Biên kịch, nhà văn Nguyễn Vân Anh: Hạnh phúc khi đem tới tiếng cười cho trẻ thơ!
Là một biên kịch trẻ, tác giả của những kịch bản phim truyền hình như: "Mình cưới thật em nhé", "Ra Giêng anh cưới em", "Đi qua mùa mưa", "Vitamin tình yêu", "Người nhà quê", mới đây, nhà văn Nguyễn Vân Anh vừa ra mắt tập truyện thiếu nhi đầu tay "Đôi mắt của rừng" rất lôi cuốn và giàu tính nhân văn do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Tác giả trẻ này đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện nhân dịp trình làng tác phẩm mới.
- Được biết chị lớn lên ở một vùng nông thôn của Tây Nguyên, lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh khởi đầu bằng nghề biên kịch, vậy điều gì thúc đẩy chị viết truyện cho thiếu nhi?
+ Tôi trở thành nhà biên kịch, nhà văn có lẽ một phần nhờ bố tôi. Lúc nhỏ, gia đình tôi rất khó khăn nhưng thỉnh thoảng bố vẫn mua sách cho chị em tôi đọc. Và tôi là đứa mê đọc nhất trong bốn anh chị em. Có lẽ tôi thừa hưởng được chút gen văn chương của bố. Ngày xưa bố tôi học giỏi lắm và được thi học sinh giỏi toàn miền bắc (khi nền giáo dục hai miền chưa hợp nhất) và đoạt giải cao nhất. Nhưng do di chứng bệnh tật bởi ngã cây lúc nhỏ khiến bố tôi bỏ dở học hành. Khi đó ông buồn vô hạn, thầy cô thì khóc và tiếc! Có lẽ ước mơ dang dở của bố đã chuyển qua cho tôi nên từ nhỏ tôi đã mê đọc, sáng tác thơ văn. Do tính nhút nhát nên tôi không thổ lộ cho ai biết hết. Nhưng chỉ có bố là người cảm nhận được và khuyến khích tôi "Sau này lớn lên con có thể làm nhà văn, nhà thơ". Nhưng mẹ thì ngược lại không thích vì sợ "Con gái mê văn chương sẽ khổ!".
Lớn lên, đi làm, công việc biên tập viên tôi thường thực hiện những chương trình truyền hình từ thiện thực tế, cùng các mạnh thường quân đi khắp các tỉnh để: Tặng học bổng, tặng phí mổ tim, chữa bệnh cho các em nhỏ. Không biết vì duyên hay tình cờ mà các chương trình tôi làm đa phần đều liên quan đến trẻ em. Từ những mảnh đời bất hạnh trẻ thơ mà tôi gặp, nghe những tâm sự chân thật và ngô nghê của các em đã khiến tôi thấy xúc động lắm!
Từ trước tới giờ, tôi vẫn hay gửi giúp đỡ cho một vài em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà tôi biết. Tuy không nhiều lắm nhưng là những gì tôi có thể giúp trong hoàn cảnh của tôi! Nhưng chỉ vậy thôi thì chưa đủ, tôi muốn làm được nhiều hơn nữa... Và tôi bắt đầu nghĩ khác đi. Tôi muốn bản thân mình sẽ làm được những điều tốt đẹp cho các em nhỏ! Tôi thích có thư viện sách nhỏ cho trẻ em vùng sâu, xa. Nhưng điều đó không phải dễ dàng một sớm, một chiều. Nhưng tôi ý thức sẽ thành nhà biên kịch, nhà văn bởi công việc này sẽ giúp tôi hiện thực hóa ước mơ tốt hơn.
- Khi viết tác phẩm truyện đầu tay "Đôi mắt của rừng" chị có gặp khó khăn gì không?
+ Tôi viết cuốn sách "Đôi mắt của rừng" trong một xúc cảm và hoàn cảnh đặc biệt lắm! Lúc đó tâm trạng có nhiều nỗi buồn, lo bất ổn thật sự! Khi tôi viết tác phẩm là lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 hoành hành! Thời gian 24 tiếng với bốn bức tường sẽ nặng nề. Vì thế, tôi hay nhớ về kỷ niệm tuổi thơ và đem ra kể với chồng con. Chồng tôi nói "Em viết sách đi! Em có nhiều chuyện ý nghĩa vậy mà!". Lời động viên của chồng đã khiến tôi suy nghĩ. Tôi từng có vài đề cương truyện thiếu nhi nhưng để viết cho thiếu nhi thì quả thực không phải dễ. Vậy thì hãy viết về câu chuyện gần gũi về tuổi thơ của tôi trải qua, tôi biết trước đã. Và tôi quyết định bắt tay vào viết sách về chủ đề mang đậm ký ức tuổi thơ của mình và của gia đình mình. Tôi cứ miệt mài viết ngày, đêm sống cùng các nhân vật thiếu nhi trong truyện. Rồi có lúc thấy các tuyến nhân vật chưa đủ hay tôi đưa chồng đọc để anh đọc và góp ý. Cuối cùng tôi đã hoàn thành cuốn sách cũng là lúc đại dịch COVID-19 đã được khống chế!
- Là nhà biên kịch phim truyện, đã từng viết nhiều kịch bản phim truyền hình, kinh nghiệm của nghề biên kịch có hỗ trợ cho việc viết văn của chị không?
+ Công việc biên kịch thực sự hỗ trợ cho việc viết văn chương của tôi rất nhiều. Tôi định hình nhân vật, đường dây câu chuyện hay những cao trào cho câu chuyện của mình rất nhanh trong khoảng hai ngày. Sau đó tôi cứ vậy thả mình vào theo các nhân vật trong câu chuyện mà thôi. Và có điều thú vị khi viết văn là tôi được viết những câu từ miêu tả mượt mà hoặc sống động một cách "phiêu" nhất - Nhưng điều đó trong nghề biên kịch lại không được phép vì kịch bản cần ngắn gọn, súc tích từ hình ảnh đến lời thoại. Và kịch bản điện ảnh còn khắt khe hơn rất nhiều.
- Trong "Đôi mắt của rừng" chị muốn gửi gắm điều gì với độc giả, với các bạn đọc nhỏ tuổi?
+ Các nhân vật trong truyện của tôi mang đậm tình cảm gia đình, tình anh em, tình bạn bè, tình yêu thiên nhiên, động vật nên tôi mong muốn những điều tốt đẹp này sẽ lan tỏa trong cảm nhận trong tâm hồn của trẻ thơ. Để các em không chỉ khám phá vẻ đẹp Tây Nguyên đại ngàn, bóng dáng của vùng quê nơi tôi và gia đình mình nhiều năm sinh sống, nơi tôi và các em và cả bạn bè cùng trang lứa đã lớn lên. Đồng thời qua miêu tả các cuộc phiêu lưu của các nhân vật trong truyện, qua đó, các em sẽ thấy trân quý cuộc sống đầy đủ, biết trân trọng, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn và biết yêu thương nhiều hơn.
- Cảm xúc của chị khi truyện đầu tay được Nhà xuất bản Kim Đồng chọn xuất bản?
+ Đó là một cảm giác hạnh phúc! Và khi sách phát hành, con trai tôi thích thú khi là người đầu tiên có sách và cháu đọc say mê. Đọc xong cháu hào hứng nói "Sách mẹ viết lôi cuốn và xúc động! Con sẽ khoe với các bạn để các bạn mua được không?". Rồi cháu trai của tôi đang học lớp 1 (tuổi vừa biết đọc) cũng gọi điện hào hứng đọc cho bác nghe đoạn mà cậu chàng thích rồi cười khúc khích. Rồi cháu đi khoe với mọi người về cuốn sách hay như thế nào chứ không phải khoe bác của cháu viết (cười)… Những câu nói của con trẻ làm tôi hạnh phúc vô cùng! Tôi cảm thấy mình đã thành công khi đem tới tiếng cười, cảm nhận lay động trái tim của trẻ thơ!
- Là một biên kịch, chị có dự định sẽ chuyển thể tác phẩm "Đôi mắt của rừng" thành kịch bản phim không?
+ Tôi rất muốn có cơ hội được chuyển thể câu chuyện này thành một bộ phim điện ảnh dành cho thiếu nhi, dẫu biết điều đó không phải dễ thực hiện. Nhưng tôi biết cũng có vài nhà sản xuất phim tâm huyết làm phim thiếu nhi. Tôi nghĩ mình cứ viết kịch bản cho "Đôi mắt của rừng" cho hay trước đã thì chắc chắn sẽ có nhà sản xuất hoặc nhà đầu tư sẵn sàng làm phim từ kịch bản đó của tôi.
Ngoài ra, tôi cũng đang có một dự án phim điện ảnh đang trong giai đoạn gần hoàn tất kịch bản. Có vài nhà sản xuất ngỏ lời mong tôi gửi kịch bản cho họ đọc đầu tiên. Tôi chưa hứa hẹn gì nhưng tôi đã tới giai đoạn chững chạc của người làm nghề viết "Cần nhà sản xuất giỏi để tạo ra tác phẩm giá trị tặng tới khán giả chứ không phải làm kiểu cưỡi ngựa xem hoa hoặc làm theo trào lưu". Vì vậy tôi đầu tư cho việc viết dự án này trong vòng 3 năm rồi. Kịch bản này của tôi không phải phim thiếu nhi nhưng cũng có nhân vật trẻ em xuyên suốt câu chuyện với những pha hài cười nắc nẻ nhưng cũng không kém phần xúc động!
- Trong các nhân vật truyện của mình, chị thích nhân vật nào nhất? Vì sao?
+ Khi đặt bút viết là tôi đã hình thành các nhân vật trong đầu của mình và tôi cuốn vào câu chuyện và viết với tất cả xúc cảm yêu thương. Nên giờ bạn hỏi tôi yêu nhân vật nào nhất? Rất khó trả lời. Tôi thấy nhân vật nào cũng có nét đáng yêu riêng. Thật sự tôi thấy yêu hết tất cả các nhân vật trong truyện của tôi! Bởi vì chúng đều là trẻ em nên xứng đáng được yêu thương!
- Thành công với tác phẩm truyện thiếu nhi đầu tay, chị có ý định sẽ viết về đề tài thiếu nhi tiếp không?
+ Tôi luôn mong muốn cùng cộng đồng chung tay làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa dành cho trẻ em - đặc biệt là trẻ em vùng sâu, xa và các em có hoàn cảnh khó khăn. Tôi muốn được nhìn thấy những nụ cười hiện hữu trên những gương mặt thơ ngây của các em thay thế cho những giọt nước mắt!!!
- Xin cảm ơn nhà văn!