Trong vòng xòe “man điệu” Mai Châu

17:37 06/03/2020
Từ thành phố Hòa Bình lên thị trấn Mai Châu chừng 70 cây số. Đường rừng quanh co với những con dốc nghiêng nghiêng sườn núi thật mơ mộng và cuốn hút...


Thấp thoáng những cô gái Thái xinh đẹp đeo gùi hiện trên nẻo dốc vắng như tô điểm cho bức tranh trên khu rừng Mai Châu thêm kỳ thú. Lên tới đây không ai không nhớ đến những câu thơ tuyệt diệu của cố thi sĩ Quang Dũng: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi...”.

Hồi ức kiêu hùng một thuở

Đường phố huyện Mai Châu mộng mị trong sương. Chúng tôi chợt nhìn thấy trên các mái nhà đầy những cánh hoa đào. Có lẽ cơn gió đêm qua đã thổi tung phố huyện. Nghe nói có cơn mưa đá dữ dội đã quật xới con đường lở lói. Cây cối dọc đường như muốn bật gốc. Nhưng sớm nay đọng lại chỉ là muôn ngàn cánh hoa đào bay tung tỏa.

Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của một thi nhân đã viết về phố huyện này: “Tôi theo chân hụt hẫng bậc thang. Hương cứ ngát và hoa cứ thắm. Bỗng chợt nghiêng qua chớp chiều vạn dặm. Đôi mắt em trong cánh ô đỏ thắm. Nút chặt hồn tôi”.

Màn múa quạt của các cô gái Thái ở Mai Châu.

Trở lại Mai Châu lần này những người chiến binh chúng tôi không thể quên những ngôi nhà lúp xúp nằm bò trên đường số 15 xưa. Con chợ lưng đồi đã rộng rãi hơn nhưng cái đêm ấy những chiến sĩ Tây Tiến âm thầm đi trong mưa thì không thể nào phai nhòa trong ký ức chúng tôi. Mỗi bước đi trên phố là một chặng đường của ký ức hiện về. Những người lính bồi hồi bên “Nhà bia Kỷ niệm Tây Tiến” trên nẻo đường hành quân.

Hình ảnh năm xưa hiện về đúng như lời thơ của thi sĩ Quang Dũng: “Tây Tiến người đi không hẹn ước. Đường lên thăm thẳm một chia phôi. Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy. Hồn về Sầm Nữa chẳng về xuôi”. Ngay từ những ngày đầu tiên thung lũng Mai Châu là địa điểm đóng quân đầu tiên của Trung đoàn Tây Tiến. Đơn vị thành lập tháng 2-1947 và đã được đồng bào Thái ở bản Tùng Đậu nuôi dưỡng che chở.

Mai Châu là trọng điểm đối với miền Tây Bắc. Đây được coi là chốt trọng điểm đánh chặn và tiêu diệt giặc Pháp. Đồng thời vùng đất này được chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài làm bàn đạp cho quân và dân ta tiến công hay triển khai những chiến dịch khi thời cơ đến. Con đường 15 chạy qua thị trấn Mai Châu được phối hợp với đường thủy sông Đà tạo nên điểm tựa vững chắc cho những biến động có thể xảy ra khi “Tiến có thể đánh. Lui có thể giữ”. Cùng với đó Mai Châu còn là địa thế án ngữ con đường số 6 chạy từ Hà Đông lên các tỉnh lộ như Hòa Bình, Mộc Châu, Lai Châu và Điện Biên. 

Những trận đánh của binh đoàn Tây Tiến cũng đã diễn ra trên những tuyến đường này. Dữ dội và khốc liệt. Hình ảnh bi tráng của binh đoàn đã được thi sĩ Quang Dũng bày tỏ: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ. Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Áo bào thay chiếu, anh về đất. Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Cuộc chiến đấu giằng co hai năm trời, với muôn vàn khó khăn bệnh tật hoành hành nhưng các chiến sĩ binh đoàn vẫn kiên cường, trụ vững và đoạt những chiến công xuất sắc.

Đặc biệt vào mùa hè 1948 các chiến sĩ Tây Tiến đã phối hợp với Trung đoàn 9 tiến công đồn Chiềng Vang gây khiếp vía quân thù. Sau đó nhiều chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến đã được biên chế vào Đoàn công tác miền Tây với mục đích củng cố vùng tự do Mai Châu. Đây là chốt quan trọng nhất để quân đội ta tiến sang thượng Lào giúp đỡ cách mạng nước bạn.

Vào thời gian này thi sĩ Quang Dũng được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào-Việt. Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng ra đời khi ông đi dự Đại hội toàn quân Liên khu Ba, tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Nam-1948). Những câu thơ bất hủ của Quang Dũng đã ghi nhận lại những nét đẹp đậm chất anh hùng ca và lãng mạn của chiến sĩ Tây Tiến: “Người đi Châu mộc chiều sương ấy. Có thấy hồn lau nẻo bến bờ? Có nhớ dáng người trên độc mộc. Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa. Tây Tiến binh đoàn không mọc tóc. Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Hương thơm mùa em

Quang cảnh Mai Châu giờ đã khác xưa. Riêng màn sương khói vẫn còn đó cùng núi non điệp trùng như thuở nào. Đường vào bản Lác nhộn nhịp bóng giai nhân. Đó là những dáng “Man điệu” trong vòng xòe chào đón chúng tôi. Những áng mây trắng bay là là trong thung lũng quấn quýt bước chân du khách. Một lửa trại đang bùng lên trước mặt.

Tiếng hát trong điệu xòe vang lên từ xa như hút hồn chúng tôi. Lời ca mỗi lúc một vang động núi rừng: “Điệu xòe có tự bao giờ. Mà vẫn mê say như thuở nào. Chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối. Tay trong tay đêm nay. Chân bước đi rộn ràng. Em bâng khuâng trong điệu xòe. Để lại hơi ấm bàn tay”. Nghe tiếng hát ngọt ngào mà ngỡ như thung lũng Mai Châu nghiêng nghiêng trong ánh sáng mùa xuân đang bừng lên.

Một góc chợ bản Lác bỗng ồn ào với những tiếng vỗ tay của đám thanh niên trẻ tuổi. Họ đang vây quanh một ông già người Thái gầy đen. Người hướng dẫn viên nói đó là chương trình nghe kể chuyện “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), một bản trường ca của người Thái nói về tình yêu. Chúng tôi quả tò mò và tìm cách đến gần với các bạn trẻ. Giọng ông già trầm ấm vang lên trong những câu thơ tự sự và chậm rãi tâm tình.

Thợ dệt bản Lác.

Nghe đọc thơ mà như nghe hát vậy: “Yêu nhau từ thuở mới ra đời. Trao duyên gửi nghĩa từ hồi còn thơ…”. Đó là mối tình son sắt của đôi tình nhân nọ. Nhưng chàng trai bị gia đình nhà vợ chê nghèo và không đồng ý cho đôi bạn trẻ kết tóc se tơ. Chàng trai tạm chia tay người yêu đi làm ăn xa để kiếm tiền cưới vợ. Nhưng buồn thay khi chàng lên đường thì gia đình cô gái đã gả cho con trai của một gia đình giầu có.

Cuộc tình thật có như không. Trong lòng cô gái vẫn tưởng nhớ tới người yêu phương xa. Hôn nhân trở nên bất hạnh cho cả hai. Cô gái bị nhà chồng trả lại. Gia đình bất ngờ bán con gái cho một cửa nhà quan. Nhưng ở đây nàng còn khổ hơn với kiếp nô lệ ngày đêm. Cuối cùng nàng bị họ mang ra chợ bán với giá chỉ bằng một cuộn lá dong. Cô gái đớn đau trong kiếp đọa đầy giữa chợ đời. Đúng lúc đó người yêu cô trở về sau bao năm làm ăn phương xa.

Chàng đã chuộc nàng và đưa về ngôi nhà mới. Hai người nên nghĩa vợ chồng và hạnh phúc dài lâu. Những câu thơ vang lên ngân nga như bản thánh ca gieo vào lòng mọi người niềm xúc động khôn tả. Những giọt nước mắt đọng lại trên gò má của ông già kể chuyện. Đó là bản trường ca cổ ca ngợi một tình yêu bất tử.

Mọi người thích thú chụp ảnh và lang thang mua hàng đó đây. Sau đó tất cả được mời vào bữa ăn đúng nghĩa với “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Chõ xôi bằng gỗ ngát hương trong bếp lửa gợi nhớ lại không khí ngày nào mà những chiến binh đã trải qua. Kèm với đó là những đĩa muối vừng chứ không phải như món gà nướng đã được đặt từ trước.

Những bát rượu được rót ra cùng “man điệu” xòe vẫn nhịp nhàng bên góc chợ. Hương thơm thân quen bên bản Lác tỏa lan trong sương khói. Bỗng nhiên có một người chiến binh già  không giữ được nỗi xúc động trào dâng. Ông đứng ra say sưa đọc những câu thơ đã ghi dấu trong lòng bao năm qua: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa. Kìa em xiêm áo tự bao giờ. Khèn lên man điệu nàng e ấp. Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ” (Tây Tiến-Quang Dũng).

Điệu sạp xuân về

Khi những vò rượu cần được đưa ra cũng là lúc điệu nhảy sạp được dồn dập bước chân. Ai nấy đều trẻ lại. Cánh mày râu chúng tôi cũng rậm rựt nhún vai. Mấy cô gái Thái bước đến mời chào. Những nụ cười tươi của các cô gái đã làm chúng tôi sống lại với tâm hồn các chàng lính trẻ ngày nào. Thế là mọi người cùng bước vào sạp nhảy. Một điệu nhạc quen thuộc của vùng Tây Bắc mà chúng tôi đã thuộc lòng từ hơn nửa thế kỷ qua. Nét uyển chuyển vui tươi của các cô gái Thái đưa chúng tôi vào nhịp bước. Phiên chợ Lác bỗng trở thành vũ hội ca nhạc.

Giai điệu và lời ca nhịp nhàng vui tươi. Men rượu của thôn Mai Hạ làm mọi người bay bổng trong tiếng sạp gõ đều đặn gọi mời. Những chiếc váy thổ cẩm tung tăng theo nhịp điệu vang động để lộ bắp chân thon trẻ nõn nà của các cô gái. Phía xa xa những chiếc ô màu hồng đang quay tròn bên lửa trại. Không gian Mai Châu sống dậy cảnh tượng sôi động của những chiến binh Thủ đô thuở nào hành quân lên biên giới với hình ảnh “Gục lên súng mũ bỏ quên đời”.

Vương Tâm

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文