Trái tim đau và “Mật ngữ rừng xanh”

13:13 27/08/2015
Lê Hữu Nam 30 tuổi, cao khoảng 1,4m, nặng 32kg. Giọng líu ríu như chim. Sơ giao, người ta hay buột miệng: "Ê, nhóc học lớp mấy rồi?". Anh tủm tỉm nhún vai. Nam bị bệnh tim, sờ vào lần vải ngoài ngực trái xương xẩu, thấy quả tim như muốn nhảy vọt. Sự sống phập phồng đếm nhịp. Nguồn vui sống của anh có lẽ là cánh đồng chữ và những đứa trẻ nô đùa trong khu rừng xanh, ngoài kia...

"Mật ngữ rừng xanh" là cuốn sách thứ ba của Lê Hữu Nam. Tác phẩm của anh giản dị thôi, như khoảng ký ức xa xôi anh gắn bó với mảnh vườn, khoảnh sân nhà mình trên núi đồi Đà Lạt giăng lạnh. Truyện kể về một khu rừng có tầng địa chất mỏng hơn so với các cánh rừng thông thường. Ở đó có những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu như voi Giằng, đại bàng Musat, báo Đức Vua… Những đứa trẻ không quen biết trở thành bạn thân thiết khi gắn bó với cư dân ngộ nghĩnh của khu rừng. Chúng chung tay tìm cách chống lại bọn lâm tặc. Đó còn là hành trình gian nan của những ông bố, nhà khoa học đi tìm tấm bản đồ đặc biệt để kêu gọi nhà chức trách bảo tồn cánh rừng.

"Trên hết, tôi viết cuốn sách này để tưởng nhớ đến những sinh vật đã biến mất trước sự tàn bạo của nạn phá rừng và săn bắn động vật hoang dã. Để ghi công những người bạn của tôi trong các tổ chức bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Và qua cuốn sách này tôi hy vọng những đứa trẻ sẽ biết dành trọn tình yêu thương của mình cho thiên nhiên" - Lê Hữu Nam chia sẻ.

Tác giả Lê Hữu Nam.

Một cuốn sách viết về môi trường, lại viết dành cho thiếu nhi là thử thách không hề nhỏ với người cầm bút. Nhưng đọc "Mật ngữ rừng xanh", nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng (người sáng lập CHANGE, WildAid Việt Nam và Phong trào 350 Việt Nam) hiểu vì sao Lê Hữu Nam lại chọn thiếu nhi để gửi gắm ý tưởng có vẻ khô khan, vĩ mô của mình: "Làm môi trường ở Việt Nam trong gần 20 năm qua, nhiều khi tôi thấy nản.

Tôi nản với chính chương trình của mình, với chính những lời hô hào của mình. Người lớn, ai cũng có vẻ hiểu về tình yêu, nhưng mọi người liệu có đồng ý với tôi rằng tình yêu là thứ được nuôi dưỡng chứ không phải một thứ học được? Những bài giảng đầy thông tin khoa học về giá trị sinh học của các loài, những bài báo, những bộ phim tài liệu về tính cấp bách của các vấn đề môi trường địa phương sẽ khó có thể làm cho các em nhỏ vốn sinh ra lớn lên trong một gia đình mà mọi người đều ghét nuôi chó, mèo trong nhà, trở thành một người biết yêu và bảo vệ động vật. Cái chúng ta cần phải làm trong các chương trình giáo dục môi trường chính là phải nuôi dưỡng tâm hồn đẹp cho các em nhỏ bằng những cuốn sách hay. Những cuốn sách sẽ làm cho các em cảm nhận được mình là một phần của thiên nhiên, các loài vật là những người bạn bình đẳng và cần được bảo vệ".

Một cuốn sách về môi trường nhưng lại lôi cuốn độc giả với những trang đầu tiên bằng yếu tố giả tưởng, phiêu lưu, tình huống hồi hộp, gay cấn. Diễn viên Hồng Ánh nhìn thấy ở trang sách mang đậm màu sắc xi-nê, có cận cảnh, hậu cảnh, có màu sắc, âm thanh sống động đã phát biểu: "Tôi cảm giác từng dòng văn, từng phân đoạn của "Mật ngữ rừng xanh" giống như những phân cảnh trong điện ảnh.

Tôi bị cuốn hút khi dõi theo cuộc phiêu lưu của Lâm, Joey, Susan, Miên cùng các cư dân của rừng già chống lại những kẻ phá rừng, những kẻ phá đi cái nôi và quá khứ của cuộc sống hôm nay. Đây là nguồn kịch bản rất hay để dựng thành phim hoạt hình" - chị nói. Dù cuộc chiến giành lại màu xanh có những mất mát, đau thương nhưng đó là câu chuyện cổ tích đích thực dành cho thiếu nhi và cho cả người lớn bởi những chiêm nghiệm sâu sắc.

Chẳng lạ gì khi bối cảnh của câu chuyện bảng lảng bóng dáng phố núi mù sương. Người ta có cảm giác tác giả phải là "chú nhóc rừng xanh". Có sống trong rừng rất lâu để hiểu và yêu rừng thì mới viết được những dòng văn thấm đẫm tình yêu và hiểu đặc tính sinh học loài vật, cây cối tường tận như thế. Nam cười, lại lặng lẽ nhún vai như ai đó nhầm anh với chú nhóc.

Rừng, thậm chí mé rừng đúng nghĩa anh vẫn chưa có diễm phúc đặt chân tới. Trái tim bệnh tật kiềm chân. Nhưng nơi anh sống vốn có ngút ngàn cây, ít ra hơi thở nào đó của đại ngàn, anh vẫn được chạm vào. Thi thoảng góc vườn lại có chú chồn nào trốn mẹ trong rừng già đi chơi ngơ ngác nhìn Nam. Đôi mắt Nam cũng háo hức theo dõi những chú thú nhỏ thỉnh thoảng vẫn tạt ngang nhà mình.

Lớn lên một chút, Nam được bố mẹ dắt đi thăm những người bạn, bà con quanh nhà. Chiếc đầu hươu cam chịu, nhẫn nhục phơi khô trên bức tường trắng toát làm Nam rùng mình. Nhà người này là tấm da cọp, nhà người kia là chú chim ưng chết cứng mở trừng mắt… Nam ám ảnh đến nỗi khóc thét trong đêm. Sao người ta ra tay dã man với con vật xinh đẹp, dễ thương như vậy để làm vật trang trí cho căn nhà, chứng tỏ sự phú quý?

"Hồi nhỏ, tôi vẫn nghĩ yêu thương con vật là bắt nó nhốt ở chuồng rồi chăm sóc nó, cho nó ăn. Nhưng mấy lần thấy ba bắt chúng về nhốt, nó kêu thảm thiết, bỏ ăn bỏ uống đến chết. Tự do không chỉ dành cho con người mà con vật cũng cần tự do". Đồi thông ở quê nhà cũng đã thưa dần cây lá. Rừng hẹp lại, mất đi, những người bạn nhỏ năm xưa giờ ít khi đi lạc vào nhà.

Bìa sách "Mật ngữ rừng xanh" của Lê Hữu Nam.

Lên lớp 5, trái tim vốn bị mổ xẻ nhiều từ khi mới lọt lòng quật ngã Nam. Anh từ bỏ vĩnh viễn sách vở, bút thước để gắn chặt đời mình với chiếc giường trắng toát chằng chịt dây nhợ. Đà Lạt khuất mờ, TP Hồ Chí Minh chào đón anh bằng sắc áo blouse trắng. Các bác sĩ sợ cậu bé buồn nên hay chở Nam đi mua sách hoặc đem sách về cho cậu đọc. Nam đọc và mê đắm trong thế giới thiên nhiên hùng vĩ ở mọi nơi của địa cầu. Anh cũng khoái những bộ truyện ly kỳ, thám hiểm dựng nên như những thước phim. Sau này, tham gia các chiến dịch hoạt động bảo vệ động vật hoang dã với các tổ chức phi chính phủ, Nam hiểu hơn về các đặc tính loài, sự cấp bách của các loài cần được bảo vệ. Đây là khối kiến thức chủ yếu để anh tích góp cho cuốn "Mật ngữ rừng xanh".

Mang trái tim đau yếu nhưng Nam lại chọn cánh đồng ngôn ngữ để cày bừa. Rảnh rỗi trong bệnh viện, anh viết blog ngẫm vu vơ chuyện mình, nhắc nhớ kỷ niệm rêu cũ... Có những comment kiểu như: "Anh viết hay đấy, sao anh không viết văn đi". Vậy là khi có thể tạm thời xa giường bệnh, Nam viết cuốn sách đầu tiên, coi như món quà be bé dành cho các bạn nhóc quanh mình. Những trang viết của Nam thường liên quan đến những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu. Cuốn sách đầu tay mang tên "Hành trình trở về" kể về một chú ếch ra khỏi chiếc ao nhà để khám phá thế giới xung quanh nhưng cuối cùng nó nhận ra không nơi đâu bằng chiếc ao nhà mình.

Cũng ít ai ngờ người mà dăm bữa nửa tháng phải vào viện, ở nhà phải kè kè bình oxy, lại làm cái nghề khá áp lực: nghề báo. Anh kể về đường vào nghề nhẹ như không: "Ngày đám cưới tôi, một bạn phóng viên đến đưa tin. Đại khái bạn ấy làm phóng sự về một người bị bệnh tim nhưng vẫn có được hạnh phúc lứa đôi. Bạn ấy biết tôi có viết vu vơ mấy bài tản mạn nên rủ tôi viết báo mảng văn hóa - xã hội. Mình thấy cũng hay hay nên gật đầu".

Gần 5 năm qua, đi họp báo ở sự kiện văn hóa, nghệ thuật nào cũng dễ dàng bắt gặp dáng "cậu nhóc" loắt choắt ấy. Anh hay cười, nụ cười hồn nhiên, tự tại ngay cả những lúc tưởng như trái tim đã vĩnh viễn thôi đập... Cày bừa trên cánh đồng ngôn ngữ luôn là công việc cực nhọc, nhưng với Nam trang văn là nơi anh tìm về để lục lại ký ức cũ, để nghe mình thì thầm, thấy mình trong tương lai. Dù tay run lẩy bẩy, anh vẫn thấy nhẹ nhõm khi ngồi gõ những nỗi niềm vào đêm sau một ngày làm báo vất vả.

Đứa con trai đầu lòng ra đời là niềm hạnh phúc vô bờ bến, tưởng như chỉ có phép màu nhiệm nào từ trời cao ban xuống. Ngay chính anh cũng chẳng ngờ huống hồ người ngoài cuộc. Để rồi anh không thể không hét lên sung sướng trong cuốn sách "Con đến như một phép màu", cảm ơn cuộc đời nhiều bao dung. Nhưng Lê Hữu Nam ơi, có bao giờ anh biết rằng bản thân anh, cuộc sống của anh, những cuốn sách của anh cũng đã là một phép màu giữa cuộc sống vô thường này?

Ngồi dưới vòm me nghe lũ chim sẻ ríu ran gọi bạn, anh thì thầm: "Tôi đang viết tiếp phần hai của "Mật ngữ rừng xanh". Đó là hành trình bảo vệ khu rừng 20 năm sau mà những đứa con của Miên, Susan, Joey, Lâm ở phần một tiếp nối. Không có một tổ chức bảo vệ môi trường nào có thể gìn giữ nổi thiên nhiên nếu không có sự đoàn kết, hành động của mọi người. Đó còn là cuộc chiến liên tục, bền bỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác". 

Mai Quỳnh Nga

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文