Hoàng Đăng Khoa - “Tôi không ngừng khám phá, cơi nới mình...”

14:31 23/02/2024

Miệt mài và say mê, gắn mình với nghiệp đọc và viết, Thượng tá - nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa (Trưởng ban Lý luận phê bình - Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình - Hội Nhà văn Việt Nam) đã không ngừng tìm tòi và sáng tạo.

Với lối viết giàu chủ kiến, giàu tính khám phá, phản biện, có thể nói các “sản phẩm” nghiên cứu phê bình của anh đã “chạm” đến được nhu cầu giải mã các hiện tượng văn học trên nhiều phương diện khác nhau đối với bạn đọc. Đến nay Hoàng Đăng Khoa đã khẳng định được uy tín nghề nghiệp của mình qua các cuốn sách phê bình văn học được xuất bản: “Gặp” (2016), “Phiêu lưu chữ” (2017), “Bên gốc đại Nhà số 4” (2017), “Song hành & đối thoại “(2018), “Đứng về phe cái khác" (2020), “Những tờ sạch” (2023). Mỗi tác phẩm phê bình của anh là một sự đối thoại với tác giả, với bạn đọc và với chính mình.

Trong không khí mùa xuân mới 2024, nhân dịp anh vào Huế nhận giải thưởng cuộc thi "Thơ Huế 2023” do Tạp chí Sông Hương tổ chức, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về viết và đọc, về lĩnh vực phê bình nhiều gai góc và nhạy cảm, về đời sống văn chương hiện nay…

Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa.

- Thưa Hoàng Đăng Khoa, đọc các tác phẩm phê bình của anh, thấy từ cách anh đặt tên cho những cuốn sách như “Gặp”, “Phiêu lưu chữ”, “Song hành & đối thoại”, “Đứng về phe cái khác”, “Những tờ sạch”…, đến việc anh chăm chút các bìa sách, việc anh tự trích dẫn các câu thơ của mình làm lời đề từ cho các bài phê bình…, có cảm giác như anh luôn muốn gây chú ý cho người đọc ngay từ ban đầu bằng những gì độc lạ?

+ “Tôi là kẻ khác” - tên một tiểu thuyết của nhà văn người Na Uy Jon Fosse (Nobel văn chương 2023) - càng củng cố và khẳng định xác tín rằng, mỗi chủ thể sáng tạo là một phong cách, một cá tính đơn nhất, không lặp lại. Tuy nhiên, cái gọi là bản sắc cá nhân nên được hiển thị một cách tự nhiên, chân thành, chứ không nên… "tỏ ra”. Phong cách, cá tính khác với màu mè, kiểu cách, khác với khác người, lập dị… Tôi nói thế là để tự răn mình, để không ngừng tự kiến tạo mình…

Ngày nay, sách giấy bị đặt vào tình thế cạnh tranh khốc liệt với truyền thông đa phương tiện nói chung, với các loại hình sách phi truyền thống nói riêng, nên tác giả của các cuốn sách giấy cần biết tạo ấn tượng trực quan sinh động ban đầu, bằng những bìa sách đẹp, những tên sách giàu tính kích thích… Cái nết (nội dung) có thể đánh chết cái đẹp (hình thức), nhưng nếu thiếu sự dụ mời của cái đẹp thì cái nết dễ bị bỏ lỡ cơ hội được chạm gặp, được thụ hưởng.

Như một bất ngờ thú vị, càng ngày càng xuất hiện nhiều tay bút đa năng, "nhiều trong một”. Tôi không ngừng khám phá mình, cơi nới mình, cũng tự thấy bản thân có vẻ thuận tay với các thể loại như thơ, tùy bút, phê bình. Mà thường khi, cái viết của tôi có sự giao thoa nhòe mờ về thể loại. Tôi tâm niệm, viết gì cũng là tự truyện. Giữa thơ của tôi và phê bình của tôi ít nhiều có sự tương liên tương thông, vậy nên tôi không ngại khi dùng chính thơ mình để làm đề từ cho các bài phê bình của mình. Những câu thơ như một tệp đính kèm, một lối mở, một đường dẫn của/vào văn bản phê bình…

- Nhiều ý kiến cho rằng, ở lĩnh vực phê bình, Hoàng Đăng Khoa vẫn chung thủy với lối viết từ việc đối thoại với các nhà văn theo kiểu luận giải mang tính khám phá để rồi nhằm “khai phóng” cách nhìn, cách hiểu mới cho người đọc về nhiều tác phẩm/ hiện tượng văn chương đương đại. Liệu đó có phải là cái “gu”, sở trường trong lối phê bình, nghiên cứu văn chương của anh?

+ Chúng ta thường nghe, rằng phê bình phải khách quan. Tôi luôn hoài nghi và chất vấn cái tín điều này. Khách quan là khách quan thế nào nhỉ? "Tôi là kẻ khác”, là một chủ thể đầy chủ quan, thiên kiến và giới hạn. Tôi phê bình theo cách kiểu của tôi, bằng tất cả "tầm đón nhận” của tôi, hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất của thuật ngữ này. Nếu phê bình mà "khách quan”, tức là trùng khít với đối tượng phê bình, thì với mỗi hiện tượng văn học, chỉ cần đến một "nhà phê bình” duy nhất là đủ, là xong xuôi, hoàn tất. Nếu phê bình là "khách quan”, thì lý thuyết/ mỹ học tiếp nhận đã không có lý do tồn tại. Tác phẩm (lớn) là một quá trình, cứ mở ra, cứ trương nở vô tận theo từng cái đọc, từng hệ quy chiếu khác nhau. “Khách quan”, nếu có trong phê bình, thì đó là nhà phê bình phải tự do, tự tin, chân thành với chính cái sự "chủ quan” của mình. Một bài phê bình chủ quan, có phần cực đoan, sinh sự, gây hấn… đáng đọc hơn nhiều so với một bài phê bình "phải đạo”, bằng phẳng, nhạt nhẽo. Với loại phê bình trước, người đọc có cơ hội đối thoại; với loại phê bình sau, người đọc không có gì để nói, tức là “bỏ qua”, từ chối đối thoại.

Phê bình là một cách mà chủ thể phê bình khơi vẫy đối thoại, với các chủ thể sáng tạo, với các chủ thể tiếp nhận, và với chính bản thân mình. Nhà phê bình đừng tham vọng đóng khung một cách đọc. Thành công của nhà phê bình là khi cái viết của mình làm bất an những cái đọc khác, để rồi tác phẩm nói riêng, hiện tượng văn học nói chung cứ được đọc lại, đọc tiếp mãi…

- Theo anh, cái khó và thử thách lớn nhất của một nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở bất cứ thời đại nào là gì?

+ Đó là "tầm đón nhận”, là trình độ phê bình của mình không trưởng thành kịp so với sự tiến hóa của thực tiễn sáng tác nói riêng, của đời sống văn học nói chung. Phê bình - ở cái nghĩa đầy đủ, lý tưởng nhất - là vừa đi trước, vừa đi cùng, vừa đi sau sáng tác. Khi đi trước, phê bình sẽ hướng đạo, khai phóng sáng tác. Khi đi cùng, phê bình sẽ đồng hành, trợ lực cho sáng tác. Khi đi sau, phê bình sẽ tổng kết, cổ vũ, điều chỉnh sáng tác. Phê bình cũng là tiếp nhận, nhưng cao hơn tiếp nhận thông thường, nên còn có khả năng “hướng đạo” cả tiếp nhận. Tuy nhiên, như đã nói, ngày nay, trong "hoàn cảnh hậu hiện đại”, khi dân trí, dân chủ được cải thiện, thì phê bình cũng không đứng ngoài tình thế bị "giải thiêng”, hoài nghi. Vậy nên, phê bình dễ trở thành lố bịch nếu quá tự đề cao quyền uy, tự ảo tưởng sức mạnh.

- Những cuốn sách phê bình văn học của Hoàng Đăng Khoa như “Phiêu lưu chữ”, “Song hành & đối thoại”… được bạn đọc là giáo viên, học sinh yêu văn chương đón nhận nồng nhiệt; có khá nhiều đề kiểm tra, đề thi môn Văn các cấp, đặc biệt là đề thi học sinh giỏi Văn của các trường/ Sở đã dẫn ý kiến, nhận định của anh trong các cuốn sách này. Anh có nghĩ đó là niềm vinh dự đối với một người làm công tác nghiên cứu, phê bình hiện nay?

+ Như đã đề cập, ngày nay, sách giấy nói chung, sách văn học, đặc biệt là sách phê bình nói riêng rất bị lép vế trước sự ''bành trướng'' của các loại hình truyền thông đa phương tiện. Sách phê bình của tôi, nếu được trích dẫn vào các đề Văn, thì đó là chỉ dấu cho thấy chúng ít nhiều được đọc, “được việc”, được "đi vào đời sống”, chứ không đến mức bị chìm nghỉm, "vô tăm tích” giữa biển sách ngày nay. Đó là vinh dự, là động lực, cũng là áp lực để tôi thận trọng hơn, chăm chút hơn khi ra những cuốn sách tiếp theo.

- Theo dõi đời sống văn nghệ nước nhà những năm gần đây, dễ nhận ra những cây bút trẻ bén duyên và định hình được cá tính của mình trong lĩnh vực phê bình văn học đang là “khoảng trống”. Phải chăng đây là lĩnh vực kén người?

+ Nếu chịu khó theo dõi, chúng ta sẽ vỡ lẽ, rằng phê bình không hề là một "khoảng trống” trong đời sống văn học hôm nay. Tôi thường xuyên đọc các bài viết của những nhà phê bình, đặc biệt là các tay viết 7x cùng lứa đến các tay viết 8x, 9x và cả trẻ hơn. Đọc để học hỏi họ, để trưởng thành kịp họ, để mời gọi họ cộng tác với trang nghiên cứu phê bình của tờ tạp chí mà tôi đang "đứng chân”: Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hiện có cả những gương mặt phê bình thế hệ Gen Z trở thành cộng tác viên "cứng” của Văn nghệ Quân đội như Nguyễn Minh Trang/ Triều Dương (sinh 2001), Lê Hồ Nam (sinh 2005)…

- Những dự định của Hoàng Đăng Khoa trong năm con Rồng 2024 này?

+ Tôi dự định trong năm 2024 này sẽ ra mắt “combo” 3 cuốn sách ở 3 thể loại: phê bình, thơ, tùy bút. Nhưng, tôi sẽ thận trọng cân nhắc thêm về dự định này.

Xin được lưu ý, rằng những gì chia sẻ trên đây nên được hiểu chỉ là những gì tôi tâm niệm, tôi hướng đến, chứ trên thực tế thì tôi không dám nhận mình đã làm được như thế. Sức người có hạn, nên lực bất tòng tâm là tình thế mà con người thường khi rơi vào.

- Cảm ơn nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa.

Trần Văn Toản (thực hiện)

Để đảm bảo an ninh ở mức cao nhất chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Công an TP Hà Nội đã triển khai cắm chốt làm nhiệm vụ từ sớm, nắm chắc phương án bảo vệ, phân luồng giao thông; tuyên truyền nhắc nhở nhân dân nơi đoàn di chuyển qua tuân thủ quy định, nguyên tắc bảo vệ an ninh cũng như xử lý các tình huống phát sinh...

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 14-17/4/2025. Sự kiện có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu quốc tế. Công tác đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho Hội nghị có ý nghĩa to lớn, góp phần tổ chức thành công sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước.

Ngày 14/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Chè, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng.

Gia đình cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa khắc phục thêm 100 tỷ đồng cho bị cáo, nâng tổng số tiền đã khắc phục hậu quả vụ án lên 1.072 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền mà bị cáo Quyết phải khắc phục là khoảng 2.400 tỷ đồng. Như vậy, còn gần 1.400 tỷ đồng bao gồm tất cả các khoản tiền mà bị cáo Quyết phải bồi thường.

Ngày 14/4, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (TP Hà Nội), chương trình "Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam-Trung Quốc" lần thứ 24, năm 2025 đã khai mạc trọng thể với chủ đề "Thanh niên Việt - Trung: Vững vàng lý tưởng". Chương trình đã đón 100 đại biểu thanh niên ưu tú Trung Quốc, diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến tất cả các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Sau 1 tuần ăn lòng lợn, người đàn ông 49 tuổi ở Thái Bình xuất hiện sốt cao, đau bụng dữ dội, tiêu chảy nặng, tụt huyết áp, toàn thân nổi ban xuất huyết, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. 

Tại Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí định kỳ tháng 4/2025, Chi Cục Thuế khu vực 13 (trước đây là Cục thuế tỉnh Lâm Đồng) đã có thông tin chính thức về việc bị Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Đà Lạt tố cáo đoàn thanh tra của đơn vị có hành vi giả mạo trong công tác, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文