TS Trần Quang Hải: Tự hào vì được ba tin tưởng

08:01 17/06/2014

"Điều tự hào nhất với tôi cho tới lúc này là được ba tôi công nhận. Ba đã khẳng định với mọi người, tôi sẽ là người đủ năng lực nối tiếp ba trong lĩnh vực nghiên cứu và truyền bá âm nhạc dân tộc" - Đó là chia sẻ của TS Trần Quang Hải - người con cả của GS - TS, nhạc sĩ Trần Văn Khê.

Hai sáu năm không được ba nhắc tới

Có lẽ, với một người đã ở tuổi bảy mươi như TS Trần Quang Hải, câu nói ấy thật đáng suy ngẫm. Ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì những đóng góp trong nghiên cứu âm nhạc năm 2002. Người ta gọi ông là "vua muỗng" vì nghệ thuật gõ muỗng (thìa) có một không hai. Ông là nghệ sĩ đàn môi bậc thầy của thế giới, từng tham gia biểu diễn trong không ít sự kiện âm nhạc quốc tế. Ông cũng là thầy của khoảng 8.000 học trò trên bảy mươi quốc gia….

Thế nhưng GS - TS Trần Văn Khê chỉ thực sự tin tưởng năng lực của ông bắt đầu từ khoảng năm, sáu năm trở lại đây. Trước đó, trong suốt hai sáu năm kể từ ngày về nước (từ 1976 tới 2002), GS - TS Trần Văn Khê chưa bao giờ nhắc tới tên người con trai cả của ông trước công chúng hay báo giới.

Hướng nghiên cứu kỹ thuật hát đồng song thanh của TS Trần Quang Hải bắt nguồn từ niềm đam mê với lối hát của người Mông Cổ. Đó là hướng nghiên cứu mà GS Trần Văn Khê không muốn con trai ông dồn tâm sức. Dành cả đời cho sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn, phát huy và quảng bá âm nhạc dân tộc, GS Khê không tán đồng chuyện con trai cứ lo tìm tòi, nghiên cứu âm nhạc ngoại quốc. Thái độ "tảng lờ" của ông cụ với Trần Quang Hải cũng là vì thế.

Cũng chính GS - TS Trần Văn Khê đã hết lời ngăn cản con trai đem chính bản thân ra làm thí nghiệm với các tia X. Trong 45 năm nghiên cứu kỹ thuật hát đồng song thanh, TS Trần Quang Hải đã tự "biến mình thành một con vật để thí nghiệm". Mỗi ngày, ông chấp nhận rọi tia X khoảng 10 phút chỉ vào một điểm nhất định của cơ thể, điều đó tương đương với khoảng 6.000 lần chụp X-quang (như thông thường ta vẫn chụp phổi) để nghiên cứu cơ chế phát âm, cơ chế hoạt động tinh vi bên trong của não bộ.

Ai cũng biết, những tia X mang theo chất phóng xạ khi vào cơ thể người, gây tổn thương hoặc biến đổi tế bào, gây nguy cơ ung thư cao. Tuy nhiên, vì niềm đam mê quá đỗi say sưa, TS Trần Quang Hải đã bất chấp tất cả.

Đam mê và quyết tâm đi đến tận cùng

Từ năm 1969, TS Trần Quang Hải gặp một nhà nghiên cứu nước ngoài và được bà cho nghe đoạn băng ghi âm một người đàn ông Mông Cổ có cách hát rất lạ. Người này chỉ hát một mình nhưng với cách hát độc đáo, người nghe tưởng có hai giọng hát cùng thể hiện. Trong suốt hơn hai năm, TS Trần Quang Hải đã nghe đi nghe lại tới vài ngàn lần đoạn băng dài cỡ một phút rưỡi ghi âm tiếng hát đồng song thanh ấy. Nghe và phân tích, hát theo, cố hiểu được kỹ thuật đặc biệt của cách hát.

Thế rồi một lần, trong lúc chờ đèn đỏ, ông bật băng âm thanh đó và hát theo và bất ngờ thành công. Ngỡ ngàng, sung sướng, về tới nhà, ông vội vàng thu âm lại cách hát đó bằng giọng của mình rồi hôm sau mang tới nhờ một vị giáo sư thẩm định. Sau vài lần làm lại bất thành vì quá hồi hộp, rốt cuộc, ông đã chứng minh được khám phá mới về kỹ thuật hát đồng song thanh.

TS Trần Quang Hải thuyết trình về đàn môi trước sự chứng kiến của cha mình - Gs - TS Trần Văn Khê.

Kỹ thuật đã biết, nhưng tiếp tục rèn luyện cho thành thục và sau đó, mô tả cách truyền đạt cho người khác, TS Trần Quang Hải đã mất gần nửa thế kỷ. Bù lại, thành quả nghiên cứu này đã trở thành một đóng góp lớn. Kỹ thuật hát đồng song thanh, thực chất là kỹ thuật làm chủ giọng nói không chỉ giúp ích trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, biểu diễn, nghệ thuật lồng tiếng, mà còn có tác dụng trị liệu các chứng bệnh như ung thư thanh quản, vỡ tiếng, khàn tiếng… v.v…

Sau 26 năm kể từ khi TS Trần Quang Hải công bố kết quả nghiên cứu (1988), tất cả các công trình nghiên cứu về kỹ thuật hát đồng song thanh trên thế giới đều trích dẫn nghiên cứu của ông như một tài liệu lý thuyết kinh điển. Ông là người khởi xướng nghiên cứu và sau đó trở thành chuyên gia duy nhất của thế giới về hát đồng song thanh. Chính phủ Pháp trao tặng ông Huân chương Bắc đẩu bội tinh năm 2002 cũng vì đóng góp này. Tới nay, TS Trần Quang Hải là người duy nhất trong lĩnh vực âm nhạc được trao Huân chương Bắc đầu bội tinh. "Con hơn cha", vì GS -TS Trần Văn Khê cũng mới chỉ được tặng Huân chương về văn học và nghệ thuật của Chính phủ Pháp, chứ chưa được Bắc đẩu bội tinh.

Tâm đắc với đàn môi

TS Trần Quang Hải đã cùng 1.300 người ở Yakutia (vùng tự trị ở Siberi) biểu diễn đàn môi tại một thời điểm năm 2011. Sự kiện này đã được đã được Guinness xác nhận kỷ lục.

Khu tự trị Yakutia chỉ có 900.000 dân, nhưng có tới 700.000 người - từ em bé lên ba tới cụ già tám mươi - chơi đàn môi, nhạc cụ phổ biến nhất ở đây. Yakutia có riêng một bảo tàng dành cho đàn môi. TS Trần Quang Hải vinh dự có hình ảnh và tiểu sử cá nhân tại bảo tàng đó.

Gần đây TS Trần Quang Hải đã có dịp gặp mặt một "đệ tử chân truyền" về đàn môi ở Đồng Nai. Đó là anh Đặng Văn Khai Nguyên, mới 23 tuổi. Nguyên đã sáng tạo ra nhiều loại đàn môi khác nhau bằng tre rất độc đáo. Anh còn cải tiến, làm mới thêm các cây đàn môi của nước khác gửi tặng tới bạn bè chung sở thích ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Nepal, Ấn Độ, Bangladesh, Argentina,… TS Trần Quang Hải cũng mua 150 chiếc đàn môi mang qua Pháp làm quà. Đàn môi cũng từng đem lại cho ông những lợi ích kinh tế không nhỏ. Tham gia biểu diễn độc tấu đàn môi cho cả ngàn người thưởng thức, lồng tiếng cho các bộ phim cao bồi của Mỹ, TS Trần Quang Hải được nhận những khoản thù lao hàng ngàn euro.

Ông rất ngạc nhiên khi ở Việt Nam, đàn môi của đồng bào Tây Bắc cũng như ở Tây Nguyên gần như không được biết tới. Việt Nam có cả chục loại đàn môi khác nhau, là xứ có đàn môi thuộc loại phong phú nhất thế giới. Một chiếc đàn môi ở Việt Nam chỉ có giá 1 đôla, nhưng khi đưa sang nước ngoài, giá bán đã đội lên gấp mười.

Trên thế giới có rất nhiều người giỏi chơi đàn môi, nhưng số người biết làm đàn môi không nhiều, cũng chưa ai viết ra quy cách làm đàn môi. Chính vì thế, TS Trần Quang Hải đã đề nghị học trò làm công việc này.

Tự tin nối nghiệp cha

Theo TS Trần Quang Hải, việc ba ông - GS - TS Trần Văn Khê quyết định về hẳn Việt Nam có mục đích lớn nhất là "lôi kéo" ông trở về nghiên cứu âm nhạc dân tộc.

TS Trần Quang Hải đã chơi đàn tranh hơn 50 năm, đã làm 23 đĩa hát đàn tranh, cũng đã bán hơn một triệu đĩa, trở thành một trong những người bán nhiều đĩa đàn tranh nhất trên thế giới. Nhớ những năm đầu mới về Việt Nam dự các hội thảo nghiên cứu, vốn liếng tiếng Việt chưa đủ, nhất là tiếng Việt chuyên ngành âm nhạc, ông phải dùng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Dần dần, ông rèn luyện, tích lũy tiếng mẹ đẻ thông qua đọc sách, xem báo. Qua các lần tham gia chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO trao tặng danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử,… ông đã dần tự tin hơn với hoạt động nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Sung sướng nhất là trong một năm trở lại đây, ông đã có thể viết tham luận và trao đổi tại các hội thảo bằng tiếng Việt.

Gần đây nhất ông được mời tham gia Hội thảo khoa học của tỉnh Nghệ An để chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho hát ví, hát dặm Nghệ Tĩnh. Nếu trong tất cả các lần chuẩn bị hồ sơ âm nhạc trước, GS - TS Trần Văn Khê đều tham gia và góp tiếng nói quan trọng, thì lần này, TS Trần Quang Hải đã có thể thay mặt ông đảm trách công việc tự tin và hiệu quả.

Với TS Trần Quang Hải, sự công nhận của ba ông là điều quan trọng nhất, bởi ông đã làm được cho ba mãn nguyện, tiếp nối đời thứ năm trong gia đình họ Trần ở lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc dân tộc.

Khi còn nhỏ, TS Trần Quang Hải mắc chứng nói lắp suốt nhiều năm. Ông từng phải ngậm bi trong miệng để chữa tật. Có lần, vô tình nuốt luôn hòn bi, ông suýt bị tắc họng. Sau đó ông phát hiện, những người mắc tật cà lăm, dù nặng cỡ nào, khi hát đều không bị lắp. Thế là trong giao tiếp đời sống, thay vì nói, ông chuyển thành hát. Thoạt đầu mọi người trêu chọc rất nhiều, nhưng bất chấp, ông kiên trì rèn luyện. Tới giờ, ngoài những tình huống hy hữu do quá bất ngờ, xúc động, chứng cà lăm có thể tái diễn, nhìn chung, ông đã triệt bỏ được tật phát âm khó chịu đó.

Dương Kim Thoa

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

Ngày 1/5, Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng Võ Chí Cường (SN 1995, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) để làm rõ về hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Cường bị bắt khi đang lẩn trốn ngoài cánh đồng tại ấp Thới Trung, xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).

Từ trưa 1/5, sau 5 ngày nghỉ lễ, người dân từ khắp các tỉnh thành đã quay trở lại Hà Nội. Theo đó, trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, hướng về trung tâm Hà Nội, lượng phương tiện cũng gia tăng nhanh chóng dẫn đến tình trạng ùn ứ, các phương tiện di chuyển chậm dần.

Ngót 70 năm trước, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực hiện trọn vẹn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do bằng ý chí tự lực, tự cường, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương. Đằng sau kỳ tích xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… đã có những sự hy sinh thầm lặng.

LTS: Ngày 27/4/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên triển khai 6 mô hình điểm về Đề án 06. Đến ngày 30/6/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai 21 mô hình điểm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (bao hàm 6 mô hình nêu trên). Đến nay, sau gần một năm triển khai, 17 mô hình cơ bản hoàn thành, 4 mô hình đang thực hiện, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文