Ca sĩ Sông Thao: Tâm hồn tôi thuộc về dân ca

10:03 25/08/2022

Nếu ai đã từng nghe Sông Thao hát, sẽ bị mê hoặc bởi chất dân ca ngọt ngào và mộc mạc của chị. Sông Thao nói, chị luôn muốn giữ gìn vẻ thuần khiết, mộc mạc trong giọng hát của mình để mang đến cho khán giả cảm xúc trong trẻo nhất về dòng nhạc chị theo đuổi...

1. Khi giành giải Sao mai ở dòng nhạc dân gian, Sông Thao được đánh giá là giọng ca nội lực, có thể kế tiếp con đường của các thế hệ đàn chị như Tân Nhàn, Phương Thảo, Tố Nga... Nhưng với Sông Thao, giải thưởng chỉ là một cầu nối để giúp chị đến gần hơn với khán giả. Con đường phía trước vẫn đầy chông gai, khổ luyện. Và chị nghĩ, mình vẫn chỉ là hạt cát giữa thế giới âm nhạc mênh mông. Chỉ có tình yêu và đam mê là vẫn luôn khắc khoải trong tâm hồn chị.

Nhiều người hỏi rằng, sở hữu một chất giọng đẹp, một ngoại hình ưa nhìn, sao Sông Thao không theo đuổi dòng nhạc dễ nổi tiếng hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Sông Thao cười, dân gian là thứ nằm lòng của chị, thuộc về chị. Từ những ngày còn  nhỏ, 5 - 6 tuổi chị đã đi theo ông nội hát ở đình làng. Người có ảnh hưởng, gieo mầm tình yêu âm nhạc trong tâm hồn Sông Thao chính là ông nội.

Ca sĩ Sông Thao.

Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp, công việc vất vả, bận rộn nên hồi nhỏ Sông Thao chủ yếu sống với ông bà nội. Hồi ấy, ông nội tham gia đội văn nghệ của làng nên mỗi lần ông đi sinh hoạt đội, Sông Thao đều được đi cùng. Ông biết chơi nhạc cụ truyền thống, thậm chí còn chế tác các loại nhạc cụ để phục vụ đội như đàn nguyệt, sáo, đàn bầu, nhị... Mỗi lần tập luyện, ông đánh đàn cho mọi người hát nhiều thể loại: quan họ, chèo, dân ca… Sông Thao say sưa lắng nghe, cứ thế những lời ca, tiếng hát ngấm vào chị lúc nào không hay.

Sông Thao kể cơ duyên đến với chị trong dịp hội làng, có một tiết mục bị khuyết nên chị đã mạnh dạn bảo ông xin cho biểu diễn thay. Thế là trên sân khấu đặc biệt ở đình làng ngày ấy, cô bé 6 tuổi tự tin hát “Ngồi tựa song đào”. Sau buổi ấy, chị đã thành “ngôi sao làng” và liên tiếp nhận được lời mời đi biểu diễn của các làng trong xã khi có sự kiện. Và cứ thế, những giai điệu dân gian của ca trù, của chèo, quan họ ngấm vào chị, trở thành máu thịt của chị. Sông Thao bảo, chị cảm ơn tuổi thơ êm đềm và đầy màu sắc đó đã nuôi dưỡng tâm hồn chị để hôm nay, chị có thể hát lên những ca khúc ngọt ngào như hơi thở của mình vậy.

Nhiều người nghĩ con đường hoạt động nghệ thuật của Sông Thao suôn sẻ nhưng ít ai biết rằng năm 2013, chị đã từng thử sức với sân khấu lớn Sao Mai nhưng bị loại từ những vòng đầu. Nhưng Sông Thao không dừng lại, chị tiếp tục thử thách mình và năm 2014, Sông Thao vượt qua hơn 500 thí sinh để đoạt giải ba Cuộc thi giọng hát hay Hà Nội. Một năm sau đó, tại cuộc thi Sao Mai 2015, chị lại giành giải ở dòng nhạc dân gian.

"Tôi vẫn còn nguyên vẹn hạnh phúc khi giành giải thưởng tại Sao Mai. Nhớ lại đi thi hồi đó không có tiền, phải đi thuê bộ áo dài hơn 1 triệu đồng, không như bây giờ các thí sinh có những trang phục thiết kế lên tới hàng chục triệu. Từ trước đến nay, Sông Thao đều tự thân vận động, không ai hỗ trợ hay chống lưng, ngoài gia đình chồng con", Sông Thao chia sẻ.

2. Nhưng có vẻ như khát vọng về âm nhạc của Sông Thao không chỉ dừng lại ở đó. Sau album CD và DVD ấn tượng “Thay lời trái tim”, hai năm nay, Sông Thao dành thời gian cho việc sáng tác ca khúc và hát những bài hát do mình viết. Bộ đôi MV “Thuyền về bến đợi” và “Cập bến thuyền hoa” vừa trình làng, một Sông Thao ngọt ngào, thuần chất dân ca.

Ở đó, khán giả không chỉ được lắng nghe giọng hát của Sông Thao mà còn cảm nhận được vẻ đẹp của những khung cảnh làng quê yên ả, bình dị, đậm chất Việt Nam. MV của Sông Thao cũng thuần chất như giọng hát của chị. Nhưng liệu như thế, chị có thể tiếp cận khán giả khi thị hiếu của công chúng bây giờ đã thay đổi và các ca sĩ liên tục cho ra những MV đổi mới, phá cách.

Sông Thao nói, có lẽ chị thuộc típ người hoài niệm, luôn muốn níu giữ những vẻ đẹp xưa. Dù cuộc sống đã nhiều thay đổi, nhưng chị tin những câu hát dân ca, những vẻ đẹp thuần khiết của làng quê vẫn khiến trái tim người Việt rung động như họ bắt gặp lại ký ức của mình.

Đạo diễn Lan Hương, bà đỡ của hai MV chia sẻ: “Sông Thao sinh ra từ làng quê giàu chất dân ca nên ký ức về làng quê của chị rất mãnh liệt, dù nhiều năm sống ở phố và đã thành người của phố. Điều tôi trân trọng là tinh thần lao động và sự nỗ lực không ngại khó của chị để cống hiến cho khán giả. Nhìn tinh ý sẽ thấy chúng tôi vô cùng cầu kỳ. Ở MV thứ 2 là cây gạo khô cằn tượng trưng cho sự khô cằn vì chờ đợi của người con gái. Nhưng trong MV đầu thì cây gạo đang ra lá tươi mơn mởn như tuổi thanh xuân. Phải đợi mất 3 tháng để quay, rất mất công. Ngay cả hoa loa kèn ở Tây Tựu rất đẹp nhưng ở đó họ lại trồng không đẹp, phải mua 1000 cây đến con đê ở Thường Tín và trồng cây mất 1 ngày để có bối cảnh quay. Nói chung rất mất công và cầu kỳ để có những hình ảnh đẹp”.

Còn với Sông Thao, đó là một trải nghiệm quý giá. Và những MV của chị sẽ còn lại với thời gian, đó cũng là một cách chị góp phần gìn giữ những vẻ đẹp của làng quê đang dần dần biến mất trong cơn lốc đô thị hóa.

Sông Thao trong MV mới của mình.

Nhiều người cho rằng, tại sao Sông Thao không hát lại những ca khúc nổi tiếng, như thế sẽ dễ đến với khán giả hơn. Nhưng Sông Thao quan niệm: “Chị không lựa chọn sự an toàn. Những ca khúc dân ca không nhiều, nó đã quá quen thuộc và gắn liền tên tuổi với những ca sĩ nổi tiếng. Thế hệ chúng tôi muốn làm mới cũng rất khó. Tôi muốn đi một con đường riêng, viết những ca khúc thuần dân gian cho chính giọng hát của mình. Việc cho ra mắt sản phẩm mới, giữ được thế mạnh của mình là thuần dân gian, giọng dày, ngọt, sẽ tạo được những ấn tượng riêng. Và tôi nghĩ, khi mình viết bài hát cho mình, vừa ngọt ngào vừa dễ nghe sẽ dễ dàng đến với khán giả hơn”.

Chị ấp ủ nhiều giấc mơ để mang những tình cảm của mình đến gần hơn với công chúng. Bên cạnh việc hát những ca khúc dân ca nổi tiếng như một sự tiếp nối thế hệ đi trước, Sông Thao hy vọng những ca khúc của chị sẽ có đời sống trong lòng công chúng. Cứ hát từ trái tim và viết từ trái tim, chị tin sẽ nhận được sự đồng cảm của khán giả.

Sông Thao tách bạch rõ ràng giữa việc làm nghệ thuật và mưu sinh. Chị có một công ty nhỏ kinh doanh và kiếm tiền để làm nghề. Những album, những MV hay sau này là liveshow đều cần kinh phí và muốn được chơi nghề, người nghệ sĩ không phải quá cân đong đo đếm về tiền. Khi làm nghệ thuật không bị áp lực kinh tế, người nghệ sĩ sẽ được tự do sáng tạo và bay bổng trong thế giới của mình. Và âm nhạc, lúc đó sẽ đầy cảm xúc, trong trẻo hơn.

Sông Thao có một mái ấm bình yên bên người chồng là nhạc sĩ Hải Thuận, giảng viên Khoa piano Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Chị thấy mình may mắn vì luôn có chồng bên cạnh và ủng hộ những công việc của vợ, để cho chị được tự do bay bổng trong thế giới của mình. Chị đang ấp ủ một album gồm những ca khúc do chính mình sáng tác và ra mắt công chúng vào cuối năm nay. Có lẽ, sau ca sĩ Phạm Phương Thảo, Sông Thao là ca sĩ thứ 2 của dòng nhạc dân gian dám dũng cảm bước qua những giới hạn để được sáng tạo và thỏa mãn giấc mơ của mình.

“Cuộc sống bây giờ thật nhanh và vội vã, các bạn trẻ cũng chạy theo xu hướng và bề nổi nhiều. Tôi tin vào những vẻ đẹp bền lâu của dòng nhạc dân gian, nó đứng ngoài sự xô bồ của đời sống. Đó là những cảm xúc đẹp cần được lưu giữ trong trái tim mỗi người sau những bộn bề lo toan thường nhật”, Sông Thao nói.

Linh Nguyễn

Năm nay 31 tuổi nhưng Lường Văn Lả - một trong 6 bị cáo lĩnh án tử hình trong vụ án cô gái giao gà đã “ngồi” trại được hơn 5 năm và đang trong thời gian chờ thi hành án. Dù biết cái giá phải trả cho tội ác của mình nhưng bây giờ anh ta đã thay đổi. Từ chỗ bất cần, quậy phá, xin được thi hành án sớm, Lả ân hận, sám hối, khát khao được sống.

Ngày 15/5, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, Công an huyện Cẩm Khê vừa triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm hoạt động liên tỉnh với thủ đoạn hết sức tinh vi; tạm giữ 3 đối tượng, thu giữ 1 cá thể hổ còn sống và 1 cá thể gấu đông lạnh.

Chiều 15/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kit test Việt Á tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo. Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hải Dương) bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tuyến thay đổi lời khai về số tiền chia hối lộ và xin giảm nhẹ hình phạt.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo đã vận động gia đình, người thân nộp thêm số tiền 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không kháng cáo bổ sung, cũng không thay đổi nội dung kháng cáo, giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc cúm B nặng, trong đó có 2 bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO - phương pháp oxy hoá qua màng ngoài cơ thể. Điều đáng lưu ý là cả 3 bệnh nhân đều ở lứa tuổi trẻ và có tiền sử khỏe mạnh.

Khoảng 10h30 ngày 15/5, khi đang làm việc tại đơn vị, Đại úy Trần Văn Thức, Phó Bệnh xá trưởng Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam nhận được thông tin có một nữ bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nội thận - Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cần gấp 500ml tiểu cầu nhóm máu hiếm AB.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文