Tìm đâu trang phục cho phim cổ trang Việt Nam?

09:05 25/09/2005

Những người lính thời vua Lê, chúa Trịnh còn “bê” nguyên cả… chiếc dép nhựa, giày “bata” vào phủ! Còn phim nhựa cổ trang thì ngay cả nhà sử học cũng không đoán nổi bối cảnh trong phim thuộc thời nào bởi trang phục kiểu “mũ triều nọ, áo triều kia”.

Một trong yếu tố quan trọng tạo nên sức thuyết phục của phim truyền hình, điện ảnh và sân khấu về đề tài cổ trang là trang phục của diễn viên như thế nào, nhưng đôi khi đấy lại là đòi hỏi hóc búa đối với những nhà làm phim, sân khấu…

Gần đây, một số đạo diễn VN khỏi cần nghĩ ngợi đâu xa cho mệt, đã sáng tạo rất vô tâm: cứ theo trang phục của phim Trung Quốc mà mặc! Thế là những phim cổ trang của ta bắt đầu y chang phim Trung Quốc về trang phục. Không ít người Trung Quốc chặc lưỡi hỏi, đại ý, tại sao trên phim truyền hình VN, trang phục của vua chúa lại chỉ giống như quần áo của nô hầu bên Trung Quốc?

Từ văn hoá đình làng Việt

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, một họa sĩ và giảng viên ở Hà Nội, trong khi các đạo diễn Trung Quốc làm rất tốt việc chọn trang phục cho phim cổ trang thì nhà làm phim VN lại rất bí vì hai lý do: Thứ nhất, chúng ta có rất ít “tư liệu” về trang phục cổ còn sót lại. Thứ hai, các nhà làm phim rất lười, cẩu thả trong việc nghiên cứu, sưu tầm và khai thác các tư liệu về trang phục cổ của người Việt xưa.

Trông phim người lại ngẫm phim ta mà buồn!

Trong khi người Trung Quốc, hầu như các vua đương thời đều gọi thợ đến vẽ mặt của mình. Ngoài ra, trong các lăng mộ của Trung Quốc còn để lại rất nhiều bộ quần áo cổ. Còn ở nước ta, thật đáng tiếc, “trong suốt lịch sử VN, chỉ có ba lần người Việt tự vẽ mình. Lần đầu tiên là trên mặt các trống đồng thời vua Hùng. Từ hình tượng nơi mặt trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ… chúng ta hình dung được một phần về người Việt cổ và trang phục, thuyền, cảnh đánh chiêng, cồng… “cho dù rất giản dị nhưng còn hơn là không có”- ông Hòa nói.

Sau đó khoảng 1.500 năm người Việt mới lại lần thứ hai tự vẽ mình, đó là các bức chạm khắc mô tả cuộc sống, trang phục như nhà cửa, trâu bò, ách cày, thuyền chài, cảnh tắm, uống rượu, chọi gà, đánh hổ… của người Việt trên vì kèo đình làng VN vào thời Mạc, thời vua Lê, chúa Trịnh. Ở các ngôi đình VN thường chạm các cô tiên có cánh và trang phục họ mặc chính là trang phục cổ. Còn lần thứ ba chính là thời hiện đại. Còn nhiều triều đại chỉ để lại những con rồng, con phượng, con lân, con rùa… tuy rất đẹp nhưng không giúp mấy cho phim.

Bởi vậy, theo ông Hòa, muốn biết trang phục và những cảnh sinh hoạt của người Việt xưa ra sao, có một “kênh” rất độc đáo, có uy tín và khơi ra một hy vọng mà từ đó có thể làm cho phim và kịch cổ trang chân thực, chính xác hơn là dựa vào những công trình chạm khắc nơi đình làng.

Một ngôi đình được các nhà khoa học coi là cổ mà còn tương đối nguyên trạng hiện nay ở VN là đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây), được dựng năm 1583, thời nhà Mạc, chính là một trong hàng chục nơi đang chờ đợi sự tìm tòi của người làm phim. Trên các vì kèo, tấm gió của đình hiện còn để lại rất nhiều bức chạm “hoạt cảnh” sinh động về đời sống và trang phục dân gian, trong đó thể hiện rõ nhất là trang phục của 25 cô tiên - chạm bong - được gắn trên các kèo áp mái nhà. Ngoài ra, còn các bức chạm nổi cảnh gánh con chạy loạn, đi cày, nam nữ yêu nhau, thầy đồ… cũng cho hậu thế nhiều tư liệu về trang phục của tầng lớp hạ dân xưa.

Khi nghiên cứu bức “Trồng người” ở tấm cột đội phía trái hậu cung chạm cảnh làm xiếc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền, Tạp chí Di sản - Cục Di sản, Bộ VH-TT, khẳng định: dựa vào trang phục của bốn người đàn ông đang làm xiếc, trong đó hai người đứng hai bên đỡ đứa trẻ con ngồi trên chân một người nằm dưới, trên đầu đội mũ “bì biện” nhưng ở dưới lại mặc váy… có thể thấy rằng “trang phục của người đàn ông xưa chắc chắn là mặc váy, đóng khố chứ không phải mặc quần như ngày nay chúng ta lầm tưởng”.

“Nhưng do quá trình lịch sử, sự hiểu biết của người ta ngày càng mờ đi nên cái váy dần chỉ còn lại ở nữ mà ngày nay chúng ta lầm tưởng rằng váy chỉ là của nữ”- ông nói.--PageBreak--

Tuy nhiên, những cố gắng theo cách của ông Nguyễn Đức Hòa và gợi ý của giáo sư Trần Lâm Biền cũng chỉ giúp các đạo diễn nước ta tái hiện được trang phục của người nông dân thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội phong kiến. Còn muốn tái hiện trang phục của tầng lớp quan lại, quý tộc phong kiến thì sao?

Tới món “bảo bối” trong ngôi mộ cổ vườn đào Nhật Tân

“Cuộc khai quật ngôi mộ hợp chất cổ ở khu cánh đồng trồng đào Nhật Tân (Hà Nội) vừa qua đã giúp chúng ta có được những tư liệu rất quý giá, trong đó tôi quan tâm hai vấn đề là chất ướp xác và trang phục cổ”- PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Viện Khảo cổ học, người chủ trì cuộc khai quật - vui mừng.

Ông Cường khẳng định “chỉ có bằng chứng duy nhất là khảo cổ mới trả lời được câu hỏi về trang phục cổ”. Theo ông, cũng chỉ có loại mộ táng như ngôi mộ vừa khai quật mới còn lại áo quần, những loại mộ khác chỉ còn lại đồ đồng, đồ sắt, gốm…

“Từ trước tới nay chúng tôi đã tìm thấy một số ngôi mộ có quần áo, nhưng ngôi mộ vừa tìm thấy là hay nhất, quần áo còn nguyên”- ông nhấn mạnh. Theo ông đó toàn bộ di vật trên đã được gửi giám định và bảo quản tại Viện 69 Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó sẽ chuyển sang Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chờ nghiên cứu và “nếu nghiên cứu bộ trang phục này chúng ta sẽ  có được nhiều sáng tỏ về cấu trúc quần áo cổ như hình dáng áo, áo mấy thân, cúc áo thế nào, cách mặc ra sao”…

Còn GS.TS sử học Đỗ Văn Ninh - Viện Khảo cổ học - cũng cho biết từ trước tới nay ông cũng “bắt gặp” một số ngôi mộ còn tồn lưu quần áo cổ. Gần đây, Sở VH-TT Hà Nội đã mở dự án nghiên cứu về trang phục cổ và ông cũng đã giúp họ một số tấm ảnh về quần áo xưa, tuy nhiên “chưa bao giờ thấy ngôi mộ nào còn 100% mẫu hiện vật như ngôi mộ cổ hợp chất ở cánh đồng đào Nhật Tân”.

Theo ông Ninh, đây là một kiểu trang phục truyền thống của quý tộc Hà Nội xưa và nó hoàn toàn có thể giúp chúng ta được nhìn thấy kiểu dáng quần áo cổ cũng như phong cách ăn mặc của quý tộc xưa, “điều đó sẽ dễ dàng hơn cho các nhà làm phim, sân khấu về thời cổ”.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho đến nay vẫn ngỡ ngàng vì chưa bao giờ bắt được những mẫu quần áo đẹp và phong phú như vậy. “Tôi nghĩ rằng đây là mộ của một ông nhà rất giàu có, vì có tới hai lớp quần, 23 cái áo: ngoài đã có chín cái áo lụa, giữa có 10 cái áo gấm và satanh phải nói là rất đẹp, trong cùng là bốn cái nữa bằng vải”. 

Đi tìm “bức tranh” về người và cảnh xưa, trong đó gắng tái hiện một cách có thể tạm thỏa mãn tất cả hình bóng con người, nhà cửa, đền đài, trang phục, phong tục… của thời phong kiến là công việc và mơ ước của nhiều nhà khảo cổ học, nhà sử học, nhà văn… Tuy vậy, sự vội vàng hoặc cẩu thả nơi các đạo diễn điện ảnh, sân khấu đôi khi có thể để lại những nhầm lẫn trường tồn nơi công chúng. Và ở chừng mực nào đó, các nhà làm phim, làm kịch cũng sẽ góp phần dựng lại bức tranh người xưa một cách tương đối chân thực qua phim ảnh nếu chịu đào sâu tìm tòi, thận trọng và trân trọng hơn với những di sản ít ỏi mà cổ nhân còn để lại sau bao biến cố thời gian

Hoàng Diệp

Chiều 3/5, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh đã tạm giữ hình sự Trần Lập Duy (SN 1994, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân là con gái ruột của đối tượng và mới được 9 tháng tuổi.

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Hàng ngàn mét vuông đất công bị lấy chiếm, quán cà phê chòi, xưởng sản xuất, nhà hàng…cùng hàng trăm ngôi nhà mọc lên từ nhiều năm nay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bức xúc.

Họ "bắt cặp" với nhau không cần tình yêu, cũng chẳng cần tiền. Chỉ cần trao đổi qua tin nhắn, gặp mặt, đi ăn uống đôi lần, hoặc ngay từ lần đầu tiên, sau khi ưng ý và thỏa thuận vài "điều khoản thuộc vùng cấm" trong mối quan hệ, thì giữa hai người đã có thể tiến tới bước quan hệ thể xác. "Phong cách bạn bè" này mới xuất hiện trong giới trẻ, mang cái tên rất Tây: "Friends with benefit".

Ba người đàn ông từ Thanh Hóa lên các huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An) để đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sau đó lên khu vực biên giới mua ma túy để sử dụng…

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文