Nhà văn Nguyễn Khắc Phê: Đậm đà nếp sống nho gia

09:30 18/02/2009
Không hiểu sao khi nghĩ về Nguyễn Khắc Phê, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh một ông lão ngồi bên bờ Hương Giang thả sức trầm mặc hoài vọng về những ngày đã xa và chờ đợi những tháng ngày đang đến với thái độ bình nhiên quá thể.

Bình nhiên, cái nhìn đã trải mọi sự đời: vui và buồn, được và mất... đều đã nếm trải. Ông như một nhà luyện công đạt đến mức cảnh giới, đã nắm được "mệnh" của một người sắp đi hết tuổi "lục thập y nghĩ thuật". Chỉ có điều ông có muốn nói ra, và nếu nói sẽ nói như thế nào mà thôi. Ở Huế có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ và nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khác làm nên "thương hiệu" cho Huế. Nhưng như nét đặc thù cố hữu vốn có, trong một buổi sáng yên lành trầm mặc của mảnh đất cố đô, người ta biết Huế còn có một Nguyễn Khắc Phê...

-Nghe nói ông đến với nghề viết cũng rất tình cờ?.

Bài viết đầu tiên của tôi đăng trên báo Văn học năm 1959  (bài ký "Những người đi tiên phong") viết về những người bạn cùng lớp phải bỏ dở khóa học vào Vĩnh Linh mở đường Trường Sơn. Thực ra, từ khi rời quê ra Hà Nội kiếm sống (1954) với nghề bán sách dạo, những cuốn sách đã cuốn hút tôi và tôi đã tập viết những truyện ngắn đầu tiên. Tuy vậy, mãi đến 1968, cuốn sách đầu tay - ký sự "Vì sự sống con đường" - mới ra đời. Cuốn sách đã được nhà văn Nguyễn Khải giới thiệu với NXB Thanh niên và được nhiều người đón đọc, động viên tôi rất nhiều vào nghiệp cầm bút.

- Sinh ra trong một gia đình có truyền thống và có thể nói là "danh gia vọng tộc", ông có thấy rằng gia đình có tác động đến sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Khắc Phê? Đặc biệt là cha ông, có tác động đến sự nghiệp cầm bút của ông? Ông có thể kể vài ví dụ, vài giai thoại về sự tác động ấy?

+ Thực ra, ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và ngay trong xã Sơn Hòa quê tôi, do hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt, ruộng đất ít nên không chỉ họ Nguyễn Khắc mà nhiều dòng họ đã cho con em theo đòi nghiệp khoa cử - ngày xưa, hầu như đó là con đường duy nhất để tiến thân, thoát nghèo. Ông cụ thân sinh tôi đậu Hoàng Giáp năm 1907, lúc mới 19 tuổi, một "học vị" cao nhất thời đó, nổi tiếng là một thần đồng; nhưng Nho học trước đây, cùng với rèn luyện chữ nghĩa, rất coi trọng dạy "đạo làm người". Tôi không được ông cụ dạy chữ Hán, nhưng nếp sống - cũng có thể gọi là tấm gương một nho sĩ "cần kiệm liêm chính" của ông cụ thấm nhiễm qua mỗi hành vi, lời nói… đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời của anh em chúng tôi. Trong cuốn sách nổi tiếng của anh Nguyễn Khắc Viện ("Bàn về Đạo Nho") có chương "Noi theo đạo nhà" là với ý nghĩa đó.

Xin kể một mẩu chuyện nhỏ: Hồi đó cụ đương chức Phủ Doãn Thừa Thiên (tức là quan đầu tỉnh). Tính cụ không mấy khi la mắng om sòm, nói năng thường cân nhắc từng lời từng chữ. Ví như khi nghe con bảo: "Đồng hồ chết rồi!", ông liền chữa lại: "Phải nói là đồng hồ đứng chứ..."; ngay đối với người giúp việc trong nhà (xưa gọi là "đầy tớ"), ông cũng dạy con cháu phải gọi là "o", "chú" và xưng "em" hoặc "tôi" chứ không được mày tao chi tớ. Vậy mà một hôm, cụ lớn tiếng quát tháo trên công đường, lại hình như có dùng từ "chó má" gì đó. Tối, mẹ tôi hỏi: "Ông có chuyện chi tức giận mà mắng người ta là chó má thế?...". Cụ bảo: "Tôi đâu có mắng ai là chó má. Tôi chỉ bảo tên ấy rằng: Ông xem tôi là hạng chó má hay sao mà tính chuyện hối lộ với tôi?...". Hay một lần chuyển chỗ ở (nhà công vụ của Nhà nước), một gia nhân có ý muốn lấy một bộ ấm chén khá đẹp, cụ đã "chỉnh" cho một trận. Tôi nghĩ, trước khi cầm bút, phải học làm người… 

- Và người anh Nguyễn Khắc Viện, học giả Nguyễn Khắc Viện có tác động như thế nào tới con đường văn chương của ông?

+ Có lẽ so với mấy anh em trong nhà, tôi là người gần gũi với anh Viện nhất do "nghiệp" cầm bút và do lúc anh Viện mới từ Pháp về nước, tôi đang trên đường đèo Mụ Dạ - một trọng điểm ác liệt nhất trên đường Trường Sơn - mà anh Viện thì đang tập trung ngòi bút cho việc tuyên truyền sự nghiệp chống Mỹ của dân tộc ta ra thế giới. Chính bài ký đầu tiên tôi viết sau trận đầu tiên Mỹ ném bom vào cầu Bãi Dinh (dưới chân đèo Mụ Dạ), tôi gửi ra cho anh Viện và anh đã biên tập lại rồi gửi đăng ở báo Văn nghệ. Sau đó, tập sách đầu tay của tôi viết về những chiến sĩ TNXP, công nhân trên con đường 12A nổi tiếng (tập "Vì sự sống con đường" - NXB Thanh Niên, 1968), anh Viện cũng là độc giả đầu tiên.

Cuốn tiểu thuyết "Đường giáp mặt trận" (NXB Lao động, 1976) anh Viện cũng đọc từ bản thảo… Anh Viện vốn kiệm lời và có lẽ tôn trọng sự sáng tạo của nhà văn nên thường không góp ý cụ thể. Có khi anh chỉ buông một chữ kèm nụ cười tươi tắn hiền lành. Như khi đọc bản thảo "Đường giáp mặt trận", anh chỉ bảo: "Được đó!". Một cuốn khác thì anh nói: "Phải kín hơn nữa!". Về chữ nghĩa, chỉ một lần anh tỏ ý không thích chữ "sự" (trong nhan đề sách "Vì sự sống con đường"). Anh bảo: "Tiếng Pháp mới viết như thế..". Nói chi tiết này để thấy, dù ở Pháp mấy chục năm, anh Viện vẫn rất quan tâm đến ngôn ngữ dân tộc. Cũng ở khía cạnh này, mỗi lần thấy tôi ra Hà Nội là anh lại nhắc nơi này vừa có khảo cổ, nơi kia có triển lãm… nên đi xem. Tôi hiểu anh muốn nhà văn phải luôn hiểu rõ cội nguồn dân tộc và có tầm văn hóa sâu rộng…

- Ông viết nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình, tạp văn, báo chí...Vậy ông muốn bạn đọc gọi với danh hiệu gì? Theo ông, thể loại nào mới thực sự là "đất dụng võ" của Nguyễn Khắc Phê?

+ Danh hiệu được bạn đọc tặng, dù là danh hiệu gì cũng đáng trân trọng. Tôi dành nhiều tâm huyết cho tiểu thuyết, nhưng có bạn mới gửi tặng sách, gọi tôi là "nhà phê bình", cũng vui. Hình như gần đây nhiều người chú ý đến những bài báo của tôi có lẽ vì tôi không né tránh những gì thường gọi là "nhạy cảm và phức tạp", và tôi thường quan tâm đến những số phận éo le, từng chịu nhiều oan trái, thiệt thòi…

- Người ta bảo Nguyễn Khắc Phê là một người cả nể. Ai đặt bài ông đều nhận và bằng mọi cách để thực hiện được lời hứa ấy, dù có thể đó không phải là những bài viết ông tâm đắc?

+ Thực ra thì tôi chưa phải là một "tên tuổi" được nhiều nơi đặt bài. Và dù có đặt bài, tôi cũng chỉ viết những điều mình hiểu rõ và tâm đắc. Tất nhiên là cũng có lúc vì những mối quan hệ này khác, mà phải viết những bài cho người ta vừa lòng. Ví như gần tết, họ nhờ viết bài về một đơn vị… Năm nay lên tuổi 70 rồi, tôi không còn sức và cũng không… dại viết loại bài như thế! 

- Và ông còn là một nhà văn rất thức thời. Gần 70 tuổi, nhưng nghe bảo, trình độ tin học, Internet của ông rất  "oách"?

+ Ở Huế nhà văn viết bằng máy tính đầu tiên là Nguyễn Đắc Xuân. Sau đó là tôi. Nay thì có Ngô Minh, Trần Thùy Mai, Tô Nhuận Vĩ, Võ Quế… Tôi chỉ tự học. Cũng nhiều khi "sống dở chết dở" vì không thạo tiếng Anh, bấm sai một thao tác là màn hình hiện ra những chỉ dẫn mà mình mù tịt; đành gọi "chuyên gia"… Nay thì đã khá thông thạo, gửi bài vở và ảnh cho báo chí "dễ như trở bàn tay". Internet đã mở rộng cánh cửa, mở tầm nhìn cho mọi người. Nhà văn ở nước mình càng cần điều đó. Chưa nói chuyện một bài báo hôm nay ngồi viết ở Huế, sáng hôm sau đã hiện trên mặt báo ở TP Hồ Chí Minh!

- Sống ở Huế, lại từng làm quản lý văn nghệ nhưng như nhiều anh em vẫn bảo, ông sống rất "lành", ít khi có tụ tập, hội hè cùng giới văn nghệ?

+ Tôi là người chịu khó đọc, nhưng ưu tiên cho văn xuôi và các vấn đề về văn hóa. Ở Huế, có lẽ tôi là nhà văn ít ngồi quán nhất, do luôn thấy thiếu thì giờ và có lẽ cũng do nếp sống "Nho gia" từ nhỏ ở một vùng quê đã có người gọi là "cá gỗ". Bạn bè thường đùa bảo tôi "khắc cả cà phê", không biết nhậu nhẹt gì. Thật ra, khi vui cũng "cụng li" được với nhau và sáng nào tôi cũng uống một cốc cà phê sữa (tự pha), sau khi ăn mì sợi hay cơm nguội với vừng (mè đen)! Tôi thấy như thế là hợp với sức khoẻ người cao tuổi. Thấy vệ sinh các quán ăn và cách ngâm tẩm mọi thứ thực phẩm bây giờ mà sợ!

- Tôi vẫn biết rằng con người ta có thể sinh một nơi, sống một nơi nhưng cả đời lại hoài nhớ và nợ nần một nơi khác. Ông đã từng có mặt ở rất nhiều địa danh trên đất nước nhưng cuối cùng ông lại chọn Huế…

+ Tôi quê Hà Tĩnh nhưng lại sinh ở Huế, khi thân phụ tôi làm quan Phủ Doãn ở đó. Tôi trở lại sống với Huế từ sau năm 1975 đến nay, nhưng gia đình tôi, anh chị em tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với Huế. Với nhiều người "Huế đẹp và thơ" có sức quyến rũ lớn; với riêng tôi, mỗi bước đi đều dễ gợi những kỷ niệm riêng rất cần cho người cầm bút: ra bờ sông, nhìn sang Thương Bạc có các câu đối của thân phụ tôi, lên Văn Miếu, có bia tiến sĩ ghi tên cụ, Trường Đồng Khánh là nơi các chị tôi theo học… Không khí yên tĩnh của Huế với bề dày lịch sử và văn hóa cũng là nơi rất thích hợp với người viết văn. Những tác phẩm như "Lê Văn Miến, người họa sĩ đầu tiên…", " Nếu được chết thay em", "Những cánh cửa đã mở", "Những chặng đường từ Huế" … và tiểu thuyết tôi vừa hoàn thành "Biết đâu địa ngục thiên đường" có rất nhiều "trường đoạn" viết về Huế.

- Và ông sẽ phát hành trong năm nay?

 + Sợ rằng "nói trước bước không qua", nhưng chắc là sẽ in trong năm 2009. Sách dày hơn 700 trang nên người làm sách thời buổi này cũng ngại…

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Khắc Phê…

Nguyễn Văn Quân (thực hiện)

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文