Những thay đổi đáng mừng tại khu tưởng niệm Nam Cao
Vừa qua, tôi đọc được bài "Lập nhà lưu niệm cho các nhà văn: Ngổn ngang trăm mối" của nhà văn Vương Tâm đăng trên Báo Văn nghệ Công an số 181, ra ngày 6-8-2012. Tôi rất cảm động khi nhận thấy tác giả bài báo có tấm lòng quan tâm sâu sắc tới những đồng nghiệp văn, thơ nay đã rời xa trần thế.
=>Lập nhà lưu niệm cho các nhà văn: Ngổn ngang trăm mối"
Trong nỗi băn khoăn, day dứt về sự bất cập khi lập nhà lưu niệm cho các nhà văn, ông Vương Tâm đã nêu lên khá nhiều ví dụ. Riêng với nhà văn Nam Cao (cha tôi), ông trăn trở thốt lên: "Khu vườn hiện thực Nam Cao ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam còn bỏ dở, chưa có hồi kết sau hơn mười năm thực hiện dự án, với diện tích hàng ngàn mét vuông bỏ hoang, lạnh lẽo, ngoại trừ một ngôi nhà được xây dựng khá khang trang, rộng gần 100m2, với nội dung trưng bày khá sơ sài, lại thường xuyên đóng cửa nên ít người lui tới...". Đúng là "Khu vườn hiện thực Nam Cao" chưa thực hiện được trọn vẹn như dự kiến ban đầu của chương trình "Tìm lại Nam Cao". Song, hiện trạng mà nhà văn Vương Tâm nêu trong bài báo thì xảy ra cách nay đã vài năm. Còn hiện tại, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Hà Nam, huyện Lý Nhân, xã Hòa Hậu cùng với các tổ chức, doanh nghiệp và những người mến mộ nhà văn, cùng sự cố gắng của gia đình, nên bây giờ khu "Tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ Nam Cao" đã có những thay đổi thật đáng mừng.
Ngày nay, trong nhà tưởng niệm rộng ngót 100m2, bên cạnh bàn thờ nhà văn (vừa mới được tôn tạo) là nhiều hiện vật, tư liệu tranh ảnh mang dấu ấn Nam Cao. Đó là bốn tủ sách báo, hiện vật của nhà văn và của những người khác viết về nhà văn. Ngoài ra còn có giường, tủ của nhà văn khi xưa ông từng dùng và bàn ghế, sổ sách để khách đến chiêm ngưỡng thăm viếng ghi cảm tưởng.
Rồi ở cửa chính nhà tưởng niệm là tấm bảng khá lớn với lời giới thiệu tóm tắt về nhà văn. Còn xung quanh tường đã được treo kín những bức ảnh cùng một loại khung, cùng một kích thước phân chia theo những chủ đề:
- Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao.
- Tìm lại Nam Cao.
- Quê hương và gia đình.
- Gia phả Nam Cao và gia đình.
- Các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh nhà văn Nam Cao.
Số tranh, ảnh ấy thể hiện rất phong phú về cuộc đời Nam Cao, về gia đình, về quê hương, về tình yêu của mọi người đối với Nam Cao. Ở đó có những bức ảnh nhà văn dự Đại hội Văn hóa Cứu quốc, nhà văn chụp cùng các bạn văn. Rồi các diễn viên đóng phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", ảnh ngôi trường năm xưa nơi nhà văn theo học, ảnh nhà thờ nơi nhà văn làm lễ cưới vợ. Cho tới các bức ảnh về quê hương như: đình, chùa, nhà thờ, lễ hội thả diều, những đặc sản ở làng quê của nhà văn. Bên cạnh hình ảnh quê hương là hình ảnh người thân của nhà văn như cha, mẹ, vợ, con... Trong những bức ảnh về gia đình, đặc biệt có bức ảnh về ngôi nhà của bà ngoại nhà văn, bởi ở đấy nhà văn đã ra đời, được bà ngoại đón tay, rồi cùng con gái chăm sóc cháu ngoại suốt những năm tháng thơ dại. Những bức ảnh treo trên tường nhà tưởng niệm còn thể hiện được hành trình đi tìm hài cốt nhà văn, từ một nấm mồ trong ngót tám trăm ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, để đưa về an nghỉ trên quê hương. Những bức ảnh ấy cũng đã toát lên được nhiều hoạt động tri ân, tôn vinh một nhà văn liệt sĩ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, mà điển hình là những việc làm của chương trình "Tìm lại Nam Cao". Ảnh các nghệ sĩ điện ảnh về quê nhà văn giao lưu trong chương trình "Về với Nam Cao" và chụp ảnh lưu niệm cùng em trai nhà văn. Những bức ảnh của các trường học, hiệu sách, đường phố mang tên Nam Cao cũng thể hiện sự tri ân đối với nhà văn. Ngoài hình ảnh, trên tường nhà tưởng niệm còn treo Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước năm 1945 của nhà văn và một bản thống kê những dấu mốc chính trong cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nam Cao.
Mộ phần nhà văn - liệt sĩ Nam Cao trong khuôn viên khu tưởng niệm ông. |
Theo cảm nhận của tôi thì ở nhà tưởng niệm Nam Cao hiện nay, tài liệu và hiện vật được trưng bày khá phong phú, tuy chưa thể khẳng định đã thật đầy đủ.
Còn xung quanh phần mộ và trên diện tích hơn ngàn mét vuông ở khu tưởng niệm cũng không còn hoang lạnh như trước đây, mà đã tương tự một công viên xanh với nhiều cây cảnh, hoa lá tràn trề hương sắc. Những hàng cây ấy được trồng bởi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tất cả những người mến mộ nhà văn Nam Cao. Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước khi về thăm khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao lần thứ nhất đã phúng năm triệu đồng để sắm thêm vật dụng ở khu mộ. Lần thứ hai về thăm, bà đích thân trồng hai cây lộc vừng khá to, đẹp tại sân nhà tưởng niệm. Rồi Đảng ủy, UBND tỉnh Hà Nam, huyện Lý Nhân, xã Hòa Hậu cũng đều trồng cây xanh để lưu niệm. Nhiều người khác cũng vậy. Chẳng hạn như Hội đồng hương xã Hòa Hậu đang sinh sống tại Hà Nội cũng cất công về thăm và trồng cây lưu niệm. Còn biết bao tấm lòng yêu mến nhà văn Nam Cao đã góp phần làm cho khu tưởng niệm Nam Cao xanh hơn, mát mẻ, đẹp đẽ hơn.
Ông Trần Thế Long, Giám đốc Công ty dệt may Châu Giang đã tự tay trồng hai cây xanh trong vườn để lưu niệm. Ông còn bỏ tiền để làm con đường, lối vào nhà tưởng niệm và lát thêm bốn hàng gạch suốt dọc chiều dài từ cổng tới hết sân nhà tưởng niệm cho sạch đẹp hơn. Chưa dừng lại ở đó, ông còn tâm sự rằng: Ông rất muốn mở rộng thêm lối vào nhà tưởng niệm mỗi bên thêm 1,2m nữa và trồng hoa hai bên đường cho rộng và đẹp hơn. Việc này đang chờ ý kiến của lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, nhiều người dân địa phương, nhà trường sở tại, các cháu thiếu niên ở quê nhà văn cũng góp phần để vườn cây được tươi tốt. Đặc biệt phải kể đến công lao chăm bón của ông Trần Hữu Vịnh, một người đã tự nguyện gắn bó với khu tưởng niệm Nam Cao không một chút so đo.
Bên cạnh cơ sở vật chất được bổ sung theo thời gian, khu tưởng niệm Nam Cao còn vinh dự được đón tiếp nhiều đoàn đến thăm viếng. Gần đây các đoàn đến phúng viếng nhà văn Nam Cao tăng lên rất nhiều. Nếu như năm 2005 chỉ có 45 đoàn, năm 2007 có 42 đoàn thì năm 2011 đã tăng lên 107 đoàn và nửa đầu năm 2012 đã có 62 đoàn. Ngoài các đoàn đông người, còn có các đoàn lẻ tẻ và các cháu học sinh từ huyện Hải Hậu lên, từ huyện Duy Tiên xuống, nhất là vào các mùa thi cử.
Ở góc độ gia đình nhà văn Nam Cao, tôi rất mừng và thật sự biết ơn Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và nhân dân quê hương. Bởi tôi nhận thấy khu tưởng niệm của cha tôi tuy chưa đạt được trọn vẹn như dự kiến ban đầu nhưng nhờ sự quan tâm, chăm sóc với tâm huyết của bao người nên nay cũng đã khang trang, hoành tráng. Ngoài vườn cây tươi tốt, chính quyền còn bỏ tiền ra mua ngôi nhà của nguyên mẫu Bá Kiến (nhân vật trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao) và bỏ một khoản tiền không nhỏ để tu sửa chỉnh trang khu nhà tưởng niệm nhân kỷ niệm sáu mươi năm ngày nhà văn Nam Cao hy sinh.
Còn nhiều lắm những nghĩa cử của mọi người đối với nhà văn Nam Cao. Là một người con của nhà văn, tôi xin ghi lòng tạc dạ công ơn sâu nặng này. Nhân đây gia đình tôi cũng xin bày tỏ một nguyện vọng cuối cùng. Đó là: Tôi được biết, cơ quan văn hóa tỉnh Hà Nam, cụ thể là ông Giám đốc Trần Văn Hùng có ý định mua lại để phục dựng ngôi nhà của nhà văn Nam Cao bởi ngôi nhà ấy có rất nhiều kỷ niệm gắn bó với nhà văn. Nhưng đến nay trong gia đình chỉ còn chú tôi (ông Trần Hữu Đạt) và tôi là có biết về ngôi nhà đó. Nay chú tôi tuổi đã cao và không còn tỉnh táo nữa. Còn tôi cũng đã ở tuổi "xưa nay hiếm", chẳng biết có đủ sức khỏe để chờ đợi đến ngày dự định của cơ quan văn hóa tỉnh được thực hiện hay không? Nếu không chờ đợi được thì thật là đáng tiếc.
Dự án về vườn hiện thực Nam Cao như ý tưởng của chương trình "Tìm lại Nam Cao" nếu thành hiện thực thì quá tuyệt vời, không còn gì bàn cãi nữa. Nhưng ở góc độ một khu tưởng niệm nhà văn thì được như bây giờ cũng là điều rất đáng mừng rồi