Dấu ấn nhân văn ở nơi phục thiện

12:06 03/08/2023

Nằm cách TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên về phía Tây Bắc hơn 60km, Trại giam Xuân Phước thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an là nơi giam giữ cải tạo phạm nhân thi hành án hình sự đến từ nhiều địa phương trong nước.

Nơi ấy hơn 47 năm qua, nhiều thế hệ đảng viên, cán bộ - chiến sĩ (CBCS) Công an đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và hiểm nguy, cảm hóa, giáo dục hàng chục ngàn phạm nhân hoàn lương, hướng thiện, trong đó có những hoạt động đậm chất nhân văn từ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

Gắn bó với nơi này hơn 30 năm, Đại tá Trần Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Xuân Phước cho biết: “Tiền thân cơ sở này là Trại Cải tạo Binh vận - An ninh từ tháng 8/1961, một năm sau tách ra là Trại An ninh do Ban An ninh tỉnh Phú Yên quản lý, đến năm 1963 chuyển thành Trại A20. Gần một năm sau khi đất nước thống nhất, Bộ Nội vụ - là Bộ Công an quyết định thành lập Trại giam Xuân Phước ngày 2/1/1976 từ Trại A20”.

Đại úy Ngô Sinh Tồn, cán bộ Đội Giáo dục - Hồ sơ Trại giam Xuân Phước hướng dẫn phạm nhân tập viết và làm toán.

Thời đó, địa bàn xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân rừng thiêng nước độc, giao thông cách trở, lương thực thực phẩm khan hiếm. Một bên Trại giam Xuân Phước là sông Trà Bương, ba bề còn lại là những dãy đồi núi. Mùa nắng sông cạn đáy, đất đai cằn cỗi, khô hạn kéo dài; mùa mưa trút nước dai dẳng, lũ dữ ầm ào chia cắt. Không gian nhiều muỗi, sông suối lắm vắt dày bùn, có thời điểm hơn 40% CBCS Công an bị sốt rét rừng hành hạ, 9 CBCS vĩnh viễn ra đi. Bên trong trại giam, CBCS Công an và phạm nhân đều lưu trú nhà tranh, vách đất; thư báo mỗi tuần mới nhận một lần, mùa mưa lắm khi nửa tháng mới có, cả đơn vị chỉ một ti vi đen trắng, ăng ten đưa lên đồi chỉnh sửa mãi nhưng hình ảnh vẫn nhòe nhoẹt, âm thanh chệch choạc. Bữa cơm độn khoai mì ẩm mốc, thực phẩm cá khô, rau rừng, muối ớt hay nước mắm mặn chát là chuyện thường ngày.

Trong bối cảnh đó, Trại giam Xuân Phước tiếp nhận 1.316 đối tượng phản cách mạng trên tàu “Việt Nam Thương Tín” do Trần Đình Trụ, trung tá Hải quân chế độ Sài Gòn làm thuyền trưởng, từ đảo Guam của Mỹ trở về cảng Nha Trang chiều 27/10/1975 để thực hiện âm mưu cài cắm hoạt động chống phá chính quyền cách mạng và nhân dân lâu dài… Những năm sau đó, Trại giam Xuân Phước tiếp nhận phạm nhân 10 năm tù trở lên, hầu hết là dân giang hồ tứ chiếng, vào tù ra tội, trong đó có không ít đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, nên mỗi khi dẫn giải phạm nhân đi lao động phải dự báo, tính toán kỹ các phương án xử lý khi có tình huống xảy ra. Người trực chiến phải thức trắng đêm, người rời khỏi ca trực cũng không tròn giấc ngủ vì nỗi lo cứ chập chờn khi nghĩ đến đồng đội…

Đại tá Trần Văn Dũng cho biết, với 2 phân trại ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân và 1 phân trại ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, những năm gần đây, mỗi năm Trại giam Xuân Phước quản lý, giáo dục gần 2.500 phạm nhân thi hành án hình sự về nhiều tội danh khác nhau. Trong số đó nhiều phạm nhân từng có tiền án, tiền sự, tái phạm, tái phạm nguy hiểm và hàng trăm trường hợp phải thi hành hình phạt tù từ 15 đến 30 năm, tù chung thân... nên phải tăng cường công tác trinh sát kết hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên rà soát, phân hóa, bóc tách, điều chuyển, không để cấu kết thành băng, nhóm đánh nhau, gây rối, mưu toan trốn khỏi nơi giam giữ; bảo đảm ổn định an ninh trật tự trại giam, không để xảy ra tình huống bị động, đột xuất, bất ngờ... Và điều đáng nói là hầu hết phạm nhân nhập trại đều không có nghề nghiệp, nên khi tiếp nhận, phải cẩn trọng rà soát từng trường hợp, độ tuổi, sức khỏe… để bố trí lao động, dạy nghề theo quy định pháp luật.

Bài toán về công tác dạy nghề cho phạm nhân không hề đơn giản, bởi lẽ mỗi năm đều phải dự báo, phân tích và tính toán cụ thể để xác lập kế hoạch dạy nghề, khai thác nguồn lực lao động, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu, đặt hàng gia công sản phẩm...

Trung tá Ngô Thị Mỹ Linh - Đội trưởng Đội kế hoạch - xây dựng - hướng nghiệp dạy nghề cho biết, trong những năm qua, mỗi năm Trại giam Xuân Phước đã tổ chức dạy nghề may mặc, mộc dân dụng, đan lát… cho 800 - 1.200 phạm nhân, số còn lại được hướng dẫn lao động sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi để tạo nguồn rau sạch, thịt, cá tươi cung cấp cho CBCS và phạm nhân.

Phạm nhân Đặng Văn Cửu sinh năm 1989, trú ở thôn Tân Lập, xã Ia Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai) phạm tội giết người, bị bắt từ giữa tháng 11/2011 bày tỏ: “Tôi nhập trại cuối tháng 7/2012, nhờ chấp hành tốt các quy định nên sau một thời gian đã được bố trí học nghề đan lát. Lúc đầu còn lúng túng nhưng nhờ cán bộ quản giáo động viên, phạm nhân có tay nghề tốt hướng dẫn từng thao tác nên sau vài tháng tôi đã đan thành thạo nhiều sản phẩm”. Nhìn Cửu và những phạm nhân có mặt trong phân xưởng thoáng mát đang cần mẫn đan sợi cho các sản phẩm ghế tựa lưng, giỏ hoa và một số đồ gia dụng, tôi cảm nhận mỗi đường nét sợi đan hoàn hảo đang dẫn dắt họ đi về nẻo thiện, để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Rời phân xưởng dạy nghề thủ công mỹ nghệ, chúng tôi đến lớp học xóa mù khi Đại úy Ngô Sinh Tồn, cán bộ Đội Giáo dục - Hồ sơ đang đứng hướng dẫn cho 15 phạm nhân mù chữ tập viết và làm toán. Một trong số đó là phạm nhân Đặng Quang Vinh sinh năm 1980, trú ở xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) phạm tội trộm cắp tài sản, bị bắt từ cuối tháng 8/2020 và bị xử phạt 10 năm tù. Vinh mù chữ, nhập trại từ tháng 6/2021, nhưng đến nay Vinh không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn làm tốt những bài tập toán lớp 3.

Còn Rah Lan Rah sinh năm 1977, trú ở xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê (Gia Lai) phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, bị bắt cuối tháng 1/2021 với mức án 6 năm tù. Nhập trại mới hơn một năm, nhưng Rah đã có thể viết thư gửi về gia đình nhờ sự tận tâm dạy chữ của những người thầy mặc sắc phục cảnh sát.

Trung tá Trần Văn Đức - Phó Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết, tỷ lệ người mù chữ trong cộng đồng còn rất ít nên học viên lớp học xóa mù ở trại giam cũng giảm dần, nhưng mỗi năm đơn vị vẫn tổ chức dạy học cho 13-20 phạm nhân; Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Xuân hỗ trợ kiểm tra cuối kỳ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học.

Thêm một nét đẹp nhân văn được Trại giam Xuân Phước xây dựng và tổ chức hoạt động từ nhiều năm qua, đó là phong trào “Tương thân, tương ái”. Mỗi năm, ngoài việc trích nguồn thu lao động sản xuất, học nghề của phạm nhân để bổ sung mức ăn, thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động… theo quy định pháp luật với tổng trị giá từ 600-800 triệu đồng, Trại giam Xuân Phước còn xây dựng quỹ “Tấm lòng vàng” trong phạm nhân để hỗ trợ những trường hợp ốm đau, khuyết tật, không có người thân đến thăm.

Phạm nhân Nguyễn Duy Quốc sinh năm 1994, trú ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị bắt từ cuối tháng 6/2021 và bị phạt tù 16 năm, cho biết: “Vì hoàn cảnh mồ côi, khuyết tật, nên từ khi vào trại giam giữa tháng 8/2022 đến nay tôi không có thân nhân đến thăm, nhưng quỹ “Tấm lòng vàng” đã trở thành nguồn động viên, chia sẻ tình cảm cho tôi trong những ngày lễ, ngày tết”.

Còn phạm nhân Đinh Jét - sinh năm 1990, trú ở xã Kông Yang, huyện Kông Chrò (Gia Lai) phạm tội giết người phải lãnh án chung thân, bày tỏ: “Hơn 7 năm thi hành án ở Trại giam Xuân Phước, những ngày lễ, ngày tết tôi đều nhận được phần quà hỗ trợ từ quỹ “Tấm lòng vàng” nên cũng bớt tủi thân khi không có người thân đến thăm”.

Chỉ riêng hai năm (2021-2022) và 6 tháng đầu năm nay, quỹ “Tấm lòng vàng” của Trại giam Xuân Phước đã hỗ trợ 368 triệu đồng cho 1.843 lượt phạm nhân trong phong trào “Tương thân tương ái”. Những con số thật sự giàu ý nghĩa nhân văn đã được xây dựng từ sự nỗ lực của đảng viên, CBCS đơn vị.

Theo Đại tá Trần Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Xuân Phước, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, CBCS luôn được nâng cao, gắn với tăng cường giữ vững kỷ cương, kỷ luật của đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên, CBCS có bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đủ khả năng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị…

“Nếu như hoạt động dạy nghề giúp cho phạm nhân nhận thức giá trị chân chính trong lao động sản xuất, thì lớp học xóa mù và “quỹ tấm lòng vàng” giúp cho phạm nhân cảm nhận được tình người ở nơi đang phục thiện. Những hoạt động nhân văn nêu trên đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, giáo dục và cảm hóa phạm nhân sớm hoàn lương, hướng thiện, nên Trại giam Xuân Phước tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa những hoạt động nêu trên” - Đại tá Trần Văn Dũng chia sẻ.

Phan Văn Lương

Sáng 7/1, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963, trú tại tổ 11, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Phó Trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội) về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch sau chiến thắng thuyết phục trước Thái Lan. Sau giải đấu này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như cá nhân huấn luyện viên Kim Sang-sik sẽ có thêm nhiều sự gợi ý, định hướng về định hướng chiến lược cho năm 2025 và xa hơn nữa.

Ngày 7/1, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Mua bán người”; đồng thời, tiếp tục điều tra các hành vi “Cho vay lãi nặng”; “Xuất nhập cảnh trái phép”; “Bắt giữ người trái pháp luật”…, mở rộng điều tra vụ án.

Sau khi dụ dỗ bị hại chuyển tiền vào tài khoản ảo, các đối tượng lừa đảo nhanh chóng sử dụng tài khoản ngân hàng do các công ty đứng tên chuyển số tiền trên sang nhóm rửa tiền. Từ đây, nguồn tiền thật được chuyển thành tiền ảo, rồi lại chuyển lòng vòng qua nhiều bước để “cắt đuôi”, sau đó chuyển về ví điện tử để rút tiền thật...

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Đã thành thông lệ, cuối năm luôn được coi là “thời điểm vàng” trong tuyển dụng lao động bởi doanh nghiệp cần đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Bên cạnh những doanh nghiệp tuyển dụng lao động phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến thì không ít doanh nghiệp cũng tăng cường tuyển dụng để đảm bảo nhân lực, ổn định sản xuất ngay sau Tết. Đây là cơ hội cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm đa dạng ở cả phân khúc bán thời gian và toàn thời gian.

Tối 6/1, tại Ngôi nhà Ý (Casa Italia), Hà Nội, Đại sứ quán Italia đã tổ chức lễ trao Huân chương Công trạng của Cộng hòa Italia - bậc Hiệp sĩ, cho TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là phần thưởng cao quý của Cộng hòa Italia, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của TS. Nguyễn Phương Hòa cho việc thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia trong nhiều năm qua.

Để khắc phục dần tình trạng thừa nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở giá cả phù hợp, nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội tại một số đô thị lớn, dẫn đến gia nhà bị “neo” cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh đề nghị cần quy định cơ chế để thực thi quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tiết thị trường BĐS.

Từ năm 2023 đến khi bị bắt, những kẻ phạm tội đã câu kết với nhau thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội để tạo lập, thu thập và mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trái phép của hàng nghìn người trên địa bàn huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và các tỉnh thành trên cả nước, sau đó bán lại cho người khác, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文