền thông ở Hàn Quốc và Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng có một sức ép lớn đằng sau động thái này.

Những sao giải trí Hàn Quốc ăn khách tại Trung Quốc có nguy cơ bị tẩy chay từ chính quyền Bắc Kinh.

Rất có thể K-pop và các chương trình truyền hình Hàn Quốc dường như là những nạn nhân đầu tiên hứng chịu sóng gió tại Trung Quốc, sau khi Seoul cho phép Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ. 

Khi Hàn Quốc tháng 7-2016 chấp thuận cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ của mình, nhiều người nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ trả đũa động thái này bằng các biện pháp kinh tế. Tuy nhiên, những dấu hiệu hiện nay cho thấy thứ mà Trung Quốc đang nhắm tới là dòng nhạc thị trường K-pop và các chương trình truyền hình của Hàn Quốc vốn rất được giới trẻ mến mộ.

Đây không phải lần đầu tiên ngành giải trí Hàn Quốc trở thành nạn nhân của căng thẳng chính trị. Năm 2012, Tổng thống Hàn Quốc khi ấy Lee Myung-bak đến thăm một hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản. Khi căng thẳng gia tăng, các bộ phim dài tập và buổi biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc cũng bị cấm xuất hiện trên truyền hình Nhật Bản.

Giới chính trị Hàn vào cuộc

Giới chức Hàn Quốc cho hay, đang theo dõi sát sao tình hình tại Trung Quốc.

"Chúng tôi đang phân tích tình hình trên nhiều góc độ để xem hành động này có liên quan gì đến việc triển khai THAAD hay không và tùy theo đó có cách đối phó", ông Cho June-hyuck, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận gì. Tuy nhiên, theo một số phương tiện truyền thông Trung Quốc, lệnh cấm các chương trình giải trí và ngôi sao Hàn Quốc nhận được sự ủng hộ lớn từ phía người dân.

"Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hơn bốn phần năm người dân Trung Quốc ủng hộ lệnh cấm các nghệ sĩ Hàn Quốc xuất hiện trong chương trình truyền hình Trung Quốc nếu chính phủ đưa ra quyết định này. Điều đó cho thấy người dân Trung Quốc luôn đặt lòng yêu nước lên trên các ngôi sao giải trí nổi tiếng"- hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã viết. Nếu Hàn Quốc vẫn tiếp tục triển khai hệ thống tên lửa, "việc tẩy chay làn sóng Hàn Quốc tại Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi"- tờ Global Times cảnh báo.

"Thậm chí nếu không có lệnh từ chính phủ, những đài truyền hình kiên cố đó vẫn sẽ chìm nghỉm trong nước bọt của các nhà bình luận trực tuyến".

Căng thẳng cho thấy, Hàn Quốc đang ở vị trí khó xử khi phải đứng giữa Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, và Mỹ, đồng minh quân sự thân cận. Trong những thập kỷ qua, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Hàn Quốc ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi vui mừng trước quan hệ thương mại khởi sắc này, người dân và các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng, Trung Quốc có thể lợi dụng điều trên làm đòn bẩy chính trị nhằm chia rẽ Seoul và Washington.

Cáo buộc từ Trung Quốc

Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng, THAAD đe dọa đến chính lợi ích an ninh của nước này và sự ổn định khu vực. "Việc điều động Hệ thống phòng thủ THAAD mà Mỹ và Hàn Quốc thông báo sẽ "ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích an ninh chiến lược của nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc", AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng trên mạng cho biết.

Theo đó, Trung Quốc kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc dừng quá trình triển khai THAAD, cảnh báo hệ thống không giúp "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang lo ngại việc Mỹ tăng cường sức mạnh tại cửa ngõ nước này.

Hồi tháng 7-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hae từ chối mọi đề nghị của Washington nhằm triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Seoul, ông Tập Cận Bình đã nói với bà Park Genun-hae rằng: "Nếu Mỹ tìm cách triển khai hệ thống THAAD trong lãnh thổ Hàn Quốc với lý do để bảo vệ các binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây thì Hàn Quốc, với tư cách là quốc gia có chủ quyền, cần thực hiện quyền của mình bày tỏ sự phản đối. Và như vậy THAAD sẽ không trở thành một vấn đề giữa Seoul và Bắc Kinh".

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min Koo, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng bày tỏ quan ngại về việc Mỹ có thể triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Còn Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Khâu Quốc Hồng thì cho rằng, việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai THAAD sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương.

Trung Quốc phản đối triển khai THAAD tại Hàn Quốc do lo ngại radar của tổ hợp này có thể giám sát cả các cơ sở quân sự của Trung Quốc. Mới đây, tờ "Thời báo Hoàn cầu" của Trung Quốc cũng ám chỉ: THAAD có thể được sử dụng để chống tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc với Nhật Bản xung quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước đang tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Tổ hợp tên lửa THAAD có phạm vi hoạt động lên đến 2.000km, không chỉ nhằm đến Triều Tiên mà còn có thể vươn đến tận Trung Quốc. THAAD sử dụng phương thức "hit-to-kill" (truy đuổi và tiêu diệt) tên lửa đối phương. Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2, 1 xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC (hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735).

Trong đó, AN/TPY-2 là một radar mạng hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km.

Đáng chú ý là hồi cuối tháng 3 vừa qua, Chỉ huy Bộ Tư lệnh phòng thủ tên lửa và không gian Mỹ (SMDC) David Mann đã lần đầu tiên lên tiếng xác nhận sẽ triển khai 7 khẩu đội THAAD trước năm 2019, trong đó có các khẩu đội tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, Trung Quốc nên thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn để kiềm chế Triều Tiên gây bất ổn khu vực. "Thay vì nói đến hành động phòng vệ đơn thuần của chúng tôi, Trung Quốc nên lên tiếng mạnh hơn với Triều Tiên, nước đang phá vỡ hòa bình và ổn định ở bán đảo và Đông Bắc Á. Họ đã thực hiện 4 vụ thử hạt nhân và riêng năm nay đã phóng hơn 10 tên lửa đạn đạo", Reuters dẫn lời bà Kim Sung-woo, Thư ký báo chí cấp cao của Tổng thống Park Geun-hye, cho biết. Theo bà Kim, truyền thông Trung Quốc đổ lỗi cho Hàn Quốc về việc làm gia tăng căng thẳng ở bán đảo là "không đúng chỗ". Seoul cho hay việc họ làm hoàn toàn nhằm chống lại nguy cơ gia tăng về tên lửa từ phía Bình Nhưỡng và không nhắm đến Bắc Kinh.

Dù chịu sức ép từ Trung Quốc, Triều Tiên (và cả Nga), nhưng giới phân tích cho rằng, Hàn Quốc cần có THAAD vì từ lâu nước này đã bị đe dọa bởi các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm cả thủ đô Seoul với hơn 10 triệu dân, đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

Minh Trường

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文