Quyền tác giả âm nhạc đang bị xâm phạm mạnh

13:33 30/11/2020
Lạm dụng những kẽ hở pháp lý, nhiều tổ chức, cá nhân đã biến mục đích phổ biến tác phẩm âm nhạc để phục vụ triệt để cho mục đích kinh doanh; khiến tác giả không chỉ thiệt thòi về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức sáng tạo. Thậm chí có tác giả, do sơ suất trong ký kết hợp đồng đã dẫn tới việc quyền tác giả bị vô hiệu hoá...


Theo phản ánh của một số nhạc sĩ - chủ sở hữu tác phẩm cho phép cá nhân (là ca sĩ), hoặc tổ chức kinh doanh âm nhạc trên các nền tảng trực tuyến... được phép thu thanh, thu hình và truyền tải tác phẩm lên các trang mạng với mục đích phổ biến đến công chúng. 

Tuy nhiên, các cá nhân/tổ chức này đã lạm dụng, biến mục đích phổ biến tác phẩm phục vụ triệt để cho việc kinh doanh: khai thác, thu tiền trên nền tảng Youtube để thu lợi nhuận, đồng thời vô hiệu hoá quyền tác giả, khiến nhạc sĩ vô cùng thiệt thòi. 

Sự việc này được phát hiện khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) rà soát và tiến hành tuyên bố quyền (claim) để thu tiền tác quyền về cho tác giả thành viên.

Ca sĩ Mai Phương và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Ảnh Hạnh Lê.

Bức xúc trước tình trạng xâm phạm quyền tác giả, một số nhạc sĩ thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Bài hát cần có đời sống, vì thế các cá nhân/ tổ chức sử dụng tác phẩm vào mục đích lan tỏa, phi lợi nhuận, nhưng không có nghĩa là dùng miễn phí khi khai thác vì mục đích thương mại. Khi đã kinh doanh, nghĩa là sản phẩm đem lại quyền lợi vật chất, thì quyền tác giả được kích hoạt và việc phải trả phí tác quyền là đương nhiên".

Mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế, mà Việt Nam là thành viên cũng như yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, song tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường Internet đang ở mức báo động. Các hành vi từ xâm phạm quyền tài sản, quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm, đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm… diễn ra tràn lan.

Với gần 4.500 chủ sở hữu tác phẩm trong nước và khoảng 3 triệu tác giả nước ngoài ủy quyền cho VCPMC, phần lớn họ ủy quyền toàn bộ; cũng có những tác giả đã bán độc quyền, trao tặng.v.v. Vấn đề bán độc quyền hoặc chuyển nhượng sẽ khó chấm dứt và sẽ xảy ra thường xuyên, đặc biệt là tình trạng bán độc quyền cho các nhà sản xuất, ca sĩ. Vì vậy, VCPMC đã và đang kiểm soát và tư vấn cho tác giả để tránh gặp rủi ro về mặt pháp lý. 

Đại diện bộ phận pháp chế của Trung tâm cho biết: "Thực  tiễn có nhiều nhạc sĩ do chưa nắm rõ thủ tục pháp lý khi ký kết nên gặp phải tình huống không như mong muốn. Trung tâm đang tập trung hỗ trợ pháp lý, tránh hiện tượng nhầm lẫn, không trung thực "tình ngay lý gian" hoặc cố tình lừa dối, làm sai lệch trong giao dịch dân sự, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả - chủ sở hữu tác phẩm. 

Trong trường hợp tác giả vẫn muốn bán độc quyền thì VCPMC sẽ hỗ trợ tư vấn, đàm phán, bảo đảm phạm vi, thời hạn độc quyền cũng như giá trị độc quyền tốt nhất. Vi vậy, các nhạc sĩ khi có nhu cầu chuyển nhượng hoặc bán độc quyền, hãy liên hệ với VCPMC để được các luật sư hỗ trợ và cung cấp các mẫu hợp đồng độc quyền, chuyển nhượng nhằm giảm thiệt hại cho các tác giả mà không tốn bất kỳ chi phí nào".

Quyền tác giả cần được tôn trọng

Cho đến nay, VCPMC đã ký thỏa thuận và hợp tác song phương với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản, với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc), thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne mà Việt Nam là thành viên.

Nạn xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những "chiêu trò" khó lường. Nổi cộm cùng với vi phạm trên nền tảng công nghệ số còn là muôn hình vạn trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn. Hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả. Dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, gây nên nhiều bức xúc trong dư luận. Thời gian qua, VCPMC đã tiến hành khởi kiện một số vụ việc xâm phạm quyền tác giả âm nhạc ra tòa. Đến nay, quá trình giải quyết đã có những tín hiệu tích cực.

Nhạc sĩ Hoài An. Ảnh Internet.

Là một trong những nhạc sĩ trẻ thường xuyên lên tiếng mạnh mẽ về việc bảo vệ quyền tác giả, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định: "Niềm tin của Chung đối với VCPMC đã có từ rất lâu, đó là điều Chung luôn khắc ghi, bởi VCPMC đã đòi lại công bằng cho Chung khi tác phẩm "Vầng trăng khóc" của một nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên, nhưng lại xuất hiện rất nhiều phiên bản của Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia. 

VCPMC đã hỗ trợ thủ tục pháp lý để chứng minh nguồn gốc tác phẩm, trả lại quyền tác giả cho Chung bằng việc phải bay sang Singapore để chứng thực trên hệ thống Mis@Asia, khẳng đinh phiên bản đầu tiên xuất hiện và truy ra nguồn gốc tác phẩm, minh chứng Chung là người đầu tiên sáng tác bài hát này. Cùng thời gian, VCPMC đang làm tốt vai trò của mình và Chung trân trọng điều đó".

Thực thi quyền tác giả thời công nghệ 4.0

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đồng thời quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng. Với trách nhiệm của một tổ chức bảo vệ tâp thể quyền tác giả âm nhạc, VCPMC đã và đang có những nỗ lực vượt trội nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển và hội nhập quốc tế, thực thi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc.

Cho tới nay, VCPMC đã và đang triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm mà các Tổ chức Tập thể quyền trên thế giới cùng sử dụng, để đảm bảo tính tương tác cao. 

Là thành viên của VCPMC từ những ngày đầu, nhạc sĩ Hoài An cho biết: "Tôi là một trong những tác giả có hợp đồng uỷ quyền VCPMC sớm nhất, nên tôi thấy rõ sự phát triển của VCPMC những năm qua trên mọi khía cạnh. Bản thân cá nhân tôi, thu nhập từ bản quyền đã hỗ trợ phần lớn chi phí cuộc sống không chỉ của tôi mà của nhiều tác giả trong cả nước. Chúng tôi giờ chỉ lo phần việc của nhạc sĩ là sáng tạo, còn về quyền tác giả đã có VCPMC quản lý. VCPMC hiện đang chạy các phần mềm phân phối theo chuẩn của thế giới, cũng như cập nhật các công nghệ hiện đại đủ mạnh để theo dõi việc sử dụng bản quyền trên các kênh sóng và trên các nền tảng mạng xã hội. Đó là tin vui với anh em nhạc sĩ chúng tôi".

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội khi đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp và lan rộng, với việc tạm dừng các hoạt động văn hoá nghệ thuật tụ tập đông người tại các nhà hàng; khách sạn; quán bar; phòng trà; tụ điểm ca nhạc, karaoke, biểu diễn nghệ thuật… song, nhờ biết vận dụng nội lực và chuẩn bị hạ tầng số hoá, biến thách thức thành thời cơ thúc đẩy sự phát triển nên hoạt động của VCPMC vẫn được đảm bảo. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: "Mặc dù đại dịch COVID gây ảnh hưởng song quý I và II, số tiền tác quyền Chung nhận được khá cao, đó là nhờ VCPMC đã ứng dụng công nghệ trong việc tra soát, đối soát tác phẩm cũng như  hợp tác giữa VCPMC với youtube và facebook đã mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho tác giả. Hàng năm, tác quyền của Chung luôn cao hơn năm trước - Đó là thu nhập thụ động mà không dễ gì có được".

Với những nỗ lực vượt trội, mong rằng tác quyền 2020 sẽ là một con số ấn tượng, mang lại niềm tin, tạo động lực thúc đẩy sáng tạo cho các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm - thành viên của VCPMC.

Trần Lệ Chiến

Nga phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc không triển khai vũ khí hạt nhân trên không gian vũ trụ, khẳng định việc cấm cần áp dụng với mọi loại vũ khí.

Ngày 22/4/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo nhân quyền năm 2023 và tiếp tục đưa ra những thông tin phiến diện, sai lệch, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Đây là điều đáng tiếc khi hai quốc gia đang nỗ lực tăng cường hợp tác, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng những đặc thù, khác biệt để cùng tìm ra tiếng nói chung trong lĩnh vực quyền con người, xóa bỏ những áp đặt và tránh chính trị hóa các vụ việc hành chính, hình sự.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, lực lượng CSGT Thủ đô sẽ triển khai phương án bảo đảm TTATGT trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý vào 5 nhóm hành vi vi phạm gồm: vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá tải trọng; chạy quá tốc độ; vi phạm về làn đường, sử dụng giấy tờ giả.

Chiều 24/4, Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Học viện Chính trị CAND. Nhân dịp này, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi lẵng hoa chúc mừng.

Liên quan đến việc 2 phóng viên bị hành hung khi đang tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy xưởng gỗ tại thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, chiều 24/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã triệu tập 2 đối tượng có liên quan gồm Đỗ Mạnh Hoàng và Trần Văn Đức (cùng SN 1978, ở tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì).

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ khẳng định nhận thức và quyết tâm chính trị của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là vô cùng quan trọng, có yếu tố quyết định đến sự thành bại của Đề án 06, chuyển đổi số. Đồng thời đề nghị phải sớm số hóa dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文