Nhà văn tuổi Ất Mùi và chuyện "thật như bịa"

08:00 04/03/2015
Nhiều bạn đọc đã biết đến sự nghiệp văn chương, báo chí của Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân và hiện là Tổng Biên tập Báo Năng lượng mới. Nhưng những chuyện "hậu trường" của nhà văn tên tuổi này thì không phải ai cũng biết.

Cô gái bán thịt cũng… chê

Từ Báo Công binh của Bộ tư lệnh Công binh, Nguyễn Như Phong chuyển ngành về Báo Công an nhân dân năm 1982.

Năm 1983, Nguyễn Như Phong đã 28 tuổi nhưng vẫn lông bông. Cha anh, nhà văn Hoài An rất sốt ruột, muốn cho con trai sớm có vợ để làm hậu phương cho anh yên tâm làm nghề.

Một hôm, ông mời nhà văn Hữu Ước, khi đó là Phó Trưởng phòng Thời sự Báo Công an nhân dân tới nhà.

Sau vài câu chuyện nghề, ông bảo: "Tôi mời anh đến đây, cũng là muốn nhờ anh một việc. Anh giúp tôi tìm cho thằng Phong một con vợ".

Nghe bậc trưởng lão đề cập một cách nghiêm túc, nhà văn Hữu Ước bèn hỏi lại: "Tiêu chuẩn của bác là thế nào ạ?".

Nhà văn Hoài An thủng thẳng: "Có hai tiêu chuẩn: Thứ nhất là ít chữ nhưng có văn hóa. Thứ hai là nghề nghiệp tử tế".

Nhà văn Hữu Ước ngạc nhiên:

- Ít chữ thì làm sao biết họ có văn hóa hả ông?

- À, anh cứ nhìn đứa nào đơm cơm và đưa cho bố mẹ bằng 2 tay, là đứa có văn hóa.

Là người chữ nghĩa, nhà văn Hoài An quan niệm rõ ràng, người có chữ và  người có văn hóa khác nhau rất xa. Nhiều người có người học thức cao nhưng lại kém văn hóa.

Nhà văn Nguyễn Như Phong tác nghiệp tại Hoàng Sa. 

Thế rồi, nhà văn Hữu Ước về, và bảo vợ: "Em kiếm cho thằng Phong một con vợ..?". Và khi chị Lý hỏi "tiêu chuẩn", thì Hữu Ước truyền đạt lại nguyên văn lời ông Hoài An: "Thứ nhất, ít chữ nhưng có văn hóa. Thứ hai, có nghề nghiệp tử tế". Vài hôm sau, chị Lý đạp xe qua Báo Công an nhân dân bảo Nguyễn Như Phong đi theo chị ra chợ Hôm để xem mặt một cô bán thịt mà chị đã "dấm" sẵn. Cũng phải nói thêm là thời bao cấp, con gái bán thịt lợn, bán gạo… là "có giá" lắm.

Nguyễn Như Phong vội tất tả đi theo, "đánh" nguyên bộ đồ lính bạc thếch và đôi dép cao su đú, đi "xem mặt".

Đến chợ Hôm, chị Lý dẫn Nguyễn Như Phong vào quầy bán thịt lợn. Cô bán hàng đang tay dao tay thớt nhòm qua ô cửa tò vò bán thịt nhìn anh soi mói, như thể đánh giá một… con lợn nhiều nạc, hay ít nạc…?! Rồi cô nở một nụ cười khó hiểu và cúi xuống tiếp tục thái thịt...

Hai ngày sau, Nguyễn Như Phong sốt ruột, mới rụt rè hỏi chị Lý: "Chị ơi, cô ấy nhận xét về em thế nào?". Chị Lý lắc đầu: "Nó bảo trông chú nhà quê lắm".

Ba năm sau, anh Nguyễn Văn Quyết (bạn cùng học D8 Đại học An ninh với Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân hiện nay), tổ chức lễ ăn hỏi.

Lễ lạt xong thì Quyết mời mấy anh em ở báo về ăn cơm. Bữa ăn có nhiều món ngon, đặc biệt là đĩa xôi vò. Nguyễn Như Phong cầm đĩa xôi, cười cười: "Ai làm món xôi vò ngon thế này, tôi sẽ lấy làm vợ". Mọi người cười ồ lên và chỉ cho anh cô gái đã làm nên món xôi vò đó. Thế là anh làm quen với cô - một dược sĩ ở Nhà máy Cao su Đường sắt. Với món xôi vò là "cầu nối", một năm sau, họ nên duyên vợ chồng! Cô gái khéo tay năm ấy chính là chị Loan, mẹ của 2 cậu con trai anh hiện nay.

Ứng trước tiền phúng

Mồng 4 tết năm 2007, Nguyễn Như Phong họp với Ban An ninh Thế giới mà anh phụ trách. Sau khi chúc Tết, mừng tuổi mọi người, anh thủng thẳng: "Năm nay, tôi 53 tuổi, mà các cụ dạy "49 chưa qua, 53 đã tới", nên chắc khó… qua được. Mà chúng ta bây giờ, nên thực tế. Vì thế, anh chị em nào có tấm lòng với tôi thì xin cho tiền… phúng viếng trước. Để tôi có tiền… ăn chơi. Tôi xin ghi sổ cẩn thận. Nếu chẳng may tôi không qua khỏi, thì những người đã phúng tôi rồi cứ chìa cuốn sổ cho vợ tôi biết, và bảo "Lão ấy ăn tiền phúng từ lâu rồi, có biên nhận hẳn hoi đây nhé…"!

Anh chị em Ban An ninh Thế giới ngơ ngác, và cũng… im lặng.

Rồi, Nguyễn Như Phong giao cho chị Đỗ Hoàng Anh, Phó ban An ninh Thế giới… thu tiền phúng hộ. Nhưng, mãi chả có ai chịu phúng trước lấy một cắc!

Mấy hôm sau, vào Văn phòng Báo Công an nhân dân ở phía Nam, Nguyễn Như Phong tiếp tục thông báo "thể lệ phúng trước", thậm chí, chị Nga, kế toán của Báo cũng viết lên bảng tin: "Ai phúng viếng trước Phó Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong thì nộp cho  Tài vụ".  Nhưng rồi cũng chả có xu nào!

Chắc vì anh chị em không ai chịu phúng trước, nên năm ấy, nhà văn Nguyễn Như Phong không chỉ khỏe mạnh, mà năm nào cũng có tiểu thuyết, kịch bản phim ra đời, lại còn ẵm cả giải thưởng về tiểu thuyết!

“Người hâm mộ

Vào những năm 1998-1999, sau hàng loạt phóng sự trên tờ An ninh Thế giới, tên tuổi của Nguyễn Như Phong nổi như cồn.

Trong nhiều lá thư gửi về tòa soạn bày tỏ sự ngưỡng mộ tờ An ninh Thế giới, có một cô gái gửi lá thư, chữ viết rất đẹp. Cô bày tỏ lòng hâm mộ nhà văn Nguyễn Như Phong vì những bài báo, đồng thời, mơ ước được… yêu. Nguyễn Như Phong mang bức "thư tình" đó nhờ chị Đỗ Hoàng Anh "truy tìm" địa chỉ tác giả, để biết "người yêu mình" là ai. Sau nhiều ngày tìm kiếm công phu và phải nhờ cả công an giúp, Đỗ Hoàng Anh tìm ra được tung tích cô gái.

Đó là một bệnh nhân tâm thần, đang được điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai!

Viết kịch bản bằng… đọc

Các biên kịch, nhà văn, nhà báo đều phải viết tác phẩm bằng bút, hoặc đánh máy tính. Ấy nhưng nhà văn Nguyễn Như Phong thì hầu hết là viết tay, vì anh đánh máy cực kỳ kém. Viết tay, bằng bút máy bơm mực, chứ không viết bằng bút bi. Nguyễn Như Phong viết khá nhanh. Như phim "Cổ cồn trắng", có ngày, anh viết tới 40 trang giấy khổ A4, và chữ thì như… kiến bò.

Cảnh trong phim "Chạy án" (kịch bản của nhà văn Nguyễn Như Phong).

Nguyễn Như Phong viết tiểu thuyết, kịch bản phim, hoặc phóng sự dài kỳ nhưng tuyệt nhiên không biết làm đề cương. Có lần, nhà văn Thùy Linh bảo anh làm đề cương phim "Chạy án" để nộp trước cho Hãng phim Truyền hình, Nguyễn Như Phong "nặn" mãi mới được hơn chục trang. Nhưng khi viết thì đề cương một đằng, viết một nẻo. Từ đó, không bao giờ Phong làm đề cương nộp trước, mà cứ nộp luôn cả bản thảo.

Một lần, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ gợi ý: "Anh thử đọc vào máy ghi âm, rồi nhờ người gỡ băng cho nhanh!". Thế là nhà văn Nguyễn Như Phong làm theo. Ai dè, rất hiệu quả.

Với cách "viết" kịch bản mới này, tốc độ sáng tác của anh tăng vọt: Trước một tháng chỉ được 3 tập kịch bản, nay có ngày anh "viết" được 3 tập. Các kịch bản "Chạy án 1" và "Chạy án 2", "Bí mật tam giác vàng", "Quỷ ám", "Chạy án 3", "Hồng nhan đa truân"… đều ra đời bằng cách "viết" ghi âm.

Một bộ phim như "Chạy án 3" 42 tập, Nguyễn Như Phong viết chỉ có hơn 5 tháng, hoặc như  "Quỷ ám" 30 tập, chỉ viết 3 tháng…

Dĩ nhiên, làm được điều này, đòi hỏi phải có một trí nhớ tuyệt vời, để không lẫn lộn nhân vật nọ sang nhân vật kia, nhất là khi anh chẳng có đề cương hay lý lịch nhân vật bao giờ. Có lẽ, đây là khả năng Giời cho nhà văn Nguyễn Như Phong. Không chỉ viết kịch bản bằng "ghi âm", mà phóng sự, hoặc các bài báo anh cũng viết… như vậy.

Đi lấy tài liệu viết báo, Nguyễn Như Phong không bao giờ dùng máy ghi âm, mà chỉ ghi tốc ký… Nhưng khi viết bài, hầu như không bao giờ anh phải giở lại sổ ghi chép.

Anh chị em Chuyên đề An ninh Thế giới từng chứng kiến Nguyễn Như Phong đọc cho 2 nhân viên đánh máy 2 bài báo hoàn toàn khác nhau, trong cùng một lúc… mà không cần sổ sách gì.

Để nhớ được tên nhân vật, anh cứ "lôi" hết tên của anh chị em trong cơ quan ra đặt. Khi gỡ băng đánh máy, mọi người cứ cười lăn ra vì thấy mình bỗng trở thành những nhân vật "hiểm ác" hay "đa tình" trong sáng tác của sếp. Có lần, một cán bộ của Ban An ninh Thế giới tên là Mai đề nghị: "Cái chết của cô Mai trong kịch bản kinh khủng quá, anh cho em "chết" nhẹ nhàng hơn được không?".

Chính vì tốc độ "viết" kịch bản "khủng" như thế mà nhiều người cho rằng, nhà văn Nguyễn Như Phong có một nhóm người viết theo ý tưởng anh vạch ra. Một nhóm phóng viên truyền hình cũng nghi ngờ nên đến làm việc với anh, khi anh trưng ra bằng chứng là những trang bản thảo, những cuốn băng đọc kịch bản,  họ mới ngỡ ngàng trước sự lao động nghệ thuật "chẳng giống ai" của anh.

Thanh Hằng - Xuân 2015

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) đã cận kề. Góp phần vào thành công của lễ kỷ niệm là 11 khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND (9 khối đi và 2 khối đứng). Để thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ Công an giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tổ chức tuyển chọn hơn 1.300 CBCS tham gia luyện tập, trong đó đoàn viên, thanh niên các học viện, trường CAND là nòng cốt, phối hợp Công an một số đơn vị, địa phương, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文