Đề tài Lịch sử trong sáng tạo nghệ thuật

10:59 10/11/2023

Đề tài lịch sử trong các tác phẩm nghệ thuật là một chủ đề hấp dẫn nhưng cũng là một trong những địa hạt đầy thách thức đối với người làm sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm về chủ đề lịch sử là một trong những cách truyền tải thông điệp, sự kiện lịch sử, khiến sử không khô khan và dễ dàng được dung nạp, tiếp thu.

Lịch sử và "lệch" sử

Đề tài lịch sử trong các tác phẩm nghệ thuật là một chủ đề hấp dẫn nhưng cũng là một trong những địa hạt đầy thách thức đối với người làm sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm về chủ đề lịch sử là một trong những cách truyền tải thông điệp, sự kiện lịch sử, khiến sử không khô khan và dễ dàng được dung nạp, tiếp thu.

Thế nhưng để một tác phẩm vừa có tính nghệ thuật vừa truyền tải đúng đắn về lịch sử là điều không hề dễ dàng. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã hư cấu quá đà dẫn đến làm sai lệch các thông tin lịch sử gây nên nhiều tranh cãi cho công chúng. Cá biệt có những trường hợp vịn vào quyền sáng tạo trong nghệ thuật với mục đích xấu, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật. Vậy đâu là giới hạn của việc đưa lịch sử vào trong sáng tạo nghệ thuật?

Mới đây nhất, bộ phim "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khi được công chiếu đã vấp phải những lùm xùm từ làn sóng phản ứng dữ dội của một bộ phận khán giả về việc khai thác lịch sử trong phim chưa chuẩn dẫn đến những hiểu lầm do khán giả suy diễn khi xem phim.

Phim “Ba chị em” bị gỡ khỏi nền tảng Netflix.

Hay như bộ phim Hàn Quốc "Little Woman" tựa Việt là "Ba chị em" của đạo diễn Kim Hee-won được công chiếu trên nền tảng phim Netflix đã gây phẫn nộ cho công chúng Việt Nam. Trong tập 8 của bộ phim khi nhắc về chiến tranh Việt Nam, các nhân vật đã xuyên tạc lịch sử Việt Nam bằng những ngôn từ nhạy cảm với câu thoại "một người lính Hàn Quốc có thể tiêu diệt 20 lính Việt Cộng". Trước đó nhiều bộ phim cổ trang về chủ đề lịch sử cũng đã phải hứng chịu những chỉ trích bởi trang phục, bối cảnh không phù hợp.

Ngoài phim ảnh thì không ít tác phẩm văn chương về chủ đề lịch sử cũng gây nên nhiều tranh cãi. Có thể kể đến tiểu thuyết "Khởi nghĩa Lam Sơn" do dịch giả Lê Sơn dịch và nhà xuất bản Từ điển Bách khoa ấn hành. Sách này ban đầu là một cuốn tiểu thuyết lịch sử bằng chữ Hán, không rõ tác giả, do Lê Hoan biên soạn, hiệu đính và xuất bản vào những năm đầu thế kỷ XX với tên "Việt Lam Xuân Thu". Đây là cuốn tiểu thuyết có nhiều sai lệch về lịch sử và nhiều chi tiết không chuẩn xác làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín người anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Hay tiểu thuyết của một nhà văn nọ từng được  nhận Giải thưởng Hội Nhà văn nhưng đã gây ra luồng phản ứng trái chiều trong cộng đồng văn học khi có ý kiến cho rằng tác phẩm đã hạ bệ anh hùng kiệt xuất của dân tộc Nguyễn Trãi khi gán ghép nhân vật có mối quan hệ thân thiết với một bại tướng nhà Minh.

Hư cấu nhưng phải dựa trên sự thật lịch sử

Hư cấu là một đặc quyền của nghệ thuật, không ai cấm sự hư cấu trong một tác phẩm nghệ thuật thế nhưng hư cấu phải dựa trên việc tôn trọng sự thật lịch sử. Những thông tin chính sử được ghi chép và công nhận là những thông tin người sáng tạo nghệ thuật không được phép thay đổi. Tác phẩm nghệ thuật tất nhiên không phải là một bộ phim tài liệu, hay cuốn sách lịch sử khô khan với những con số và sự kiện. Sự sáng tạo, phóng tác là điều cần phải có trong những tác phẩm nghệ thuật. Những yếu tố không nằm trong chính sử như tâm lí nhân vật, tính cách là thứ hoàn toàn có thể hư cấu trong một tác phẩm nghệ thuật về chủ đề lịch sử.

Thậm chí người làm sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn có thể dựng lên một nhân vật vô danh trong dòng chảy lịch sử để kể về câu chuyện sử của một ông vua, một vị tướng, một sự kiện lịch sử. Bởi dưới mỗi góc nhìn khác nhau của mỗi nhân vật chúng ta có thể đưa ra những nhận định, đánh giá khác về một nhân vật quen thuộc trong lịch sử. Và thực tế chẳng có ông vua, ông tướng nào còn sống để mà xác minh điều đó nên sự hư cấu có thể chấp nhận miễn nó không nhằm mục đích bôi nhọ, tư thù cá nhân hay xuyên tạc lịch sử.

Người làm, viết về chủ đề lịch sử trước hết phải là người am hiểu sử

Cái khó của người làm nghệ thuật về chủ đề lịch sử đó là sự đan cài một cách khéo léo những chi tiết hư với những chi tiết thực để thuyết phục được người thưởng thức tác phẩm đó. Để các chi tiết trong tác phẩm nghệ thuật không sống sượng và lệch lạc với những tư liệu lịch sử để lại thì người làm sáng tạo trước hết phải là người am hiểu lịch sử. Người am hiểu lịch sử mới có thể làm nên những tác phẩm lịch sử hay, hấp dẫn đầy tính nghệ thuật trên nguyên tắc tôn trọng sự thật.

Có lẽ rất nhiều những tác phẩm về lịch sử vấp phải những làn sóng chỉ trích dữ dội bởi sự thiếu hiểu biết lịch sử với những lỗi sai cơ bản của người làm nghệ thuật. Từ trang phục, bối cảnh đến cách xưng hô trong mỗi một giai đoạn lịch sử là khác nhau, nên phải có một lượng kiến thức lịch sử nhất định mới có thể làm ra những tác phẩm "chuẩn lịch sử". Khi đã chuẩn rồi thì những tình tiết phóng tác nghệ thuật thêm thắt vào mới hấp dẫn và đủ sức thuyết phục được công chúng và mới được đón nhận. Từ đó mới có thể góp phần lan truyền những giá trị tốt đẹp của lịch sử đến đông đảo công chúng.

Người làm nghệ thuật về chủ đề lịch sử phải có trách nhiệm với quá khứ, với công chúng đương đại và tương lai.

Tác phẩm nghệ thuật về chủ đề lịch sử không yêu cầu độ chính xác tuyệt đối giống bộ môn khoa học lịch sử. Thế nhưng nó có sự ảnh hưởng về lâu dài và tác động đến xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ khi tiếp nhận những tác phẩm đó. Nếu không ngăn chặn, những sản phẩm "lệch" sử, chúng có thể ngấm dần, lan tỏa trong tư tưởng, nhận thức người đọc, người xem theo chiều hướng tiêu cực. Chưa kể nếu tác phẩm đó có thể trở thành công cụ, mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Bởi vậy đây là một đề tài yêu cầu người làm nghệ thuật ngoài có kiến thức lịch sử ra thì phải là người thực sự yêu lịch sử dân tộc. Người biết tự hào về những truyền thống ngàn đời của cha ông ta để lại, những nét văn hóa tốt đẹp. Người biết đồng cảm và sẻ chia với những phận người những thời kỳ đau thương của dân tộc…

Đó là trách nhiệm của người sáng tạo nghệ thuật với quá khứ bởi sự thật lịch sử đã được công nhận. Và là trách nhiệm với công chúng đương đại cùng tương lai bởi tác phẩm đó khi phát hành rộng rãi là một thông điệp lịch sử truyền đi. Nếu như đó là thông điệp đúng đắn thì tình yêu lịch sử để được nhân lên và mở rộng. Nhưng nếu đó là một thông điệp lệch lạc thì hậu quả kéo theo là những cái nhìn sai lệch của người tiếp nhận tác phẩm đó.

Cần xử phạt nghiêm

Chính bởi sức ảnh hưởng của những tác phẩm nghệ thuật về chủ đề lịch sử nên sự kiểm duyệt là yếu tố vô cùng quan trọng. Thế nhưng kiểm duyệt thế nào để vừa không kìm hãm sự sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật vừa đảm bảo tính "chuẩn" sử với chủ đề lịch sử cũng là một điều không dễ dàng. Hội đồng kiểm duyệt phải là người có đủ kiến thức về chuyên môn để nhận biết được các yếu tố nhằm bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử được cài cắm trong tác phẩm nghệ thuật để ngăn chặn từ sớm những tác phẩm đó được tung ra trên thị trường. Không ít trường hợp những bộ phim đã được cấp phép, phát hành thì công chúng mới là người phát hiện ra những lỗi sai lịch sử khiến cho khán giả bức xúc và hoài nghi về chất lượng chuyên môn của hội đồng kiểm duyệt. Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những tác phẩm "lệch sử", cơ chế xử phạt phải đảm bảo đủ sức nặng.

Hiện nay cơ chế xử phạt được quy định trong Nghị định 128/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 15/2. Trong đó, một số quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động điện ảnh được quy định tại Nghị định 38/2021 được sửa đổi.

Ngoài cơ chế xử phạt ra thì chính sự đồng lòng lên án, "tẩy chay" của khán giả là một trong những cách hữu hiệu góp phần ngăn chặn các tác phẩm xuyên tạc lịch sử, từ đó góp phần bảo vệ những giá trị truyền thống cao đẹp lịch sử của dân tộc. (Lê Đình Trung)

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - Đừng xem phim bằng cái nhìn cực đoan

Một bộ phim truyện luôn luôn được định nghĩa là hư cấu, tưởng tượng, dù cho có được chuyển thể, phóng tác, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Do đó để có những bộ phim hay, tác giả cần phải để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Một bộ phim truyện hư cấu tuyệt đối không phải là bằng chứng lịch sử hay là căn cứ thực tế cho bất cứ một luận điểm nào, chủ thuyết nào.

Tất nhiên khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá một bộ phim về tất cả những gì mà bộ phim thể hiện. Cái giày này không đúng thực tế thời kỳ đó ở vùng đó, người dân ở đấy không mặc cái áo đó, người ta không bắn súng như thế...v.v. Nhưng phán quyết cuối cùng của khán giả đưa ra một cách văn minh là bộ phim này hay hoặc dở, tôi thích hay không thích, thế thôi.

Có một thời ấu trĩ mà nghệ thuật phải nhất nhất chỉ có nhiệm vụ giáo dục và tuyên truyền, vô hình trung đã đặt trí tưởng tượng của người nghệ sĩ vào trong một cái lồng. Khi trí tưởng tượng không được bay bổng nữa thì nghệ thuật sẽ chết. Sự tranh cãi là cần thiết và tích cực nhưng xin đừng cực đoan. (Lệ Hà - ghi chép)

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Dù có sáng tác như thế nào cũng không thể đổi trắng thay đen

- Là một nhà thơ, nhà biên kịch chị đánh giá như thế nào về vai trò của các tác phẩm nghệ thuật như văn chương, sân khấu, điện ảnh… về chủ đề lịch sử đối với lịch sử?

+ Tôi thấy vai trò của các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi vì thời phổ thông chúng ta ai cũng học lịch sử đúng không? Học lịch sử để biết những điều khái quát thôi. Còn các tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ giữ vững những yếu tố lịch sử mà còn tô đậm thêm cho lịch sử bằng những hình tượng nghệ thuật sống động. Nhân vật lịch sử đó nghĩ gì, nói gì, đi đứng ra sao, các mối quan hệ xung quanh như thế nào dưới ngòi bút nhà văn sẽ rất hấp dẫn… dễ đi vào lòng người đọc, người xem. Nghĩa là nó được diễn tả một cách hợp tình hợp lý để người đọc, người xem hiểu sâu thêm về lịch sử, yêu quý kính trọng thêm về những nhân vật lịch sử như anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá ...

- Với những tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng về chủ đề lịch sử, theo chị liệu rằng chúng ta có được phép thay đổi lịch sử hay chăng?

+ Tôi nghĩ là không. Lịch sử là lịch sử sao lại thay đổi được? Những năm tháng xa xưa từ các đời Đinh, Lý, Trần, Lê… cho đến các triều đại sau này các nhà chép sử, viết sử đã phải ghi lại rất trung thực những điều lịch sử đã diễn ra. Kẻ hậu sinh dù có sáng tác như thế nào cũng không thể đổi trắng thay đen được. Cũng có thể với những điều còn chưa rõ thì còn có thể được quyền khai thác, hoặc lật lại vấn đề. Nhưng cái này cũng khó. Bởi anh thuộc về chính thể nào thì ngòi bút dễ nghiêng về chính thể đó… khó có sự công bằng khi nhìn nhận vào một sự kiện lịch sử hoặc một nhân vật lịch sử, nhất là lịch sử cận đại… Viết tiểu thuyết hay kịch sân khấu, điện ảnh về người xưa có vẻ dễ phóng bút hơn nhân vật lịch sử hôm nay bởi đã có độ lùi của thời gian.

- Sự sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật về chủ đề lịch sử là một trong những cách khiến sử không khô khan và dễ dàng được tiếp thu, vây theo chị ranh giới nào giữa sự sáng tạo và sự thật lịch sử?

+ Theo thiển nghĩ của tôi, ranh giới giữa sự sáng tạo và sự thật lịch sử rộng hay hẹp là do người sáng tạo ra các tác phẩm ấy. Tùy vào từng đề tài như thế nào, nhân vật lịch sử nào và cách viết của anh như thế nào để thuyết phục được người đọc, người xem thấy nó có tình, có lý thì là được. Không được cố tình bôi nhọ hay tô son một cách quá đáng đối với sự thật lịch sử đã diễn ra. Nói gọn lại, nó phụ thuộc hoàn toàn vào cái tài của người viết.

- Chúng ta với bề dày lịch sử hàng ngàn năm nhưng vẫn chưa có nhiều bộ phim về chủ đề lịch sử gây được tiếng vang lớn. Vậy theo chị đâu là yếu tố quyết định sự thành công của một bộ phim lịch sử?

+ Có 2 yếu tố mà thiếu nó thì phim không hay và ít người dám làm đó là tài năng và kinh phí. Thêm một điều nữa cũng không kém phần quan trọng là các nhà quản lý chưa mấy quan tâm chú ý đến đề tài này. Vì lúc nào cũng nghĩ nó khó và tiền đâu ra để mà làm? Hoặc là khi có được đủ tiền đấy nhưng ai đủ tài để mà làm, lại là làm cho hay về một phim lịch sử? Chả ai dám chắc được điều này. Nếu có đủ điều kiện thì cứ dấn thân thôi, dám dấn thân đi vào lĩnh vực này cùng sự say mê tận tâm may ra có được một bộ phim lịch sử tử tế chăng?

- Phim về chủ đề lịch sử có vai trò và tác động nhất định đối với việc truyền tải thông điệp, giá trị lịch sử. Nhưng nó cũng có thể dễ dàng trở thành công cụ để một vài thành phần có ý đồ xấu bám vào nhằm bôi nhọ, xuyên tạc. Từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và là thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia và Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam. Theo chị, cần phải làm gì để khuyến khích những bộ phim về chủ đề lịch sử với mục đích "trong sáng" và cách chúng ta phải thực hiện để ngăn chặn những bộ phim "lệch" sử?

+ Vẫn phải nhìn vào con người thôi. Người sao văn vậy. Người yêu cái đẹp cái thiện, sự đúng đắn thì hướng tới điều đó. Người theo cái ngược lại thì chịu, bởi dòng chính thống lâu nay bị o ép cắt nguồn kinh phí rất nhiều nên các phim theo dòng này càng ngày càng ít, bị lép vế trước các dòng khác là tất yếu. Kinh tế thị trường thì phải chấp nhận thôi. Chúng ta có trong tay Luật Điện ảnh và các luật khác có liên quan. Cao hơn nữa chúng ta có Hiến pháp. Dưới nữa chúng ta có các Nghị định, các quy định, quy chế cụ thể. Cứ chiếu theo pháp luật mà quản lý các thể loại tác phẩm văn học cũng như nghệ thuật. Khuyến khích ủng hộ cái hay, hạn chế cái dở bằng cách dân chủ thảo luận, không chụp mũ, không quy kết chính trị nhiều khi oan và làm nhụt chí người viết, người làm. Làm thui chột sự sáng tạo thì dễ, tạo cảm hứng cho đội ngũ sáng tác về đề tài này mới thật là khó. (Mỹ Trân)

Nhà văn Phùng Văn Khai: Hư cấu đến đâu cũng phải tôn trọng lịch sử dân tộc

- Là một nhà văn đã viết 8 tiểu thuyết về đề tài lịch sử, anh đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc lịch sử hóa văn chương?

+ Theo tôi lịch sử phải được và rất cần thiết thành văn. "Bình Ngô Đại Cáo", "Hịch Tướng Sĩ" là những tác phẩm lịch sử thành văn. Dấu mốc lịch sử đã được văn chương hóa từ sự thật. Đó là những sự kiện lịch sử mang ý nghĩa quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Giúp cho những bạn đọc thế hệ trẻ bây giờ hình dung ra cha ông ta của ngày xưa về tầm vóc, võ công, sức sống thậm chí các tập tục văn hóa lễ hội như đua thuyền, chọi trâu… như thế nào. Đặc biệt hơn nữa những vẻ đẹp lịch sử rất cần ghi lại để làm nên một nền tảng vững chắc khiến những cái "méo mó" khác không thể nào át đi được.

- Sư hư cấu là điều không thể thiếu trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Vậy theo anh trong một tác phẩm văn học về đề tài lịch sử giới hạn của sự hư cấu đến đâu?

+ Đối với văn chương hư cấu chính là đẳng cấp của nhà văn. Tác giả có thể hư cấu 100% ví dụ như nhà văn Kim Dung, một tác gia lớn của Trung Quốc ảnh hưởng cả nền văn hóa của Trung Quốc. Thế nhưng truyện của ông vẫn luôn bám vào đời sống lịch sử của Trung Quốc. Các sự kiện trong Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều có trong tiểu thuyết Kim Dung. Đối với các nhà viết tiểu thuyết lịch sử Việt Nam thì chúng tôi hư cấu đến đâu? Hư cấu là để phục vụ sự thật và chúng ta không thể hư cấu nằm ngoài sự thật lịch sử. Từ đó nâng cái sự thật lên, khái quát hóa lên bằng nghệ thuật để bạn đọc dễ tiếp nhận. Đó là cái sống còn của nhà văn đối với lịch sử.

Hiện nay một số nhà văn viết các thể loại văn học về lịch sử như tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca… đang bị rơi vào cảnh "bỏ bóng đá người". Họ bỏ đứt đi cái nền tảng lịch sử, nền văn hiến, truyền thống lịch sử mấy nghìn năm mà chỉ chú tâm vào những tình tiết câu khách, ma quái rồi hạ thấp, kéo một ông vua, một ông tướng xuống tận đáy xã hội… Cũng có thể có những tình tiết như vậy nhưng cái chính yếu của lịch sử không phải như vậy. Cái hư cấu phải phục vụ cái chính và phục vụ sự thật lịch sử. Theo tôi hư cấu đến đâu cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử để phục vụ nền văn hóa của nhân dân, phải phục vụ truyền thống hào hùng của dân tộc thì mới tồn tại không thì sẽ bị đào thải, đơn giản chỉ có vậy.

- Anh có nói về việc tình trạng người sáng tạo văn học nghệ thuật về chủ đề lịch sử không thực hiểu về lịch sử. Anh đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc am hiểu lịch sử và yêu thích lịch sử đối với người làm sáng tạo nghệ thuật nói chung và viết văn nói riêng về chủ đề lịch sử?

+ Tôi cho rằng phải có 5 trụ cột để thành công trong bất kỳ loại hình sáng tạo nghệ thuật nào, trong đó có văn học. Thứ nhất là kiến thức, phải có hiểu biết sâu sắc về lịch sử, về nền tảng văn hóa căn cốt của người Việt Nam. Thứ hai có lẽ là đam mê, phải đam mê tác giả mới có thể đi thực tế, đi việt dã các khu vực liên quan đến các đề tài lịch sử mình muốn khai thác. Rồi đào sâu mảng tư liệu từ dân gian, chính sử, giả sử đến đương đại để thấu hiểu về nó. Thứ ba nữa là phải chuyên tâm, dành thời gian, chứ đam mê, có hiểu biết nhưng không dành thời gian thì cũng không thể ra tác phẩm được. Thứ tư là phải có cái tâm trong sáng, người viết phải đau đáu về lịch sử, về những lợi ích sống còn nó đem đến cho cuộc sống này.

Và điều cuối cùng là khi sản phẩm đã ra mắt rồi vẫn luôn lắng nghe công chúng, bạn đọc về những góp ý, tình tiết lịch sử. Cộng lại 5 trụ cột đấy thì tôi nghĩ mới có sự thành công nhất định. Chúng ta mà hời hợt sáng tác cho thỏa thích tùy tiện, không có kế hoạch, lấp kiến thức bằng những chiêu trò… thì cuốn sách lịch sử không thể tốt được. Các loại hình nghệ thuật khác cũng thế, không thể nào tách rời tài năng, trí tuệ, đam mê, công sức và tấm lòng của văn nghệ sĩ. (Trung Hiếu)

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文