Thăm thắm mắt Phồn Xương

07:35 17/07/2018
Không hiểu sao mỗi lần về Nhã Nam (Tân Yên - Bắc Giang) là tôi lại ghé lên thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế). Nó như một lời hẹn vô thường. Nghĩa là bước chân tự đi theo sự mách bảo của con tim.,,


Lần nào cũng vậy, tôi lại lên thành Phồn Xương nhìn vào những lỗ châu mai, lòng thắc thỏm như mới lần đầu, bởi chúng ẩn giấu những nỗi niềm của người anh hùng Hoàng Hoa Thám lỡ bước sa cơ, một thời binh biến.

Mối giao cảm trầm tư

Hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng phủ phục trên bàn làm việc, đè lên bản thảo viết dở về cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám đã làm chấn động lòng người. Đó là những ngày tháng cuối cùng (1982) nhà văn sống và làm việc ở ngay trên đồi Văn, ở Nhã Nam, cách thành Phồn Xương chừng dăm cây số.

Trong điếu văn của Hội Nhà văn Việt Nam tiễn đưa nhà văn Nguyên Hồng có đoạn: “Cho đến ngày cuối cùng của đời anh, như một người chiến sĩ ngót nửa thế kỷ nay không một phút ngưng nghỉ, anh đã ngã xuống trên trang giấy của trận đánh đang còn dang dở…”.

Trong tôi bất chợt hiện lên hình ảnh cuối cùng của Hoàng Hoa Thám hiên ngang bên chiến lũy Phồn Xương. Bi tráng. Tràn đầy khao khát. Giờ đây tôi đang đứng trước những con mắt ấy, thăm thẳm những nỗi niềm bất tận đắng cay, khi người anh hùng thất thủ và bị phản bội.

Lễ hội Yên Thế.

Câu chuyện nhà văn kể về Hoàng Hoa Thám với những bí ẩn cuộc đời thật xứng với cái tên “Hùm thiêng Yên Thế”, do chính giặc Pháp đặt cho ông. Nay ai cũng biết tại thành lũy Phồn Xương, tại trung tâm thị trấn Cầu Gồ, Bắc Giang, chính là nơi đã xảy ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp khốc liệt và kéo dài ròng rã suốt ba mươi năm của người anh hùng cái thế (1884-1913).

Xưa, đất Yên Thế chỉ là nơi sinh sống của hùm beo, hổ báo, rừng thiêng nước độc. Những người anh hùng khởi nghĩa từ ban đầu đã chọn nó khởi binh tiêu diệt giặc xâm lược. Họ khai khẩn, dựng chiến lũy hình thành trận địa, tiến lui bất ngờ. Bộ ba tướng lĩnh Đề Nắm - Đề Thám - Bá Phức như cặp bài trùng làm cho giặc Pháp thất điên bát đảo, bao phen bị chôn thây nơi này.

Nhưng rồi theo thời gian, thủ lĩnh Đề Nắm bị nội gián sát hại, Bá Phức đầu hàng bỏ cuộc, chỉ còn lại một mình tướng Đề Thám cầm quân chiến đấu, với ý chí mãnh liệt, biến hóa xuất quỷ nhập thần làm giặc Pháp nản lòng. Chúng phải tạm lui binh (năm 1894). Nhưng thành Phồn Xương luôn luôn thức trắng bao đêm canh phòng sự tráo trở của địch. Chính từ những lỗ châu mai này, các chiến sĩ ngày đêm sẵn sàng nhả đạn, tiêu diệt kẻ thù.

Tôi áp mặt vào lỗ châu mai của thành Phồn Xương, nhớ lại những ngày tháng máu lửa nhất của Hoàng Hoa Thám, qua những trang văn đau đáu những nỗi niềm của nhà văn Nguyên Hồng. Hết cuộc đánh này, đến cuộc bao vây khác, giặc Pháp như húc vào bức thành kiên cố của lòng căm thù.

Cách chuyển động biến hóa, trong hệ thống chiến lũy từ xa, Hoàng Hoa Thám làm giặc Pháp kinh hồn khiếp vía, khi những mũi súng, lưỡi lê bất thần xuất hiện. Hệ thống chiến hào, từ Nhã Nam kéo dài đến thành Phồn Xương, đều là mồ chôn thây giặc Pháp. Có lần, nghĩa quân đã phục kích bắt được tên Chesnay, chủ báo xứ Bắc kỳ, khi hắn xâm nhập vào trận địa.

Giặc Pháp bất lực, phải ký hòa ước chính thức (10-1895), để đổi người và rút quân khỏi Yên Thế. Nhưng kẻ địch tráo trở, khi vừa trao trả tù binh, chúng lại bí mật cất quân tấn công bất ngờ. Chúng không lường được nghĩa quân đã đón lõng chúng trên những nẻo đường bí mật và đánh cho một trận tơi bời, hàng trăm lính Pháp đã bỏ mạng trên trận địa. Giặc Pháp điên cuồng treo giải thưởng 30.000 quan cho ai bắt được Đề Thám.

Cuối cùng, giặc Pháp đành phải ký hòa ước lần thứ hai (12-1897). Yên Thế trở thành vùng đất tự do rộng lớn, dưới sự cai quản của Hoàng Hoa Thám. Thành lũy Phồn Xương được xây dựng bề thế hơn và trở thành nơi sinh sống của các anh em nghĩa sĩ và gia đình vợ chồng Đề Thám. Chợ Gồ hình thành ngay tại trung tâm Phồn Xương.

Khúc bi tráng

Dường như câu chuyện qua đôi mắt Phồn Xương không có điểm dừng. Yên Thế không thể bình yên. Nghĩa quân Đề Thám mở rộng trận địa ra khắp nơi. Thậm chí còn triển khai trận địa vào tận thành Hà Nội. Riêng bà Ba Cẩn (tên là Đặng Thị Nho), người vợ thứ ba của Đề Thám đã trở thành linh hồn của cuộc khởi nghĩa sau này.

Mở rộng và xây dựng cho vùng đất tự do Yên Thế đều do bà lên kế hoạch và tư vấn. Đời sống dân quanh vùng mỗi ngày một no ấm đều nhớ đến công ơn của bà. Hậu cần của nghĩa binh được tích lũy giàu có để nuôi quân và rèn luyện sẵn sàng chiến đấu ngày đêm.

Khu điền trang của Đề Thám trù phú. Đất trồng lúa làm vườn được khai khẩn rộng khắp. Dân tình khắp nơi dồn về tạo nên một lực lượng mạnh mẽ trong một thời gian kéo dài chừng hơn mươi năm. Đúng vào ngày 27- 6 -1908, nghĩa quân đã phối hợp tạo nên một trận đánh mới làm giặc Pháp hoảng loạn, đó chính là vụ “Hà thành đầu độc” nổi tiếng.

Bà Ba Cẩn chủ trương nhân vụ này đánh thẳng vào sào huyệt kẻ địch. Bà cùng chồng lập ra đảng Nghĩa Hưng và tổ chức ngầm bỏ thuốc độc vào bữa ăn của lính Pháp đóng ở Hà Nội. Nhưng không ngờ có kẻ nội ứng, trận đánh đã bị lộ, nhiều nghĩa sĩ đã bị bắt.

Và, đây cũng chính là nguyên cớ để cho giặc Pháp huy động lực lượng lớn tập trung đánh vào vùng tự do Yên Thế, xóa bỏ hiệp ước. Thật sự lúc này cuộc chiến không cân sức, bởi kẻ địch đã huy động tới 15.000 tinh binh, ồ ạt tấn công (1-1909). Chúng dồn đánh từng chốt chặn, chiếm lại từng trận địa, bao vây toàn bộ vùng đất Yên Thế. Nghĩa quân Đề Thám buộc phải rút lên rừng đánh trả quyết liệt bảo vệ lực lượng cho dù còn ít ỏi.

Tác giả bên thành Phồn Xương

Mấy ngày sau, giặc Pháp đã cho quân do thám, phục kích bắt được hai mẹ con bà Ba Cẩn ngay tại chợ Gồ. Đề Thám cùng tướng sĩ còn lại chạy thoát lên rừng. Giặc Pháp điên cuồng nã đạn, kéo quân đánh lên rừng núi Yên Thế, căn cứ địa của nghĩa quân.

Thành lũy Phồn Xương bị pháo kích dữ dội. Nghĩa quân rút dần lên núi cao và cầm cự trong một thời gian kéo dài. Nhưng lực lượng mỗi ngày một tiêu hao. Giặc bao vây khắp nơi, khống chế dân chúng không được liên hệ và cung cấp lương thực vũ khí cho nghĩa quân. Chúng cho quân đi lùng sục khắp hang hốc, suối sâu, không sao bắt được Đề Thám. Dường như ông đã hóa thân thành đá, thành núi, ẩn hiện khôn lường.

Nhưng rồi cái đói, cái rét cùng nơi rừng thiêng nước độc đã đánh gục người anh hùng. Trong hoàn cảnh thân cô thế cô, Đề Thám cùng những chiến sĩ dũng cảm ẩn náu, đến lúc lực tàn sức kiệt. Cuối cùng, bọn gian tặc phát hiện nơi ông ở đã trá hình đến hòa giải, và bất ngờ sát hại ông (10-2-1913).

 Tôi bất ngờ phát hiện ra có thi nhân nào đó đã lấy viên gạch hồng viết lên vách thành đất cổ Phồn Xương mấy câu thơ, chia sẻ nỗi cay đắng của người anh hùng cái thế này. Thơ viết: “Hồn về cõi xa xăm bi tráng/ Đầu ta rơi vì kẻ đớn hèn/ Máu nhuộm đỏ sa cơ thất thế/ Ngạo nghễ cười lộng gió Phồn Xương”. Tôi lặng đi tựa vào thành đất đỏ au như máu người trong ánh hoàng hôn.

Con mắt trần gian

Người hướng dẫn viên Nhà tưởng niệm Hoàng Hoa Thám, đối diện với thành cổ Phồn Xương cho biết, Lễ hội Yên Thế thường tổ chức vào giữa tháng ba dương lịch hàng năm. Đáng chú ý năm nào cũng có cuộc diễu ngựa, để tưởng nhớ đến những nghĩa sĩ Yên Thế bất tử. Đó là cuộc hành quân biểu tượng cho sức mạnh của “Trai cầu vồng Yên Thế” phi chiến mã đi từ Đình Hà (Tân Trung) lên thành Phồn Xương. Sau đó là lễ tế cờ Hoàng Hoa Thám, mở màn cho cuộc tỉ thí của những đô vật từ khắp nơi đến sân đài Phồn Xương.

Tại nhà trưng bày, tôi bồi hồi đọc tác phẩm: “Khóc cho tướng quân” của Phan Bội Châu. Những câu thơ đầy tự hào, với những hình ảnh: “Giống sài lang chất đầy đất nước. Chỉ mình tướng quân chống lại quân thù… Đầu tướng quân chưa đứt, quân giặc còn kinh hoàng. Khí phách anh hùng còn hiển hiện ra đến cùng. Ở xa ngàn dặm còn nghe tiếng hổ gầm”.

Bên cạnh đó những câu thơ của Nguyên Hồng cũng vang lên hào sảng, trong những ngày lễ hội. Giọng người hướng dẫn viên ấm áp, tâm tình: “Hoàng Hoa Thám quê xưa. Yên Thế ơi! Bất tử. Đất nước ngọt sao như sữa. Đất nước êm sao như hát. Bao canh khuya nghe kể chuyện Hoàng Hoa…”.

Lại thêm một lần nữa tôi áp mặt vào lỗ châu mai trên thành cổ Phồn Xương nhìn về ngọn núi Yên Thế. Chúng muốn tìm lại chính mình sau những rêu xanh năm tháng. Đó là những con mắt trần gian.

Vương Tâm

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文