Tác giả thơ trào phúng Lam Điền:Trả ơn đời qua lời thơ châm

08:00 03/06/2014

Có một người dù cả đời làm công việc không liên quan gì với văn chương nghệ thuật nhưng lại mang trong mình một mối tình sâu nặng với thơ trào phúng. Hơn 20 năm gắn bó với thể loại thơ độc đáo này, tới nay, ông đã cho in trên 1.000 bài cùng nhiều tiểu phẩm, câu đối Tết... Hàng chục tập sách của ông cũng đã được xuất bản. Giờ đây, dù đã gần 80 tuổi, nhưng bầu nhiệt huyết với thơ vẫn tràn đầy trong ông như những câu thơ ông viết tặng mình: "Tôi xin được trả ơn đời/ Bằng bầu nhiệt huyết qua lời thơ châm". Ông là Lam Điền, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ trào phúng, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

- Vốn là cử nhân kinh tế, sau này công việc cũng không liên quan gì tới văn học nghệ thuật, tại sao ông lại "tự nguyện làm môn đồ của các cụ Tú Xương, Đồ Chiểu, Tú Mỡ", gắn bó với thể loại thơ trào phúng lâu đến vậy?

+ Dù không đi theo con đường văn chương nghệ thuật nhưng ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã mê đọc sách và mang trong mình tình yêu với văn chương, thơ phú. Tôi thường hay suy nghĩ, trăn trở trước những vấn đề của đời sống như tham nhũng, quan liêu, xa hoa lãng phí, đặc biệt là sự xuống cấp của đạo đức xã hội… Hơn nữa, tính tôi thẳng thắn, gặp chuyện gì ngang tai trái mắt là muốn chia sẻ ngay với mọi người.

Thơ trào phúng là thể loại có thể giúp tôi chuyển tải những thông điệp này một cách hiệu quả nhất. Tôi sáng tác từ lâu nhưng tập trung được nhiều nhất là sau khi nghỉ hưu và liên tục cho đến nay. Trong vòng 21 năm, tôi có tới cả ngàn bài thơ trào phúng, câu đối, tiểu phẩm, một số thơ trữ tình đăng tải trên 30 tờ báo, tạp chí Trung ương và địa phương, trong đó có nhiều tờ báo lớn như Nhân dân, Lao động, Công an nhân dân, Văn nghệ, Hà Nội mới…

Tôi vẫn nhớ bài thơ trào phúng đầu tiên của tôi đăng báo là "Có ngài làm ở ếch - po" đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 19/1/1993 đả kích những tiêu cực của ngành Ngoại thương. Sau khi tờ báo phát hành đã gây tiếng vang trong dư luận. Nghe nói có ông thủ trưởng ngày ấy còn cử cán bộ tổ chức đến tòa soạn báo lân la tìm hiểu xem tác giả bài thơ này là ai…

- Nhân nhắc tới chuyện cộng tác với nhiều tờ báo, được biết ông là cộng tác viên "ruột" của Báo Công an nhân dân từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ông có thể chia sẻ cho độc giả biết về mối thâm tình này?

+ Có một điều ít người biết là gia đình tôi có truyền thống công tác trong ngành Công an. Cha tôi là cụ Vũ Ngọc Thúy, công tác trong ngành Công an từ năm 1946 cho đến khi về hưu vào năm 1981. Ông từng giữ các chức vụ Quận trưởng Công an liên huyện Nam Trực - Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Trưởng Văn phòng Ty Công an Nam Định rồi Hà Nam, Trưởng phòng Giáo vụ, Trưởng phòng Pháp luật Trường Công an Trung ương (C500), Trưởng ban Pháp chế Bộ Công an…

Tôi có em gái, 3 em rể và sau này là 2 con trai đều công tác trong lực lượng Công an. Có lẽ vì truyền thống gia đình như thế nên tôi có điều kiện tiếp xúc với Báo Công an nhân dân từ rất sớm. Tôi nhận thấy đây là một tờ báo có tính chiến đấu cao, trung thực trong việc phản ánh những vấn đề nóng của xã hội nên tôi đã gửi bài cộng tác ngay từ khi mới cầm bút. Và rất vui khi tôi được tòa báo hoan nghênh đón nhận. Do cộng tác thường xuyên nên dần dà trở nên thân mật, các anh trong Ban biên tập coi tôi như người nhà. Thường thường khi đến tòa soạn báo ngày còn ở Hồ Giám hay sau này về phố Thợ Nhuộm, tôi thường được các anh Nguyễn Văn Khiêm, anh Ngôn Vĩnh, anh Phạm Văn Miên… tiếp đón niềm nở. Tôi cộng tác với Báo Công an nhân dân từ năm 1994 cho đến mãi sau này.

- Khác với thể loại thơ trữ tình, thơ trào phúng là loại thơ dễ "động chạm" nhất, đặc biệt là với những nhân vật "tai to mặt lớn". Hơn 20 năm qua, ông đã gặp phải sự cố hay "tai nạn nghề nghiệp" nào chưa?

+ Tôi có khá nhiều kỷ niệm đáng nhớ xung quanh việc làm thơ trào phúng, nhưng có chuyện này tôi nhớ mãi. Năm 1995, Báo Doanh nghiệp có đăng bài thơ "Tìm đâu… mẹ hiền" của tôi nói về những tiêu cực trong ngành Y, trong đó có những câu như "Bây giờ tai nạn ốm đau/ Phải nằm viện khó tìm đâu "mẹ hiền"/ Cửa vô nào cũng nặng tiền/ Sức khỏe đi xuống, nỗi phiền lên cao/ "Nhà thương" - nghĩa nó thế nào?!". Sau đó, bài thơ được đưa vào in trong tập thơ "Lẽ đời" - NXB Văn hóa dân tộc năm 2000. Tôi tặng tập thơ này cho Báo Người cao tuổi. Sau đó báo Người cao tuổi lại trích đăng bài thơ trên. Sau khi bài báo phát hành, một độc giả là ông Nguyễn Hải Định ở Phú Thọ viết thư về tòa soạn Báo Người cao tuổi phê phán gay gắt tác giả đã "phủ định sạch trơn toàn bộ những người thầy thuốc dưới chế độ XHCN… cũng chính là phủ định ngành y tế Việt Nam XHCN…".

Gần 14 năm sau, nhân ngày thơ Việt Nam năm 2014 vừa qua, ông Định đã tìm đến Quán thơ trào phúng gặp tôi. Chúng tôi bắt tay vui vẻ, "hòa giải" về lá thư trước đây đã có những lời phê phán thiếu chuẩn xác. Ông Định còn công nhận những tiêu cực tôi nêu ra với ngành Y tế là hoàn toàn có cơ sở.

Bên cạnh những kỷ niệm không vui ấy thì tôi được an ủi là nhận được khá nhiều thư của độc giả từ mọi miền đất nước gửi tới, bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những vấn đề nhức nhối của đời sống trong tác phẩm của tôi.

- Gần đây, trên một số mặt báo, thơ trào phúng không có được vị trí như cách đây mấy chục năm, số lượng người làm thể loại thơ này cũng chỉ "đếm trên đầu ngón tay"… Suy nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Điều đáng tiếc khi thơ trào phúng là loại thơ phê phán trực tiếp vào những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và phục vụ cho những chủ trương đó nhưng càng ngày càng ít được chú trọng. Tôi nhận thấy, thơ trào phúng nở rộ trên nhiều tờ báo trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 2005, sau đó giảm dần và mất hẳn trên một số tờ báo. Không rõ vì nguyên cớ gì một số tờ báo lớn như Lao động, Đại đoàn kết, Văn hóa… và ngay cả Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã bỏ hẳn chuyên mục này sau nhiều năm tồn tại. Tôi có ý định sẽ nêu ý kiến về vấn đề này trong mục "Tiếng nói nhà văn" của Báo Văn nghệ và hy vọng sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả.

Ngày xưa, cùng với tôi có một số cây bút thường xuyên viết thơ trào phúng như Ngô Thi, Cử Yên, Thôi Sơn, Sĩ Hồ… Tuy nhiên, gần đây, người còn người mất nên lượng thơ cũng giảm dần đi.

Nhưng tất cả những điều đó không làm tôi giảm bầu nhiệt huyết với thơ trào phúng. Với tôi, trước những vấn đề của dân tộc, đời sống, tôi không thể nào ngồi yên được. Trước khi tới gặp bạn đây, tôi đã thức trắng cả đêm để viết một bài thơ về vấn đề biển Đông. Hy vọng bài thơ sẽ nhận được sự chia sẻ của Ban biên tập và độc giả.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Thảo Duyên (thực hiện)

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文