Bản sắc dân tộc và người trẻ trong thời đại 4.0

07:59 06/10/2023

Thời đại 4.0 mang đến nhiều thử thách về văn hóa, nhưng nó cũng mở ra nhiều cơ hội nếu chúng ta biết tận dụng được sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật. Dưới sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội những giá trị truyền thống sẽ được lan tỏa rộng khắp. Đó là sứ mệnh là trách nhiệm của người trẻ.

Văn hóa - một bài toán cần sự chung tay giải đáp

Thời đại 4.0 mở ra một kỷ nguyên mới không chỉ về những đột phá trong sản xuất và quản lý doanh nghiệp, mà còn tạo ra những tác động sâu rộng đến cả xã hội, chính trị và con người. Người trẻ với lợi thế dễ thích nghi, năng động, sáng tạo đã nhanh chóng bắt kịp với công nghệ kỹ thuật từ đó tìm kiếm cho mình nhiều cơ hội về nghề nghiệp cũng như làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần bởi những thú vui giải trí công nghệ. Thế nhưng dòng chảy công nghệ cũng vô tình cuốn người trẻ vào cơn lũ số hóa khiến họ quên mất những giá trị văn hóa truyền thống và trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc của chính mình.

Đắm chìm trong thế giới công nghệ đã dẫn đến hệ lụy nhiều người trẻ không quan tâm đến văn hóa truyền thống, những luồng văn hóa ngoại lai theo hội nhập mà tràn vào không có chọn lọc đã làm mất đi vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Đã có không ít trường hợp các bạn trẻ thậm chí những người làm văn hóa bị lỗi phông văn hóa với những sai lầm trầm trọng về kiến thức lịch sử, văn hóa cơ bản.

Cần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Có thể kể đến mới đây biên kịch Bình Bồng Bột đã có phát ngôn lệch lạc về thái hậu Dương Vân Nga trong buổi trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh gây nên những bức xúc cho cộng đồng mạng. Hay một đoạn clip phỏng vấn các em học sinh về mối quan hệ giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ đã trở nên nổi tiếng khắp mạng xã hội những năm trước bởi những câu trả lời thiếu kiến thức của các em. Câu trả lời ngây ngô “anh em ạ”, “bố con ạ” thậm chí “bạn thân chiến đấu cùng nhau” khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán, cùng với đó là nỗi trăn trở về lịch sử, những giá trị truyền thống trong tương lai.

Việc người trẻ không thật sự hiểu đúng, đầy đủ và sâu sắc về quá khứ, về di sản, văn hóa dân tộc sẽ dễ rơi vào trạng thái hoang mang khi đứng trước các dòng văn hóa khác nhau. Nó giống như người mê đi lạc giữa cuộc đời mà không biết mình là ai và mình đến từ đâu. Và hiển nhiên quá khứ không nắm rõ sẽ chẳng có sự kiến tạo và xây dựng tương lai nào một cách đúng đắn và lâu dài. Thật may khi trước nhiều những sự lựa chọn trong thời đại “thế giới phẳng” này, vẫn còn nhiều bạn trẻ chọn cho mình lối đi tìm về với văn hóa truyền thống để bảo tồn và phát huy những giá trị được tiếp nối từ ngàn đời cha ông.

Đã có những bạn trẻ rời bỏ phố thị phồn hoa để về những vùng núi cao, về với quê hương và dùng chính mạng xã hội để lan truyền văn hóa của làng quê mình, của đồng bào mình cho mọi người cùng biết. Từ đó không chỉ truyền đi những thông điệp nhân văn về nét đẹp truyền thống mà còn kích cầu du lịch và tạo được công ăn việc làm cho người ở quê. Hay như chàng trai Nguyễn Văn Duy, 34 tuổi ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Xuất phát từ niềm đam mê với đồ cổ của mình, khi chứng kiến những món đồ bị vỡ, hư hỏng anh đã tự mày mò, tìm tòi cách để vá lành những món đồ đó. Dưới bàn tay tài hoa của anh hàng trăm cổ vật bị hư hại đã được phục chế gần như nguyên bản so với ban đầu. Chàng trai trẻ đó không chỉ đơn thuần là vá đồ cổ mà còn vá cả những nét văn hóa độc đáo trên những cổ vật để thế hệ sau được chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Và còn nhiều nữa những bạn trẻ khác âm thầm, say mê với hành trình ngược lối tìm về với giá trị văn hóa dân tộc dẫu đó là một hành trình dài và đầy những khó khăn, thử thách.

Việc người trẻ thờ ơ với những giá trị văn hóa truyền thống một phần còn bởi những định hướng phát triển của những người làm văn hóa chưa thực sự đúng trọng tâm và cần có sự thay đổi. Không phải người trẻ không yêu thích hay hững hờ với văn hóa truyền thống mà bởi cách quảng bá, giáo dục về những nét đẹp truyền thống đang có vấn đề. Rất nhiều bạn trẻ đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc nhưng khó để tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu thực tế. Nếu có chăng thì là những kiến thức trong sách vở rất “học thuật” không có sức hấp dẫn và xa vời thực tiễn. Người trẻ với truyền thông là sự lan tỏa mạnh mẽ nhất những giá trị văn hóa đến đông đảo công chúng không chỉ trong nước mà cả bạn bè quốc tế. Khi đã có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những nét đẹp văn hóa truyền thống thì người trẻ mới có cơ hội hiểu về nó. Và một khi đã hiểu thì tình yêu sẽ nảy nở, bởi nó là những hạt mầm đã ươm sẵn trong mỗi người “con lạc, cháu hồng” chúng ta. Từ tình yêu đó những nét đẹp văn hóa mới có thể kế thừa, phát triển cho những thế hệ mai sau.

Thời đại 4.0 mang đến nhiều thử thách về văn hóa, nhưng nó cũng mở ra nhiều cơ hội nếu chúng ta biết tận dụng được sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật. Dưới sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội những giá trị truyền thống sẽ được lan tỏa rộng khắp. Đó là sứ mệnh là trách nhiệm của người trẻ. Và cũng bài toán đặt ra cho những người có thẩm quyền về việc đổi thay những chính sách, chế tài thu hút đông đảo sự quan tâm của người trẻ về bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống. Những công cụ đã có thứ còn lại cần chính là sự chung tay của tất cả chúng ta trong công cuộc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống. (Lê Đình Trung)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Người trẻ cần có tiếng nói tích cực để bảo vệ di sản văn hóa

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.

- Chào Tiến sĩ Hậu, khảo cổ được xem là lĩnh vực khó và chưa quá phổ biến, là một người từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực khảo cổ chị có thể chia sẻ đôi nét về lĩnh vực này?

+ Công việc của tôi chủ yếu nghiên cứu để giảng dạy, vì vậy đã sử dụng nhiều tài liệu, công trình của đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp khảo cổ học ở phía nam. Công việc khảo cổ học là công việc nghiên cứu và khám phá về quá khứ của con người và văn hóa thông qua việc tìm kiếm, khai quật và nghiên cứu các di sản cổ đại như di chỉ, vật phẩm, tàn dư sinh vật và các di tích khác. Trước 1975 ở các tỉnh phía Nam một số nhà nghiên cứu người Pháp thực hiện khảo sát và khai quật tại khu vực Óc Eo – Ba Thê (An Giang), từ đó định danh nền văn hóa Óc Eo thuộc thời kỳ vương quốc Phù Nam. Những cuộc khảo sát dọc lưu vực sông Đồng Nai đã bước đầu ghi nhận những di tích có niên đại thời tiền sử ở đây. Ngoài ra công tác “khảo cổ” ở miền Nam thường tập trung nghiên cứu các di tích cổ (đình chùa, đền miếu, lăng tẩm) dưới góc độ kiến trúc, nghiên cứu cổ vật các nước...

- Như vậy chứng tỏ ngành khảo cổ rất quan trọng đối với việc bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc.

+ Chắc chắn vậy. Tôi chỉ chia sẻ rất đơn giản thôi. Từ hệ thống di tích và di vật khảo cổ học các tỉnh Nam bộ, có thể nhận biết về lịch sử lâu dài và liên tục của vùng đất này, không chỉ có 300 năm từ thời chúa Nguyễn mà từ 3000 năm trước đã có những cộng đồng cư dân sinh sống ở đây. Đời sống dân cư luôn thích nghi với điều kiện tự nhiên để trồng trọt, khai thác sản vật rừng, thủy hải sản, làm nhiều nghề thủ công... Đặc biệt luôn tận dụng mạng lưới sông kênh rạch để đi lại, mở rộng giao thương, hướng biển để kết nối với nhiều khu vực khác. Công việc khảo cổ học có ý nghĩa quan trọng vì giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử và phát triển của loài người, về văn hóa của các nền văn minh cổ đại, và đóng góp rất lớn vào việc bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa, giúp thế hệ hiện tại, tương lai, nhất là các bạn trẻ hiện nay hiểu và trân trọng di sản của dân tộc mình.

- Vậy khảo cổ có vai trò như thế nào đối với giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống?

+ Khảo cổ học luôn mang lại những tài liệu khoa học mới để mở rộng giới hạn và nhận thức mới về lịch sử, đồng thời góp phần tích cực trong việc tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa từng vùng miền, cả dân tộc. Hiểu sâu sắc, hiểu đúng lịch sử - văn hóa từ căn cốt mới có thể gìn giữ bản sắc, bảo tồn truyền thống một cách khoa học, mới có thể đưa truyền thống, bản sắc đóng góp tích cực cho cuộc sống hôm nay.

- Được biết tiến sĩ là một người có cái nhìn khá cởi mở về thế hệ sau. Từng nhiều năm giảng dạy và gắn bó với các thế hệ sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh chị đánh giá như thế nào về thái độ người trẻ hiện nay đối với việc giữ gìn bản sắc dân tộc?

+ Các bạn trẻ ngày nay phần lớn đều hiểu về tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc dân tộc, nhìn chung có thái độ tích cực trong việc bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên nền tảng kiến thức văn hóa truyền thống của nhiều bạn chưa đầy đủ, còn bó hẹp trong kiến thức “hàn lâm” nhận được từ trường học, chưa tích cực tự tìm hiểu từ đời sống thực tế. Kiến thức từ sách vở đến thực tế sinh động cuộc sống là một khoảng cách khá xa, nếu không có hiểu biết thực tiễn thì kiến thức nông cạn và không ứng xử đúng với nhiều hiện tượng, sự kiện văn hóa.

- Vậy theo chị người trẻ cần phải làm gì để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống đặc biệt trong thời đại công nghệ kỹ thuật phát triển mạnh mẽ như ngày nay?

+ Trước hết hãy tìm hiểu về “bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống” với tâm thức cởi mở, không định kiến, bởi vì văn hóa luôn đa dạng và thay đổi theo thời gian, theo bối cảnh xã hội. “Bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống” của dân tộc nào cũng hướng đến giá trị nhân văn. Hãy quý trọng giá trị của văn hóa truyền thống và ứng xử một cách khoa học, có thái độ tôn trọng với di sản văn hóa và với những người đang trực tiếp làm công tác bảo tồn di sản văn hóa...

Người trẻ cần có tiếng nói tích cực để bảo vệ di sản văn hóa, ngăn chặn những hành vi phá hoại, làm sai lệch các di sản văn hóa. Bên cạnh đó là rất nhiều phương thức cụ thể, vận dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại để bảo tồn văn hóa truyền thống mà các bạn trẻ nhiều nơi đang thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn tiến sĩ Hậu vì buổi trò chuyện thú vị này. (Mỹ Trân)

Những bàn chân ngược lối

Người ta nói nhiều với nhau về việc người trẻ trong thời đại công nghệ hiện đại ngày nay lãng quên đi bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống. Thế nhưng vẫn còn đó nhiều bạn trẻ chọn cho mình những bước chân ngược lối tìm về với những giá trị truyền thống xa xưa.

Có thể kể đến như tiến sĩ trẻ về AI - trí tuệ nhân tạo Ngô Hồ Anh Khôi hay còn được biết với tên Phil Ngo. Cuối tháng 8 vừa qua anh vừa cho ra mắt bộ sưu tập tranh Đông Dương của họa sĩ Marcel Bernanose (1884-1952). Bộ sưu tập này không chỉ đơn thuần là những tác phẩm hội họa mà còn là còn là tài sản giá trị về lịch sử, văn hóa dân tộc dưới góc nhìn của người họa sĩ Pháp. Khi được hỏi về cơ duyên đưa anh đến với bộ sưu tập này, anh chia sẻ, “Đây là một may mắn, khi bán ra, bộ sưu tập này được đưa vào nhà đấu giá ở khu vực rất ít người Việt Nam biết. Trong một lần tình cờ tìm tư liệu nghiên cứu về trò chơi dân gian Việt Nam thì tôi tìm thấy một bức tranh của họa sĩ Marcel Bernanose vẽ cảnh những người phụ nữ Bắc bộ chơi bài (tam cúc). Từ đó tôi mới tìm hiểu thêm về ông. Khi phát hiện ra rất ít người biết về ông (về khía cạnh hoạ sĩ), trong khi ông rất nổi tiếng về khía cạnh văn hóa, tôi đã đưa ra ý định mua lại toàn bộ tranh Đông Dương của ông, để làm tư liệu nghiên cứu văn hóa”.

Là một tiến sĩ trẻ về trí tuệ nhân tạo, cũng là một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, tiến sĩ Khôi cho biết: “Tôi tiếp xúc và thấu hiểu với những vấn đề lớn của việc bảo tồn, những khó khăn và thách thức của vấn đề này. Hiện tại, công nghệ tân tiến được áp dụng vào trong công tác bảo tồn bản sắc dân tộc hay văn hóa truyền thống đang được nghiên cứu và gây được nhiều chú ý. Rất nhiều dự án trong nước và trên thế giới tập trung vào mảng này. Tuy nhiên, phần lớn đó tập trung ở việc bảo tồn mà chưa chú trọng đến vấn đề phát triển bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống đáp ứng cho tương lai. Đây mới chính là phần cần phải được đẩy mạnh hơn về sau”.

Nói về vai trò và trách nhiệm của những người trẻ trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại ngày nay. Tiến sĩ Phil Ngo chia sẻ “Lợi thế của người trẻ là sự đáp ứng nhanh chóng với công nghệ. Với tình hình phát triển công nghệ như vũ bão ngày nay, sự đáp ứng nhanh chóng là điều kiện rất thuận lợi để xây dựng và phát triển nền bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại. Tôi lưu ý đến yếu tố phát triển, song song với yếu tố bảo tồn. Tôi nghĩ rằng hiện tại người trẻ làm rất tốt, tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ nhiệt huyết, có nhiều dự án đạt nhiều thành tựu. Chẳng hạn như, dự án số hóa 3D di sản của nhóm Việt Phương (3DART.,JSC), dự án Tản mạn kiến trúc của nhóm Nguyễn Duy Linh và Trương Trần Trung Hiếu, dự án Hoa Quan Lệ Phục của La Quốc Bảo và Nguyễn Phùng Minh Luân…”.

Hay như tác giả trẻ Vĩnh Thông, sinh năm 1996 quê An Giang. Anh là chủ nhân của 9 đầu sách, trong đó 3 tác phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa. Nói về cơ duyên đưa mình đến với việc nghiên cứu văn hóa Vĩnh Thông chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở An Giang - nơi được xem là có sự phong phú về văn hóa hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi tìm hiểu về văn hóa, nhiều lúc tôi tình cờ phát hiện những đề tài mới lạ, ít người biết. Tôi bắt tay vào nghiên cứu các đề tài ấy, với ý nghĩ đơn giản là không để chúng tiếp tục bị chìm khuất trong bóng mờ của thời gian. Tôi nghĩ, mình gắn bó với nghiên cứu văn hóa không chỉ bởi sự yêu thích, mà có lẽ một phần là nhân duyên”.

Khi được hỏi về vai trò của người trẻ trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống, Vĩnh Thông cho biết, “Với những thế mạnh của bản thân và thời đại, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều đóng góp trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thông qua nhiều cách làm sáng tạo. Bên cạnh sách báo, tọa đàm, triển lãm… đã quen thuộc, giới trẻ còn lồng ghép văn hóa vào các sản phẩm thương mại, trình diễn, truyền thông đa phương tiện, du lịch… mang đến sự lôi cuốn đối với công chúng. Đặc biệt với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều dự án quảng bá văn hóa trên môi trường mạng đã ra đời và nhanh chóng thu hút đông đảo người theo dõi, trở thành hướng đi hiệu quả trong việc lan tỏa nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam”.

Tiến sĩ Phil Ngo và Vĩnh Thông chỉ là hai trong số nhiều bạn trẻ đam mê với nghiên cứu văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc. Họ là những minh chứng cho một thế hệ trẻ không hề dửng dưng với văn hóa cha ông và là điểm tựa niềm tin chắc chắn cho sự phát triển lâu bền của giá trị văn hóa truyền thống. (Trung Hiếu)

3. Người trẻ không còn "hờ hững" với văn hóa truyền thống

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu.

Hiện nay, văn hóa truyền thống đã dần có sức hút mạnh mẽ đối thế hệ trẻ. Rõ ràng, các bạn không chỉ dừng lại ở việc tìm tòi, học hỏi mà còn có nhiều cách thức để phục hồi, lan tỏa văn hóa trong cộng đồng.

Khi quên đi những giá trị truyền thống chúng ta sẽ như những người mất trí

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng nghề tò he Xuân La (Hà Nội), được ông và bố truyền nghề từ bé. Lửa nghề cứ nhen nhóm như vậy và càng bùng cháy. Giữ gìn được nghề truyền thống vốn đã khó, đặc biệt khó hơn khi phải khôi phục lại con giống bột đã thất truyền và đưa nó về với cuộc sống hiện tại. Hiện nay, những loại đồ chơi truyền thống nói chung, tò he nói riêng đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các loại đồ chơi hiện đại. Để giữ được sự tò mò, yêu thích của mọi người với tò he, chúng tôi phải không ngừng đổi mới mẫu mã, làm sao cho nguyên liệu bền hơn và đặc biệt chú ý đến những giá trị truyền thống trong mỗi sản phẩm. Bởi vì ẩn chứa sau mỗi tác phẩm tò he đều là một câu chuyện văn hóa, thông điệp lịch sử.

Văn hóa dân tộc là yếu tố tạo nên tính cách, phát triển nội lực và tạo ra sự khác biệt của đất nước. Tôi mong thế hệ trẻ có thể quan tâm đến văn hóa truyền thống nhiều hơn, có trách nhiệm giữ gìn và tôn vinh nó. Khi quên đi những giá trị truyền thống chúng ta sẽ như những người mất trí, không biết ta đến từ đâu và ta là ai”.

Nghệ thuật truyền thống là thứ tài sản lấp lánh mà bất cứ ai khi chạm đến thì đều nhận được giá trị và trân quý

Đinh Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, người đồng sáng lập dự án Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương bày tỏ: “So với cách đây gần chục năm khi thực hiện dự án Chèo 48h, số lượng công chúng trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống (NTTT) đã nhiều hơn, với tâm thái chủ động, mong muốn tìm hiểu sâu hơn là sự tò mò. Họ nhận thức được giá trị của truyền thống trong bối cảnh hiện đại, toàn cầu. Bởi vậy, việc chúng ta cần làm đó là gia tăng cả về số lượng và chất lượng các hoạt động trải nghiệm dành cho công chúng với NTTT, gia tăng sự nhận diện của NTTT trên các nền tảng phù hợp với người trẻ để tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng. Còn tôi tin rằng, với vẻ đẹp nội tại sâu sắc từ các bộ môn NTTT đã được bồi đắp qua bao đời nay, tự bản thân nó đã là thứ tài sản lấp lánh mà bất cứ ai khi chạm đến được thì đều nhận được giá trị và trân quý.

Mỗi người trẻ đều có thể trở thành đại sứ văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Điều này cũng giúp cho người trẻ khẳng định được tiếng nói, màu sắc và điểm khác biệt của mình. Khi mỗi người có cơ hội gắn kết với NTTT thì tự khắc sẽ có cách riêng của mình trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc”.

Khi tăng hiểu biết về sự đa dạng của các nền văn hóa thì cũng là khi những người trẻ thấy yêu và tự hào về văn hóa dân tộc của mình

Chảo Thị Yến - Cô học sinh nghèo người Dao từng đạt học bổng thạc sĩ toàn phần châu Âu. Năm 2023, Chảo Yến đã quyết định từ bỏ công việc với mức lương tốt ở thành phố để trở về nơi sinh ra mình và bắt đầu một hành trình mới.

Cô thổ lộ: “Tôi quyết định “bỏ phố về rừng” phần vì muốn thử sức với lĩnh vực kinh doanh, phần vì muốn tạo thêm sinh kế cho cộng đồng địa phương, để quê hương tôi đỡ nghèo. Và tất nhiên trong câu chuyện về rừng, tôi cũng muốn lan tỏa những nét đẹp văn hóa. Trong thời điểm này, để văn hóa truyền thống của người Dao dễ dàng tiếp cận với mọi người, tôi đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá.

Theo tôi người trẻ cần học hỏi, tìm hiểu về văn hóa truyền thống, không phải chỉ của dân tộc mình mà còn của thế giới. Tôi tin, khi tăng sự hiểu biết về sự đa dạng của các nền văn hóa thì cũng là khi những người trẻ thấy yêu và tự hào về văn hóa dân tộc của mình”.

Khi đối mặt giao lưu với bạn bè quốc tế, điều khiến một người Việt Nam tự hào đó là nền văn hóa khác biệt. Công cuộc khôi phục, bảo tồn, phát huy nét đẹp đó rất cần những bạn trẻ nhiệt huyết, trách nhiệm góp phần đưa văn hóa chúng ta tỏa sáng trong dòng chảy văn minh của thế giới. (Lê Thảo)

Nhóm PV

Ngày 6/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Kim Hoàn, Trưởng phòng Quản lý cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và phát triển hạ tầng giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, để điều tra về hành vi lừa đảo và sử dụng giấy tờ giả.

Ngày 6/11, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang khám nghiệm hiện trường điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà xảy ra tại căn nhà trong hẻm 136 đường Bạch Đằng, phường 5, TP Vũng Tàu, làm 2 cháu nhỏ tử vong.

Sau thời gian nỗ lực giải cứu, lực lượng cứu nạn đã đưa được anh Phùng Đình Dự (SN 1988; trú tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội) là chủ phương tiện bị tai nạn ra khỏi cabin; phối hợp với Trung tâm y tế và Công an xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) tiến hành sơ cấp cứu và di chuyển nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Thảm họa về ma túy quá khủng khiếp và nguy cơ hiện hữu về vấn nạn này luôn chực chờ cả bên trong và bên ngoài khu vực lãnh thổ Việt Nam. Dù đã có nhiều kết quả song công tác quản lý, giảm nguồn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn phần lớn do vướng cơ chế. Chính vì vậy, yêu cầu phải đổi mới, nâng cao hơn nữa các cấp độ phòng, chống ma túy trong giai đoạn mới đặt ra hết sức cấp thiết.

Các điểm bầu cử nhỏ ở một số hạt thuộc bang Indiana và Kentucky là những nơi đầu tiên kết thúc bỏ phiếu trên toàn quốc vào 18h ngày 5/11 (giờ địa phương). Những kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ sớm xuất hiện.

Trong vụ “đại án” liên quan đến Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) ở TP Hồ Chí Minh, số lượng tài sản của các bị can, bị cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan được các cơ quan tố tụng phong tỏa, ngăn chặn, kê biên và thu giữ rất lớn. Việc này không nằm ngoài mục đích nhằm bảo đảm thu hồi triệt để tài sản đã bị Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt cho Nhà nước và hoàn trả cho bị hại là người dân, doanh nghiệp.

Những dòng người nối dài không dứt trên đường làng Lại Đà từ sớm tới đêm khuya đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; những giọt nước mắt tiếc thương, câu nói nghẹn ngào,... Đó là những hình ảnh không thể quên với nhóm phóng viên chúng tôi khi tác nghiệp tại Lễ quốc tang đồng chí Tổng Bí thư, người con ưu tú của quê hương Lại Đà. Khi thực hiện nhiệm vụ của những phóng viên tại Lại Đà, chúng tôi cảm nhận được tình người ấm áp, tình nước, tình dân...

Đằng sau thành công rực rỡ, các hoạt động của nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Temu đang khiến giới chức châu Âu, Mỹ lo ngại. Và cuộc điều tra chính thức đã được mở ra ở châu Âu trong bối cảnh có nhiều báo cáo về việc trang web mua sắm của Trung Quốc vi phạm Đạo luật dịch vụ số.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文