Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Vẫn nguyên chất lính giữa ngày và đêm

08:55 15/12/2017
Tôi đọc thơ Phạm Sỹ Sáu từ lâu, và đôi lần định dùng cái tuổi trẻ sôi nổi của mình để viết về những câu thơ oi ả của anh, nhưng lần lữa mãi chưa thực hiện được. Rồi bỗng một ngày, khi bản thân có cảm giác sự già nua đang ám ảnh, tôi chợt thấy những tâm tình giản dị của Phạm Sỹ Sáu thật đáng trân trọng!


Sau gần 10 năm không in thơ, Phạm Sỹ Sáu tái ngộ độc giả bằng trường ca “Giữa ngày và đêm” do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành. Vẫn cùng mạch đập cảm xúc với các tập thơ đã làm nên tên tuổi Phạm Sỹ Sáu như “Điểm danh đồng đội”, “Chia tay cửa rừng” hoặc “Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ”, trường ca “Giữa ngày và đêm” ngập tràn hồi ức lính trận: “Ba lô hai mươi ký nặng vai/ Thở hì hà hì hục/ Mồ hôi đẫm áo như vá chằng vá đụp/ Mồ hôi rơi nhòe tóc, ướt lông mày/ Mồ hôi tràn ướt đẫm cả chân tay/ Những chàng trai không quen lửa đạn/ Những chàng trai chiến trường chưa có ngày dày dạn/ Lại vào rừng, vào rừng/ Về với đồng bưng, trảng nước”.

Những người lính tình nguyện Việt Nam cuối cùng rời khỏi Campuchia đã hơn 20 năm rồi. Bom đạn, mất mát và kiêu hãnh một thời vẫn còn in đậm trong ký ức của bao gã trai chất ngất gian lao và tự hào, mà Phạm Sỹ Sáu là một gương mặt được nhiều người nhắc đến nhờ những câu thơ ghi lại năm tháng khó quên đó.

Tôi đọc thơ Phạm Sỹ Sáu từ lâu, và đôi lần định dùng cái tuổi trẻ sôi nổi của mình để viết về những câu thơ oi ả của anh, nhưng lần lữa mãi chưa thực hiện được. Rồi bỗng một ngày, khi bản thân có cảm giác sự già nua đang ám ảnh, tôi chợt thấy những tâm tình giản dị của Phạm Sỹ Sáu thật đáng trân trọng!

Thơ Phạm Sỹ Sáu có thế mạnh ở khẩu khí, nếu đọc vang lên trước đám đông sẽ thăng hoa vẻ đẹp hào sảng và giục giã của những “bài hành tráng sĩ mới” rộn rã theo bước chân người lính trẻ:

Sông Dịch nào rộng bằng sông Mê – kông
Sóng Mê-kông sao bằng sóng ở trong lòng
Tráng sĩ chừ lên rừng biên giới
Lá thư nhà thành nỗi chờ mong.

Chính vì vậy, không chỉ có trường ca “Ra đi từ thành phố” mà hầu hết thơ Phạm Sỹ Sáu đều có đặc tính càng dài càng thú vị. Giống như vóc dáng đường bệ của tác giả, thơ Phạm Sỹ Sáu khá nở nang về câu chữ và chi tiết, nhất là khi muốn thể hiện sự chân thành.

Ví dụ, bài thơ “Điểm danh đồng đội” mộc mạc ngay cả lối xưng hô và chia sẻ: “Hãy sắp hàng vào cho tao điểm danh/ Những thằng lính ở miền xa rất trẻ/ Hãy sắp hàng vào để nghe tao kể/ Chuyện đánh nhau và chuyện… yêu nhau/  A! Có thằng nào còn mang băng trắng trên đầu/ Tiến một bước, nếu thấy còn chỗ trống/ Đừng băn khoăn nếu có thằng hy sinh và thằng… chạy trốn/ Còn lại tụi mình thì vẫn cứ thương nhau”.

Hoặc bài thơ “Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ” cũng đầy tếu táo: “Mai mày về với người yêu trong tay/ Hãy hôn giùm tao những nụ hôn đời lính/ Hãy nói giùm tao trong phút giây trầm tĩnh/ Rằng: cám ơn nàng đã yêu lính biên cương”.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam thế kỷ XX thấy nặng trĩu ám ảnh chiến tranh. Thi ca dự phần vào số phận dân tộc và sản sinh hàng loạt nhà thơ mặc áo lính. Khác với những nhà thơ mặc áo lính thời chống Pháp và chống Mỹ, những người lính tình nguyện trên đất bạn Campuchia như Phạm Sỹ Sáu có một giọng điệu mới mẻ hơn khi xuất hiện bằng một hình ảnh khác:

Có lớp lính vừa qua tuổi Đội viên, lông tơ còn trên mặt
Còn làm nũng, giận hờn rất đỗi hồn nhiên
Những đồng đội khi tham gia trận đánh đầu tiên
Còn bật khóc khi thấy người bên cạnh mình ngã xuống
Gặp con gái Campuchia cười tay chân còn luống cuống.

Tâm trạng chung thường gặp ở những câu thơ viết trên tuyến lửa là nhớ nhung, mong ngóng, phập phồng, chia ly. Muốn định vị một khuôn mặt thơ, Phạm Sỹ Sáu đã chọn được một tần số cảm xúc riêng: “Chúng tôi ở rừng như người ở chịu/ Mắc nợ thì nhiều mà trả được bao nhiêu”. C

ứ vin vào món “nợ” ấy, Phạm Sỹ Sáu bồn chồn viết những câu thơ vun vén hành trang đời mình, lúc “Ở phương này” lặng lẽ “Ở phương này mây từ hướng Nam. Chiều bay lên rừng mù sương lam. Đêm anh ngồi gác trên hầm chốt. Thấy đất nước gần trong tay ôm”, và lúc “Mùa mưa đời lính đi qua” chầm chậm: “Rừng biên giới sâu vẫn vang tiếng cười/ Mà nỗi nhớ cháy trong lòng lính trẻ/ Mưa đã làm lành những con đường đất nẻ/ Cho chúng tôi chân không bì bõm lội đi tuần”.

Đọc thơ Phạm Sỹ Sáu không chỉ để hiểu đời lính mà còn để tham khảo dữ liệu chiến tranh. Trong bối cảnh mong manh giữa sống và chết, thi ca thường mang lại nhiều thông tin chuẩn xác. Đây là một thông tin “Có ngày không kịp nói một câu tiếng Việt/ Cứ ngỡ mình xa nước đã lâu năm”.

Đây cũng là một thông tin “Trăng đêm nay sáng hơn/ Bởi nụ cười rất xinh của cô gái vừa thoát khỏi đám cưới tập trung/ Từ nay được làm người/ Và được quyền làm vợ”. Và đây cũng là một thông tin “Đường phố tươi những chiếc váy hoa/ Tươi gương lược phấn son một thời quên lãng”.

Nhờ những thông tin chuyển tải qua thi ca, tôi và độc giả hôm nay mới có thể thấy chặng đường những người lính tình nguyện Việt Nam đã đi qua, từ ngày tháng cam go đến những giây phút thắng lợi. Cầm súng và làm thơ, cả hai nhiệm vụ đều có giá trị ngang nhau đối với một người lính như Phạm Sỹ Sáu. Anh đã phải viết hàng loạt câu lục bát chênh vênh “kỷ niệm xôn xao” để khắc họa một “ánh mắt liếc cháy buổi trưa”, như từng trải nghiệm bao khoảnh khắc căng thẳng mới gặp được bình yên.

 Thơ Phạm Sỹ Sáu không lấp lánh bởi nghệ thuật ngôn từ cũng không sắc sảo bởi phương pháp ẩn dụ. Phẩm chất thi sĩ của Phạm Sỹ Sáu được bồi đắp bởi tâm hồn người lính. Với một “Chùm hoa trước khi vào trận”, Phạm Sỹ Sáu viết: “Có một phút giây bình yên/ Trước giờ bước vào trận đánh/ Mỗi người cảm thấy bên cạnh/ Hoa đỏ nhìn mình trang nghiêm”. Hai chữ “trang nghiêm” không phải cái nhìn thường nhật cõi nhân sinh, mà là cái nhìn định mệnh của thi ca. Không thể nói khác hơn, chính hai chữ “trang nghiêm” của người lính đã chuyển mấy câu tường thuật đơn sơ thành những câu thơ ấm áp!

 Có người từng hào hứng nhận định: Phạm Sỹ Sáu là một Phạm Tiến Duật của chiến trường Campuchia! Tôi không phủ nhận ý kiến ấy, nhưng ngoài nung nấu giữ gìn khúc ca người lính, thơ Phạm Sỹ Sáu còn chất chứa nhiều suy tư “anh hiểu nhiều về bóng đêm, nên cần ngọn đèn soi tỏ”.

Đọc thơ Phạm Sỹ Sáu, luôn bắt gặp anh lính mê mải hát ca trên những vùng đồi rình rập hiểm nguy, nhưng đôi khi cũng nhìn thấy anh lính dằn vặt vì những được mất không của riêng mình: “Những người lính vào rừng tìm tượng Phật cho dân/ Máu vẫn đổ cho chuông chùa ngân vang trầm quyện”. Ở những góc khuất trống vắng, Phạm Sỹ Sáu thả những ý nghĩ bay thật xa giúp thơ anh có thêm chiều kích:

Cuộc sống nổi trôi với bao điều nghiệt ngã
Dễ vượt qua hơn hiểu một nụ cười
Đêm xôn xao khi tiếng súng vọng góc trời
Trong bóng tối chợt thấy Bay-on cười rạng rỡ.

 Mặc áo lính năm 21 tuổi, từ khi nhập ngũ mùa xuân 1977 đến nay, Phạm Sỹ Sáu đã tích lũy được hàng trăm câu thơ ân nghĩa với đồng đội, với thời cuộc, nhưng dấu ấn của anh vẫn nằm ở những câu thơ viết trên xứ sở Chùa Tháp những ngày tình nguyện: “Chắc đất nước Khơ-me từ nghìn xưa đã ấm no/  Nên hàng nghìn Áp-xa-ra trong đền không cô nào yếu ốm/ Bất chợt tôi nghĩ đến những nàng Hai, cô Tám/ Chỉ sống trong dân gian, không được ở đền đài/ Chưa có phù điêu tạc dáng những chàng trai/ Đi giữ nước mà trong lòng – nhớ nước/ Bao thế hệ hành quân ra phía trước/ Có thế hệ nào giữ- nước-từ-xa không/ Câu hỏi làm tôi thổn thức nỗi lòng/ Càng thổn thức khi đứng trước đền Ăng-ko-vát”.

Sở dĩ tôi tin những câu thơ này tiêu biểu nhất cho Phạm Sỹ Sáu vì thi ca chỉ bùng nổ khi người viết biết phân vân giữa cái phổ phát và cái khác biệt vừa trừu tượng vừa mệt mỏi, để từ đó cất lên tiếng nói gan ruột “thành phố mình dư nhiều bài hát bâng quơ/ mà thiếu một khúc ca vinh danh người quả phụ”.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu quan niệm: “Sống và viết về thế hệ mình, viết cho tốt, có thể là một đóng góp nho nhỏ của bản thân vào sự nghiệp to lớn của nhân dân anh hùng. Và có thể cũng trả dần được món nợ thiêng liêng đối với đồng đội, với dân tộc trong cuộc chiến tranh bị lãng quên sau ngày 30 tháng 4 năm 1975”.

Vì vậy, trong tác phẩm mới nhất là trường ca “Giữa ngày và đêm”, Phạm Sỹ Sáu tiếp tục mạch nguồn rung động của một người từng đi qua lằn ranh sống chết biết cách nâng niu cuộc sống hôm nay: “Quê xưa đã xa ngút ngàn/ Quê xưa giờ đã tan hoang hết rồi/ Chi bằng bèo dạt mây trôi/ Cứ theo về hướng có người dừng chân/ Phum ven đường, phum xa xăm/ Khi chân đã mỏi thì thân nhân là/ Người đồng hành quãng đường xa/ Chia nhau miếng nước, miếng cà, miếng canh/ Chia nhau miếng đường để dành/ Chia nhau cả những tâm tình, chia nhau/ Nhận thân nhân, nhận đồng hao/ Nhận chung phận kiếp dãi dầu từng qua/ Trở về, giờ trở về nhà/ Không còn ai, miễn còn ta, còn mình/ Còn người chung kiếp nhân sinh/ Bắt tay xây dựng đời mình từ đây”. 
Lê Thiếu Nhơn

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, sáng 9/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, vừa hoàn tất thủ tục tiếp nhận 3 trường hợp nguyên Đội trưởng quản lý bảo vệ rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc đến đầu thú, giao nộp số tiền đã nhận hối lộ.

Dự án Kè bờ sông Cần Thơ – Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng chưa đưa vào khai thác sử dụng đã xảy ra tình trạng nứt dọc cục bộ tại một số vị trí bê tông lót vỉa hè phía sau kè.

Với 2 pha lập công chỉ trong chưa đầy 3 phút, Real có màn ngược dòng ấn tượng trước Bayern trong trận đấu bán kết lượt về Champions league 2023/2024 diễn ra sáng 9/5.

Trữ lượng đất làm vật liệu san lấp công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khá lớn. Tỉnh này đã quy hoạch hàng chục mỏ đất để khai thác đất đắp, san lấp công trình nhưng do vướng thủ tục cấp phép nên không thể khai thác. Thiếu đất đắp, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh này đang chậm trễ tiến độ.

Bộ Công Thương cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 17 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng có 10 lần tăng và 7 lần giảm giá, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa có 9 lần tăng và 8 lần giảm giá, mặt hàng dầu mazut có 12 lần tăng và 5 lần giảm giá.

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/5 (giờ địa phương) nhấn mạnh sẽ không cung cấp vũ khí tấn công mà Israel có thể sử dụng để tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào Rafah, thành phố ở phía Nam Gaza, vì lo ngại cho sự an toàn của hơn 1 triệu thường dân đang trú ẩn ở tại đây.

Những đứa trẻ chúng tôi gặp ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đều mang trên mình nỗi đau căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) – căn bệnh phải truyền máu và uống thải sắt suốt đời. Nhiều người không được phát hiện và điều trị sớm xương mặt đã biến dạng. Điều đáng buồn là mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 trẻ chào đời mắc căn bệnh này.

Tình hình nhân đạo tại dải Gaza hiện nay được giới chức châu Âu đánh giá là "vô cùng tồi tệ và nguy cấp" khi cửa khẩu chính Rafah - nơi tiếp nhận hàng hoá viện trợ đã tê liệt, sau khi bị lực lượng phòng vệ Israel chiếm quyền kiểm soát. Trước những diễn biến khó lường, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và cộng đồng quốc tế đang hy vọng vào những nỗ lực ngoại giao con thoi của các bên có ảnh hưởng, nhằm can thiệp, gây sức ép làm giảm căng thẳng tại khu vực này.

Hành trình tìm kiếm vé dự Olympic Paris 2024 của đội đấu kiếm Việt Nam đã dừng lại vào cuối tháng 4 vừa qua sau vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Không có tuyển thủ Việt Nam giành vé tham dự Olympic 2024 từ vòng tranh vé này đồng nghĩa đấu kiếm Việt Nam thêm một lần hụt bước, lỡ hẹn với đấu trường Olympic.

Mưa rào và dông, cục bộ mưa to được dự báo diễn ra ở Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc trong ngày hôm nay, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 90mm. Nam Bộ ngày nắng nóng, nhiệt trên cao trên 36 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文