Nợ tình, nợ nghĩa, nợ tang bồng

08:24 08/03/2020
Có lẽ chữ Nợ là thứ vẫn còn đeo đẳng mãi với thế gian này. Ta nợ người, người nợ ta và cũng có khi ta mắc nợ chính mình. Nhưng thế gian đâu chỉ có chuyện người nợ người, thiên nhiên dường như cũng nợ nhau đời đời kiếp kiếp...

Mỗi con người được sinh ra trên đời do một chữ Duyên. Và chữ Duyên bao giờ cũng thường gắn với chữ Nợ. Có những món nợ được coi là tiên thiên, định sẵn khi người ta vừa chào đời, lại có những món nợ xuất hiện khi người ta bước chân vào dòng đời, chịu bao xô đẩy thăng trầm của số phận. Cho đến khi người ta nhắm mắt xuôi tay, đa số các món nợ có thể được hóa giải, nhưng trong vài trường hợp đặc biệt, vẫn có món nợ phải truyền cho hậu thế. Bài viết này vì thế muốn làm một việc liều lĩnh là tổng kết lại những món nợ có thể xảy đến trong cuộc đời mỗi con người.

1.Khi một đứa trẻ chào đời, món nợ đầu tiên đã sớm được xác lập, đó là nợ ơn  sinh thành, tiếp theo đó là ơn dưỡng dục, nuôi nấng cho đứa trẻ nên người. Nếu đứa trẻ được sinh ra là con trai, nó sẽ sớm được giáo dục phải lãnh nhận lấy món nợ của chí làm trai, nghĩa là phải lập được công danh, phải sống một cuộc đời hiên ngang khí phách tung hoành trong trời đất. Trong bài thơ “Chí làm trai”, Nguyễn Công Trứ đã dùng chữ "nợ tang bồng": “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc/ Nợ tang bồng vay giả giả vay/ Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể”.

Người xưa khi sinh được con trai, thường làm cái cung (hồ) bằng gỗ dâu (tang), buộc một loại cỏ tên là cỏ bồng và bắn tên (thỉ) đi khắp sáu hướng (Nam, Bắc, Đông, Tây, trên trời, dưới đất), ngụ ý muốn con sau này có công danh sự nghiệp lẫy lừng, vì thế mà có thành ngữ “tang bồng hồ thỉ”. Khát vọng lập công danh của nam nhi còn được Nguyễn Công Trứ nhắc đến trong những bài thơ khác: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Đi thi tự vịnh)

Thực ra từ thế kỷ XIII, Phạm Ngũ Lão trong bài “Thuật hoài” đã sớm nhắc tới món nợ công danh mà kẻ anh hùng phải trả: “Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu” (Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).

Nợ tang bồng là món nợ đầy hoài bão của các đấng nam nhi (ảnh minh họa).

Khi sinh ra chẳng may gặp phải thời loạn, kẻ làm trai mang chí lớn lại càng cần phải hun đúc hơn tinh thần quả cảm, sắt đá của mình. Khi chưa làm gì để trả được món nợ sông núi phải thấy hổ thẹn: “Xuân ơi xuân xuân có biết cho chăng?/ Thẹn cùng sông buồn cùng núi tủi cùng trăng/ Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót” (“Bài ca chúc Tết thanh niên” - Phan Bội Châu). Vì thế mà cái chí làm trai ấy phải tuyên ngôn rõ ra thành lời: “Trong khoảng trăm năm cần có tớ/ Sau này muôn thuở há không ai/ Non sông đã chết sống thêm nhục/ Hiền thánh còn đâu học cũng hoài/ Muốn vượt biển Đông theo cánh gió/ Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” (“Xuất dương lưu biệt” - Phan Bội Châu).

2. Sau món nợ của chí làm trai được xác lập ngay từ rất sớm, con người ta lớn lên thêm chút nữa, theo quy luật "trai lớn dựng vợ gái lớn gả chồng", tất sẽ mắc vào món nợ gia đình. Nhiều người tin rằng, vợ chồng đến với nhau là do món nợ từ kiếp trước, do nhân duyên đã định, vì thế mà ca dao mới có những câu: “Chồng gì anh, vợ gì tôi/ Chẳng qua là món nợ đời chi đây” hay:“Mỗi người một nợ cầm tay/ Đời xưa nợ vợ đời nay nợ chồng”.

 Người ta còn kể một câu chuyện rằng: Một anh chàng bị vợ bỏ đi theo một người khác, bèn tìm đến một bậc chân nhân xin chỉ giáo. Vị đó cho anh ta xem một tấm gương soi được quá khứ vị lai, ở đó hiện lên hình ảnh một cô gái đang hấp hối bên vệ đường giữa trời đông giá lạnh, một người đàn ông đi qua cởi tấm áo đắp lên người cô gái, một người đàn ông khác đi qua, lúc ấy cô gái đã chết, liền lo liệu việc an táng cho nàng.

Vị chân nhân bảo chàng trai: "Con đừng buồn, vì kiếp trước cô ấy chỉ nợ con một tấm áo nên kiếp này sống được cùng con vậy thôi, còn người kia đã chôn cất cô ấy, đó mới là món nợ cuối cùng cô ấy phải trả". Khi sinh ra những đứa con, người ta tin rằng đó cũng là những món nợ. Nhiều người tin rằng, đứa con gái là người tình kiếp trước của cha, còn đứa con trai là người mà kiếp trước đã từng chịu ơn sinh tử của hai vợ chồng. Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh khi bàn về con cái lại có một góc nhìn khác, dí dỏm và trào lộng: “Con ta không phải của ta/ Tai họa của nó mới là của ta/ Của chìm của nổi trong nhà/ Của ta rồi cũng sẽ là của con”.

3. Trong đời, dù muốn dù không, đôi khi ta vẫn mắc những món nợ vật chất. Những món nợ vật chất ấy, đa phần được quy về tiền. Nhưng nợ tiền và trả tiền cũng có nhiều dạng khác nhau. Nhớ tích xưa bên Tàu, khi Phùng Hoan được Mạnh Thường Quân sai đến ấp Tiết để thu tiền lãi, tiền nợ thì việc đầu tiên của ông là mở tiệc rượu thật to để tiếp đãi các con nợ (nhờ mở tiệc mời nên các con nợ không ai vắng mặt).

Kế đó, ông đốt ngay những giấy tờ nợ của những người không có khả năng trả. Mạnh Thường Quân lúc đầu thì giận, nhưng sau đó phải muôn phần bội phục bởi Phùng Hoan đã thu được cho ông một thứ còn quý hơn tiền, đó là nhân tâm. Danh tiếng của Mạnh Thường Quân còn vang xa hơn trước bởi biết đặt việc nhân nghĩa cao hơn tiền bạc.

Ở nước ta, có tích Chúa Chổm trả nợ không kém phần thú vị. Giai thoại kể rằng, khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, một giọt máu của vua Lê vẫn còn lưu lạc trong dân gian và cậu bé ấy có tên là Chổm. Chổm ăn uống chịu của các hàng quán rất nhiều, sau này khi được Nguyễn Kim đón về làm vua, gây dựng nên thời kỳ mà sử gọi là Lê Trung Hưng, các chủ nợ chạy theo xa giá để đòi các món nợ cũ. Các quan hầu bèn nghĩ ra một cách là đứng trên kiệu rồi vung tiền xuống cho ai muốn nhặt được bao nhiêu thì nhặt. Đoàn người đòi nợ vẫn ngày càng đông ùn ùn tiến vào đến kinh thành.

Về sau, một viên võ tướng mới viết vào mảnh giấy hai chữ Cấm Chỉ dán ở khu vực giữa phố gần vườn hoa cửa Nam, ra lệnh ai chạy theo đòi nợ nữa thì chém ngay. Đó chính là sự tích của tên ngõ Cấm Chỉ thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày nay.

Trong trường ca “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa, có đoạn kể về việc cụ Đình bị giặc Pháp mổ bụng nhét lựu đạn vào và cho nổ vì cụ nhất định không khai nơi ẩn nấp của cô Mạc Thị Bưởi. Trước khi qua đời, cụ có kêu to với cả dân làng về mấy món nợ của mình:  “Xóm làng ơi/ Ai có nghe thì nhắn lại hộ tôi/ Tôi còn nợ bà Tròn lưng thúng thóc/ Nợ ông Ba Yên hai chục bạc/ Còn bác Xoan tôi hứa lợp giúp nhà/ Bây giờ tôi đi xa/ Cho tôi xin những gì tôi còn nợ...”.

Những câu thơ làm người đọc xót xa về tâm hồn trong sạch của một người nông dân, dũng cảm ngoan cường đến giây phút cuối cùng, sắp chết đến nơi vẫn không quên về những điều mà ông cảm thấy còn áy náy...

4. Nợ vật chất tiền nong xét cho cùng vẫn còn là những món nợ dễ trả. Món nợ khó trả nhất trên đời là nợ tình cảm, ân nghĩa. Vì tình cảm thuộc về giá trị tinh thần, không tiền bạc nào đo đếm được. Trong tình yêu, với những đôi lứa không đến được với nhau, không thành duyên chồng vợ, nhiều người trong số họ sẽ mang một cảm giác nợ người kia đến hết đời.

Bắt đầu từ câu ca dao xa xưa của người Việt: “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” cho đến thi ca bác học sau này: “Anh còn nợ em công viên ghế đá/ Công viên ghế đá, lá đổ chiều êm/ Và còn nợ em dòng xưa bến cũ/ Dòng xưa bến cũ con sông êm đềm/Anh còn nợ em chim về núi nhạn/ Trời mờ mưa đêm trời mờ mưa đêm/ Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng/ Nụ hôm vội vàng nắng chói qua rèm” (“Anh còn nợ em” - Nhạc: Anh Bằng, thơ: Phan Thành Tài).

Một trong những tình khúc để đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tên gọi “Xin trả nợ người”: “Hai mươi năm xin trả nợ người/ Trả nợ một thời em đã bỏ ai/ Hai mươi năm xin trả nợ dài/ Trả nợ một thời em đã phụ tôi…”.

Có lẽ chữ Nợ là thứ vẫn còn đeo đẳng mãi với thế gian này. Ta nợ người, người nợ ta và cũng có khi ta mắc nợ chính mình. Nhưng thế gian đâu chỉ có chuyện người nợ người, thiên nhiên dường như cũng nợ nhau đời đời kiếp kiếp. Ví như cánh chim còn nợ khu rừng, cơn gió còn nợ hàng cây, và vầng trăng kia còn nợ dòng sông như lời ca của Trịnh Công Sơn mãi ngân lên dìu dặt: “Em đi qua chuyến đò ối a trăng nay đã già/ Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra/ Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể/ Trăng ơi trăng rất tệ mày đi nhớ chóng về...” (Biết đâu nguồn cội).

Đỗ Anh Vũ

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文