Phim nhà nước, phim tư nhân trong bối cảnh hội nhập

10:30 27/02/2007

8 bộ phim truyện nhựa hoàn thành năm 2006 thì có 3 bộ phim của các hãng phim nhà nước “Sinh mệnh”, “Cú đấm” và “Chuông reo là bắn”); 4 bộ phim tư nhân là “Áo lụa Hà Đông”, “Trai nhảy”, “Dòng máu anh hùng”, “Võ lâm truyền kỳ” và 1 bộ phim hợp tác với Trung Quốc là “Hà Nội- Hà Nội”.

Nhìn theo cách thống kê “cơ học” thì phim nhà nước và phim tư nhân giờ đây gần như ngang bằng. Thế cân bằng này liệu có nói lên  điều gì về  hướng đi của điện ảnh Việt Nam trong thời hội nhập?

Từ sau khi  Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quy định về điều kiện thành lập cơ sở sản xuất phim và thẩm quyền, thủ tục duyệt phim theo Quyết định số 38/2002/QĐ-BVHTT ngày 30/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, các hãng phim tư nhân liên tục ra đời và việc sản xuất phim của họ mỗi năm một thêm nhộn nhịp.

Nếu như năm 2003 còn là năm “nghe ngóng” thị trường và chuẩn bị lực lượng thì đến năm 2004, trong số 15 phim truyện nhựa được cấp giấy phép phổ biến có 4 phim của các hãng tư nhân (chiếm gần 1/3 tổng số). Năm 2005 có 6 phim tư nhân trên tổng số 16 phim truyện nhựa (chiếm hơn 1/3 tổng số), ngoài ra còn 2 bộ phim do các hãng phim nhà nước đứng tên nhưng được thực hiện bằng đồng vốn của tư nhân là Việt kiều. Năm 2006 có 4 phim tư nhân trên tổng số 8 phim (chiếm một nửa số lượng phim sản xuất).

Như vậy là bên cạnh dòng phim nhà nước (của các hãng phim nhà nước, sản xuất bằng tiền tài trợ hoặc đặt hàng của nhà nước) đã hình thành một dòng phim tư nhân và dòng phim này ngày càng phát triển. Màu sắc chính của phim tư nhân là giải trí, ăn khách (thậm chí có phim “câu khách” bằng mọi giá).

“Đột phá khẩu” của dòng phim giải trí không phải là phim của các hãng tư  nhân mà là bộ phim “Gái nhảy” (đạo diễn Lê Hoàng) do hãng phim Giải Phóng sản xuất bằng tiền tài trợ của Nhà nước. Ra mắt khán giả vào dịp tết Giáp Thân 2004), “Gái nhảy” đã tạo một cơn sốt đột biến trong khán giả cả nước mà suốt chục năm trời không có bộ phim nào tạo được. Doanh thu 13 tỉ trở thành một kỷ lục mà bất cứ hãng phim, nhà sản xuất hay nhà làm phim nào cũng mơ ước.

Đương nhiên, sự xuất hiện của một bộ phim hấp dẫn về hình thức và táo bạo về nội dung như “Gái nhảy” cũng gây nên những làn sóng trái chiều nhau: khen thật nhiều mà chê bai phản ứng cũng thật là lắm, ngay cả khi phim đoạt giải Cánh diều bạc năm 2003 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Những ý kiến phản ứng nhiều nhất nhằm vào những cảnh, những tình huống có thể hạ thấp thẩm mỹ người xem và lo ngại rằng “Gái nhảy” sẽ mở đường cho dòng phim thương mại - “mì ăn liền” đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX quay lại “đè bẹp” dòng phim nghệ thuật...

Bản thân chúng tôi - bằng vào giá trị cảnh báo và mục đích đề cao những giá trị tốt đẹp ngay trong những “tấm thân vấy bẩn” của phim “Gái nhảy” - không cảm thấy lo ngại trước “nguy cơ” này và từng khẳng định ngay sau khi phim được phát hành rằng, nếu dòng phim giải trí có tiếp tục lớn mạnh thì cũng là hợp quy luật phát triển của xã hội. Hãy hình dung sự phát triển theo hình xoáy trôn ốc thì đáy của nó là hàng trăm phim thương mại- “mì ăn liền” của thập kỷ trước, còn phim giải trí hôm nay sẽ ở phía trên. Số lượng phim thì ít đi nhưng chất lượng nghề nghiệp chắc chắn là nâng cao hơn nhiều.

Hơn nữa, thị trường sẽ điều chỉnh sản phẩm - cho dù là loại sản phẩm đặc biệt: bộ phim. Những sản phẩm kém chất lượng sẽ chỉ “đánh lừa” được khán giả 1-2 lần chứ không thể kéo dài đến 4-5 lần. Thêm vào đó, vai trò của công luận, của giới nghề nghiệp cũng có tác dụng phê bình, uốn nắn, thậm chí cảnh cáo những ai làm ra “đồ rởm”...

Trở lại sự phát triển của dòng phim tư nhân với hầu hết các phim được liệt vào dạng thương mại - giải trí - ăn khách, có thể thấy bước tiến rõ rệt. Điểm lại 3 bộ phim sản xuất để “ăn tết” trong 3 năm liền của Hãng phim Phước Sang là “Khi đàn ông có bầu” (Tết ất Dậu), “Đẻ mướn” (tết Bính Tuất) và “Võ Lâm truyền kỳ” (chuẩn bị tung ra tết Đinh Hợi - 2007) thì thấy rõ có sự “nâng cấp” về nghề nghiệp và kỹ xảo qua mỗi năm.

Nghĩa là các phim ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, tất nhiên là sự chuyên nghiệp của dòng phim giải trí - thương mại. Âm thanh, những pha ly kỳ nhờ kỹ xảo máy tính trong “Võ Lâm truyền kỳ” chắc “ngang tầm” với phim giải trí mạo hiểm của Hồng Công.

Một sự việc cần nhắc đến là giải khán giả dành cho bộ phim “áo lụa Hà Đông” của Hãng phim Phước Sang tại LHPQT Pusan (Hàn Quốc).  Hãy xếp việc đánh giá giá trị nghệ thuật của phim sang một bên vẫn có thể thấy ý định của nhà sản xuất khi làm “áo lụa Hà Đông” là hướng đến dòng phim nghệ thuật, vì việc “săn sóc” cho phim khác hẳn các phim thương mại khác: ưu tiên hàng đầu của nó là các Liên hoan phim - một “sân chơi” khác chứ không phải nhằm vào việc lôi kéo khán giả trong nước đến rạp.

Cũng là một hãng phim tư nhân có tiếng ngang ngửa như Hãng Phước Sang, Thiên Ngân đã tham gia sản xuất phim ngay từ đầu năm 2004, sau cơn sốt “Gái nhảy” và bộ phim “Những cô gái chân dài” của hãng này vừa thành công về doanh thu lại vừa gặt hái được giải thưởng Bông Sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 năm 2004.

Trong các dịp tết tiếp theo, Thiên Ngân xuất xưởng các phim “Nữ tướng cướp”, “Hai trong một” và tết Đinh Hợi này bộ phim “Trai nhảy” của hãng cũng đang chuẩn bị phục vụ bà con.  Phim của Thiên Ngân cho đến nay hầu hết thuộc “dòng” tâm lý - tình cảm hoặc tình cảm hài, và đương nhiên yếu tố hàng đầu vẫn là yếu tố hấp dẫn khán giả, nói nôm na hơn là chiều khách để “câu khách”.

Một bộ phim mới “ra lò”- cũng là phim đầu tiên - của Hãng phim tư nhân Chánh Phương mang tên “Dòng máu anh hùng” cũng chắc chắn sẽ khiến người xem trầm trồ bởi các pha đánh võ điêu luyện và cách dàn dựng đầy căng thẳng, kịch tính không kém gì các phim hành động, đuổi bắt của Mỹ. Và, nghe đâu bộ phim này sau một hồi dạm bán đã được một hãng phát hành của Hollywood mua với giá 1,5 triệu đôla - đúng bằng giá thành sản xuất phim.

Còn dòng phim Nhà nước trong những năm gần đây hầu như gồm những phim chính thống (như “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Ký ức Điện Biên”, “Giải phóng Sài Gòn”...) chiếu vào những dịp kỷ niệm đặc biệt, những ngày lễ lớn của đất nước hoặc những phim nghệ thuật gửi tham dự các Liên hoan phim quốc tế và khu vực (“Mùa len trâu”, “Thời xa vắng”, “Sống trong sợ hãi”, “Chuyện của Pao”...). Cách phân bổ từng loại phim này quả đã làm nên một diện mạo đa dạng hơn cho điện ảnh.

Năm nay chỉ xuất hiện có 3 phim nhà nước trên tổng số 7 phim truyện nhựa trong khi gần đây mỗi năm đều có gần chục phim của các hãng Nhà nước  “ra lò”. Vậy thực trạng hoạt động của các hãng phim Nhà nước ra sao?

Xét thực tế khách quan thì thường thường sau mỗi năm “được mùa” phim thì năm sau số lượng phim lại giảm đi. Ví dụ năm 2000, điện ảnh sản xuất được 11 phim truyện nhựa - trong đó có chùm 5 phim hay tham dự LHP châu á Thái Bình Dương lần thứ 45 tại Hà Nội - thì năm 2001 chỉ có 4 phim xuất xưởng. Năm 2002 số phim tăng lên đến 14 phim, thì năm 2003 chỉ có 8 phim ra lò.

Năm 2004 và 2005 là hai năm có nhiều ngày lễ lớn, nhiều dịp kỷ niệm nên nhiều bộ phim do nhà nước đặt hàng và tài trợ đã ra mắt đúng hẹn. Thêm vào đó, “thắng lợi” của một số bộ phim tư nhân đã kích thích một số nhà sản xuất tư nhân vào cuộc. Vì vậy, số lượng phim sản xuất mỗi năm đều khá lớn: năm 2004 - 16 phim; 2005 - 15 phim. Và, theo “đồ thị” phát triển thì sau hai năm dồn lực lượng làm phim với tốc độ khá căng, năm 2006 này đến năm “chùng”.

Nhưng bên cạnh nguyên nhân khách quan như trên, cũng phải nhận rõ những nguyên nhân chủ quan của ngành điện ảnh - đặc biệt là các hãng phim nhà nước - dẫn đến tình trạng ít phim hoàn thành trong năm. Tình hình mới trong bối cảnh hội nhập và mở cửa đòi hỏi một sự thay đổi căn bản về cơ chế trong tất cả các ngành.

Đối với điện ảnh, xu hướng xã hội hoá điện ảnh và cổ phần hóa các hãng phim nhà nước - trước tiên là 3 hãng phim truyện trực thuộc Bộ Văn  hóa - Thông tin là Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Truyện 1 và Hãng phim Giải Phóng - tạo nên những xáo trộn âm trạng của cán bộ nhân viên - từ các nhà quản lý đến những người làm phim và đặc biệt là các nghệ sĩ sáng tác.

Một số bộ phim được đưa vào sản xuất từ năm ngoái mà đến năm nay vẫn chưa hoàn thành (ví dụ: “Trung úy”, “Những ngày mùa hè” và “Vũ điệu tử thần” của Hãng phim Truyện Việt Nam, “Giá mua một thượng đế” và “Trăng nơi đáy giếng” của Hãng phim Giải Phóng...). Sáu kịch bản được duyệt đưa vào sản xuất năm 2006, trừ “Chuông reo là bắn” của Hãng phim Giải Phóng đã hoàn thành, 5 kịch bản còn lại vẫn đang trong giai đoạn tiền kỳ mà chưa có phim nào khởi quay!

Như vậy, khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập toàn diện như hiện nay, điện ảnh Việt Nam cần đi theo quy luật mà các nền điện ảnh phát triển đã đi. Nhưng trong tình hình thực tế của chúng ta, chưa thể “thả nổi” điện ảnh vào cơ chế thị trường mà cần phát triển song song cả dòng phim nhà nước và dòng phim tư nhân để mỗi dòng phim phát huy hết tác dụng của mình đối với xã hội

Ngô Phương Lan

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文