Sách hay, sách đẹp

13:48 09/07/2020
Sách hay thì nhiều người nói rồi, tôi không muốn bàn thêm nữa nhưng sách đẹp rõ ràng là chủ đề đang "nóng" lên hằng ngày khi tôi theo dõi thị trường sách Việt Nam thời gian gần đây. Sách đẹp và sách rất đẹp đang lên ngôi.


Thế nào là một quyển sách đẹp? Câu hỏi này sẽ có rất nhiều phương án được trả lời, tôi sẽ đi vào từng tiêu chí nhỏ theo quan sát của mình về những cuốn sách được gọi là đẹp.

Sách phải có một cái bìa đẹp, điều này có lẽ dễ nhận thấy nhất và là đánh giá đầu tiên định nghĩa về một cuốn sách đẹp. Một bìa sách đẹp trước hết là tranh vẽ, hình minh hoạ phải phù hợp với nội dung cuốn sách hoặc ít nhất tương thích với hồn cốt của cuốn sách. Kị nhất là tình trạng ông nói gà, bà nói vịt. Ví dụ cuốn sách bàn về Hồi giáo mà lại đưa một ảnh nhà thờ Thiên chúa giáo lên bìa  hoặc bị tác giả "đánh lừa".

Ví dụ tác phẩm có tên "Con chim sẻ của tôi" mà lại tương luôn một con chim sẻ ra bìa cũng hỏng vì "con chim sẻ" chỉ là cách gọi của một chàng trai với người mình yêu chứ không liên quan hoặc có con chim sẻ nào hết. Nếu hoạ sĩ không đọc tác phẩm, không được biên tập viên gợi ý thì sẽ rất sai lệch, nhầm lẫn.

Bìa sách “Diệt vong”.

Không những ảnh, tranh trên bìa cần trúng hoặc hợp tông tác phẩm mà  kiểu chữ cũng có vai trò quan trọng. Một tác phẩm kinh điển triết luận mà có chữ uốn éo, màu mè thì không hợp. Một tác phẩm tươi mới, trẻ trung thì cũng tránh dùng font chữ thô cứng quá.

 Hình vẽ, chữ viết trên bìa sách đã quan trọng, chất liệu làm bìa cũng ngày càng được quan tâm. Tôi nhớ Nhà xuất bản Cầu Vồng của Liên Xô cũ thường bọc bìa bằng vải bố rất đẹp, cổ điển và bền chắc. Chữ viết trên vải cũng là thứ mực tốt, không bị phai màu, mấy chục năm bìa sách vẫn còn rất  đẹp kiểu cổ điển.

Bìa sách dùng giấy thông thường gọi là bìa mềm, có tay gấp hoặc không tay gấp. Bìa có tay gấp thì thuận tiện cho việc in ảnh tác giả, thông tin tiểu sử hoặc tóm tắt nội dung cuốn sách. Các cuốn sách trước đây ít có tay gấp, hiện nay thì hầu như sách nào cũng có, vì nếu không dùng tay gấp thì bìa mềm rất dễ bị cong, bong, quăn, gẫy làm mất thẩm mĩ cuốn sách.

Nhưng bìa sách không phải thứ giấy nào cũng làm được, nếu dùng loại giấy định lượng thấp, nghĩa là quá mỏng thì bìa mềm yếu, cầm cuốn sách vặn vẹo rất khó chịu. Giấy làm bìa tốt là định lượng vừa đủ độ dày, bắt màu chuẩn và đẹp. Các nhà sách có uy tín thường rất kĩ trong khâu chọn giấy làm bìa còn các nơi khác hoặc tác giả tự in thường không chú ý hoặc không biết đến điều này.

Một loại bìa được ưa thích hiện nay là bìa cứng, là loại bìa dùng giấy ép nhiều lớp, cứng cáp và sang trọng. Bìa này thường dùng cho các cuốn sách kinh điển, sách công cụ, tra cứu nhưng bây giờ nhiều nơi chơi sang, sách mỏng vẫn làm bìa cứng. Bìa cứng này, nếu cầu kì thì có thêm lớp "áo", nghĩa là thêm một bìa mỏng làm áo bên ngoài. Bìa cứng sẽ có gáy tròn hoặc gáy vuông, gáy tròn là kiểu cổ điển nhiều người thích, gáy vuông thì có tính hiện đại, trẻ trung.

Những cuốn sách bìa cứng thường có thêm một dải lụa màu để đánh dấu sách khỏi phải gập trang hoặc dùng cái đánh dấu sách (bookmark). Đấy là  nói đến những loại bìa cứng thông thường, bây giờ nhiều đơn vị làm sách làm bìa bằng da simili, sang hơn là da PU và xịn nhất là dùng bìa da thật. Nhìn một cuốn sách có bìa đẹp, sang trọng, nếu được đầu tư về hình ảnh, thiết kế và chất liệu thì đã muốn giở xem hoặc mua. Đấy là lí do nhiều nhà xuất bản đầu tư vào kĩ thuật và vật liệu làm bìa, và đây là những yếu tố cơ bản làm ra các bản sách có tên gọi là "bản đặc biệt" hoặc "bản giới hạn" mà tôi sẽ nói ở phần sau.

Giấy in trong sách ở cuốn sách đẹp cũng được lựa chọn kĩ càng. Ngày xưa ngày ta thích giấy thật trắng để in sách, nhưng giấy trắng quá thì loá, khó đọc lại hại mắt. Giờ thì người ta ưa thích những loại giấy trắng vừa phải, thân thiện với người đọc. Giấy đẹp in sách không được mỏng quá, mỏng quá thì nhìn xuyên chữ trang bên kia, giấy xốp thì bở và dễ ngấm nước. Vài năm gần đây loại giấy xốp được ưa chuộng vì cầm nhẹ nhưng không phù hợp môi trường Việt Nam nóng ẩm, giấy nhanh bị hút ẩm và ố vàng. Giấy sang, đẹp là độ đầy tương đối, không sáng quá và thân thiện với người đọc.

Trình bày hay còn gọi là chế bản sách cũng quan trọng góp phần tạo ra một cuốn sách đẹp. Kiểu chữ chọn để in cũng cần tính toán sao cho không rối, dễ đọc hoặc tùy thuộc loại sách để chọn loại kiểu chữ khác nhau. Ví dụ sách cho trẻ em có thể kiểu chữ khác sách người lớn. Độ lớn của chữ cũng cần thích hợp, cỡ chữ nhỏ quá thì khó đọc, to quá thì thô, thiếu tinh tế.

Nhiều nhà sách muốn tiết kiệm, đặt khoảng cách giữa các dòng quá hẹp cũng gây khó đọc. Mắc những lỗi cơ bản đó thì không thể coi là một quyển sách đẹp hoàn mĩ. Lề sách cũng có những giá trị nhất định góp phần tăng chất lượng cho sách, sách kinh điển xưa thường để lề khá rộng, vì họ muốn dành cho độc giả một khoảng không gian để có thể viết bình luận ngay ở trang lề. Sách bây giờ, vẫn là chuyện tiết kiệm hoặc vì nhu cầu độc giả đã khác, nhà xuất bản để lề khá hẹp.

Đánh số trang cũng là một yếu tố cần quan tâm. Khoa học và dễ nhìn nhất là đánh số trang ở góc trên hoặc góc dưới trang sách. Những nơi không có kinh nghiệm lại đánh số trang ở giữa, điều này sẽ khiến việc tìm số trang khó khăn hơn.

Một cuốn sách hiện đại bây giờ người ta đầu tư thêm cái bookmark thay cho sợi chỉ lụa đánh dấu. Thông thường nhất là bookmark bằng giấy bìa, sang trọng, cầu kì hơn thì bằng gỗ, tre, da, đồng, bạc và có in chữ và họa tiết. Bookmark giống như một phụ kiện đi kèm làm đẹp và tiện lợi cho sách như các món đồ sang trọng khác.

Bản đặc biệt sách “Bố già”.

Với sách đẹp, cầu kì, người ta còn làm thêm một cái hộp sách. Hộp sách giống như một cái nhà để cuốn sách không bị mưa gió, rét mướt. Phổ thông nhất  hộp sách là bìa giấy cứng, tiếp theo hoặc hộp gỗ hoặc các chất liệu khác. Hộp  sách có khi kèm thêm một cái khóa nữa. Một người bạn của tôi còn bảo rằng, sách đẹp thì phải sờ thấy thích, ngửi thấy thơm nữa mới chuẩn.

Như vậy để đánh giá một cuốn sách đẹp có rất nhiều yếu tố. Từ nhu cầu đọc là cơ bản và quan trọng nhất, bây giờ phát sinh thêm như cầu mới: chơi, sưu tầm, trưng bày, trao đổi. Từ đó nảy sinh các bản sách đặc biệt, sách giới hạn dành cho những người chơi, sưu tầm sách.

Các bản sách đặc biệt này không phải bây giờ mới có mà từ đầu thế kỉ XX, các nhà xuất bản Việt Nam đã làm điều này. Một cuốn sách khi đó sẽ được in thành các phiên bản khác nhau, ít thì 2, nhiều thì 3, 4, 5 loại. Mỗi kiểu sẽ được in bằng các loại giấy khác nhau theo mức độ tịnh tiến về độ tốt, độ sang trọng. Các quyển sách ấy sẽ được viết kí hiệu đặc biệt hoặc đánh số để dành riêng cho tác giả, bạn hữu, nhà xuất bản hoặc các trường hợp đặc biệt. Giá thành các bản sách đặc biệt đương nhiên đắt hơn các bản thông thường.

Sách bản đặc biệt, sách giới hạn đang phát triển khá mạnh ở thị trường sách Việt thời gian gần đây. Điểm cơ bản nhất của các bản sách này là in với số lượng ít và có đánh số. Để thực sự quý thì những sách kiểu này người ta thường in 100 bản, nhiều hơn thì 200, 300 hoặc 500. Nếu nhiều quá thì không còn gọi là đặc biệt và giới hạn nữa. Các cuốn sách này đều được đánh số và những người sưu tầm chơi sách thường chọn những con số mình thích hoặc các số đặc biệt, ví dụ 1, 10, 100...

Ngoài được đánh số, để tăng thêm giá trị, các cuốn sách thường có chữ kí của tác giả, dịch giả, họa sĩ hoặc người viết giới thiệu. Với các bản sách cầu kì này, nhà sách thường yêu cầu người đọc đặt trước tiền, số thứ tự hoặc yêu cầu riêng. Các bản sách đẹp này ít khi được bán ở các hiệu sách thông thường mà qua kênh phân phối riêng hoặc độc giả đặt trực tiếp nhà sách. Sự cạnh tranh để có được con số đẹp và háo hức chờ sách cũng là một niềm vui của những người chơi sách, sưu tầm sách.

Vì số lượng sách có hạn mà đôi khi nhu cầu vượt quá nguồn cung cấp, những người đặt sách phải quay "xổ số" để chọn ra người được quyền mua. Sự mua đi bán lại, tăng giá cũng nhanh chóng với các sách này. Lượng sách cung  càng ít cùng với sự độc đáo thì sách càng được săn lùng.

Tất nhiên, hình thức, cách trình bày và chất liệu làm sách chỉ là một phần trong việc xác định chất lượng cuốn sách. Để sách trở thành một vật phẩm giá trị thực sự và có ích, nội dung cuốn sách là điều không thể bỏ qua. Thời gian vừa qua, các bản sách đẹp, sách đặc biệt mới chủ yếu tập trung vào những cuốn sách đã từng xuất bản, chính xác là tái bản những cuốn sách nổi tiếng. Điều này cũng có nghĩa người ta mới chủ yếu chú trọng ở vẻ bề ngoài.

Theo tôi một cuốn sách hay, sách đẹp thực sự nên đầu tư cho những cuốn sách in lần đầu, dịch lần đầu hoặc có tính tiên phong. Như thế sẽ khuyến khích sự sáng tạo, trân trọng tri thức của cả người viết, người đọc và các đơn vị xuất bản.

Một cuốn sách hay đã quý, một cuốn hay, đẹp và độc đáo nữa thì rõ ràng  là một vật phẩm giá trị. Từ sự đọc thông thường thì sách có thêm các chiều kích mới là vẻ đẹp thẩm mĩ, giá trị tài sản và trưng bày như những tác phẩm nghệ thuật.

Uông Triều

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

“Ngày 3/8/1967, đánh CLB sỹ quan Mỹ (N.O.C) diệt trên 200 tên. Thị ủy Nha Trang đánh giá thắng lợi này rất cao. Những người tham gia trận đánh như Hoài Phong, Lê Thị Mai, Trần Kim Hùng, Bùi Chạn, Trần Thanh Châu (tức Mỹ) đã được tặng tưởng Huân chương chiến công”. Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang giai đoạn 1925 - 1975, trang 205 viết ngắn gọn như vậy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文