Kia
Mobifone

Cuộc đối thoại giữa di sản và hội họa đương đại

Thứ Sáu, 03/01/2025, 10:17

Họa sĩ trừu tượng bay bổng Trần Nhật Thăng được “an trú” trong tinh thần truyền thống và sự thấm đẫm thời gian của những cột gỗ, mỏ neo, mâm thớt… có tuổi đời hàng trăm năm… Cuộc đối thoại thú vị giữa Trần Nhật Thăng và kiến trúc sư Tùng Lê trong triển lãm “Thời gian” tạo nên một dấu ấn mới trong hành trình sáng tạo 30 năm theo đuổi nghệ thuật trừu tượng của họa sĩ Trần Nhật Thăng.

“Tái sinh” di sản của ông cha

Hơn 20 năm xách balô rong ruổi Bắc - Nam, những tinh hoa của quê hương - từ cảnh sắc thiên nhiên phong phú đến sự thân tình của con người đã ghi dấu trong anh rõ nét, trở thành nguồn cảm hứng giúp kiến trúc sư Tùng Lê phát triển triết lý thiết kế độc đáo, kết nối truyền thống và hiện đại, biến mỗi món đồ gỗ, vật liệu bản địa thành tác phẩm nội thất đầy cảm xúc.

đôi5.jpg -1
Họa sĩ Trần Nhật Thăng và kiến trúc sư Tùng Lê cùng làm việc để tạo ra triển lãm "Thời gian".

Những cột nhà trăm tuổi, những mõ voi, mâm, thớt, quá giang, câu đầu, những vật liệu gỗ cũ, gỗ cháy và gỗ hiếm… của người dân tộc bị lãng quên nhưng với Tùng Lê, nó là những đồ vật chứa đựng trong đó câu chuyện văn hóa, nhân sinh… Tùng có cả một “kho tàng” di sản văn hóa của các vùng miền. Anh quyến luyến ngôi nhà Việt truyền thống. Tình cảm ấy đã kết nối Tùng với họa sĩ Trần Nhật Thăng.

Tùng “cống hiến” bộ sưu tập gỗ từ các ngôi nhà xưa bị dỡ bỏ mà cậu đi qua trong hành trình gần 20 năm để làm bệ đỡ cho tác phẩm trừu tượng của Trần Nhật Thăng. Phần tranh bay bổng và đầy ngẫu hứng của Trần Nhật Thăng được neo lại “an trú” trong tinh thần truyền thống và sự thâm trầm thời gian từ những cột nhà trăm tuổi, những mõ voi, mâm, thớt, quá giang, câu đầu… Và sau hết, với Tùng là niềm vui đầy hồn nhiên cậu đã tìm được danh phận mới cho những đồ gỗ cũ bị hắt hủi và lãng quên.

Cuộc đối thoại giữa anh và “Thời gian” hầu như diễn ra trong im lặng. Anh kể câu chuyện của mình bằng cách đục đẽo, chạm khắc lên những thớ gỗ nhuốm màu thời gian, hoa văn vân mây, “tái sinh” chúng bên cạnh những tác phẩm hiện đại của người đồng hành. Tùng nói, trong các hoa văn mây cổ, cha ông ta gửi gắm niềm tin, ước vọng và lòng tôn kính vĩnh hằng về sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên. Những bệ đỡ thời gian, vừa tĩnh tại, bền vững, vừa tôn vinh tinh thần phóng khoáng của tác phẩm Trần Nhật Thăng, tạo nên một cuộc đối thoại thú vị giữa những câu chuyện ngàn đời của ông cha với hội họa đương đại của Trần Nhật Thăng.

“Nhìn vào lòng mình để vẽ”

Trần Nhật Thăng có 30 năm theo đuổi vẽ trừu tượng, là một trong những cái tên hội họa trừu tượng hàng đầu của mỹ thuật đương đại. Anh gây ấn tượng từ triển lãm 2009 “Chân dung tự do”, với tinh thần “trừu tượng tối thiểu” (chữ của Lê Thiết Cương). Đó là những bức tranh chỉ có hai màu đen trắng, là màu đen của acrylic và trắng của toan.

Sau triển lãm đó, Trần Nhật Thăng gác bút, không vẽ được gì, bởi anh quan niệm, những bức tranh không màu, không hình của anh chính là thế giới tinh thần đang hướng tới sự tĩnh tại, bình yên của người vẽ. Khi tâm chưa lặng, anh không vẽ. Trạng thái đó kéo dài 10 năm, Trần Nhật Thăng không những vượt qua mà còn trở lại với sức sáng tạo dồi dào.

Năm 2024 là một năm sôi nổi khi anh trình diện 3 solo “Mây đi qua tôi” tại Bản Art Stay PAM Hill, Sơn La, “Mâymiền” tại phòng tranh Le Lycée, Ana Mandara Dalat, và “Thời gian” vừa diễn ra vào những ngày cuối năm tại gallery Green Palm, Hà Nội, những solo mang đậm dấu ấn cá nhân và không bao giờ thiếu những bất ngờ thú vị của Trần Nhật Thăng. Trước đó, trong triển lãm “Trong cái Không có gì không” là một lối rẽ bất ngờ của Trần Nhật Thăng khi anh tạm buông hội họa trừu tượng để vẽ những bức tranh về Đức Phật.

Lần này, với “Thời gian” cũng mang tinh thần tĩnh lặng, tự do của Trần Nhật Thăng nhưng ở một trạng thái an yên, nơi anh “nhìn vào lòng mình để vẽ”. Những được mất của cuộc đời, những cảm kích trước dòng chảy thời gian đều được anh đón nhận bằng đôi mắt bình thản và tự tại. Qua đó, người xem nhận ra rằng thời gian không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà còn là nơi an trú bao dung, không phán xét, luôn rộng mở cho mọi giấc mơ, dù nhỏ bé hay điên cuồng.

Anh chia sẻ: “Chúng ta đều được bao bọc và cưu mang bởi thời gian. Thời gian đối với tôi là giấc mơ, là sự an trú, tạm đúc kết dưới một “hành trình tu thân. Thời gian là khái niệm tương đối, như dòng sông đang trôi chảy, những thân phận, những con người, niềm vui nỗi buồn đang trôi. Khi ý thức được điều đó, tôi muốn níu giữ lại những khoảnh khắc, những tín hiệu tốt đẹp của cuộc sống. Chất liệu với những món đồ cũ của Tùng Lê là một điểm nhấn văn hóa để tôi níu giữ lại những khoảnh khắc đẹp trong đời người”.

dsc00745 copy.jpg -0
Tranh trừu tượng của họa sĩ Trần Nhật Thăng được "an trú" trên những cột gỗ hàng trăm năm.

“Thời gian” đặc biệt thú vị với tranh cỡ nhỏ và cỡ vừa sử dụng màu acrylic và giọt cà phê trên chất liệu giấy giang truyền thống phủ nhựa epoxy công nghiệp, mang đến hiệu ứng thị giác vừa thô mộc sâu lắng vừa bóng bẩy hiện đại. Lần đầu tiên anh vẽ những bức tranh nhỏ, có tác phẩm chỉ bằng bao thuốc lá để đặt trong những bệ đỡ của Tùng Lê. Nhưng trong cả những tác phẩm bé nhỏ ấy, vẫn có đủ yếu tố động - tĩnh, nóng - lạnh…. Phải rất tĩnh và an yên trong lòng, anh mới có thể thả những đường nét tinh tế đến thế.

Điểm nhấn thú vị lần này chính là sự kết hợp hết sức đặc biệt và ăn ý giữa họa sĩ Trần Nhật Thăng và kiến trúc sư Tùng Lê. Tinh thần tự do tĩnh lặng, cân bằng của hội họa trừu tượng của Trần Nhật Thăng được đặt trong bệ đỡ gỗ độc đáo do Tùng Lê thiết kế từ các di sản gỗ xưa, tái hiện hình ảnh thời gian trong sự tĩnh tại và bền vững của văn hóa truyền thống Việt Nam. Đó là một không gian nghệ thuật đầy ấn tượng với những bức tranh khổ lớn, tranh trên hệ cột cổ, mang vóc dáng của một vùng văn hóa hùng vĩ, phóng khoáng của cao nguyên Hà Giang. Là những mảnh gỗ cháy thâm trầm ôm lấy những bức vẽ sang trọng, là những câu đầu được khoác hình hài mới trong câu chuyện về sự biến chuyển của thời gian…

Đó không đơn thuần là những chiếc khung tôn vinh tác phẩm mà là một phần của tác phẩm. Những kết cấu ấy, tưởng như không liên quan đến nhau mà ăn nhập một cách nhịp nhàng cho những bức vẽ nhiều nội lực của Trần Nhật Thăng. Những chất liệu mà Trần Nhật Thăng sử dụng lần này như giấy giang, bột cafe, epoxy… trên nền gỗ cổ và đồng, với hiệu ứng đục, chạm, đốt thủ công từ Tùng Lê mang đến một trải nghiệm nghệ thuật hoàn toàn khác biệt với chính 2 nghệ sĩ ở những hành trình trước đây của mình.

Với “Thời gian”, Trần Nhật Thăng đạt đến trạng thái tự do, tự tại. Từ bệ đỡ thời gian, người xem sẽ cùng "phiêu" với họa sĩ trong những bức tranh trừu tượng khổ lớn, đậm đặc phong cách nghệ thuật của Trần Nhật Thăng. Với gam màu xanh, trong và sáng, thể hiện một tâm thế tự do của người nghệ sĩ khi đi qua những thăng trầm của cuộc đời. Một tinh thần: “Dòng sông của Thăng chảy ngược lên trời. Đạo hạnh của Thăng nhu hòa ẩn bên thềm vũ trụ. Không hề có câu chuyện nào cả, chỉ là lược bớt những sự thừa; không có rắp tâm thành tựu hội họa hay nổi bật để gây chú ý, chỉ là Thăng đang hành khất đầu đà về phía mai sau” (P.H.T). l

Trần Nhật Thăng sinh năm 1972 trong một gia đình nghệ thuật ở Hà Nội. Bố anh là đạo diễn Trần Văn Thủy. Anh được biết đến như một trong những họa sĩ tiên phong của hội họa Hậu Đổi mới tại Việt Nam. Anh nổi bật với phong cách kết hợp giữa thư pháp truyền thống phương Đông và hội họa trừu tượng tối giản, với 17 triển lãm cá nhân và hơn 100 triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Các tác phẩm của anh được sở hữu bởi nhiều bộ sưu tập tư nhân và tổ chức nghệ thuật tại châu Âu, châu Á, Mỹ. Năm 2008, anh có tranh lọt vào vòng chung khảo (với giới hạn 30 tác phẩm) - Giải thưởng mỹ thuật châu Á Sovereign (Sovereign Asian Art Prize) của Quỹ nghệ thuật Sovereign.

Linh Nguyễn

.
.