Người lưu đậm dấu ấn với "Hoa hậu xứ Mường"

08:00 01/09/2014
Tôi đã đọc "Đất Mường" của Phượng Vũ và cảm thấy cuốn văn xuôi dày dặn mang tính hư cấu ấy nhưng lại có hồn cốt của những câu chuyện thật từng xảy ra ở xứ Mường Hòa Bình những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta...

Ông là con trai làng Chản. Làng Chản, một làng lúa đồng chiêm có tiếng thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ), nay nằm trong không gian ngoại thành của Thủ đô Hà Nội. Giấy khai sinh của ông ghi: Nguyễn Phương Tú, sinh ngày 23/7/1937. Năm 21 tuổi, thầy giáo Phương Tú tham gia cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ (tiền thân của Báo Văn Nghệ ngày nay) với truyện ngắn "Người nữ trưởng ga". Truyện ngắn này được in trong Tạp chí Văn nghệ số 21 vào tháng 2 - 1959 và sau đó được trao giải ba. Đây là một cuộc thi truyện ngắn chất lượng với giải nhất thuộc về "Con cá song" của Bùi Đức Ái, "Cái hom giỏ" của Vũ Thị Thường, "Người con nuôi của đơn vị" của Lê Khánh. Giải nhì của cuộc thi là "Chiếc cán búa" của Võ Huy Tâm và "Cái lô cốt" của Châu Diên. Cùng giải ba truyện ngắn với Phượng Vũ là Xuân Thiều với "Dưới hầm bí mật"; Trúc Hà với "Đôi bạn"; Chu Văn với "Con đường lầy"; Vân An với "Nghĩa vụ". Cũng từ đây, thầy giáo Phương Tú với bút danh văn chương là Phượng Vũ đã tạm biệt nghề dạy học, chuyển lên Ty Văn hóa Hà Đông chuyên tâm làm công tác biên tập và sáng tác...

Tôi được chuyển công tác từ Sở Văn hóa - Thông tin Cao Lạng về Sở Văn hóa - Thông tin Hà Sơn Bình vào năm 1977. Đó là thời điểm sau khi sáp nhập tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng; tỉnh Hà Tây, Sơn Tây với Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Khi mới về Sở, tôi được nhận vào Phòng Xuất bản do ông Hòa Phong làm Trưởng phòng. Chỉ một thời gian rất ngắn, có nghĩa là chưa được triển khai công việc nơi môi trường mới, tôi đã được Phó Giám đốc Sở trực tiếp phụ trách khối Văn nghệ là nhà viết kịch Quách Vinh mời lên phòng làm việc của ông. Tại đây, tôi được lãnh đạo Sở bàn giao sang Phòng Sáng tác và người đang ngồi chờ tôi bên cạnh Phó Giám đốc Sở là Trưởng phòng Sáng tác Phượng Vũ. Cả hai ông đều nói với tôi một ý là tôi chuyển sang công tác ở Phòng Sáng tác hợp lý hơn. Còn nhà văn Phượng Vũ sau đó ân cần nói với tôi một câu đầy tình cảm: "Ông về làm việc cùng anh em...".

"Anh em" mà nhà văn Phượng Vũ nói là các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà nghiên cứu: Vân Long, Bùi Thiện, Bế Kiến Quốc, Quách Ngọc Thiên, Phạm Ngọc Chiểu, Lai Vu, Nguyễn Tấn Việt, Đặng Tu, Nguyễn Hữu Thức... Các tác giả trên có người làm việc ở đây lâu dài, cũng có người sau đó chuyển công tác ra Hà Nội nhưng với tôi đều là những người có nhiều kỷ niệm gắn bó. Lúc ấy tất cả họp lại thành một đơn vị hành chính được anh em gọi là Phòng Sáng tác Thơ Văn Nhạc Họa nghe rất tổng hợp với hai công việc chính yếu là lo biên tập bài vở cho tạp chí văn nghệ của tỉnh và lo tổ chức các trại viết cùng các chuyến đi thực tế sáng tác hằng năm. Người "đứng mũi chịu sào" trực tiếp lúc ấy là nhà văn Phượng Vũ, còn "trợ lý" phía dưới là mỗi anh em chúng tôi.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Hoa hậu xứ Mường" của nhà văn Phượng Vũ.

Các chuyến đi thực tế cho công việc sáng tác lúc ấy chủ yếu thường là vùng đất Mường Hòa Bình và miền non nước bên núi Tản sông Đà. Thoạt có cảm giác công việc hành chính như muốn lút đầu những người sáng tác đang làm công việc biên tập là chúng tôi khi ấy. Nhưng đâu phải vậy. Các công việc trên nhiều khi lại như một lực đẩy cho những cảm hứng sáng tạo của mỗi người. Cụ thể là trong chúng tôi, ai cũng ít nhiều có được những sản phẩm văn học cho riêng mình. Một trong những sản phẩm công phu và có sức nặng với nhiều người lúc ấy là tác phẩm văn xuôi của nhà văn Phượng Vũ. Ai cũng nghĩ, với nếp sống mực thước vốn dĩ của một ông giáo, nay lại thêm chức trách quản lí, đầu việc nặng về hành chính như thế thì lấy thời gian đâu mà sáng tác. Vậy mà nhà văn Phượng Vũ vẫn có được hàng trăm trang, rồi nghìn trang văn xuôi nặng đằm cả chất và lượng về một vùng đất núi Hòa Bình giàu bản sắc văn hóa và phong tục của đồng bào dân tộc Mường. Đó là bộ tiểu thuyết "Đất Mường" với hai tập dày dặn có tên riêng là "Hoa hậu xứ Mường" và "Vương quốc ảo ảnh" ra đời năm 1986. Trước đó, năm 1984, NXB Tác phẩm mới đã in "Hoa hậu xứ Mường". Và trước đó nữa, nếu tôi nhớ không nhầm, tác phẩm này đã được in ấn và giới thiệu ở địa phương Hà Sơn Bình, gây được nhiều ấn tượng với người đọc trong tỉnh.

Có người khen chất thơ qua những trang văn viết về cảnh sắc thiên nhiên và phong tục trong tiểu thuyết "Đất Mường" của Phượng Vũ. Đất Mường Vang tôi từng đến, từng ở trong một đợt cùng các cây viết Hà Sơn Bình đi thực tế sáng tác ở Lạc Sơn. Có một buổi chiều làm tôi rung cảm mãi về âm thanh của tiếng cồng ấm nồng lan lan trong lùm cây tre, cây mai đất Mường Vang nổi tiếng với cấu trúc làng bản mang tính nguồn cội và phong tục gần như còn nguyên của văn hóa Lạc Sơn với câu hát ví trong đêm rượu cần nơi lửa sàn trước lúc chia tay mà tôi đã được thưởng thức. Người hát câu ví Mường ngọt ngào ấy là một cô gái Mường với khuôn mặt đẹp hiền lâng lâng men rượu cùng lời nhắn da diết:

Ngày mai anh đã xa Mường
Anh về mang nhớ mang thương theo về.

Lãng đãng như tôi đã là thế, còn với nhà văn Phượng Vũ có nhiều trang văn như vậy về đất Mường chắc nơi này còn quyến rũ ông đến nhường nào.

Tôi đã đọc "Đất Mường" của Phượng Vũ và cảm thấy cuốn văn xuôi dày dặn mang tính hư cấu ấy nhưng lại có hồn cốt của những câu chuyện thật từng xảy ra ở xứ Mường Hòa Bình những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Người con gái Mường đạt danh hiệu hoa hậu trong cuộc thi do người Pháp và chính quyền lệ thuộc tổ chức là có thật. Sắc đẹp và trí thông minh của người đẹp là có thật… Cả những ăn chơi hưởng lạc đậm chất quan lang, cả những cay đắng ngậm ngùi giàu tính thân phận của kẻ có nhan sắc nữa cũng có thể tìm thấy ở trong cuộc sống. Qua câu chuyện của một người đẹp Mường với những nhân vật quyền thế, cũng như dân thường có liên quan ở đời thực đã hóa thân vào "Đất Mường" của Phượng Vũ, làm giàu thêm chất hiện thực và sử thi trong tiểu thuyết của ông.

Không phải là không có lý khi có những nhà nghiên cứu khi kể những tác phẩm văn học có giá trị về đề tài miền núi, ngoài nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của các nhà văn Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Mạc Phi... có tác phẩm "Đất Mường" của Phượng Vũ. Tôi biết có được tiếng vang này đối với "Đất Mường" là những ngày tháng ông cặm cụi với những tư liệu Mường, lịch sử Mường, văn học dân gian Mường, thực tế đời sống của đồng bào Mường. Và những nguồn vốn văn hóa Mường quý báu có được sau khi hình thành tỉnh mới qua đọc tư liệu và tiếp xúc đã giúp anh em sáng tác Hà Sơn Bình chúng tôi có được những thành công về văn học đề tài miền núi, trong đó tác phẩm "Đất Mường" của nhà văn Phượng Vũ là một dấu ấn đáng trân trọng...

Sau truyện ngắn "Người nữ trưởng ga" tươi tắn hình tượng người phụ nữ mới biết vươn lên từ hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, mang hơi thở của thời đại, đến "Đất Mường" là một chặng dài nhiều chục năm của văn xuôi Phượng Vũ. Ông là người biết chia sẻ thời gian vốn nhiều bận rộn cho việc công để chiu chắt cho những đam mê văn học riêng của mình. Nhà văn Phượng Vũ có nhiều năm làm công tác quản lí, từ Trưởng phòng đến Giám đốc Sở thuộc lĩnh vực Văn hóa - Thông tin, từ một hội viên bình thường đến vai trò Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh, cả khi đến tuổi nghỉ hưu ông vẫn còn tiếp tục công tác ở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với chức danh Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.

Nhà văn Phượng Vũ mất năm 2000 khi mới ngoài sáu mươi tuổi, để lại nhiều công việc, nhiều dự định dang dở. Nhớ về ông là nhớ về một người văn chu đáo trong đời sống gia đình, điềm đạm và say nghề, trách nhiệm với công việc chung và đã có những thành tựu nhất định về sáng tác. Sau tác phẩm "Người nữ trưởng ga", ông còn tiếp tục nghiệp văn chương trong nhiều đề tài khác nhau với: "Đất Mường", "Trước cửa Thiền", "Năm người bạn", "Núi Chàng Rể", "Người anh hùng đồng cỏ", "Người mẹ và những đứa con", "Vùng đất có những tên gọi mới"... Đây là những tiểu thuyết, những tập truyện ngắn, bút ký, tiểu luận... nặng đằm công sức của một đời văn Phượng Vũ 

Phan Quế

Chiều  29/5, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Bộ Công an đã tổ chức Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước cho sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại phái bộ UNISFA (Khu vực Abyei) năm 2024.

Liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty TNHH MTV cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV cao su Bà Rịa.., ngày 28/5 Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can là cán bộ của Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (Bộ TNMT) cùng Giám đốc Công ty CP giám định và thẩm định giá… 

Thảo luận kinh tế - xã hội (KTXH) ngày 29/5, vấn đề thị trường vàng làm "nóng" nghị trường đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, đề cập. ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị cần phải có giải pháp mạnh mẽ, nhất là sửa đổi Nghị định 24 để xử lý những bất cập liên quan đến thị trường, không để vàng miếng "làm mưa làm gió" như trong thời gian vừa qua.

UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản số 891/UBND-QH về việc di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) và xã An Hồng (huyện An Dương) ra khỏi khu vực hiện tại, trong đó các nhà máy sản xuất thép chiếm phần lớn diện tích.

Sau nhiều ngày mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai), bị cáo Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) cùng 15 bị cáo khác trong vụ án: “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, chiều muộn 29/5, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Lào Cai đã ra phán quyết đối với các bị cáo.

Ngày 29/5, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, các đơn vị chức năng của Công an tỉnh Lào Cai đã hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để điều tra xác minh danh tính và nguyên nhân dẫn đến cái chết của tử thi tại dãy nhà liền kề xây thô, thuộc tổ 3, phường Bình Minh, TP Lào Cai.

Sau khi tự giới thiệu chức vụ của mình, bị can Đỗ Minh Tâm khẳng định với doanh nhân người Lào sẽ xin giúp họ được hai khu đất ở Hà Nội để xây “Tòa nhà hữu nghị”, qua đó chiếm đoạt 1,8 triệu USD.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Cao su Việt Nam và các đơn vị, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Ngày 29/5, thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua Thường trực Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các lực lượng chức năng đã phát hiện và giao Công an tỉnh tổ chức điều tra, xử lý 6 vụ việc vi phạm trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文