Phim tài liệu điện ảnh về chân dung văn nghệ sĩ: Giữ gìn những tư liệu quý
- 15 tỷ đồng làm phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”
- Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ XI: Điểm hẹn kết nối các nền văn hoá
- “Đoạn trường vinh hoa” công chiếu, phim tài liệu Việt có lập nên kỷ lục mới?
"Đoạn trường vinh hoa", "Màu cỏ úa" là 2 bộ phim tài liệu điện ảnh vừa ra mắt khán giả trong tháng 11. Trước đó, bộ phim "Sky Tour" của Sơn Tùng M-TP, "Bức tường - Chuyện ngày hôm qua" về Ban nhạc Bức Tường cũng đã làm nức lòng khán giả hâm mộ...
Dù số lượng vẫn còn khiêm tốn, nhưng những bộ phim tài liệu điện ảnh về chân dung văn nghệ sĩ sẽ không chỉ góp phần đưa dòng phim này đến với đông đảo khán giả, mà còn là cách hữu hiệu lưu giữ những tư liệu quý.
Bộ phim tài liệu "Màu cỏ úa" khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến vừa có buổi chiếu ra mắt tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 23-11 và tại Hà Nội vào ngày 30-11. Đây là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ thuộc thế hệ 9X Lan Nguyên, do Công ty Silver Moonlight Entertaiment sản xuất.
Với thời lượng 80 phút, "Màu cỏ úa" là những nét chấm phá, khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến từ khi là người lính trẻ yêu văn nghệ cho tới khi trở thành nhạc sĩ nổi tiếng ở vào tuổi thất thập. Thông qua bộ phim, khán giả bắt gặp một nhạc sĩ Trần Tiến lãng tử, hóm hỉnh, thông minh, gần gũi nhưng cũng điềm đạm, sâu sắc và đầy khoảng lặng.
Được biết, bộ phim được thực hiện trong vòng 5 năm (2015 - 2020) với hơn 15 đợt quay. Ê kíp làm phim tiến hành quay ở các tỉnh thành như Hà Nội, Hà Nam, Quảng Bình, Lâm Đồng, Vũng Tàu... Ngoài phần du ca, ba chủ đề đan xen được kể trong phim là góc nhìn về chiến tranh, về Hà Nội và biển. Đó cũng là những thời điểm, những dấu ấn đậm nét trong cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông.
Ngoài những đoạn phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp, đạo diễn thường sử dụng những góc quay rất hẹp, trực diện vào gương mặt nhạc sĩ, để ông trò chuyện với ống kính như với một người bạn...
Mặc dù bộ phim chỉ sử dụng 2 tone màu đen - trắng nhưng những câu chuyện cuộc đời, âm nhạc thú vị của nhạc sĩ Trần Tiến khiến cho người xem cảm nhận được đầy đủ những sắc màu, thanh âm dư vị trong những chuyến du ca của ông.
Nhạc sĩ Trần Tiến và đoàn làm phim “Màu cỏ úa”. |
Chia sẻ trên báo chí, đạo diễn Lan Nguyên cho biết, sở dĩ cô quyết định bắt tay vào thực hiện bộ phim tài liệu về chân dung nhạc sĩ Trần Tiến bởi năm 2015, sau một lần gặp nhạc sĩ để làm phóng sự truyền hình, cô thấy không thể chỉ làm phóng sự 20 phút mà phải làm hẳn một bộ phim. "Tôi muốn làm phim về một người nhạc sĩ không còn xuất hiện nhiều nhưng tôi biết chắc nhiều khán giả vẫn còn nhớ đến chú".
Đạo diễn Lan Nguyên cũng là người dẫn truyện xuyên suốt bộ phim. Những hình ảnh của phim mang tới hình ảnh một Trần Tiến hào hoa, lãng tử nhưng vô cùng dung dị, sẵn sàng từ chối những cuộc nhậu sang trọng để ngồi lê la vỉa hè với bia hơi, bập bùng tiếng đàn và hát với bạn bè mình.
"Màu cỏ úa" cũng cho thấy sự ảnh hưởng của Trần Tiến với gia đình, bạn bè, đồng đội và đối với những nghệ sĩ trẻ. Phim cũng có sự xuất hiện của những người gắn bó với cuộc đời ông như NSND Trần Hiếu, ca sĩ Trần Thu Hà, nhạc sĩ Dương Thụ, diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ - nhạc sĩ Vũ Đinh Trọng Thắng (ban nhạc Ngọt)...
Đặc biệt, phim còn mang đến cho khán giả những thước phim vô cùng quý giá về khoảnh khắc nhạc sĩ Trần Tiến hát cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bộ phim thực sự là một món quà ý nghĩa dành tặng cho những khán giả hâm mộ "gã du ca" thế kỷ Trần Tiến.
Cũng trong tháng 11 vừa qua, bộ phim tài liệu về cuộc đời những nghệ sĩ tuồng cổ đầy gian truân mang tên "Đoạn trường vinh hoa" cũng đã ra mắt khán giả. Bộ phim của đạo diễn Lê Mỹ Cường và đồng tác giả Thanh Nguyễn kể về hành trình gánh hát cải lương tuồng cổ của nữ nghệ sĩ Phương Ánh (nhân vật chính của phim) rong ruổi qua những đình làng, miếu cổ ở các tỉnh miền Tây để trình diễn.
Gánh hát là nơi trú ngụ của những nghệ sĩ đến từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ và nhiều vùng khác của miền Tây. Không chú trọng nhiều tới việc giới thiệu nghệ thuật cải lương tuồng cổ, đạo diễn muốn đưa những hình ảnh phía sau sân khấu tới gần khán giả. Dưới ánh đèn sân khấu hoa lệ, họ là những ông hoàng bà chúa nhưng sau tấm màn nhung, những người nghệ sĩ ấy phải đối mặt với đủ chật vật của đời sống mưu sinh.
Ê kíp làm phim đã mang đến những hình ảnh chân thực và đầy xúc động về cuộc sống của những thành viên trong gánh hát Phương Ánh. Mặc dù khó khăn, thậm chí trải qua những giai đoạn ngặt nghèo, đau thương, mất mát, nhưng tình yêu với những câu hát cải lương, với nghệ thuật chưa khi nào ngừng cháy bỏng trong tim họ.
Một cảnh trong phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa”. |
Để thực hiện bộ phim, ê kíp đã phải quay hình trong 18 tháng với gần 100 giờ quay (từ tháng 3-2019 đến tháng 7-2020). Thông qua những hình ảnh đó, khán giả có cơ hội chiêm ngưỡng những sinh hoạt thường nhật của các nghệ sĩ, thậm chí những bi kịch, biến cố, mâu thuẫn, tranh cãi.
Đạo diễn Lê Mỹ Cường cho biết, là người miền Bắc nên anh rất tò mò về nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Khi thấy các gánh hát vùng quê, anh rất muốn tìm hiểu đằng sau bức màn nhung ấy là gì. Ý định nung nấu đó quyết tâm để anh từ Hà Nội vào miền Tây làm phim.
Âm hưởng Nam Bộ được duy trì thống nhất suốt bộ phim nhờ giọng kể mộc mạc, chân chất của cô bầu hát Phương Ánh. Ngoài ra, yếu tố hình ảnh được đạo diễn Mỹ Cường đặc biệt chú trọng. Hình ảnh phim tinh gọn, chân thực và xúc động, khơi gợi nhiều cảm xúc cho người xem.
Phim tài liệu về chân dung văn nghệ sĩ chiếu trên truyền hình thì đã được sản xuất từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời lượng cũng như chất lượng của phim khá hạn chế vì lâu nay chỉ để chiếu trên truyền hình vào những dịp kỷ niệm. Một vài năm gần đây, phim tài liệu điện ảnh đã được nhiều nhà làm phim chú ý hơn. Dung lượng phim có sự thay đổi, thời lượng phim dài, đủ điều kiện chiếu rạp. Nhưng đa phần, những bộ phim này đều của các nhà làm phim độc lập.
Khán giả yêu phim tài liệu đã biết tới những bộ phim như "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, năm 2014), "Lửa Thiện Nhân" (đạo diễn Đặng Hồng Giang, năm 2015), "Đáng sống" (đạo diễn Đặng Hồng Giang, năm 2016), "Đi tìm Phong" (đạo diễn Trần Phương Thảo - 2018)...
Bên cạnh đó, làm phim tài liệu về các hoạt động xung quanh cuộc đời làm nghệ thuật, hay show diễn không phải là chuyện lạ với thế giới. Ví dụ như đã có bộ phim "Michael Jackson's This is it" (2009) kể về sự chuẩn bị của Michael Jackson cho show diễn của mình, "Bring the Soul: The Movie" (2019) xoay quanh nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc...
Ở Việt Nam, bộ phim về nhóm Bức Tường với tên gọi "Bức Tường - Chuyện ngày hôm qua" cũng đã chinh phục khán nhờ những hình ảnh chân thực, xúc động về ban nhạc nổi tiếng này. Gần đây nhất là phim "Sky Tour" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong năm 2020 kể về chuyến lưu diễn năm trước của anh với sự cổ vũ của người hâm mộ. Bộ phim được Sơn Tùng M - TP thực hiện với mục đích mang đến cho khán giả những câu chuyện phía sau sân khấu...
Điều đáng nói là những nhà sản xuất phim tài liệu điện ảnh hiện nay đều hướng đến việc phát hành phim tại rạp chiếu. Đây hoàn toàn là một mong ước chính đáng và cần được ủng hộ. Hiệu ứng khán giả tích cực từ những tác phẩm của đạo diễn Đặng Hồng Giang, Phạm Thị Thắm khiến chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng khán giả ra rạp mua vé xem phim tài liệu.
Ngoài ra, phim tài liệu về các nghệ sĩ còn có thêm thuận lợi là các nghệ sĩ đều có một lượng fan nhất định. Đây cũng chính là đối tượng khán giả cho phim tài liệu. Bởi công chúng luôn háo hức được biết thêm những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của nghệ sĩ mà mình yêu quý. Dù ra mắt trong năm COVID nhưng bộ phim tài liệu của Sơn Tùng M - TP đã mang về doanh thu hơn 10 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày ra rạp thực sự là một con số đáng nể.
Sau một vài suất chiếu giới thiệu tại các trung tâm văn hóa, phim "Đoạn trường vinh hoa" đã được nhà phát hành BHD đưa ra rạp từ ngày 13-11. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ các suất chiếu thương mại sẽ được gửi về cho gánh hát nhằm giảm bớt khó khăn, ủng hộ bộ môn nghệ thuật tuồng cổ vốn đang dần mai một ở miền Tây. "Màu cỏ úa" cũng đã ấp ủ kế hoạch ra rạp trong thời gian tới...
Đây sẽ không chỉ là cơ hội cho đông đảo công chúng được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, mà còn là những tư liệu quý giá cho mai sau ở lĩnh vực văn học nghệ thuật.