Điện ảnh và sức hấp dẫn của đề tài cách mạng

11:35 10/10/2024

Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023-2024 hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030)” vừa được tổng kết và trao giải thưởng. Số lượng tác giả, tác phẩm tham dự nhiều, không ít kịch bản mang đậm màu sắc điện ảnh. Điều đó mang đến hy vọng công chúng được thưởng thức thêm nhiều bộ phim hay về đề tài cách mạng trong thời gian tới.

Những kịch bản truyền tải lòng yêu nước

Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023-2024 hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao cho Cục Điện ảnh, nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, tư tưởng và tinh thần cách mạng của Đảng trải qua một thế kỷ xây dựng, trưởng thành, chỉ đạo, dẫn dắt cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam kiên trung, vững vàng, đổi mới, sáng tạo trong chiến đấu, bảo vệ nền độc lập, xây dựng đất nước.

Ban tổ chức trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải C kịch bản phim truyện.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, sau 8 tháng phát động và 2 tháng tiếp nhận kịch bản, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của các nhà biên kịch, nhà văn chuyên nghiệp và người viết không chuyên trong cả nước. Có những tác giả tham gia 2 kịch bản ở một loại hình hoặc tham gia tranh giải ở cả 2 loại hình. Điều đặc biệt là cuộc thi thu hút khá đông tác giả trẻ ở độ tuổi 25-35. Tác giả lớn tuổi nhất đã ngoài 80. Ngoài ra, tác giả là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cũng tham dự. Điều đó thể hiện tình cảm sâu sắc của các tác giả đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại.

Đại diện ban tổ chức cho biết, đã có 70 kịch bản phim tài liệu và kịch bản phim truyện tham dự cuộc thi. Trong đó kịch bản phim tài liệu đề cập khá đa dạng lĩnh vực của đời sống, những vấn đề mới của đất nước gắn với chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, mối quan hệ gắn bó của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Kịch bản phim truyện dự thi tập trung thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Người với cách mạng Việt Nam; hình tượng một số nhà cách mạng, phong trào cách mạng Việt Nam làm trung tâm để xây dựng nội dung kịch bản. Nhiều sự kiện lịch sử trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng được các tác giả đề cập, tái hiện phản ánh vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam. Nhóm đề tài về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình, chống tham nhũng... cũng được một số tác giả quan tâm xây dựng kịch bản.

Một điều đáng tiếc là ở cả hai thể loại không tìm được kịch bản được giải Nhất. Về kịch bản phim truyện, 1 giải Nhì được trao cho “Lựa chọn thiên tài” (Lê Ngọc Minh). 3 giải Ba cho các kịch bản “Mùa xuân đầu tiên” (Nguyễn Khánh Ly), “Niềm tin và tình yêu” (Đào Thùy Trang), “Dấu chân huyền thoại” (Đoàn Tuấn). Ngoài ra, có 2 giải Khuyến khích thuộc về các kịch bản “Một số phận kỳ lạ” (Nguyễn Anh Tuấn) và “Cuộc thiên di màu đỏ” (Đặng Thu Hà). Ở kịch bản phim tài liệu, 1 giải Nhì thuộc về kịch bản “Nhà báo trẻ đi tìm nhà văn Sơn Tùng nơi “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh” (Đào Huệ Trinh). 2 giải Ba cho kịch bản “Văn Cao - Đảng với đa tài, Đảng với thiên tài” (Giang Hà Vỵ và Nguyễn Hoài Giang), “Ngôi trường xưa bên dòng sông Công” (Nguyễn Mỹ Trang).

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định cuộc thi kịch bản điện ảnh hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mang ý nghĩ sâu sắc cả về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng, của cách mạng Việt Nam mà còn là cơ hội để các tác giả thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc thông qua những kịch bản điện ảnh tâm huyết của mình. Các bộ phim được hình thành từ những kịch bản chất lượng cao có thể truyền tải mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tới khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Cuộc thi cũng tạo thêm môi trường sáng tác chuyên nghiệp cho các nhà biên kịch, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong việc chuyển tải những câu chuyện lịch sử, cách mạng. Điều này giúp điện ảnh Việt Nam không ngừng phát triển, đa dạng hóa các thể loại và nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật. Những kịch bản có nội dung tư tưởng và chủ đề lịch sử Đảng không chỉ tôn vinh các giá trị quá khứ mà còn hướng đến xây dựng, bồi đắp tư tưởng cách mạng, đạo đức cho các thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của Đảng trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Còn nhiều thách thức với nhà sản xuất

Nhận giải Ba thể loại kịch bản phim tài liệu với tác phẩm “Văn Cao - Đảng với đa tài, Đảng với thiên tài”, cũng là người dự thi cao tuổi nhất (86 tuổi), tác giả Giang Hà Vỵ chia sẻ: “Sở dĩ tôi chọn viết về nhạc sĩ Văn Cao vì tôi có thời gian dài tiếp xúc và nhiều kỷ niệm với ông. Càng nghiên cứu, tìm hiểu về ông, tôi càng khâm phục tác giả “Quốc ca” là người đa tài, xuất sắc ở các lĩnh vực: âm nhạc, hội họa, thơ ca... Tên tuổi ông không chỉ nổi danh trong nước mà thế giới cũng biết đến. Từng có giai đoạn, cuộc sống của ông và gia đình khá vất vả nhưng chưa khi nào nhạc sĩ Văn Cao kêu ca, vẫn miệt mài sáng tạo nghệ thuật... Tôi đặc biệt ấn tượng với chi tiết, trong một lần trò chuyện, nhà báo Trần Bạch Đằng hỏi nhạc sĩ Văn Cao rằng: “Tại sao ngay ở giai đoạn khó khăn anh vẫn vượt qua và có được những sáng tác hay?”. Nhạc sĩ Văn Cao trả lời: “Vì tôi là một Đảng viên”. Kịch bản là kết tinh những gặp gỡ, những rung động, tình cảm của tôi về nhạc sĩ thiên tài Văn Cao như thế”.

Điện ảnh cách mạng Việt Nam có nhiều bộ phim kinh điển, được công chúng yêu mến.

Còn biên kịch Đào Thùy Trang (Hãng Phim truyện 1) tâm sự: “Nhờ cuộc thi mà tôi được tiếp cận với nhiều tư liệu lịch sử, biết thêm những câu chuyện xúc động về những người đảng viên của những ngày đầu thành lập Đảng. Trong tôi trào dâng sự thán phục, biết ơn với ý chí quả cảm, quyết tâm của họ. Tôi cho rằng, đây là cơ hội để tri ân những đảng viên lên màn ảnh để các thế hệ mai sau thêm hiểu ý nghĩa của một sự kiện lịch sử trọng đại, có tính chất bước ngoặt với dân tộc. Từ hiểu biết về sự hy sinh của thế hệ cha ông, thế hệ trẻ biết đắp bồi tình yêu nước. Giải thưởng là động lực để những người trẻ như tôi tiếp tục khai thác đề tài lịch sử và mong muốn với sự đồng cảm của nhà làm phim, tác phẩm được lên màn ảnh rộng để lan tỏa tới khán giả. Quá trình khai thác tư liệu, tôi thấy rằng còn nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn có thể thực hiện được những bộ phim thương mại thu hút, hấp dẫn khán giả”.

Kể từ bộ phim đầu tiên “Chung một dòng sông” (ra đời năm 1959), điện ảnh cách mạng Việt Nam đã có nhiều bộ phim làm nức lòng người hâm mộ như “Vợ chồng A Phủ”, “Con chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”... Tuy nhiên, làm phim về cách mạng trong giai đoạn hiện nay là một thách thức không nhỏ với các nhà sản xuất. Những bộ phim này không chỉ yêu cầu sự am hiểu về lịch sử, có được cốt truyện hấp dẫn với các tuyến nhân vật khai thác sâu về tâm lý mà còn đòi hỏi những yếu tố như kinh phí, bối cảnh cầu kỳ và tốn kém hơn nhiều so với những bộ phim hiện đại khác.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cũng cho rằng viết kịch bản về đề tài lịch sử không dễ dàng. Tác giả phải là người nắm chắc lịch sử, có góc nhìn độc đáo, xây dựng cốt truyện hấp dẫn. Ông cũng nhận xét, tại cuộc thi này, bên cạnh những kịch bản viết khá chắc tay thì một số kịch bản có ngôn ngữ điện ảnh chưa cao. Đa số kịch bản phim truyện khai thác thời kỳ thành lập Đảng, ít kịch bản về giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế.

Từ kết quả cuộc thi, Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong muốn sẽ có thêm nhiều kịch bản hay chủ đề lịch sử Đảng, cách mạng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và công cuộc đổi mới của đất nước. Từ nguồn kịch bản chất lượng cao, sẽ không chỉ hấp dẫn cho việc sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước mà còn thu hút được nhiều nhà làm phim tư nhân. Khi đó, hiệu quả những cuộc thi kịch bản của ngành điện ảnh thực sự đạt tầm cao mới. Mang đến cho đông đảo công chúng những bộ phim truyện, tài liệu sâu sắc và hấp dẫn.

Thảo Duyên

Hôm nay (1/1/2025), Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành, cũng đồng thời với việc Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) đi vào đời sống.

Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để hiện thực hóa “kỳ tích” làm đường sắt đô thị. Mục tiêu đặt ra là tầm nhìn đến giai đoạn 2065, Hà Nội có 15 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài gần 617km.

Vào ngày 2/1/2025, đội tuyển Việt Nam sẽ đấu Thái Lan trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup trên sân Việt Trì. Nơi mà mọi cổ động viên đều mang đến điều ước may mắn cho thầy trò ông Kim Sang-sik.

Năm 2024, Bắc Ninh tập trung giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) và làng nghề cô đúc nhôm xã Văn Môn (huyện Yên Phong), cụm công nghiệp giấy Phú Lâm (Tiên Du) với phương châm “Không châm chước, không thoả hiệp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Ngày 31/12, Công an TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025. Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an và lãnh đạo TP Hải Phòng.

Hỏi: Lợi dụng quyền tố cáo, đã có những vụ việc người tố cáo cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng làm ảnh hưởng đến người bị tố cáo. Xin tòa soạn cho biết trường hợp này theo quy định pháp luật người tố cáo bị xử lý như thế nào? (Hải Quỳnh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Ngày 31/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Hòa (Phú Yên) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Xâm phạm chỗ ở của người khác” đối với Trương Hoàng Vũ (SN 1982, trú ở khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文