Thượng tá, NSƯT Khương Đức Thuận: Trải nghiệm với "tình yêu mới"
Gặp và trò chuyện với Thượng tá, NSƯT Khương Đức Thuận thời điểm này không dễ bởi dường như anh không có thời gian nghỉ. Sau một thời gian dài lăn lộn cùng đoàn làm phim "Những đứa con Biệt động Sài Gòn" với vai trò đạo diễn (cùng đạo diễn Minh Quang), anh lại bắt tay ngay vào thực hiện 27 tập bộ phim "Chiến hạm nổ tung" (cùng đạo diễn Nguyễn Chí Thành) sẽ phát sóng vào đầu tháng 2 này. Gần đây nhất, kịch bản bộ phim truyện nhựa "Bản Sô nát định mệnh" cũng đang trong kế hoạch thực hiện. - Thưa NSƯT Khương Đức Thuận, khán giả lâu nay vẫn biết đến anh như một nghệ sĩ có khả năng hóa thân và thành công ở nhiều loại vai khác nhau, nhưng thời gian gần đây, bên cạnh vai trò diễn xuất, anh lại xuất hiện thường xuyên ở vai trò đạo diễn sân khấu, điện ảnh, đặc biệt là với những tác phẩm về đề tài Công an. Vì đâu lại có sự thay đổi này?
+ Tôi có ý định chuyển sang làm đạo diễn từ một chuyện rất thật thế này. Số là khu nhà tôi ở có khá đông anh em Công an ở cùng. Lâu nay, mỗi khi cả nhà ngồi xem truyền hình, cứ đến chương trình phim có đề tài hình sự là các cậu ấy lại đề nghị: "Xin phép anh cho em chuyển kênh nhé". Tôi hỏi: "Sao không xem?" thì các cậu ấy trả lời: "Phim nói về Công an mà không giống chút nào. Không phải bọn em". Điều này khiến tôi cứ đau đáu một suy nghĩ: "Khi nào có điều kiện, mình sẽ cố gắng làm một bộ phim chân thực về ngành Công an". Sau này, khi có điều kiện làm đạo diễn, tôi đặc biệt tâm đắc với những kịch bản phim về người chiến sĩ Công an. Thuận lợi lớn nhất của tôi là người trong ngành nên hiểu được cặn kẽ đặc trưng công việc của các đồng đội mình. Rất vui là sau khi bộ phim "Những đứa con Biệt động Sài Gòn" phát sóng, chúng tôi nhận được khá nhiều lời khen ngợi từ phía khán giả. Đó là một sự động viên rất lớn cho những cố gắng của cả ê kíp.
Đạo diễn Khương Đức Thuận đang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên trước một cảnh quay. |
- Tôi đã được nghe nói nhiều đến sự kỳ công của đoàn làm phim với mong muốn mang đến cho khán giả những bộ phim chân thực nhất về Lực lượng Công an. Tham gia với vai trò đạo diễn của phim, anh có thể chia sẻ chi tiết hơn về sự cầu kỳ này?
+ Vì những bộ phim tôi tham gia đạo diễn đều có nguyên mẫu từ các vụ án có thật nên chúng tôi cố gắng "tận dụng" tối đa tư liệu lịch sử cũng như sự giúp đỡ của các đơn vị Công an để có được những bối cảnh chân thực nhất. Mỗi phim đều được quay ở nhiều địa phương. Riêng về điều lệnh của Lực lượng Công an, trong phim, chúng tôi đều quán triệt, điều lệnh của ngành như thế nào thì áp dụng trong phim như thế. Phải hết sức chuẩn xác. Trong phim "Chiến hạm nổ tung", chúng tôi mời được cả đoàn quân nhạc của Công an để đóng cảnh đoàn quân nhạc Pháp chơi quốc ca tại Tổng hành dinh quân đội Pháp. Hoặc, khi quay tại Dinh Bảo Đại ở Đà Lạt, dù du khách tham quan rất đông nhưng đoàn làm phim vẫn cố gắng để sử dụng được địa điểm gắn liền với bối cảnh phim mà không ảnh hưởng hay làm xáo trộn tới việc tham quan của khách du lịch.
- Ngay sau khi bộ phim đầu tay kết thúc, anh lại cùng đạo diễn Nguyễn Chí Thành thực hiện bộ phim truyền hình 27 tập "Chiến hạm nổ tung". Khác với phim trước, ở phim này, bối cảnh phim cách đây hơn nửa thế kỷ. Điều đó cũng có nghĩa vất vả, khó khăn là điều không thể tránh?
+ Trước đây, tôi từng rất thích tiểu thuyết "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ viết về chiến công chấn động của tổ điệp báo A13 và nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi trong việc tổ chức đánh nổ tung chiến hạm Amyot d'Inville của Pháp đậu ngoài khơi biển Sầm Sơn - Thanh Hóa. Năm 1995, tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tôi được Huy chương vàng khi vào vai Văn Hoàng trong vở "Cuộc chia tay lần cuối" chuyển thể từ tiểu thuyết trên. Tôi đã ấp ủ mong muốn được dựng thành phim chiến công lừng lẫy của những chiến sĩ biệt động năm xưa.
Khi bắt tay vào thực hiện, đoàn làm phim gặp vô vàn khó khăn vì từ bối cảnh nhà cửa đến phục trang đều phải chỉnh sửa sao cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm những năm 50 của thế kỷ trước. Chưa kể, tất cả từ xe cộ, súng ống đến cái nhỏ nhất là gạt tàn thuốc lá đều phải đi thuê nên chi phí khá tốn kém.
Ngoài ra, có tới 40 người ngoại quốc đến từ nhiều nước khác nhau tham gia đóng phim. Trong khi đoàn làm phim không có đủ phiên dịch cho tất cả ngôn ngữ mà không phải ai trong số họ cũng biết tiếng Anh nên việc chỉ đạo lại càng phức tạp. Thế mới có chuyện, khi quay cảnh Tổng hành dinh của Quân đội Pháp tại 33 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, sau khi quay xong lần 1, thay vì quay lại vị trí cũ, vì không hiểu ngôn ngữ, các bạn diễn viên nước ngoài lại phóng vút đi chơi một vòng Hà Nội khiến đoàn làm phim phải chờ mỏi mắt.
Khi quay cảnh chiến hạm, chúng tôi được Lữ đoàn 171, vùng 2 Bộ Tư lệnh Hải quân tại Vũng Tàu cho mượn tàu HQ 17 để quay. Nhưng ngặt nỗi, có một quy định bắt buộc là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lên chiến hạm phải có lý lịch rõ ràng. Đoàn làm phim đành nhờ Ban giám đốc Công an Vũng Tàu liên hệ với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cho mượn 14 chuyên viên người Nga đang làm việc tại đây vào vai các sĩ quan Pháp. May mắn là các bạn Nga nhiệt tình và thông minh nên nhập vai rất nhanh.
- Ghi dấu ấn trong lòng khán giả ở nhiều thể loại nhân vật từ chính diện đến phản diện, từ tướng lĩnh đến dân thường ở cả sân khấu và điện ảnh, gần đây, thấy anh chuyển từ diễn viên sang đạo diễn đều khá thuận lợi, thành công? Ngoài cách nói như người trong nghề là anh được "Tổ đãi", hẳn anh phải có một bí quyết gì?
+ Trong nghề diễn xuất, tôi có vinh dự được vào vai 2 vị tướng lĩnh trong cả Quân đội và Công an, đó là vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim truyện nhựa "Giải phóng Sài Gòn" và kịch sân khấu "Bản giao hưởng Điện Biên". Sắp tới là vai Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong phim "Chiến hạm nổ tung". Tôi cho đó là may mắn hiếm có trong cuộc đời diễn xuất của mình. Mỗi vị tướng đều có phong cách, tính cách khác nhau.
Một vinh dự nữa của tôi là thường xuyên được mời vào vai Công an. Có đạo diễn đùa đùa thật thật với tôi là "Khương Đức Thuận đứng im cũng đã ra dáng Công an rồi". Có lẽ đó là điều khiến tôi luôn được tín nhiệm vào vai Công an. Còn bí quyết của tôi đơn giản chỉ là ở mỗi một nhân vật tôi đều cố gắng tìm ra chìa khóa chính để mở cửa tính cách nhân vật. Mỗi nhân vật đều có tính cách riêng, ngôn ngữ riêng, cách thể hiện riêng. Khi làm đạo diễn, tôi cũng thường chia sẻ bí quyết này với các diễn viên để họ tìm được con đường ngắn nhất tới nhân vật.
- Nhưng chắc là thời gian đầu ở vai trò đạo diễn, anh cũng gặp phải những bỡ ngỡ?
+ Chắc chắn rồi. Vì là diễn viên, anh chỉ cần hiểu rõ kịch bản và làm tốt nhân vật của mình, nhưng đạo diễn lại phải chỉ đạo mọi khâu để phim đạt hiệu quả cao nhất. Điều này không hề đơn giản với phim có đại cảnh với hàng trăm người tham gia. Trong quá trình làm phim luôn có những sự cố bất ngờ xảy ra. Ví dụ như trong phim "Những đứa con Biệt động Sài Gòn", có cảnh quay phải có sự tham gia của các chú chó nghiệp vụ. Theo dự định, hơn 12h trưa bắt đầu quay. Mười giờ, tôi ung dung đến đơn vị mà mình đã liên hệ trước để nhận chó. Đến nơi, khác với tưởng tượng, chỉ còn đúng 2 chú chó gầy còm ốm yếu trong chuồng. Không còn cách nào khác, tôi đành vận dụng tất cả các mối quan hệ quen biết để gọi tới Công an Tp HCM nhờ giúp đỡ. May quá, sau rất nhiều các cuộc điện thoại thì đúng 11h30', một đàn chó hùng dũng cùng các chiến sĩ Công an đã sẵn sàng lên đường sang phim trường. Lúc đó, tôi mới thở phào nhẹ nhõm, cảm giác như hất được tảng đá đang đè nặng trên ngực. Phải nói rằng, đóng góp vào sự thành công của bộ phim, có sự ủng hộ rất lớn của nhiều đơn vị, cá nhân trong Lực lượng Công an.
- Vừa chuyển sang lĩnh vực đạo diễn nhưng đã gặt hái được thành công, nhiều khán giả lo ngại anh "vui duyên mới" mà quên mất vai trò nghệ sĩ của Đoàn Kịch Công an nhân dân?
+ Ba mươi năm gắn bó với Đoàn Kịch Công an nhân dân, tôi luôn tâm niệm, tôi có được ngày hôm nay, được khán giả yêu mến là nhờ ngành Công an. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, tham gia được cái gì có hiệu quả nhất về ngành Công an, về người chiến sĩ Công an thì sẽ làm, không phân biệt sân khấu hay điện ảnh, diễn viên hay đạo diễn. Suy cho cùng sân khấu hay điện ảnh chỉ khác nhau về hình thức thể hiện, còn ý tưởng, khát vọng là giống nhau. Và là nghệ sĩ, cứ được cống hiến là vui rồi.
- Xin cảm ơn NSƯT Khương Đức Thuận!