Nguồn gốc cú đá hậu kinh hồn của họ hàng nhà ngựa (thơ Nguyễn Hoàng Sơn)

08:02 23/01/2014

Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn - đúng với cái tên dài dằng dặc của nó - chính là một kiểu lý giải sự việc theo cách đã nói ở trên, thông qua câu chuyện có liên quan đến họ hàng nhà ngựa...

Chú ngựa xưa thuần lắm
Suốt đời ăn cỏ xanh
Nên tính khí hiền lành
Sừng cũng không mọc được! 

Nhưng nhiều khi rất cực:
Hiền nên lắm kẻ trêu
Có cái đuôi mĩ miều
Họ cũng lừa cắt mất! 

Ngựa mất đuôi ấm ức
Về suy nghĩ ba đêm:
"Hiền nhưng không thể hèn
Phải luyện chân cho khỏe"... 

Ấy đầu đuôi là thế:
Hoa hồng phải có gai
Vì quý cái đuôi dài
Ngựa có thêm cú đá! 

Mỗi loài vật tồn tại trên cõi đời này, ngoại trừ một số nét giống nhau (nếu là họ hàng), chúng đều có những đặc điểm riêng để phân biệt. Con này có sừng, con kia có ngạnh. Rồi thì con mọc bờm trên cổ, con trổ mào trên đầu, con dựng bướu trên lưngv.v... và v.v... Hình dáng muôn loài thật phong phú làm sao! Để trả lời cho sự khác biệt trên, các nhà thơ - đặc biệt là các nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi - thường hay mày mò tìm cách lý giải sự thể theo một lối nghĩ làm sao cho thật vui, thật ngộ.

Nếu các nhà khoa học có một cách giải thích phổ biến (cũng gần như duy nhất) là những đặc điểm cấu tạo cơ thể của loài vật thường bắt nguồn từ sự thích ứng với môi trường, thì các nhà thơ lại giải thích sao cho vừa "có vẻ như có lý" lại phải thật "bay bổng", theo kiểu... nhà thơ. Nghĩa là phải phù hợp với trí tưởng tượng và tâm lý tiếp nhận của các bạn đọc nhỏ tuổi.

Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn - đúng với cái tên dài dằng dặc của nó - chính là một kiểu lý giải sự việc theo cách đã nói ở trên, thông qua câu chuyện có liên quan đến họ hàng nhà ngựa.

Một bức tranh ngựa của danh họa Trung Quốc Từ Bi Hồng.

Chắc hẳn các em nhỏ đều biết, ngựa là một con vật khá gần gũi với con người, tuy ở Việt Nam ta, chúng còn phải xếp sau cả trâu lẫn bò về độ "thân mật". Nhưng chúng hay được xuất hiện trong các pho truyện hoặc trên phim ảnh. Đặc biệt cái ngón nghề sở trường của chúng là cú đá hậu thì hẳn nhiều em đã nghe nói, thậm chí còn lấy làm kinh hoàng nữa là khác. Ở những trường hợp như thế, tùy cách đánh giá của mỗi người mà có thể cho rằng con ngựa ấy dũng cảm hoặc chỉ đơn giản là vẫn chưa... thuần.

Nhưng theo cách nghĩ của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn thì:

Chú ngựa xưa thuần lắm
Suốt đời ăn cỏ xanh

Tất nhiên, "ăn cỏ xanh" thì đến bây giờ ngựa cũng vẫn ăn vậy thôi, chỉ có điều là vì "ăn cỏ": "Nên tính khí hiền lành" và bởi vậy "Sừng cũng không mọc được!".

Đọc đến đây, hẳn có em sẽ ngạc nhiên: "Ô hay, ngựa lấy đâu ra mà có sừng". Thì thế, ngựa làm gì có sừng. Nhưng tại sao nó không có mà con trâu, con bò lại có, thì chúng ta phải cùng nhau giải đáp chứ. Có thế mới nên chuyện mà.

Rồi đến cái đuôi. Chẳng từng có con vật cũng loài bốn cẳng như ai, mà đuôi thì ngắn thun lủn, không rực rỡ đuôi công, cũng chẳng mượt mà đuôi chồn, đuôi cáo? Cách giải thích của nhà thơ Hoàng Sơn xem chừng cũng "có lí". Sự đời kẻ hiền thường hay bị bắt nạt:

Hiền nên lắm kẻ trêu
Có cái đuôi mĩ miều
Họ cũng lừa cắt mất

Mà lừa cắt đuôi ngựa thì có gì là khó, khi mà đuôi ngựa phe phẩy phía sau, mắt ngựa lại bổ dọc thẳng băng nhìn phía trước như thế.

Và đó chính là một tình tiết thú vị. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã tìm được cách giải thích tại sao ngựa lại có cú đá hậu bạt vía kinh hồn. Có gì đâu, ngựa có ngón võ phòng bị rất đặc biệt và bất ngờ, là để bảo vệ cái đuôi dài quý báu của mình.

Điều xem chừng có vẻ hợp lý - hợp lý đến như là thường tình ấy - hóa lại chỉ có được khi đầu óc tác giả đã trải qua bao mò mẫm sáng tạo. Phải nói, ở đây, tác giả Nguyễn Hoàng Sơn đã rất dụng công sắp xếp câu chuyện chảy theo trình tự trên. Bài thơ thành công cũng vì lẽ - qua vấn đề mà tác giả đặt ra - các em nhỏ của chúng ta sẽ tin là ở đời đã từng xảy ra những câu chuyện tương tự thế, và đó cũng chính là cổ tích của cuộc sống

Phạm Nhật Linh (chọn và bình)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文