Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Tất cả đều phải đúng quy luật

08:00 07/06/2013

Sau thành công của hai cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chính trị nổi tiếng "Luật đời và cha con" (đã chuyển thể thành phim nhiều tập: "Luật đời") và "Lửa đắng", nhà văn Nguyễn Bắc Sơn vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội "Gã Tép Riu". Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn xung quanh việc ra đời cuốn tiểu thuyết nói trên và nhiều vấn đề mà ông quan tâm...

- Thưa nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, vì sao ông chuyển sang viết tiểu thuyết tâm lý xã hội mà không tiếp tục mạch đề tài đang thu hút sự chú ý của công luận?

+ Đã viết về đề tài chính trị thì phải có "máu" chính trị. Mạch chính trị vẫn rần rật trong huyết quản tôi. Tôi có tặng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu "Lửa đắng"; đã có một buổi trò chuyện với cụ. Chắc anh có đọc "Hai giờ với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu" trên Báo Văn nghệ. Cuộc trò chuyện ấy chả mấy đả động đến văn chương, chỉ những chính trị là chính trị. Nhưng cụ Phiêu cũng có khen "Lửa đắng" một câu và có mấy câu nhận xét ghi trong cuốn sách (tôi có chụp lại), nhưng cũng dưới góc nhìn chính trị, đạo đức. Tất nhiên!

- Ông có lẽ là người đầu tiên trong các nhà văn Việt Nam đưa nhân vật Tổng Bí thư vào tiểu thuyết, cùng với những luận đàm, luận điểm ở tầm vĩ mô. Điều này được dư luận và giới phê bình đánh giá cao. Sao ông không tiếp tục thế mạnh ấy?

+ Chả cần có con mắt xanh thì nhà báo cũng nhận ra trong bộ tiểu thuyết ấy, gần như tất cả những vấn đề xung quanh cơ chế, thể chế đang được trao đổi, thảo luận, hội thảo, góp ý kiến cho việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay đều được tôi xa gần thể hiện. Chỉ có điều nó được thể hiện có chừng mực, mức độ như một sự gợi ý thôi. Bây giờ nếu tiếp tục cái mạch ấy thì phải đẩy lên nữa, phải đi đến cùng, mà xã hội lại chưa có tâm thế để giải bài toán tổng hợp ấy. Lại cứ phải giải dần dần từng con tính một. Thế nên phải tạm dừng lại đã. Tôi lại sưu tầm được một mớ tư liệu về gái mại dâm. Đang nghĩ cách sử dụng thì nhà văn Ma Văn Kháng khuyên đổi mới đề tài, cũng là đổi mới mình. Thế là nghiền ngẫm, ngâm ngợi, lên đề cương cho một cốt truyện.

- Tôi nhớ ra rồi, có tác giả còn chê ông là… nhút nhát.

+  Nhút nhát chứ không hèn nhát, đúng không?

-  Thật ra trên đời, ai cũng phải biết sợ một cái gì đó.

+  Điều tôi sợ nhất: Mình không còn là mình.

- Nhân vật Tùng trong "Gã Tép Riu" cũng có tâm trạng ấy và hình như công việc của Tùng là công việc của ông một thời ở cương vị quản lý báo chí xuất bản ở Hà Nội.

+ Chính xác. Các vụ việc trong "Gã Tép Riu" như tôi đã nói trước khi vào sách là đều có thực, đều diễn ra trong vòng hai mươi năm trở lại đây. Giờ vẫn còn nhân chứng. Trong tay tôi vẫn còn nhiều vật chứng. Chỉ có quan hệ giữa Tùng và hai người đàn bà trong sách là không có thật, là hư cấu hoàn toàn. Có một lần ngồi với nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, anh ấy bảo, sao những truyện hay như thế mà anh không viết ra. Hồi ký thì chưa phải lúc, hay là… tiểu thuyết? Sao không được nhỉ, vấn đề là phải làm sao biến những chuyện có thật ấy thành những chất liệu tiểu thuyết. Thế là tôi bắt tay vào chuyện chính của mình nên viết rất nhanh. Nhưng anh Hoan bảo toàn những cảnh nội, không có cảnh ngoại. Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì bảo: "Một cuốn phim thì cũng phải có tiểu cảnh, đại cảnh chứ!".

-  Ông nhờ bạn bè đọc bản thảo góp ý kiến à?

+ Cuốn thứ nhất thì không nhờ ai. Đến cuốn thứ hai thì nhờ một, hai người. Đến cuốn này thì nhờ nhiều người. Bao nhiêu bạn tốt, nhiều người kinh nghiệm đầy mình sẵn sàng…phán bảo. Văn mình vợ người, phải để người ngoài phán mới khách quan. Nhưng phải có bản lĩnh mới không "đẽo cày giữa đường". Cái gì cho là đúng thì mình nghe, không thì "đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cày… đợi ngày."- Nhạc Phạm Duy thời chống Pháp đấy. Nhà văn Ma Văn Kháng từng khen: "Chương 1 "Lửa đắng" là những trang văn đạt đến độ chuẩn. Nó gieo điệu nhạc cho cả cuốn. Nó chuẩn bị hành trình dằng dặc cho các nhân vật, sự kiện" thì lần này anh chê: "Ai lại mở thế. Dở quá!". Ông thầy, ông anh, ông bạn đồng môn làm tôi mất mấy ngày mới viết được cái mở phù hợp. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường thì chê cái tên "Tùng tép riu" cứ như chuyện thiếu nhi ấy. Thế nên tôi mới đặt là "Gã Tép Riu" và bỏ chục trang nhật ký của Lâm. Rồi nhớ đến ý kiến của đạo diễn Phi Tiến Sơn trong buổi giới thiệu "Lửa đắng" mấy năm trước, tôi làm nhòe hẳn nhân vật "chú ấy". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì bảo phải làm cho sự đối nghịch giữa hai người đàn bà tăng lên, để Tùng như đứng trước một sự lựa chọn ấy. Ý này rất phù hợp với ý của nhà phê bình Chu  Thị Thơm là phải làm cho Diệu Thủy "xấu" hơn nữa, bây giờ loại đàn bà dùng "vốn tự có" để ngoi lên nhiều lắm. Thế là tôi "bôi" cho Diệu Thủy đen thêm, "tô" cho Dự trắng thêm. Sách ra, nhà văn Tô Đức Chiêu trong một bài viết trên Báo Văn nghệ thì chê tôi chưa đẩy Thủy đến tận cùng của cái ác, cái xấu. Nhưng tôi nghĩ, loại cán bộ như thế chỉ ác đến thế là thuận với logic cuộc sống. Thậm chí ở chị ta vẫn còn chút tự trọng nên đã thừa nhận trước tòa về mấy chi tiết mà kẻ tha hóa đến tột cùng có thể chối phắt đi. Chả sao! Nhà văn Trung Trung Đỉnh có lần viết, "nghề văn là nghề của bạn bè", ngẫm ra thật đúng.

- Ông nói mối quan hệ của Tùng với hai người đàn bà là hoàn toàn hư cấu. Việc để Thủy (vợ Tùng), người đàn bà hãnh tiến, nghiện quyền lực như nghiện ma túy, làm Phó Chủ tịch UBND quận rồi Vụ phó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cuối cùng lên đến Thứ trưởng thì rõ là hư cấu nhằm đạt được ý tưởng sáng tác rồi. Thế còn Dự? Làm sao ông biết lắm chuyện của gái mại dâm thế? Và ông cho Tùng lấy Dự, liệu có gây phản cảm không?

+ Trời ơi, xem con người, phải nhìn vào bản chất tâm hồn chứ, thân xác chỉ là cái vỏ bề ngoài thôi. Bẩn thân xác thì gột rửa sạch được, chứ bẩn tâm hồn thì khó lắm lắm. Tôi đã để cho Tùng đến với Dự trong một quá trình tự nhiên như cuộc sống. Và, như nhà báo cũng thấy, sự lựa chọn của Tùng là đúng đấy chứ? Hành động của Thủy giữa tòa lúc kết chuyện chả nói lên điều ấy sao?

- Cách nhìn của nhà văn về gái mại dâm có vẻ thoáng nhỉ?

+ Không phải là thoáng mà là đúng với quy luật. Cái gì không đúng quy luật thì tài thánh cũng không thể giải quyết được. Trong "Luật đời và cha con" và cả trong phim "Luật đời" (chuyển thể từ đấy) đã thể hiện rõ quan niệm của tôi: Mại dâm là một hiện tượng xã hội. Ăngghen trong "Nguồn gốc gia đình, xã hội và thần thánh" đã chỉ ra rằng: Ngoại tình và mại dâm là phái sinh tất yếu của chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Chế độ của ta đang thể hiện cái nhìn thực tế và nhân bản về hiện tượng này. Bây giờ các đối tượng mại dâm không bị bắt đưa vào những trung tâm giáo dục xã hội nữa mà chỉ bị phạt hành chính. Đến một lúc nào đó sẽ phải quản lý và kiểm soát nó.

- Vậy là việc này nhà văn có một dự báo đúng.

+ Còn nhiều việc khác nữa chứ. Vấn đề nhất thể hóa chức danh bí thư và chủ tịch chẳng hạn, rồi vấn đề thi tuyển công chức nữa. Ngay trong "Gã Tép Riu" tôi cũng nêu vấn đề các đền chùa đặt nhiều hòm công đức sẽ phải quản lý ra sao, sử dụng thế nào, và phải đóng thuế nữa chứ. Đã có nguồn thu thì phải đóng thuế. Cá nhân còn phải làm nghĩa vụ ấy huống hồ là đền chùa.

-  Sợ rằng nhất thể hóa có nguy cơ độc đoán, chuyên quyền?

+ Tuyệt đại đa số các nước đều đã làm như thế! Có điều, họ xây dựng được một cơ chế để anh không tự tung tự tác được. Ở ta cũng có ý kiến đề xuất trên báo chí nhưng có lẽ cần phải có bước đi thận trọng, chuẩn bị chu đáo hơn chăng?

- Qua "Gã Tép Riu", nhà văn muốn gửi đi thông điệp gì?

+ Tôi cũng không ảo tưởng gì nhiều. Bảo về thể loại thì tiểu thuyết là trọng pháo. Tôi chả dám mơ thế. Lại còn nghĩ, không khéo… tôi chỉ bắn súng chỉ thiên, chọc gậy xuống nước thôi. Nhưng quả thật khi viết có nghĩ đến những người trí thức đích thực đã vượt qua nỗi sợ hãi bị cô lập. Bằng vốn hiểu biết giàu có, tư duy sắc sảo, óc hài hước, họ đã sống hữu ích cho xã hội. Nhân vật Tùng đã sống đúng bản chất trí thức của mình. Diệu Thủy là hình ảnh một bộ phận cán bộ càng leo cao lên ghế quyền lực thì phẩm hạnh càng đi xuống. Dự là mẫu nhân vật bị cuộc sống xô đẩy đến bước đường cùng vẫn cố gắng vươn lên tìm chỗ đứng dưới ánh mặt trời.

- Dưới góc nhìn của nhà văn, chúng ta cần làm gì để đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc?

+ Đơn giản vô cùng, mà cũng khó khăn vô cùng, chỉ mỗi một điều: Tất cả đều phải đúng quy luật: Làm đúng quy luật, chơi đúng quy luật, ứng xử đúng quy luật. Một người cũng thế! Một đất nước cũng thế!

- Sau "Gã Tép Riu" ông dự định sẽ viết gì?

+ Nhà phê bình Bùi Việt Thắng có một bài viết nhan đề "Bi kịch lạc quan" là đã đi guốc vào bụng tác giả. Tùng mất nhiều thứ nhưng không mất hết. Anh vẫn giữ được bản chất, bản lĩnh, bản tính, bản ngã của mình. Anh đã có Dự và Dự đã có thể ngẩng đầu nhìn mọi người. Diệu Thủy vẫn được nâng đỡ, không biết có còn lên nữa không, nhưng trên ghế Thứ trưởng phụ trách tổ chức chắc sẽ tha hồ tung hoành ngang dọc. Mà tổ chức cán bộ là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều tiêu cực, tham nhũng nhất - theo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đấy nhé. Còn Dự, đường đời đã rộng mở rồi. Vì thế sẽ có "Gã Tép Riu" tập 2.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Bắc Sơn về cuộc trò chuyện này

Cao Minh (thực hiện)

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文