Dòng phim tâm lý - giật gân: Luẩn quẩn "đầu voi đuôi chuột"

15:02 18/11/2022

Thể loại tâm lý, giật gân (thuật ngữ chuyên môn: phim thriller) đang trở thành xu hướng của điện ảnh Việt. Ngoài loạt tác phẩm trình làng vừa qua, sắp tới còn rất nhiều phim thriller xếp hàng ra rạp. Tuy thriller là thể loại cực kỳ hút khách nhưng tính đến nay, số phim thành công vẫn hiếm hoi bởi nó không “chơi” được với biên kịch và đạo diễn non tay.

Dòng phim thriller lâu nay vẫn bị nhầm lẫn với dòng kinh dị (tức horror). Thực chất hai dòng này hoàn toàn khác biệt dù có vài nét tương đồng. Theo định nghĩa của giới chuyên môn, dòng thriller dịch ra có nghĩa là ly kỳ, giật gân, rùng rợn. Nét rùng rợn, giật gân khiến nó có điểm na ná như horror. Tuy nhiên, sự rùng rợn của thriller xoay quanh góc khuất và nỗi sợ hãi sâu thẳm của con người, còn horror lại ưa hù dọa khán giả bằng hiện tượng tâm linh ma quỷ, xác sống hay cảnh máu me, giết chóc gớm ghiếc.

Một cảnh trong phim "Vô diện sát nhân".

Sự rùng rợn, giật gân mà thriller đem đến thường do hàng loạt tình tiết, thủ đoạn bị che giấu, xoáy sâu vào tâm lý. Các nhân vật trong phim thường được đặt vào những tình thế như bị săn đuổi, chạy trốn, phải cố gắng hoàn thành một nhiệm vụ, sứ mệnh nào đó, hay chỉ là tìm ra một điều bí ẩn đằng sau những câu chuyện kì lạ. Loạt tình tiết trong phim được đưa đẩy khiến khán giả hồi hộp, không ngừng suy luận, phán đoán. Đến cuối phim, những nút thắt - mở được tháo gỡ khiến họ không khỏi bất ngờ. Điều này khiến thriller trở nên sâu sắc, khó đoán và ám ảnh hơn so với dòng kinh dị.

Chính nét đặc trưng hút khách trên khiến các nhà làm phim Việt chuyển sang ưu ái thể loại thriller. Ngoài ra, so với các thể loại quen thuộc của điện ảnh Việt như rom-com (hài hước, lãng mạn), chick-flick (phim dành cho phụ nữ hiện đại), hành động, kinh dị thì thể loại tâm lý - giật gân trở thành gương mặt mới mẻ. Những thể loại trên tuy một thời làm mưa làm gió phòng vé nhưng đến nay, sức hút của chúng dần hạ nhiệt, thậm chí trở nên nhàm chán. Trong khi đó dòng thriller vẫn là mảnh đất rộng mênh mông ít người khai phá.

Nếu những năm trước đó vẫn là bước e dè thì năm 2021 và 2022 chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của dòng phim tâm lý - giật gân. Có thể kể đến “Vô diện sát nhân”, “Rừng thế mạng”, “Trò chơi tử thần”, “Mười: Lời nguyền trở lại”... Mới ra rạp hồi trung tuần tháng 10, “Cô gái từ quá khứ” của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito là số ít phim dòng thriller ghi nhận doanh thu khả quan (trên 50 tỷ đồng). Phim tiếp nối câu chuyện của MC nổi tiếng Ms.Q (từng được khai thác trong “Gái già lắm chiêu” phần 2 và 3). Nhưng đã chán thể loại chick-flick, Bảo Nhân - Nam Cito thử sức với thể loại thriller nhằm mang đến trải nghiệm mới mẻ cho khán giả. Do đó, “Cô gái từ quá khứ” chuyển hướng tập trung vào tuổi thơ đen tối của nhân vật Ms.Q. Khi sắp làm đám cưới với Jack, cô đột ngột bị hai nhân vật có liên quan đến quá khứ năm xưa tìm đến. Trước nguy cơ hôn nhân lẫn sự nghiệp đổ vỡ, Ms.Q trở thành con mồi khốn đốn với bao đe đọa rình rập.

“Cô gái từ quá khứ” là trường hợp may mắn bởi số phim thriller “made in Việt Nam” được công chúng đón nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Rải rác gần chục năm đổ lại có “Scandal - Bí mật thảm đỏ”, “Scandal 2- Hào quang trở lại”, “Quả tim máu” của đạo diễn Victor Vũ, “Lời kết bạn chết chóc” của đạo diễn Roland Nguyễn Nhân... Còn hầu hết phim còn lại đều nhanh chóng chìm xuồng hoặc ghi nhận doanh thu khiêm tốn. Dù được mệnh danh là ông vua không ngai của dòng thriller nhưng đạo diễn Victor Vũ vẫn phải nhận quả đắng với “Người bất tử” và “Thiên thần hộ mệnh”. Để gỡ gạc kinh phí, “Thiên thần hộ mệnh” tìm cách phát hành trên kênh chiếu phim trực tuyến. Đi vào vết xe đổ của “Bằng chứng vô hình” năm 2020, một lần nữa Phương Anh Đào gặp phận hẩm khi thủ vai nữ chính trong “Vô diện sát nhân”. Phim chỉ thu về 5 tỷ đồng. Thảm hại nhất có “Trò chơi tử thần” khi vỏn vẹn gặt hái 600 triệu đồng.

Tử huyệt của phim thriller Việt nằm ở ba chỗ: kịch bản, kịch bản và kịch bản. Sự ly kỳ, lắt léo của thể loại này đòi hỏi biên kịch phải cực kỳ thông minh, chắc tay trong xây dựng cốt truyện. Phải thông minh mới biết giấu đi tình tiết quan trọng, để khán giả nghẹt thở đến phút cuối và tạo ra vô số cú twist (xoay chuyển, thắt mở) khiến người xem khó đoán. Nhưng khi tháo gỡ nút thắt, khán giả phải ồ lên kinh ngạc vì sự logic của nó. Biên kịch của ta hầu hết chưa đủ sức viết nên kịch bản nặng đô như thế. Các phim thất bại đều do kiểu kịch bản “đầu voi đuôi chuột”, nội dung không mới. Đầu phim, biên kịch bày binh bố trận rất hấp dẫn và đánh đố người xem. Nhưng càng về cuối, các tình tiết và tâm lý nhân vật bắt đầu thiếu logic, mạch phim bị đuối khi biên kịch loay hoay giải quyết ma trận mình bày ra.

Diễn xuất của Kaity Nguyễn (trái) và Ninh Dương Lan Ngọc làm nên thành công của "Cô gái từ quá khứ".

Trong “Vô diện sát nhân”, lý giải cho việc nhân vật Phương Anh liên tiếp mơ mình bị giết rồi đến một ngày, chính sát thủ trong mơ truy sát cô ngoài đời thực, biên kịch làm người xem chưng hửng vì mọi thứ quá đơn giản và khó tin.

Ngay cả bộ phim được đánh giá cao như “Cô gái từ quá khứ” cũng không qua khỏi lời nguyền này. Người xem đang hồi hộp lẫn sợ hãi khi Ms.Q đối mặt với cô em gái Quỳnh Yên - nhân vật không rõ là bạn hay thù- thì đùng một cái, tất cả mọi khúc mắc đều quy về căn bệnh thần kinh phân liệt. Dòng thông điệp cuối dành cho bệnh nhân tâm thần phân liệt khiến hai phần ba không khí “nặng đô” mà bộ phim khổ công gây dựng tan tành. Kết thúc này trở nên khiên cưỡng bởi nếu ai theo dõi kỹ nhân vật Ms.Q ở các bộ phim trước sẽ thấy cô MC sang chảnh này không có chút gì của biểu hiện tâm thần. Nhiều người lý giải, sở dĩ “Cô gái từ quá khứ” không “ngã ngựa” là nhờ vào diễn xuất của Ninh Dương Lan Ngọc và Kaity Nguyễn.

Trước đây, “Scandal 2- Hào quang trở lại” của Victor Vũ giải mã cho loạt sự thật kinh hoàng là do người yêu đồng giới của nữ chính bày ra. Trong khi đó xuyên suốt phim, tình yêu này chẳng hề được đề cập. Đột ngột có cái kết như vậy, bảo sao khán giả không mắc cười.

Hiếm hoi có kịch bản chỉn chu và đủ sức thuyết phục là “Dream Man - Lời kết bạn chết chóc” khai thác mối quan hệ trên Facebook. Một khán giả nhận xét: “Cốt truyện rất chặt chẽ xâu chuỗi tình tiết phim từ đầu đến cuối, các phân cảnh không dư thừa chút nào, đều có ý đồ riêng cả. Nếu bạn nào đủ thông minh để giải mã phim, sẽ thấy kịch bản vô cùng xuất sắc. Rời rạp mình vẫn muốn xem lại để nghiền ngẫm các cú lật mở mà đạo diễn cài cắm”.

Tuy vậy, khi trình chiếu, phim lại không gặt hái doanh thu như mong đợi. Sự bất lợi mà “Lời kết bạn chết chóc” gặp phải chính là thời điểm ra mắt. Do khâu kiểm duyệt khi đó còn nhiều rào cản, đạo diễn phải dời lịch chiếu đến tận ba năm để sửa chữa, mong phim có cơ hội ra rạp. Trong khi đó mạng xã hội Facebook cập nhật giao diện liên tục khiến giao diện Facebook trong phim tại thời điểm quay bị lỗi thời.

Có thể nói, hiện nay nhà làm phim thỏa sức sáng tạo ở thể loại tâm lý - giật gân. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với thách thức cao hơn bởi khán giả ngày càng khó tính trong thị trường điện ảnh trăm hoa đua sắc. Sắp tới, các dự án phim thriller xếp hàng ra rạp lẫn khởi quay còn rất dài. Gây chú ý có: “Mặt nạ Fanti”, “Móng vuốt”, “Hạnh phúc máu”, “Ký ức ở lại”...

“Mặt nạ Fanti” có ý tưởng na ná “Lời kết bạn chết chóc” khi khai thác mặt trái của mạng xã hội. Cụ thể, một hot-girl mạng xã hội liên tục gặp rắc rối và bị đe dọa vì kẻ biến thái theo dõi. Đây cũng là bộ phim điện ảnh đầu tay của người đẹp Thảo Tâm. Ngoài đời, Thảo Tâm cũng là một hot-girl mạng xã hội nên khán giả kỳ vọng cô sẽ làm nên chuyện với vai diễn này.

Trong khi đó “Móng vuốt” của đạo diễn Lê Thanh Sơn khiến dư luận quan tâm vì đây là phim thriller khai thác đề tài thiên nhiên hoang dã. Kaity Nguyễn sẽ đóng nữ chính, cùng nhóm bạn tham gia một buổi dã ngoại. Không ngờ tại khu rừng, cô và nhóm bạn bị thú dữ săn đuổi. Ngoài ra, “Móng vuốt” còn gây xôn xao khi đây là dự án đầu tiên gọi vốn cộng đồng (hay cổ phần hóa phim) bằng hình thức NFT. Sau vài ngày mở bán, dự án nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người yêu điện ảnh. Điều đó chứng tỏ sức hút của thể loại thriller đang nóng lên từng ngày.

Phan Thi Uyên

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

Thời gian qua, các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện barie chắn ngang, chặn xe máy vào giờ cao điểm. Được biết, barie này là do người dân trong ngõ bàn bạc lắp đặt, chỉ được hạ xuống vào một khung giờ nhất định (thường từ 7h-8h30), hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên nhằm hạn chế tình trạng tắc đường ở khu vực này.

Vào hồi 13h30 ngày 19/11, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ đuối nước xảy ra tại bãi bồi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2. Vị trí tìm thấy tại vị trí hạ lưu, cách cầu phao Phong Châu khoảng 2km thuộc địa phận khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Mỗi quả thận được Ninh mua với giá từ 320 triệu đến 380 triệu đồng và được bán với giá từ với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tùy từng thời điểm. Ngoài ra, Ninh còn trả các khoản tiền chi phí xét nghiệm, làm hồ sơ thủ tục cho bên bán và bên mua thận…

Như nảy sinh ý định giả danh người thân của anh T để mượn tiền của anh H.C.D rồi chiếm đoạt. Để thực hiện ý định trên, Như tìm số điện thoại của anh D và mua 1 sim điện thoại không đăng ký. Sau đó, Như tạo tài khoản Zalo tên là “Trinh Nguyen”, lấy ảnh đại diện từ Facebook Trinh Nguyen (là em ruột của anh T).

Ngoài chuyện tố cáo đến cơ quan Công an vì bị chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì nhiều năm và liên tiếp phản ánh bức xúc đến các cơ quan thẩm quyền về tình trạng chậm được cấp "sổ hồng" cho 930 căn hộ, một vấn đề gay gắt khác giữa cư dân chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh là việc cấp "sổ hồng" riêng cho khu đất thương mại dịch vụ gây bít lối đi chung...

Xung đột Nga-Ukraine leo thang và một số điểm nóng tại Trung Đông khiến nhu cầu trú ẩn tài chính gia tăng, kéo giá vàng thế giới tăng mạnh, đẩy giá vàng trong nước đi lên.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/12, do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức. Triển lãm được tổ chức với quy mô lớn, nội dung mang tính hiệu quả và toàn diện, với đông đảo các doanh nghiệp Công nghiệp Quốc phòng các nước, các đoàn khách quốc tế, quốc phòng cấp cao, các nhà quản lý công nghiệp quốc phòng đăng ký tham gia.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文