Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ IV -2020:

Sẵn sàng cho ngày "khai hội"

08:00 16/07/2020
Tối 16-7, lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ IV-2020 sẽ chính thức khai mạc. Đến thời điểm này, các đơn vị nghệ thuật hầu hết đã hoàn thiện việc tập luyện các vở diễn tham dự liên hoan. Công tác chuẩn bị của Ban tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" cũng đang được gấp rút hoàn thành để chuẩn bị sẵn sàng cho "tiếng còi" khai cuộc.


Theo Đại tá, NSND Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Phó trưởng Ban tổ chức liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" thì: "Đây là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực, là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt hướng tới chào mừng 75 năm Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước năm 2020. 

Vở kịch "Vẫn sống" của Nhà hát CAND sẽ biểu diễn dự thi ngay sau buổi lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" tối 16-7. 

Chính vì thế, kỳ liên hoan này nhằm khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trên sân khấu, ca ngợi truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; biểu dương những tấm gương trong chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. 

Đồng thời, liên hoan cũng là dịp để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện, tìm tòi, sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật về đề tài người chiến sĩ CAND, góp phần xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND với tinh thần "vì nhân dân phục vụ" ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân trong cuộc sống đời thường...".

Để chuẩn bị cho liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ IV sẽ khai mạc vào tối 16-7 và để liên hoan đạt được những kết quả tốt nhất, về phía Bộ Công an cũng như đơn vị tham mưu, thường trực là Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất sớm. 

Từ tháng 1-2020, các hoạt động phục vụ cho liên hoan như công tác tổ chức, ban hành quy chế liên hoan, thành lập Ban giám khảo, việc hỗ trợ kinh phí cho các đoàn có vở diễn tham gia, việc bố trí chỗ ăn nghỉ trong thời gian diễn ra liên hoan cho các đoàn ở ngoài địa bàn Hà Nội... đã được từng bước chuẩn bị và hoàn tất. Do điều kiện kinh phí có hạn nên các đoàn nghệ thuật ở xa phải sát ngày diễn ra lịch biểu diễn của mình thì mới có mặt tại Hà Nội. 

Xen kẽ giữa các buổi thi biểu diễn, sẽ có buổi hội thảo - trao đổi kinh nghiệm giữa các đoàn trong việc sáng tạo nghệ thuật ở mảng đề tài về người chiến sĩ Công an nhân dân trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu.

Kỳ liên hoan năm nay có sự góp mặt của 28 đơn vị nghệ thuật với 33 vở diễn, trong đó loại hình Chèo có 3 đoàn (4 vở diễn), Cải lương có 6 đoàn (6 vở), Dân ca kịch với 4 đoàn (5 vở) và Kịch nói với 15 đoàn sẽ trình diễn 18 vở. 

Tối 16-7, sau lễ khai mạc trọng thể với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên. 

Nhà hát CAND sẽ biểu diễn dự thi vở diễn "Vẫn sống" (Tác giả: Đại tá Phạm Quyền - Đạo diễn: NSND Lê Hùng). Ngoài ra, Nhà hát Công an nhân dân còn tham gia dự thi với vở "Chuyên án Z5" (Kịch bản: Thượng Luyến - Đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).

Sau đó sẽ là các vở kịch nói của các đơn vị khác như: Nhà hát kịch Quân đội với 2 vở diễn "Ngọn đèn trước gió" (Kịch bản: Thu Phong - Đạo diễn: NSND Lê Hùng) và "Lời xin lỗi muộn màng" (Kịch bản: Xuân Đức - Đạo diễn: NSND Lê Hùng); Nhà hát Kịch Việt Nam với 2 vở: "Hoa sen lửa" (Kịch bản: Chu Thơm - Đạo diễn: NSƯTTrịnh Mai Nguyên) và "Nữ cảnh sát SBC" (Kịch bản: Nguyễn Quang Vinh - Đạo diễn: NSƯT Lâm Tùng); Nhà hát Tuổi trẻ với "Bộ cảnh phục" (Kịch bản: Đỗ Đức Trung - Đạo diễn: NSƯT Sỹ Tiến); Nhà hát kịch Hà Nội với  "Kẻ trộm" (Kịch bản: Lê Quý Hiền - Đạo diễn NSƯT Thu Hạnh); Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh với vở "Lằn ranh" (Kịch bản: Kiến Bình - Đạo diễn Trần Quý Bình); Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội với vở "Tái sinh" (Kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng - Đạo diễn Bùi Như Lai)...
Một buổi tập luyện vở kịch "Tái sinh" của Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.

Tham dự liên hoan lần này có tới 4 vở chèo, trong đó có 2 vở là của Nhà hát Chèo Quân đội sẽ được lần lượt trình diễn là "Hai mươi năm thù hận" (Kịch bản: Lê Chí Trung - Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) và "Ngày trở về" (Kịch bản: Nguyễn Đăng Chương - Đạo diễn: NSND Lê Hùng). Nhà hát Chèo Hưng Yên sẽ tham gia với vở "Tiếng chuông" (Kịch bản: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Đạo diễn: NSƯT Tuấn Cường) và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa sẽ trình diễn vở "Vụ án Am Bụt Mọc". 

Ở loại hình cải lương cũng có 6 đoàn tham dự với 6 vở diễn đó là: "Bão ngầm" (Kịch bản: Đào Trung Hiếu - Đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) của Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trình diễn dự thi vở "Nhân danh công lý"; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang với vở "Giọt máu người yêu"; Đoàn Cải lương Long An với vở "Chuyện của Dung"; Đoàn Cải lương Hải Phòng với vở "Hồi sinh" (Kịch bản: NSƯT Quế Anh - Đạo diễn: NSƯT Lê Hải; Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh với vở "Sen Việt" (Kịch bản: Chu Thơm - Đạo diễn: Trần Đức Bảo Khanh). 

Ở loại hình dân ca kịch, có tới 5 vở diễn đăng ký tham dự liên hoan sẽ lần lượt được trình diễn tại Thủ đô. Riêng với loại hình ca kịch Huế có 2 vở diễn tham gia đó là vở "Chuyên án Z1" (Kịch bản: Lê Thanh Hương - Đạo diễn: La Thanh Hùng) và "Những đứa con thời loạn" (Kịch bản: Xuân Đức - Đạo diễn Nguyễn Ngọc Linh); Trung tâm bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cũng tham gia với 2 vở diễn "Người thứ 13" và "Vụ án Am Bụt Mọc". Ngoài ra, còn có đoàn ca kịch Quảng Nam tham gia với một vở diễn dân ca bài chòi mang tên "Vòng xoáy" (Kịch bản: Trung tướng - nhà văn Hữu Ước - Đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà).

Một số nghệ sĩ cho rằng, xây dựng một vở diễn ở thể loại kịch nói về đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND đã khó, thì đối với nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương hay ca kịch sẽ còn khó hơn. Những kỳ liên hoan trước, số vở diễn sân khấu ở thể loại chèo, cải lương, ca kịch đều rất thưa vắng. Nhưng năm nay có tới 13 đoàn nghệ thuật truyền thống tham dự với 15 vở diễn là một điều rất đáng ngạc nhiên. Đây cũng là một trải nghiệm mới mẻ đối với chính các đoàn nghệ thuật truyền thống cũng như đối với Ban tổ chức, Ban giám khảo. 

Nhưng nói như NSND Công Bảy: "Đó là một tín hiệu lạc quan, bởi vì dường như đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND ngày càng trở nên gần gũi với đời sống nghệ thuật và được nhiều đoàn nghệ thuật quan tâm hơn! Đó cũng chính là một thành công bước đầu trong công tác tổ chức một kỳ liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, có quy mô toàn quốc như thế này!".

Trao đổi với Chuyên đề Văn nghệ Công an, NSND Thúy Hiền - Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân chia sẻ: "Là đơn vị có tư cách "sân nhà" và có vở diễn vào đêm khai mạc nên bản thân tôi và anh chị em nghệ sĩ cũng cảm thấy áp lực, nhưng bên cạnh đó cũng là niềm vinh dự, tự hào. Buổi khai mạc có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và đại diện nhiều cơ quan đơn vị tới dự, cũng là để xem Công an diễn về Công an thế nào? Vì thế anh chị em trong đoàn đã rất nỗ lực, quyết tâm với mong muốn đem đến cho khán giả vở diễn có chất lượng tốt nhất!". 

Còn đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ, hiện vở diễn "Tái sinh" do anh dàn dựng với diễn xuất của các giảng viên, sinh viên Khoa Sân khấu - Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội cũng đã hoàn thiện. Lần đầu tiên tham dự Liên hoan nghệ thuật Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, đạo diễn Bùi Như Lai đã dàn dựng vở "Tái sinh" với phong cách hiện đại, tiết tấu nhanh, mạnh với sự kết hợp của ánh sáng với ngôn ngữ hình thể - vốn là sở trường của đạo diễn Bùi Như Lai. 

Đạo diễn Bùi Như Lai bày tỏ mong muốn sẽ đem đến cho Liên hoan nghệ thuật Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ VI-2020 một sắc diện mới, góp phần vào sự thành công của sự kiện nghệ thuật đầy ý nghĩa này.


Nguyệt Hà

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang được triển khai xây dựng theo kiểu “rùa bò”, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải tỏa đền bù gặp khó khăn. Trong khi trường mới chưa được xây xong, thầy cô giáo cùng 562 học sinh nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ xập xệ, mất an toàn.

Một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào thành phố Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn đối với cả triệu người Palestine tị nạn tại đây.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文