Nhà báo - nhà biên kịch Lê Quý Hiền:

"Nợ tình" khó trả

08:00 30/06/2014
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012 dành cho Lê Quý Hiền với các kịch bản: "Những người đi tiếp", "Là ai", "Vàng", "Vai diễn giữa đời thường", "Đi tìm điều không mất", "Những linh hồn thức" là sự khẳng định tài năng cũng như tâm huyết của ông đối với sân khấu. Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà báo - nhà biên kịch Lê Quý Hiền.

Lê Quý Hiền là cái tên chẳng xa lạ gì với giới kịch nghệ. Viết kịch chuyên nghiệp, đều tay nhưng công việc chính của ông lại là làm báo. Ông là tác giả của gần 40 vở kịch được khắp các đoàn nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc dàn dựng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012 dành cho Lê Quý Hiền với các kịch bản: "Những người đi tiếp", "Là ai", "Vàng", "Vai diễn giữa đời thường", "Đi tìm điều không mất", "Những linh hồn thức" là sự khẳng định tài năng cũng như tâm huyết của ông đối với sân khấu. Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà báo - nhà biên kịch Lê Quý Hiền.

- Thưa nhà báo - nhà biên kịch Lê Quý Hiền, nghe nói ông vừa có chuyến đi ra vùng biển Hoàng Sa trên một tàu Hải quân. Chắc hẳn chuyến đi đã đem đến cho ông nhiều trải nghiệm thú vị?

+ Quá thú vị ấy chứ. Nhưng đây không phải là chuyến đi đầu tiên của tôi đến vùng biển đảo. Năm ngoái tôi có chuyến đi Trường Sa 12 ngày rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng khó quên. Tôi đi Trường Sa, Hoàng Sa đều với tâm thế là đi thực tế, đi trải nghiệm chứ không phải đi tham quan. Tôi thức cả đêm nghe sóng vỗ dưới mạn tàu, chui xuống hầm tàu ngồi đến gần sáng xem nó nóng đến đâu. Tôi cũng đã được các chiến sĩ ở Trường Sa "chiêu đãi" một… trận tắm thỏa thích. Cảm giác được đằm mình xuống biển thật tuyệt vời và cảm giác ấy tôi không bao giờ quên. Trường Sa, Hoàng Sa hiện đang là "tuyến đầu", là nơi "phên giậu" thiêng liêng của Tổ quốc. Bộ đội, Hải quân của ta ở phía đầu sóng ấy đang phải chịu nhiều thiệt thòi, nhất là khi đặt trong tương quan với cuộc sống hôm nay. Tôi cảm nhận được sâu sắc điều đó và muốn chia sẻ với họ thật nhiều...

- Vừa qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có chủ trương quan tâm, đầu tư cho các kịch bản hướng về đề tài biển đảo. Hai chuyến đi vừa rồi chắc hẳn đã cho ông nhiều cảm xúc thực tế để cho ra đời những kịch bản mới?

+ Trước đây khi chưa đi biển đảo, tôi đã có 2 kịch bản về đề tài biển đảo, đó là "Vòng tay bất tử" và "Nước Việt ngàn năm". Nhưng khi đi Trường Sa về rồi, nhiều tư liệu, cảm xúc quá sâu đậm cũng khiến tôi bị phân tán. Tôi đang cảm thấy mình "mắc nợ" những người lính đảo, mà nợ gì chứ nợ tình thì đúng là… khó trả.

Nhà báo - nhà biên kịch Lê Quý Hiền trong một lần ra thăm Trường Sa.

- Ông có cho rằng, những tác phẩm sân khấu ra đời từ những chủ trương hay đơn đặt hàng thì dễ đi vào khuôn sáo, gượng ép?

+ Trước hết, nên nhìn nhận khía cạnh tích cực của việc "đặt hàng", đó là khi các tác giả được tạo điều kiện để tiếp cận với một đề tài nào đó thì cũng là tốt thôi. Nhưng với tôi, viết phải là cách để lòng mình được giải tỏa, vì thế phải thấy cảm xúc, phải tìm được "cái tứ" thỏa đáng để viết, chứ tôi không bao giờ cảm thấy gượng ép mà viết được. Trong số 36 kịch bản tôi đã viết, chỉ có duy nhất kịch bản "Đoạn cuối một cuộc tình" được viết theo đơn đặt hàng của ngành Giao thông. Nhưng điều may mắn là tôi lại thực sự hứng thú với nó, vì đây là vấn đề tôi cảm nhận được, phải "va chạm" với nó hằng ngày. Với nhiều người, viết kịch là cách kể lại một câu chuyện hấp dẫn nào đó nhưng với tôi, kịch phải là số phận con người và số phận ấy phải tác động đến người xem, để người xem tìm thấy mình trong ấy. Chứ nếu đơn giản là cần một câu chuyện, người ta đọc báo còn nhiều chuyện hay và hấp dẫn hơn chứ cần gì đến kịch nữa.

- Không phải là người xuất thân từ binh nghiệp, nhưng trong gia tài kịch bản của ông có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh, về hình tượng người lính. Điều này chắc hẳn cũng phải có nguyên do?

+ Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước chiến tranh, loạn lạc. Nhưng vì tôi là con một nên dù đã viết đơn xin đi lính cũng không được duyệt. Cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, tôi rất yêu hình ảnh người lính và có một nỗi buồn sâu thẳm là những người bạn tốt nhất mình có thời niên thiếu thì đều đã hy sinh. Thế nên tôi luôn có cảm giác mắc nợ bạn mình về những điều các bạn còn chưa kịp thấy, chưa kịp làm, chưa kịp tận hưởng... trước khi hiến mình cho Tổ quốc. Có lẽ vì vậy, hình ảnh người lính cũng luôn ám ảnh tôi.

- Thế còn với đề tài Người chiến sĩ Công an thì sao? Chắc hẳn ông cũng có "duyên cớ" nào đó mới cho ra đời 4 vở diễn "Là ai", "Đường về", "Đoạn kết", "Quên và nhớ" với số phận, hình ảnh của những người chiến sĩ công an khá đậm nét?

+ Tôi còn nhớ mãi thuở bé, có một lần được chú Công an bế, thấy vui lắm, khi về nhà cứ khoe loạn lên. Sau này trưởng thành, cũng không định viết về Công an đâu, nhưng trong quá trình khám phá, tìm tòi chất liệu để viết thì hình ảnh ấy nó bật ra nhiều tình huống kịch. Sau này có nhiều cơ hội đi thực tế, tiếp xúc với lính hình sự, quản giáo… thì thấy từ công việc của người chiến sĩ Công an có thể xây dựng những xung đột mạnh mẽ. Vở "Là ai" của tôi chỉ có hai nhân vật chính là cô gái bán hoa và anh trinh sát nhưng lại rất hấp dẫn. Trong một lần gặp nhau, khi anh trinh sát đi đánh án, cô gái hiểu được khách là người như thế nào qua những phẩm chất của anh nhưng không biết anh là ai. Trong lúc đó, người chiến sĩ Công an biết cô gái bán hoa này là ai, nhưng khi thấy rất nhiều sách vở trên giường cô trong ổ nhền nhện lại không hiểu được cô là người như thế nào. Hoàn cảnh trớ trêu này khiến họ phải gặp nhau thêm một lần nữa để rồi vấn đề của kịch được bật ra: Anh là ai trong cuộc đời không quan trọng bằng việc anh là người như thế nào. Hay như trong vở "Đường về" của tôi viết về những người quản giáo, tôi cũng tìm thấy ở đó những nghịch lý cuộc đời: Công an chính là những người tìm ra những kẻ gây tội ác để "ném vào" nhà lao, rồi những người Công an khác làm công việc "cai tù" lại đang hằng ngày nỗ lực để "ném trả" những con người từng mang tội lỗi ấy về lại với cuộc đời. Tôi đã gặp những người quản giáo mà cả cuộc đời họ gắn liền với trại giam ở những nơi rừng rú heo hút. Lại một nghịch lý nữa: Người phạm tội thì có khi đi tù có thời hạn, còn những người quản giáo với công việc lương thiện của họ có khi phải "cắm rễ" trong những trại giam ấy cả đời, lấy vợ, sinh con đẻ cái ở đó chẳng biết ngày nào mới được ra...

- Nói như vậy có thể hiểu ông là người có mối đồng cảm sâu sắc với công việc của những người chiến sĩ Công an…

+ Tôi là người luôn ưa tìm tòi những góc khuất của tâm hồn và vì cuộc đời luôn có những góc khuất nên mới cần có kịch. Công việc đặc thù của người chiến sĩ Công an chính là nơi chứa đựng nhiều góc khuất cần được khai thác.

- Là người đắm đuối, mê mải với sân khấu, nhìn bối cảnh sân khấu miền Bắc ảm đạm như hôm nay, chắc hẳn ông cảm thấy buồn?

+ Quá buồn! Nếu cứ thế này thì sân khấu miền Bắc sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được cả!

- Tại sao vậy? Ông có đang bi quan quá không?

+ Tôi không bi quan. Vì ở đời cứ cái gì nửa vời thì chết. Đó là thực tế. Khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường thì sân khấu miền Bắc bao năm nay vẫn nửa bao cấp, nửa thị trường. Khi đã bao cấp rồi, nó sẽ đẻ một "sân khấu quyền lực". Sân khấu quyền lực là thứ sân khấu không bắt đầu bằng tài năng, mà bắt đầu từ người có quyền. Thật buồn khi thấy một ngày đẹp trời,  Giám đốc các nhà hát bỗng chốc trở thành… tác giả, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật… hết cả. Và khi những người ấy thôi chức, các "nghệ danh" cũng biến mất luôn. Đó không phải là làm nghệ thuật mà chỉ là "kịch quyền lực", là cơ hội. Nghệ thuật chỉ tồn tại được bằng chính nghệ thuật. Giống như tình yêu phải bắt đầu từ tình yêu chứ không thể bắt đầu từ việc anh ấy có tiền bạc, danh chức hay cô ấy có vòng 1, vòng 3 nảy nở, quyến rũ.

Một vở kịch chỉ có ý nghĩa nếu nó được diễn trước công chúng, còn dựng vở xong lại "đắp chiếu" thì dựng bao nhiêu vở cũng vẫn vô nghĩa mà thôi. Tôi thấy có một điều lạ là, đã bao nhiêu năm nay luôn tồn tại một nghịch lý. Ví dụ, một ban quản lý dự án xây dựng một cái chợ mà không có ai đến họp thì sẽ bị lên án, bị kỷ luật, thậm chí bị cách chức... nhưng trong sân khấu người ta cứ xây dựng một vở tốn đến dăm bảy trăm triệu của Nhà nước xong lại "đắp chiếu" để đấy, không có ai xem nhưng lại chả bị kỷ luật hay cách chức gì cả. Đó chính là lãng phí tiền thuế của dân, là có tội đấy!

- Vậy những yếu tố ngoại cảnh đáng buồn này tác động như thế nào tới tâm trạng của ông khi cầm bút viết kịch? Đã khi nào ông có ý định "buông bút"?

+ Tôi viết trước hết là để thỏa mãn chính mình, để giải tỏa bản thân, để xả xì trét mà thôi. Có vở được dựng thì thích quá chứ, có danh lại có tiền. Nhưng viết kịch với tôi là nhu cầu tự thân trước đã. Tôi viết khi vui quá, buồn quá, giận quá, điên quá, yêu quá, ghét quá... Tôi cảm thấy cần phải viết, bị thôi thúc thì viết thôi!

- Xin cảm ơn nhà báo - nhà biên kịch Lê Quý Hiền!

Nguyệt Hà (thực hiện)

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文