Trào lưu Vlog nhảm

14:47 15/10/2020
Vì sự nôn nóng, vội vàng hoặc thiếu hiểu biết mà nhiều người đã “làm liều” tạo ra những “món” Vlog phản cảm, sượng sùng, nhảm nhí. Và một trong những cái tên bị chỉ trích gay gắt trong tuần qua lại tiếp tục là... Hưng Vlog.


Cùng với sự phát triển của Facebook và Youtube, vài năm trở lại đây, trào lưu làm Vlog đang nở rộ mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Muốn cạnh tranh lượt tương tác cũng như tạo được hiệu ứng chia sẻ rộng khắp thì việc không ngừng đổi mới nội dung và hình thức các video là yếu tố quan trọng bậc nhất. 

Cũng từ đó, vì sự nôn nóng, vội vàng hoặc thiếu hiểu biết mà nhiều người đã “làm liều” tạo ra những “món” Vlog phản cảm, sượng sùng, nhảm nhí. Và một trong những cái tên bị chỉ trích gay gắt trong tuần qua lại tiếp tục là... Hưng Vlog.

Hưng vlog đang nổi lên là một trong những tay chơi Vlog khá chuyên nghiệp khi biết cách tự làm mới mình thông qua những video đa dạng, biến hóa linh hoạt nhiều màu sắc. 

Bên cạnh việc phối hợp với mẹ mình - bà Tân Vlog để thực hiện chuỗi clip ẩm thực “siêu to khổng lồ” từng nổi danh đình đám, Hưng còn mở rộng thêm những video hài hước troll (chơi khăm) người thân trong gia đình thu hút hàng triệu lượt xem và theo dõi. Tuy nhiên, có lẽ việc xây dựng các clip hằng tháng khiến anh rơi vào tình trạng cạn ý tưởng nên đã xảy ra những “tai nạn nghề nghiệp” liên tiếp.

Hình ảnh trong clip Hưng Vlog nấu cháo gà nguyên lông- Ảnh Kiến Thức

Sau tai tiếng của sự việc “nấu cháo gà nguyên lông” cho hai người em ăn xảy ra cách đây mới hơn một tháng, Hưng Vlog không những không sửa lỗi mà còn tiếp tục tái phạm nghiêm trọng hơn và làm cộng đồng mạng dấy lên làn sóng bất bình khi công bố video “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”. 

Những video này cũng có motif, cao trào thắt - mở tương tự như những video trước đó Hưng đã làm. Cái khác là, nếu như những video trước nhận được hàng nghìn nút “haha” thì hai video này phải hứng chịu một lượng “phẫn nộ” dồn dập kèm theo những comment chỉ trích nặng nề vì ít nhiều có sự vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc thuần phong, mỹ tục, đạo đức, pháp luật.

Trước làn sóng tẩy chay dữ dội, Hưng Vlog luôn sử dụng giải pháp khắc phục “xưa như Trái Đất” là vội vàng gỡ video xuống. Hai lần vi phạm của Hưng đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 17,5 triệu đồng. 

Song, những ảnh hưởng tiêu cực mà Hưng gây ra thì đâu thể dễ dàng “dọn sạch” bằng thao tác delete đơn giản? Vi phạm đến hai lần liên tục thì rành rành là cố ý? Vả lại, khi một bộ phận rất lớn khán giả của Hưng Vlog là các em thiếu niên thì ai dám chắc sẽ không xảy ra sự học đòi, bắt chước? Qua những video lố lăng như vậy, cái tên Hưng Vlog trong lòng công chúng đã bị sứt mẻ rất nhiều.

Còn niềm tin nào cho sự thay đổi của Hưng Vlog? Trước đó, Hưng Vlog cũng đã có những video troll khác gây tranh luận trái chiều như: vu oan người yêu lấy trộm tiền, lấy trộm tiền của người yêu, đóng vai người ăn mày bôi mặt đen hay nấu cơm bằng nước ngọt có gas. 

Sau khi xem các video, có người lên tiếng: “Cậu làm ơn làm clip gì có ý nghĩa cho xã hội để xứng đáng với những nút “theo dõi” của mọi người được không?”. 

Mở rộng vấn đề, đại dịch Covid đang đẩy thế giới đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực. Bởi vậy, một trò đùa nào gây lãng phí đồ ăn, thức uống đều đáng bị lên án và xử lý.

Tôi có một đứa em họ đang học lớp Bảy hầu như ngày nào cũng đòi vào Facebook xem anh Hưng Vlog rồi mới chịu ngồi vào bàn học. Rồi một ngày, cơm trong nồi bỗng dưng chuyển sang màu da cam như xôi gấc và bốc lên một thứ mùi là lạ. Check camera gia đình thì phát hiện ra thằng em đang thập thò đổ cả chai nước cam vào nồi. Hỏi ra mới biết nó tò mò học theo video anh Hưng Vlog mới đăng. Lần đấy, cả nồi cơm đành đổ vào sọt rác. Nếu những đứa trẻ khác cũng làm tương tự thì sẽ như thế nào? Nhiều nồi cơm, nồi cháo bị đổ bỏ có phải là một sự lãng phí, một hậu quả lớn?

Không chỉ Hưng Vlog, trong thời gian qua, có rất nhiều những Vlogger bất chấp tất cả để làm ra những vlog câu view rẻ rúng mà nổi lên là video cô gái ăn bạch tuộc sống nguyên con chưa qua sơ chế với những xúc tu uốn éo, ngọ nguậy quanh mồm cô khiến người ta cảm giác còn ghê sợ hơn cả đang xem một bộ phim kinh dị. 

Hay vài Vlogger làm video lãng phí như: dùng khăn giấy thấm hết nước trong bể bơi; đáng lên án như: làm thịt chim quý hiếm; vô bổ như: tắm trong bỏng ngô; hoặc nguy hiểm như: thử thách leo cột điện cao thế. Họ đang chỉ chăm chắm đếm lượt like, comment, share mà bỏ qua việc cố gắng tạo nên những giá trị Vlog tích cực và đích thực?

Hưng Vlog đập heo đất để lấy tiền. (Nguồn ảnh báo Tuổi trẻ).

Vlog bây giờ thường chạy theo xu hướng hài hước bề mặt. Chẳng khó giải thích, khi mà con người đang đứng trước những mối lo cơm áo, gạo tiền và dịch bệnh thì những Vlog mang lại được tiếng cười sảng khoái cho người xem hẳn sẽ hấp dẫn và có hiệu ứng lan truyền hơn. 

Đã có một thời, công chúng bàn luận nhiều về những chương trình hài nhảm thì hiện nay cũng đang rầm rộ tồn tại những thứ Vlog nhảm. Mà những cái nhảm nhí, vô duyên thì chẳng bao giờ bền vững được. Làm giàu nội dung và làm mới hình thức Vlog chưa bao giờ là bài toàn dễ tìm ra đáp số.

Người người làm Vlog. Nhà nhà làm Vlog. Cứ tưởng bở ăn mà rất khó nhằn. Có người một phút ngẫu hứng làm Vlog rồi... bỗng dưng nổi tiếng. Có người bỏ ra cả trăm triệu mà chẳng thu lại được gì. Muôn hình vạn trạng bức tranh làm Vlog, khóc không được, cười cũng chẳng xong. 

Những cái mình định làm thì người ta làm cả rồi. Những cái người ta nghĩ thì mình không nghĩ được. Chắc hẳn đã có nhiều Vlogger từng rơi vào vòng luẩn quẩn rối bời, chán chường như vậy. Rồi từ đó sinh ra đạo nhái, coppy hay làm những trò gây shock. Đó cũng chính là một sự biến tướng của ý đồ nổi tiếng từ tai tiếng.

Dân gian có câu: “Người khôn của khó”. Bởi vậy mà các Vlogger muốn đi đường dài buộc phải tự trang bị cho bản thân những vốn kiến thức nhất định trong “địa hạt” mà mình theo đuổi, tránh tình trạng... nhắm mắt làm liều. Chẳng hạn, nếu bạn đang định làm Vlog một mâm cỗ truyền thống cho ngày Tết thì tối thiểu bạn phải biết những thực phẩm nào không nên nấu chung với nhau trong một món ăn; những thực phẩm nào kiêng dùng vào ngày đầu năm mới v.v. Bên cạnh đó là hiểu biết căn bản về pháp luật và văn hóa để tuân thủ cho đúng, cho chuẩn, kẻo lại... “vô tình” vi phạm như Vlogger kể trên.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là hình thức xử phạt như trên liệu đã đủ tính răn đe? Nhiều người cho rằng, con số tiền phạt là quá nhỏ so với con số lợi nhuận “siêu to” thu về nếu những video nhảm nhí kia... “trót lọt”. Thảo nào mà sự sai phạm cứ chồng chất sai phạm. Và lời hứa sửa lỗi cũng chập chờn như “con bướm đậu rồi lại bay”?

Đã đến lúc cần có chế tài quy định rõ ràng hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn và nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp đăng tải các video vi phạm đạo đức, pháp luật, văn hóa, thuần phong mỹ tục... lên các trang mạng xã hội. Chẳng hạn như phải căn cứ vào lượt xem video sai phạm ấy như một yếu tố định lượng hậu quả gây ra nhằm xác định mức phạt. Video sai phạm càng có nhiều lượt xem thì Vlogger đó càng phải chịu hình phạt nặng.

Cùng với sự vận động sôi nổi của trào lưu làm Vlog hài hước thì vẫn có những Vlogger lặng lẽ cống hiến cho khán giả những video giản dị, mộc mạc, đậm chất quê và gợi nhiều cảm xúc dịu êm, sâu lắng. Tiêu biểu cho hướng đi này là Vlogger Đồng Văn Hùng. 

Trang “Ẩm thực mẹ làm” của anh dù không nổi đình, nổi đám nhưng luôn nhận được sự tin yêu của không ít khán giả. Fan của anh chủ yếu là những người con xa quê thường sống với những hoài niệm bình yên, trong trẻo. Những món anh giới thiệu vô cùng gần gũi, quen thuộc nhưng khi đặt trong bối cảnh vườn nhà, bếp lửa sao mà thân thương, ấm áp quá chừng. Để thấy rằng, khán giả không bao giờ quay lưng với những Vlog có ý nghĩa và giá trị đích thực.

Về phía khán giả, mỗi chúng ta cần tỉnh táo và cảnh giác trước những vlog dị hợm, lố bịch. Đôi khi, một nút “like” vô thưởng, vô phạt cũng đang “tiếp tay” cho những thứ văn hóa độc hại, bẩn thỉu ấy lan phát rộng rãi hơn. Cộng đồng mạng thường nói đùa với nhau rằng: “Khán giả thông thái là không xem vlog đạo nhái. Khán giả lí trí là không xem Vlog nhảm nhí”. 

Cũng giống như hài nhảm, trào lưu Vlog nhảm rồi đây sẽ rơi vào “vực thẳm” thoái trào. Khán giả đang ngày càng đòi hỏi cao hơn đối với các loại hình giải trí. Bởi vậy, muốn làm Vlog hài nói chung và Vlog troll nói riêng, Vlogger buộc phải hướng đến sứ mệnh khơi dậy tiếng cười sang và sạch.

Tôn Nữ Khả Di

Ngày 25/1 ông Kevin moore, Giám đốc điều hành Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đơn vị chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh cùng Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) để thông báo về việc công nhân viên của khu xử lý rác thải này đã quay trở lại làm việc…

Sáng 25/1, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra, làm việc về tình hình cung ứng xăng dầu Tết Ất Tỵ 2025 tại Hà Nội.

Sau khi kêu gọi nhà đầu tư, Hoàng Trung Nghĩa đăng ký nhiều ví tiền ảo để cung cấp cho các nhà đầu tư chuyển tiền ảo. Tiếp đó Nghĩa chuyển toàn bộ tiền ảo chiếm đoạt vào các ví rồi quy đổi thành tiền Việt Nam đồng trên một sàn giao dịch khác, qua đó chiếm đoạt tổng số tiền 2,35 tỷ đồng.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) Công an tỉnh Khánh ngày 25/1 cho biết, cơ quan này đang tập trung truy xét, xác minh nguồn gốc hàng chục ngàn chai rượu, lon bia không rõ nguồn gốc cùng với hàng ngàn tem rượu, tem truy xuất nguồn gốc nghi vấn bất hợp pháp vừa được phát hiện, tạm giữ tại một doanh nghiệp ở địa phương.

Ngày 25/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Quốc Thăng (SN 1989, thường trú tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.