Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Ngẫm ngợi tuổi 60

11:51 05/05/2011
Kỹ tính đến mức khó tính, ngang, thẳng, gàn đến mức triệt để, yêu thì yêu hết lòng mà ghét thì như hắt nước đổ đi, không thèm nhìn mặt... đó là tính cách nhà thơ Đỗ Trung Lai.

Đỗ Trung Lai học các cụ đồ Nho nhạo thói rởm đời, yêu cái tình chân thật, bởi vậy, đang yên vị trong vai trò của một Vụ phó thường trực ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Đỗ Trung Lai xin về hưu trước thời hạn 4 năm để dành trọn vẹn thời gian nghiên cứu Đường thi, vẽ tranh và làm thơ. Ông nổi tiếng với bài thơ đầu tiên trong đời "Đêm sông Cầu" (được nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ thành bài hát "Tình yêu bên dòng sông quan họ"). "Đêm sông Cầu" cũng là tên một tập thơ đã mang về cho Đỗ Trung Lai giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1994.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai kể lại rằng, lúc còn là một cậu học sinh, ông đã rất mê văn chương, thơ phú. Có lẽ do sự ảnh hưởng từ cha ông, một nhà Nho, thầy giáo, thầy thuốc nông thôn. Thuở còn bé, vì là con út nên ông thường được cha ông cho gối đầu lên đùi rồi ru ngủ bằng những bài Đường thi. Lớn lên, Đỗ Trung Lai đã có ý định đi theo con đường văn học nghệ thuật. Thế nhưng cuộc đời luôn có những ngả rẽ bất ngờ. Tốt nghiệp phổ thông, ông được phân vào khoa Vật lý của Trường Đại học Sư phạm (khóa 1968 - 1972). Tốt nghiệp đại học, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông khoác ba lô lên đường nhập ngũ, trở thành lính của Sư đoàn 338, đóng quân ở khu 4 cũ với nhiệm vụ của một người lính thông tin hữu tuyến. Đến năm 1974, ông trở về giảng dạy vật lý tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng.

Vừa đi dạy, Đỗ Trung Lai vừa làm báo, làm thơ. 8 năm sau, ông được điều động về Báo Quân đội nhân dân làm phóng viên. Dường như không thể tránh khỏi mệnh trời, kể từ ngày đó đến nay, nghiệp văn, nghiệp báo luôn đeo đẳng ông, mang lại cho ông nhiều hiển vinh nhưng cũng lắm gian nan, khổ ải. Suốt ngày đóng cửa phòng văn, cặm cụi giấy bút, đôi lúc ngẩng mặt nhìn giời rồi lại cúi xuống mặt bàn chăm chú ghi chép. Cái nghiệp ấy, chẳng phải riêng ông mà bất cứ ai đã trót mê say, cũng gặp phải. Đó là sự khổ ải "giời đày".

Nhà thơ Đỗ Trung Lai khởi đầu nghiệp viết khác hẳn nhiều người: Ông viết kịch thơ 5 màn "Những đêm không ngủ", nói về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên chống Mỹ - ngụy cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Khi hoàn tất bản thảo, ông mang hơn 60 trang tự gõ bằng máy chữ Orbita, đến gõ cửa nhiều tạp chí để gửi. Nơi nào ông cũng nhận được một cái lắc đầu. Người cuối cùng mở cửa chào đón ông không phải ai khác, mà chính là "ông hoàng" kịch thơ Lưu Trọng Lư.

Đỗ Trung Lai nhớ lại: "Năm 1980, tôi cầm bản thảo đến gặp anh Tất Đạt ở Tạp chí Sân khấu thì được anh chỉ đến nhà ông Lưu Trọng Lư ở phố Nguyễn Thái Học. Tôi háo hức đến gặp nhà thơ Lưu Trọng Lư. Vào nhà ông, tôi kính cẩn gửi gắm bản thảo của mình và xin phép ra về. Mấy ngày sau, vào một buổi sáng sớm, tôi quay lại gõ cửa xin gặp ông. Tôi còn nhớ lúc đó, vợ ông đang bưng chiếc mâm đồng mà trên đó có một bát phở cho ông ăn sáng để đi họp ở Hội Sân khấu. Thấy tôi, ông nói ngay: "Nhiều người đưa kịch thơ cho bác đọc, nhưng họ không phải là nhà thơ, họ không thể viết được kịch thơ. Vở kịch của cháu làm bác rất thích". Thế rồi, hai bác cháu ngồi chuyện trò. Ông không ăn sáng mà cũng chẳng đi họp nữa. Ông hứa sẽ in toàn bộ vở kịch thơ của tôi trên Tạp chí Sân khấu và sẽ tìm đoàn dựng nó. Nhưng thật không may, nội bộ Tạp chí Sân khấu có sự thay đổi. Nhà thơ Lưu Trọng Lư nghỉ hưu, những dự định của hai bác cháu không thực hiện được. Đúng lúc bế tắc ấy, với sự giới thiệu của họa sĩ Đức Dụ, tôi mang vở kịch thơ 5 màn ấy tới nhà thơ Duy Khán, biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau khi đọc, nhà thơ Duy Khán "phán": "Cỡ thơ này thì phải đưa đến một "thằng" còn giỏi hơn tao, đó là Phạm Tiến Duật ở Báo Văn nghệ". Đưa bản thảo cho anh Phạm Tiến Duật rồi, nửa tháng sau gặp lại, anh nồng nhiệt siết chặt tay tôi và bảo: "Em ơi! Sao lần đầu mà đã "làm to" thế. Anh nói thật, nó không thua bất cứ một vở kịch thơ hiện đại nào nên nhiều người khoái em là phải. Nhưng họ già rồi. Chúng mình còn trẻ, không viết thế! Lai ạ! Đoản thi mới quan trọng. Anh đố chú viết được thơ ngắn đấy!".

Chỉ vì lời thách đố của nhà thơ Phạm Tiến Duật, "máu nóng" trong người Đỗ Trung Lai như chực trào lên. Sau một tuần, bài thơ "Đêm sông Cầu" ra đời và được in ngay trên trang nhất Báo Văn nghệ, có minh họa rất đẹp của họa sĩ - nhạc sĩ Văn Cao: "Anh qua sông Hồng sông Đuống/ Mùa mưa bọt nước đỏ ngầu/ Không biết ở nơi em ở/ Êm êm một khúc sông Cầu/ Tiếng một con tôm búng nước/ Vó bè ai cất sau lưng/ Sao trời lọt qua mắt lưới/ Rơi đầy xuống cả mặt sông/ Con sông của người quan họ/ Suốt đời nước chảy lơ thơ/ Em ơi! Em là cô gái/ Từ lâu, anh đợi anh chờ/ Em là cô Tấm thảo hiền/ Đến giữa đời anh trẩy hội/ Tình đã trao nhau êm đềm/ Mà vẫn mắt nhìn bối rối/ Sông Cầu khi đầy khi vơi/ Chảy ngang qua câu quan họ/ Ướt đầm vạt áo bao người/ Vạt thương ướt cùng vạt nhớ/ Em nói nhẹ như hơi thở/ Anh nghe để nhớ suốt đời/ Giữ tình yêu như giữ lửa/ Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi!/ Tình yêu có từ phương em/ Đi qua tháng năm chờ đợi/ Tình yêu cũng từ phương anh/ Lửa rừng bồn chồn góc núi/ Tình yêu có từ hai ta/ Chẳng đủ gần mà giận dỗi/ Nhà xa, mặt trận càng xa/ Gặp nhau lần nào cũng vội!/ Ngày mai chắc là nhiều nắng/ Nên sao giăng khắp trên đầu/ Ngày mai chặn miền ải Bắc/ Tựa lưng vào đêm sông Cầu".

"Đêm sông Cầu" ra đời được một năm thì nhạc sĩ Phan Lạc Hoa (bây giờ đã là cố nhạc sĩ) phổ nhạc thành bài hát "Tình yêu bên dòng sông quan họ". Mà, cái sự gặp gỡ này cũng rất tình cờ: Hôm đó nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha đến nhà nhạc sĩ Phan Lạc Hoa chơi. Nhà hết trà, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa chạy đi mua. Pha trà xong, trong lúc chờ trà ngấm, ông cầm tờ báo Văn nghệ gói trà lên đọc và bắt gặp bài thơ "Đêm sông Cầu" của Đỗ Trung Lai. Thế là ông vội vã lấy cây đàn ghi ta của mình ra và nói với Nguyễn Trọng Tạo: "Tôi có bài đối trọng với bài hát của anh rồi" (hồi đó nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có bài "Làng quan họ quê tôi" phổ thơ Nguyễn Phan Hách rất nổi tiếng). Một tuần sau, bài hát đã hoàn tất và được ca sĩ Thanh Hoa thu đĩa năm 1982. Cũng năm ấy, ca sĩ mang bài này đi tham gia Liên hoan Nhạc nhẹ quốc tế ở Lahabana, Cuba.

Sau khi xin nghỉ hưu với chức Phó tổng biên tập thường trực của Báo Tiếng nói Việt Nam, nhà thơ Đỗ Trung Lai có nhiều thời gian hơn để thực hiện những kế hoạch của đời mình. Ông chọn dịch thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… và in thành 3 cuốn. Với một tình yêu Đường thi được nhen nhóm từ thuở nhỏ, Đỗ Trung Lai luôn coi việc dịch và truyền bá Đường thi là công việc lớn ngang với việc làm thơ của mình. Hiện tại, ông đang chọn dịch 100 nhà thơ Đường xuất sắc sau Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và sẽ in thành một tuyển tập dày vài nghìn trang. Song song với thơ ca, ông trải lòng mình với hội họa. Chính hội họa là thứ vừa giúp ông giải tỏa được cái tôi cá nhân, vừa giúp ông kiếm tiền để nuôi sống vợ con. Ít ai biết rằng, căn nhà ông đang ở hiện tại được xây bằng tiền bán tranh qua nhiều năm trời ròng rã đóng vai một "tay chơi" màu sắc.

Làm nhiều nghề để kiếm sống, nhưng với nhà thơ Đỗ Trung Lai, thơ ca vẫn là thứ quan trọng nhất. Đối với ông, nhà thơ không phải là người có thể viết ra những câu thơ mà là người không thể không viết ra những câu thơ, khi trong lòng không có thơ thật, thì đừng ép mình làm thơ làm gì. Làm như thế là tự lừa mình, và sau đó là lừa độc giả. Bởi vậy, sau một thời gian ngừng in thơ, Đỗ Trung Lai viết tiểu thuyết, bút ký. Có những cuốn sách viết cho riêng mình, ông không bán mà chỉ để tặng bạn bè: "Vilolang - Thời thơ ấu của chàng Lau Sậy" là một cuốn tiểu thuyết in tốn nhiều tiền, nhưng Đỗ Trung Lai chỉ dành để tặng những người mà ông trân trọng, yêu quý chứ không bán! Sắp tới đây, nhân Quốc khánh Israel, Đại sứ quán Israrel tại Hà Nội sẽ in tuyển tập những bài bút ký, ghi chép trong chuyến ông dẫn đầu đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam sang thăm Israel năm 2010 vừa qua. Ông bảo: "Lại có món quà quý tặng bạn hữu rồi!".

Đỗ Trung Lai là một người kỹ tính. Ông ngang tàng và thường không bao giờ chịu ngồi yên trước những điều bất bình. Cũng chính vì tính khí thẳng thắn của mình, ở một phần nào đó, Đỗ Trung Lai là một người kén bạn, ít bạn. Nhưng có lẽ, nếu ai gần gũi ông sẽ nhận ra rằng, đằng sau cái dáng vẻ cứng cỏi, cao lớn của một ngoại hình rắn rỏi vì thường xuyên tập luyện thể thao, đằng sau cái vẻ khảng khái, quyết liệt ấy là một tâm hồn thơ lãng mạn, rất dễ bị tổn thương. Những vần thơ buồn về sự cô đơn, mỏng manh của kiếp người trước tạo hóa chiếm dung lượng lớn trong thơ ông. Thơ Đỗ Trung Lai có triết lý sâu xa, ngôn ngữ hàm súc, hình ảnh phong phú. Nhiều lúc ông tưng tửng đến kiêu ngạo, nhưng, cái lõi tâm trạng của ông vẫn là một nỗi buồn nhân thế. Trong "Bài ca tuổi sáu mươi", Đỗ Trung Lai viết: "Sáu mươi lần nhạn đến/ Sáu mươi lần nhạn đi/ Nhạn theo bầy vui thế/ Người sao thường phân ly/ Sáu mươi rằm tháng Bảy/ Mõ chùa kêu vô thường/ Biết nghĩ rồi mới biết/ Vong hồn càng đáng thương/ Sáu mươi rằm tháng Tám/ Ngửa mặt trông trăng tròn/ Không ai như thằng Cuội/ Vạn cổ vẫn trẻ con/ Thanh minh sáu mươi bận/ Đạp thanh sáu mươi lần/ Sáu mươi mùa giăng mắc/ Với Thúy Kiều, Thúy Vân/ Sông Đáy thì cũng thế/ Sáu mươi mùa vơi đầy/ Này, sáu mươi năm nữa/ Ta thề không về đây/ Từ lúc ta đầu thai/ Nay đã tròn Hoa giáp/ Vừa mới khóc chào đời/ Nay đã sầu tóc bạc", để rồi lại thức trắng đêm trong phòng văn, tựa lưng vào con sông Cầu ám ảnh từ thời tuổi trẻ, trong một lúc mơ màng nghĩ về Thăng Long hoa lệ, ông nhận ra rằng: "Có một Thăng Long thương nhớ/ Người đi mở cõi mơ về/ Có một Thăng Long thon thả/ Khép hờ vạt áo ngoài kia"…

Trần Hoàng Thiên Kim

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam cùng với cuộc chiến giành độc lập của Algeria kết thúc năm 1962 và trận Cuito Cuanavale của liên quân Cuba-Angola năm 1988 là những chiến thắng vang dội nhất trong thế kỷ XX chống lại chế độ thực dân châu Âu. Chiến thắng này là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文