Tản mạn về ba chiếc cổng

08:22 19/05/2015
Trong bài dẫn về triển lãm đăng trên SOI mà tôi đọc được có tên: "Ngày thứ 8": Ba mức độ của sự tin, nói đại ý ba họa sỹ dựng lên ba mức độ tin của họ vào thế giới tâm linh, vào Thánh, vào Đấng tối cao. Tôi tôn trọng nhận định đó. Nhưng tôi nhìn thấy một chiều khác của họ. Nói chính xác hơn là họ trong cái nhìn của tôi...

Tôi không hiểu hội họa lắm. Bởi thế, mỗi lần đứng trước một bức tranh, tiếng gọi tôi đầu tiên đơn giản là màu sắc. Bất kể màu gì. Và tôi phải dựa vào chúng. Nếu may mắn nghe được tiếng gọi ấy thì màu sắc dẫn tôi đi vào thế giới của nó. Sau đó là hình khối. Tôi có cảm giác hình khối luôn luôn bố cục những suy nghĩ của tôi. Cuối cùng cái thế giới trong khuôn khổ bức tranh vốn trước đó là của họa sỹ sáng tạo ra nó đã trở thành thế giới của tôi. Và nhiều lúc nó mở ra vô hạn. Lúc đó, những gì tôi nhìn thấy, cảm thấy và sống cùng trong nó có thể không phải cái mà họa sỹ hướng tôi tới cho dù nó vẫn chỉ là của họa sỹ đó. Nghệ thuật có một con đường như thế. Và bây giờ tôi sẽ cho mình lang thang trên con đường ấy.

Chiều ngày 26/3/2015, tại sảnh lớn Hotel Sofitel Plaza, số 1 đường Thanh Niên, Ba Đình, Hà Nội, nơi sau đó ít giờ sẽ khai mạc triển lãm của ba người đàn bà họa sỹ: Dương Thùy Dương, Đặng Tú Thư và Lê Thị Minh Tâm. Curator: Tâm Nguyễn. Màu sắc của họ đã gọi tôi. Hình khối của họ đã vô tình bố cục những suy nghĩ của tôi.

Khi tôi đang đứng ngắm một bức tranh của Tâm thì một nhân viên lễ tân khách sạn mặc bộ vest màu tối thẫm đi qua. Và trong một khoảnh khắc, nhân viên đó trùng khớp với hình trong bức tranh. Hoàn toàn là một sự tình cờ. Nhưng nó lại là một dấu chỉ về một điều mà lâu nay tôi thường tìm kiếm. Nhân viên đó đi vào bức tranh. Sống trong đó hay trở thành chính nó rồi thoát ra hay sinh ra.

Các họa sĩ (từ trái qua): Dương Thùy Dương, Đặng Tú Thư và Lê Thị Minh Tâm.

Bức tranh đó Tâm vẽ "bóng tối". Một bóng tối mà với Tâm thường coi nó bình đẳng với ánh sáng. Nhưng trong mắt hầu như của mọi người từ lâu rồi: nó là quỷ. Khi nhân viên đi ra khỏi cái hình trùng khớp chị trong bức tranh, chị mỉm cười chào tôi. Một nụ cười đẹp và gần gũi. Một nụ cười của thiên thần. Thực tế của một khoảng thời gian chừng mấy giây chiều đó trùng với cái nhìn của Tâm về thế giới này. Tâm từng nói: "Giống như những câu chuyện cổ tích... Ngày xửa ngày xưa... loài tiên, loài người chúng ta, và loài quỷ phải chăng đã từng sống chung với nhau và yêu nhau? Như người da đen yêu người da trắng, kết hôn với người da vàng. Những bức tranh về những loài trong câu chuyện cổ tích về một thế giới một miền ký ức bị lãng quên...".

Những bức tranh trong triển lãm của Tâm vẽ Thiên thần ánh sáng và vẽ Nữ quỷ không phải để chia ranh giới Thánh và Quỷ, mà để hòa vào một. Với Tâm, hai "phía" đó đã từng là một và Tâm muốn hai "phía" đó trở về một. Và tôi thấy, con người đang đi trên con đường đó. Thực tế, mọi nỗ lực của con người để đi đến điều đó bằng muôn vàn cách khác nhau.

Trong bài dẫn về triển lãm đăng trên SOI mà tôi đọc được có tên: "Ngày thứ 8": Ba mức độ của sự tin, nói đại ý ba họa sỹ dựng lên ba mức độ tin của họ vào thế giới tâm linh, vào Thánh, vào Đấng tối cao. Tôi tôn trọng nhận định đó. Nhưng tôi nhìn thấy một chiều khác của họ. Nói chính xác hơn là họ trong cái nhìn của tôi. Tôi từng có một mơ ước rất "điên" là nếu mình lọt được vào trong mắt một con mèo để nhìn đồng loại mình thì thú vị đến như thế nào? Tôi chắc chắn rằng, tôi trong mắt một người đàn bà khác hoàn toàn tôi trong mắt một con ngỗng. Nhưng tôi tin, tôi ở cả hai cách nhìn ấy đều chỉ là tôi.

“Thiên thần ánh sáng” của Lê Thị Minh Tâm.

Tôi không biết ba họa sỹ này vô tình hay có ý thức cho triển lãm này. Nhìn thật sâu vào câu chuyện, tôi thấy vô tình có lý và ý thức cũng có lý. Nếu vô tình thì đó là sự sắp đặt của đời sống, mà mọi sự sắp đặt của đời sống lại luôn luôn có lý. Bởi nếu chúng ta coi việc đi đến sự tin của ba người là một hành trình thì những tác phẩm của mỗi người, theo cách nhìn của tôi, là  một cái cổng mà con người bắt buộc phải đi qua để đến đích. Ba người không tách biệt. Ba người là một liên hoàn. Qua cái cổng này thì mới qua được cổng kia.

Cổng thứ nhất: Đặng Tú Thư. Có một bức tranh của Thư tại triển lãm vẽ một đám người. Mỗi người đều đang đi tìm một điều gì đó trong thế giới của họ. Ánh sáng trùm phủ bức tranh là một thứ ánh sáng mộng mị. Và trong tất cả những bức tranh của Thư ở triển lãm đều chìm ngập trong một thứ ánh sáng như vậy.

Cái ám ảnh nhất của tranh Thư là những đôi mắt, cho dù có những đôi mắt vẽ không rõ nét mà chỉ là một hốc tối hay một khoảng tối rất mơ hồ thì nó vẫn luôn luôn là điểm tập trung có cường độ mạnh nhất. Toàn bộ cái mộng mị và hoang mang đổ ra từ những đôi mắt của các nhân vật. Những cái nhìn mộng mị và hoang mang ấy xuất phát từ những câu hỏi hoang mang mà da diết của Thư về thế gian này.

“Từng bước” của Đặng Tú Thư.

Tôi chưa từng gặp Thư. Có thể Thư nghĩ chị không có những câu hỏi nghiêm trọng như tôi nghĩ. Nhưng những bức tranh Thư vẽ sẽ ngay lập tức biến thành nhân chứng chống lại Thư. Cái nhìn như thế và câu hỏi như thế về thế gian, hay cụ thể là về con người thực sự luôn luôn là cái khởi đầu cho mọi cuộc kiếm tìm của con người. Không có câu hỏi ấy sẽ không có bất cứ cuộc tìm kiếm nào cả. Và chân lý luôn bắt đầu từ sự hoang mang và ngờ vực và lên đường tìm kiếm.

Cổng thứ hai: Dương Thùy Dương. Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh bởi những đường xoắn trong tranh của Dương. Đó là một "ma trận". Với tôi, Dương không bày ra một "ma trận" mà Dương chỉ ra một "ma trận". Có thể tất cả những người xem tranh Dương không nghĩ giống tôi hoặc không bị ám ảnh như cách tôi bị ám ảnh. Những đường xoắn ấy là vô tận. Nó không có kết thúc nhưng nó lại có điểm đến. Những đường xoắn ấy là con đường, mà nếu chúng ta muốn hiểu được tận cùng con người mình thì chúng ta phải đi theo một con đường tương tự như thế. Nó vừa đơn giản, vừa như một "ma trận". Đơn giản vì nó chỉ là một con đường và chỉ có một con đường khi ta nhận ra nó và "ma trận" bởi thực tế nó được dựng lên bởi những lớp lớp, chồng chéo, những khúc gấp, những sáng tối, thực ảo... Nhưng cuối cùng cái đường xoắn ấy dẫn chúng ta đến được một nơi chúng ta hằng khao khát: Chính con người ta. Những bức tranh của Dương hầu hết có tên "Đấng linh thiêng". Nhưng cái "hình" Dương vẽ không phải là Dương vẽ hình dáng của Đấng linh thiêng mà là để nói Đấng linh thiêng không ở bên ngoài ta, Ngài ở trong ta. Hãy đi hết ta thì ta sẽ gặp Ngài.

Những bức tranh của Dương cho tôi cảm giác tôi đã lọt được vào bên trong cái thế giới rất hữu hạn là thân xác nhưng lại là vô tận ở bên trong cái hữu hạn tạm thời là thân xác ấy. Ngẫm ra, thế giới bên trong con người chúng ta là một "ma trận". Bởi thế mà câu hỏi "Ta là ai?" đã đặt ra từ khi con người có ý thức về mình và kéo dài cho đến khi không còn con người tồn tại nữa. Và bởi thế mà cho đến khi chết, nhiều người vẫn không biết mình là ai.

Tôi tin rằng: chỉ khi chúng ta đi qua được chúng ta thì gặp Thần Thánh. Nghĩa là chỉ khi chúng ta hiểu được chính mình thì chúng ta mới có khả năng hiểu được vũ trụ vô tận này. Với lý do đó mà tôi coi thế giới của Dương là cái cổng thứ hai trước khi người ta bước đến cái cổng thứ ba để chạm được Đấng linh thiêng.

“Đấng linh thiêng” của Dương Thùy Dương.

Cổng thứ ba: Lê Thị Minh Tâm. Một sự thật là những bức tranh của Tâm trong triển lãm cũng như nhiều bức tranh lâu nay vẽ các Thiên thần ánh sáng và Chúa bóng tối đều đẹp như nhau. Điều ghê gớm nhất mà Tâm làm được là ở chỗ này. Cái thế giới như vậy đã có từ lâu nhưng nó thường chỉ nằm trong khái niệm với đầy ngờ vực đối với quá nhiều người, nhưng Tâm thì thấy mình thực sự đang sống trong thế giới ấy.

Tôi gặp Tâm một số lần và đã nghe chị nói về thế giới ấy. Khi ấy, tôi thấy chị quên mất hiện thực quanh chị. Chị chìm vào một thế giới khác. Đã có những lúc trước kia Tâm vẽ những bức tranh rất bắt mắt, rất thời thượng như hot girl chẳng hạn. Nhưng càng về sau, thế giới tâm linh càng tràn ngập chị.

Tôi chợt nghĩ, các bước sáng tác trước đó của Tâm là một hành trình đương nhiên. Chị đi từ mộng mị, hoang mang và ngờ vực tới một đức tin. Và khi chị chạm được vào đức tin ấy thì một điều vô cùng quan trọng chị nhận ra là trong bóng tối có ánh sáng và trong ánh sáng có bóng tối. Tôi thấy vậy khi tôi xem những bức tranh trong triển lãm.

Tôi đã đi trên con đường của tôi qua thế giới của ba người đàn bà họa sỹ ấy. Trên con đường ấy, tôi đã nhìn thấy những điều như vậy. Và có những người khác đang đi qua thế giới ấy bằng những con đường khác mà có khi chúng tôi chẳng bao giờ gặp nhau. Một tác phẩm nghệ thuật thực sự luôn luôn chứa đựng tính đa văn bản. Và tôi đã có một văn bản của tôi.

Nguyễn Quang Thiều

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文