Chuyện Nhà Chống Lũ:

Thắp sáng lửa thiện tâm trong cộng đồng

08:00 12/12/2015
Những ngôi nhà nhỏ, giản dị nhưng vững chãi đang mọc lên ở những vùng lũ lụt của Quảng Bình, Hà Tĩnh… Người dân có thể sống bình yên ở đó mà không còn sợ tình cảnh chạy lụt vào mùa mưa lũ. Đó là những ngôi nhà được xây từ dự án Nhà Chống Lũ, với sự góp sức của những trái tim nhân ái trong cộng đồng, đặc biệt là giới họa sĩ.

Tôi đã đến, chứng kiến sự góp mặt của nhiều họa sĩ đương đại tên tuổi của Việt Nam, hiến tặng những bức tranh của mình cho dự án "Nhà Chống Lũ". Đó cũng là kênh gây quỹ chủ yếu của dự án Nhà Chống Lũ do chị Phạm Hương Giang khởi xướng cách đây 2 năm. Đến nay, dự án nhận được sự ủng hộ và đóng góp bằng tranh, tượng của các hoạ sỹ, điêu khắc gia như Nguyễn Quân, Nguyễn Thanh Bình, Lê Kinh Tài, Lê Thiết Cương, Hoàng Phượng Vĩ, Lê Quảng Hà, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Doãn Hoàng Lâm, Trần Gia Tùng, Trần Nhật Thăng, Đinh Quân, Nguyễn Quang Huy, Hiền Nguyễn, Vũ Thu Hiền, Châu Giang, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Bích Thuỷ, Trần Việt Hưng, Lập Phương...

Cuộc hội ngộ của các họa sĩ đương đại trong triển lãm bán đấu giá những bức tranh gây quỹ cho dự án "Nhà Chống Lũ" cho thấy sự quan tâm của các nghệ sĩ đối với các dự án cộng đồng. Đó cũng là cách, giới họa sĩ thể hiện vai trò công dân của mình đối với xã hội. Họa sĩ Lê Đình Nguyên, người góp tác phẩm "Trâu đèn" cho triển lãm lần này chia sẻ: "Người nghệ sĩ không thể ngự trong tháp ngà nghệ thuật của mình, mà phải lăn vào đời sống, sẻ chia với những bất hạnh của con người. Đó là cách đời sống va đập vào tác phẩm của họ. Đó cũng là cách, họ thể hiện trách nhiệm công dân của mình".

Một tác phẩm tại đêm gây quỹ của dự án “Chuyện Nhà Chống Lũ”.

Anh làm "Trâu đèn" tặng cho dự án Nhà Chống Lũ, với mong muốn rằng, mỗi người chúng ta hãy thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu thương, đùm bọc cho những người nghèo vùng lũ lụt. Và cuộc đời sẽ ấm áp hơn khi có lửa trong trái tim mọi người. Trong cuộc đấu giá tối ngày 4-12 tại Hà Nội, tác phẩm "Bạch Liên" của họa sĩ Trần Nhật Thăng được bán đấu giá với mức giá kỷ lục, 7000 USD. Một bức sen trắng được vẽ trên nền trắng, tinh khiết. Trần Nhật Thăng nói: "Sen trắng cũng như con người, vượt qua bùn lầy tăm tối hướng tới ánh sáng giác ngộ minh triết". Bức tranh được vẽ vào ngày 11.11, ngày mà chúng ta có thể gửi đến những bông sen trắng cho nhiều người, lan tỏa thông điệp sẻ chia với cộng đồng.

Hay bức Ballet của họa sĩ Hiền Nguyễn cũng được bán đấu giá với mức 4000 USD. "Series tranh Ballet được vẽ với chất liệu sơn dầu lấy cảm hứng từ những Vũ điệu Ballet. Tôi nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy cuộc sống, tình yêu, khát vọng... qua từng bước, từng nhịp, những bước, nhịp ấy mang lại cho người xem những cảm xúc đến tận cùng. Cảm giác ấy chính là nỗi ám ảnh theo tôi suốt nhiều năm qua" - họa sỹ Hiền Nguyễn chia sẻ. Chị là một người bạn đồng hành của Nhà Chống Lũ trong hai năm qua. Chị đã đóng góp cho dự án 3 tác phẩm gồm: Ballet 1; Ballet 2; Thiếu nữ. Bức tranh Ballet 1 đã được đấu giá thành công trong chương trình gây quỹ tại Sài Gòn. Hai bức tranh "Ballet 2" và "Thiếu nữ" cũng đã được bán đấu giá tại Hà Nội…

Và đã có nhiều, rất nhiều họa sĩ đã góp các tác phẩm của họ trong đêm triển lãm đấu giá tranh cho dự án Nhà Chống Lũ. Họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Đào Hải Phong, họa sĩ Tào Linh, họa sĩ Hoàng Phượng Vĩ đồng hành với dự án này trong suốt 2 năm nay. Họ coi đó là một việc cần làm, không đơn giản chỉ là cho, biếu tặng một ai đó tác phẩm, mà là sự chia sẻ cùng cộng đồng. Nhưng người hưởng lợi ở đây, không chỉ là số tiền đếm bằng từng ngôi nhà sẽ được dựng lên trên những vùng lũ, mà chính là những giá trị văn hóa đang được lan tỏa trong xã hội. Đã biết bao người trăn trở với nền mỹ thuật Việt Nam mơ ước có một sàn đấu giá tranh ở Việt Nam.

Đã biết bao người trăn trở biết bao giờ, người Việt sẽ có văn hóa mua tranh, sưu tập các giá trị văn hóa, để tranh Việt không lưu lạc ra nước ngoài, để chúng ta không bị chảy máu nghệ thuật. Cuộc hội tụ của các họa sĩ và việc bán đấu giá tranh từ thiện là một cơ hội cho người Việt được sở hữu những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Bởi theo chị Phạm Thị Hương Giang, thì giá những bức tranh bán tại cuộc đấu giá này rẻ hơn nhiều so với việc chúng ta ra một galary nào đó mua tranh của họ. Mua tranh, chúng ta vừa thưởng lãm một tác phẩm nghệ thuật đẹp, vừa góp phần lưu giữ những bức tranh đẹp ở lại trong nước, vừa góp phần cùng cộng đồng chung tay gây dựng những ngôi nhà chống lũ cho người dân vùng lũ.

Không phải ngẫu nhiên mà một dự án từ thiện lại được sự quan tâm của đông đảo giới họa sĩ và cộng đồng đến thế. Đồng hành cùng dự án này còn có ca sĩ Mỹ Linh, biên tập viên Nguyễn Mỹ Linh… Bởi, họ đều gặp nhau ở một điểm. Đó là sự chia sẻ với cộng đồng bằng những việc làm thiết thực và lâu dài. Người khởi xướng dự án này là chị Phạm Thị Hương Giang.

Năm 2009, trong chuyến đi cứu trợ lũ lụt ở Quảng Nam, chị gặp một người đàn ông gầy gò khắc khổ đứng như trời trồng trên nền nhà trống hoác của mình, căn nhà ông đã bị lũ cuốn trôi. Khoảnh khắc thấy người đàn ông đứng đó chết lặng, ánh mắt vô hồn đã ám ảnh chị. Phải làm gì đây. Không chỉ mì tôm, những chuyến cứu trợ… và rồi dự án Nhà Chống Lũ ra đời. Hai năm qua, hành trình của chị Phạm Thị Hương Giang không đơn độc bởi chị đã nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt là giới nghệ sĩ. Hai cuộc triển lãm bán đấu giá đã được tổ chức ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với sự góp sức của rất nhiều họa sĩ tên tuổi và nhiều chia sẻ của cộng đồng. Những viên gạch đã được xây lên như thế, bằng yêu thương của rất nhiều người.

Những câu chuyện ám ảnh về những phận người nơi vùng lũ, khi họ bất lực trước thiên tai, trước cái đói và bệnh tật. Đó là kênh kết nối của tất cả những tấm lòng. Phạm Thị Hương Giang kể: "Tháng 11 năm 2013, chuyến hỗ trợ đầu tiên của Nhà Chống Lũ đã đến tại xã Sơn Thịnh, vùng rốn lũ của huyện Hương Sơn khi đường sá còn đầy bùn đất. Ở đó, chúng tôi gặp cụ Nga. Trong ngôi nhà lá xiêu vẹo, cụ kể về trận lũ lịch sử năm 2010, cụ và chồng đã leo lên tận chạn ngồi, nước ở dưới ngày một dâng cao, chảy xiết. Ở trên đó nhiều ngày, trời lạnh quá, ông cụ lâm bệnh rồi mất ngay trên chạn, trong tay cụ Nga giữa mênh mông là nước. Lũ năm ấy to, Hương Sơn trở thành một thung lũng nứơc, bị cô lập. Cụ Nga ở trên đó, ôm xác chồng đau khổ 10 ngày chờ nước rút. Đến khi nước rút, cụ đưa được xác chồng xuống, trong nhà không có gì, cụ không lo nổi cho chồng một chiếc áo quan, cứ thế mà chôn. Năm nay, tôi giật mình khi nhìn lên, có một chiếc áo quan treo trên chạn, cụ sợ lũ về chết không có áo mà chôn nên đã gom góp mua sẵn đó".

Tác phẩm điêu khắc “Trâu đèn” của họa sĩ Lê Đình Nguyên.

Một căn nhà mới đã được xây trên chính mảnh đất này, bằng tiền gom góp của ba cô con gái của cụ Nga (6 triệu đồng) và sự hỗ trợ của Nhà Chống Lũ. Bởi dù ít hay nhiều, thì những người làm dự án này vẫn mong muốn rằng, ngôi nhà sẽ được xây lên bằng chính mong muốn và đóng góp của những người cùng hưởng lợi, họ muốn người dân thật sự thấy đây là ngôi nhà của mình. Nhà Chống Lũ chỉ là chất xúc tác, chứ không phải mang toàn bộ cái gì đó đặt trọn vào tay họ. Giờ cụ Nga đã có ngôi nhà mới. Ánh mắt cụ đã sáng hơn ngày đầu tiên khi những thành viên của dự án gặp cụ.

Rất nhiều câu chuyện ám ảnh đằng sau hành trình của những người đi làm dự án. Sau hai năm hoạt động, 263 ngôi nhà đã được xây mới tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Quảng Ninh. Và trong mỗi ngôi nhà đó là câu chuyện về những số phận người đã sống, đã chống chọi với cơn lũ trong nhiều năm qua. Họ, đôi khi thả mặc số phận mình trong lũ.

Nhưng, Nhà Chống Lũ đã mang lại cho họ sự sống, để đương đầu với thiên tai. "Hôm khánh thành, chúng tôi đến nhà anh, chị Sáu - phó chủ tịch xã kêu tôi lại nói nhỏ: "Ra phía sau thấy mấy đứa con của ảnh giờ đi vô nhà biết rửa chân sạch sẽ, mừng quá em ơi", rồi chị cười tươi rói. Còn tôi thấy mảnh đất đầy cỏ bên nhà anh bỏ hoang bấy lâu giờ đã được phát quang sáng sủa, cày xới theo luống rồi, nghe nói anh chuẩn bị trồng rau, chị Nở vợ anh thì tính trời ngớt mưa thì dựng quán bán bánh xèo, cột kèo chuẩn bị sẵn rồi.

Vậy đó, các cụ nói "an cư lạc nghiệp" mà, chớ có sai. Có nhà, có thêm bao thứ khác đẹp đẽ như vầy, sao chúng tôi lại có thể không tiếp tục được chứ. Thế nên, hành trình xây nhà sẽ còn dài thật là dài, lâu thật là lâu" - Phạm Thị Hương Giang nói.

Khánh Linh

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文