Giải Nobel Hòa Bình 2017:

Tôn vinh nỗ lực ngăn chặn vũ khí hạt nhân

16:13 07/11/2017
Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay có nhiều điều thú vị. Vượt qua những ứng cử viên nặng kí như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Giáo hoàng Francis, Chiến dịch quốc tế nhằm bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN - "International Campain to Abolish Nuclear Wearpons") đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Hòa bình danh giá.


ICAN và những nỗ lực nhằm ngăn chặn vũ khí hạt nhân

Chiến dịch quốc tế nhằm bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) là một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ có mạng lưới trải dài tại 101 quốc gia trên thế giới cùng sự tham gia của 468 đối tác. Nhóm này bắt đầu tại Australia và chính thức thành lập tại Vienna, Áo vào năm 2007. Hiện nhóm có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với mối lo âu lớn từ vũ khí hạt nhân như năm 2017, việc giải Nobel Hòa bình được trao cho một tổ chức có nhiều nỗ lực to lớn trong việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân như ICAN là điều hoàn toàn có thể lý giải được.

ICAN được vinh danh nhờ đã có 10 năm nỗ lực tạo thuận lợi cho các cuộc thương lượng dẫn đến hình thành hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên - Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân được Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức ký hồi tháng 7 vừa qua.

Lễ ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân tại LHQ đã diễn ra vào ngày 20/9 vừa qua (Nguồn: GETTY IMAGES).

Tờ "The Guardian" dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen: "ICAN xứng đáng được nhận giải thưởng này vì các hành động nhằm thu hút sự chú ý đến các hậu quả nhân đạo tàn khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và vì các nỗ lực mang tính đột phá nhằm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí này". "Trong năm qua, ICAN đã thổi vào các nỗ lực nhằm thúc đẩy một thế giới không vũ khí hạt nhân với một đường hướng và sức mạnh mới" -  tuyên bố của Ủy ban Nobel.

Bà Berit Reiss-Andersen - Chủ tịch Ủy ban trao giải Nobel cũng cho hay, "Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cao hơn so với mức được duy trì suốt thời gian dài trước đó" và ICAN đã và đang là chiến dịch xã hội dân sự đi đầu trong nỗ lực nhằm cấm phổ biến vũ khí hạt nhân theo luật pháp quốc tế.

Sau thông báo trao giải, ICAN ra tuyên bố rằng giải thưởng này là sự ghi nhận với các nỗ lực không mệt mỏi của hàng triệu nhà vận động và cũng như công dân toàn cầu phản đối vũ khí hạt nhân, rằng vũ khí hạt nhân không phục vụ mục đích hợp pháp nào, cần được xóa sổ vĩnh viễn khỏi Trái Đất.

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và những điều còn bỏ ngỏ

Tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu từ ngày 20-9 tại Đại hội đồng LHQ. Đã có ít nhất 53 thành viên ký tham gia và tới giờ có ba nước phê chuẩn: Guyana, Vatican và Thái Lan. Việt Nam cũng nằm trong số những nước đầu tiên ký vào Hiệp ước này.

90 ngày sau khi được 50 nước phê chuẩn, hiệp ước sẽ có hiệu lực. Theo thỏa thuận trong hiệp ước, tất cả việc sử dụng, đe dọa sử dụng, thử, phát triển, sản xuất, sở hữu, vận chuyển, đưa vũ khí hạt nhân đến một nước khác đều bị cấm. Với các nước có vũ khí hạt nhân chọn tham gia hiệp ước, sẽ có một lộ trình tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân nước này và nước này phải hứa sẽ không tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân.

ICAN được vinh danh Nobel Hòa bình trong bối cảnh nguy cơ xung đột hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng lớn. Chưa kể quan hệ hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới - Mỹ và Nga - đang ở mức thấp nhất từ thời Chiến tranh lạnh. Chưa hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tính sắp tới sẽ tuyên bố Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký với nhóm P5+1, một bước nhằm tiến đến hủy bỏ thỏa thuận, điều các đồng minh châu Âu lo ngại có thể khiến Iran quay lại phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nói với báo chí, bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình cho biết, giải thưởng này không phải nhằm gửi thông điệp gì đến Tổng thống Mỹ Donald Trump mà chỉ nhằm khuyến khích các nước giải giáp hạt nhân.

Vào tháng 7, đã có đến 122 quốc gia ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, nhưng các cường quốc sở hữu lượng lớn vũ khí hạt nhân của thế giới trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp lại không tham gia các cuộc đàm phán. Theo tờ New York Times, việc ICAN được trao giải Nobel Hòa bình là lời đáp trả mạnh mẽ với những quốc gia hạt nhân của thế giới vốn đã tẩy chay các cuộc thương lượng và lên án Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân từ trước đó.

Thế giới đang có 15.000 vũ khí hạt nhân và Mỹ, Nga là hai nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất. Và dường như hai cường quốc này không có vẻ gì là ủng hộ việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân, điển hình là khi Đại sứ Mỹ tại LHQ là Nikki Haley từng nói hiệp ước chẳng làm giảm xung đột hạt nhân mà có thể còn gia tăng chúng. Mỹ đã một lần bị cô lập năm 1997, khi giải Nobel Hòa bình vinh danh tổ chức dân sự Chiến dịch quốc tế nhằm bãi bỏ mìn (ICBL). Hiệp ước Cấm mìn do ICBL vận động đã được hơn ¾ nước trên thế giới ký tham gia nhưng cũng không có Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Giải Nobel muốn tìm cách thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh các căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên, và sự bấp bênh về số phận thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Khi thông báo giải Nobel Hòa bình 2017, Ủy ban Nobel cũng nhân cơ hội kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khởi động các cuộc đàm phán để dần loại bỏ 15.000 vũ khí hạt nhân hiện có trên thế giới. Ủy ban đồng thời nhấn mạnh rằng các bước đi tiếp theo tiến tới việc đạt được một thế giới không vũ khí hạt nhân phải có sự tham gia của các quốc gia sở hữu loại vũ khí nguy hiểm này.

Tuy nhiên, sau thông báo trao giải của Ủy ban Nobel Na Uy, nhiều quốc gia hạt nhân lên tiếng khẳng định lại sự phản đối Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân. "Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân không đưa chúng ta lại gần hơn mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Thực tế, nó có nguy cơ hủy hoại tiến trình chúng ta đã trải qua nhiều năm nay nhằm giải trừ và không phát triển vũ khí hạt nhân. Các nỗ lực giải giáp hạt nhân phải tính tới thực tế môi trường an ninh hiện tại" - Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố.

Bà Berit Reiss-Andersen công bố giải Nobel Hòa bình 2017 hồi 16h ngày 6/10 tại Oslo. (Nguồn: REUTERS)

Các thành phần ủng hộ hiệp ước bày tỏ rằng họ chưa bao giờ hy vọng có quốc gia hạt nhân nào tham gia hiệp ước ngay, chỉ mong sự lan rộng của hiệp ước sẽ tăng áp lực dư luận lên các nước này. ICAN cũng thừa nhận vũ khí hạt nhân sẽ không sớm biến mất nhờ Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân nhưng nó vẫn là mục tiêu thực tế lâu dài.

Kết quả Nobel Hòa bình năm nay đi ngược lại với dự đoán của số đông, song phần nào chứng minh sự quan tâm của thế giới đối với những nỗ lực để đạt được một lệnh cấm vũ khí hạt nhân theo luật quốc tế.

(Paris cuối tháng 10)

Giải Nobel Hòa bình (tiếng Thụy Điển và tiếng Na Uy: Nobels fredspris) là một trong năm nhóm giải thưởng ban đầu của Giải Nobel. Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của nhà hóa học lừng danh Alfred Nobel, Giải Nobel Hòa bình nên được trao "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".

Có nhiều người cho rằng Nobel đã dùng tài sản của mình để lập ra giải thưởng này như một cách đền bù cho các phát minh về chất nổ của ông vốn được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh như dynamit hay ballistite. Mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 930.000 USD).

Giải Nobel Hòa bình là hạng mục gây nhiều tranh cãi nhất trong hệ thống Giải Nobel, nguyên nhân chủ yếu đến từ cách thức đánh giá tiêu chuẩn của các ứng cử viên. So với các hạng mục giải Nobel khác như Văn học, Vật lý,… mà các ứng cử viên thường chỉ được xét giải sau hai hoặc ba thập kỉ những đóng góp của họ ra đời, thì đóng góp của các ứng cử viên cho Giải Nobel Hòa bình thường chỉ xét ngay trong năm đó hoặc trong khoảng thời gian ngắn xung quanh thời gian xét giải, phụ thuộc vào những diễn biến chính trị của đóng góp. Vì vậy đã có nhiều trường hợp sau khi được trao Giải Nobel Hòa bình, cá nhân hoặc tổ chức nhận giải lại tham gia vào việc phát động các cuộc chiến tranh hoặc chạy đua vũ trang, đi ngược lại với tiêu chí giải thưởng.

Ủy ban Giải Nobel Na Uy còn bị chỉ trích vì đã bỏ qua nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng đã có những đóng góp lớn cho hòa bình thế giới, mà nổi tiếng nhất đó là trường hợp của lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi đã gây tranh cãi không chỉ trong dư luận mà còn trong chính nội bộ Ủy ban.

Dương Thục Anh

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文