Khi gameshow âm nhạc đa nền tảng chiếm sóng thị trường
Trong năm 2024, bên cạnh hàng loạt sản phẩm âm nhạc, liveshow mới, sự xuất hiện của chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng pha tái xuất của “Rap Việt” mùa 4, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” mùa 2 vào tháng 10 vừa qua đang khiến vụ mùa gameshow nhạc Việt trở nên vô cùng sôi động, bội thu.
Món ăn tinh thần hấp dẫn và mới mẻ
Nếu các gameshow thông thường quy tụ từ 5 đến 10 nghệ sĩ thì “Anh trai say hi” là chương trình đầu tiên có sự góp mặt của 30 nghệ sĩ trẻ nổi bật. Không kém cạnh, “Anh trai vượt ngàn chông gai” sở hữu dàn khách mời đình đám với 33 anh tài trên 30 tuổi từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Gameshow “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” cũng là nơi quy tụ những nữ nghệ sĩ, vận động viên, doanh nhân nổi tiếng, tài năng từ 30 tuổi. Chương trình gặt hái thành công rực rỡ ở mùa 1 khi chạm mốc tổng 5,2 tỷ lượt xem cho mọi hashtag liên quan, trên tất cả các nền tảng và top 1 Rating VTV hàng tuần sau 15 tập phát sóng. Thậm chí, dù đã kết thúc từ tháng 2/2024, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” vẫn nắm giữ vị trí top 1 gameshow được thảo luận nhiều nhất mạng xã hội trong 5 tháng đầu năm 2024 với hơn 448.000 thảo luận.
Trong khi đó “Rap Việt” mùa 3 từng để lại dấu ấn mạnh mẽ khi nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả với hơn 14,5 tỷ lượt xem (số liệu được tổng hợp từ VieON, YouTube, Facebook, TikTok); phá đảo thành tích nhạc số khi vượt con số 1 triệu người nghe hằng tháng,… Tuy nhiên, với luật chơi mới ở “Vòng chinh phục” bao gồm “Khóa vàng” và “Lựa chọn đầu tiên - First choice”, “Rap Việt” mùa 4 vẫn chưa thực sự bùng nổ, tạo được sức hút và gây sốt mạng xã hội như ở mùa 3.
Điểm chung của các gameshow truyền hình kể trên là đều có sự tương đồng nhất định về format, và bước vào trận chiến đối đầu cùng nhau trên “đường đua âm nhạc” đa nền tảng. Cùng lên sóng vào “khung giờ vàng” vào tối thứ 7 hàng tuần ở các kênh truyền hình (VTV3, HTV, HTV2, Vie GIẢITRÍ); mạng xã hội (YouTube), ứng dụng (VieON, Onlala)... bên cạnh format, sự đổi mới trong phát sóng cũng góp phần giúp các gameshow âm nhạc tiếp cận, phủ sóng nhiều tệp khán giả hơn.
Từ phần trình diễn của các nữ thần tượng ở “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” mùa 1 (28/10/2023 - 3/2/2024) đến màn tranh tài cuốn hút của các anh trai ở “Anh trai say hi” (15/6 - 14/9/2024) và “Anh trai vượt ngàn chông gai” (29/6 - 19/10/2024); từ màn tái xuất của các rapper trẻ tiềm năng ở “Rap Việt” mùa 4 (phát sóng từ 21/9/2024) đến cuộc hội ngộ của các “chị đẹp” đa tài ở “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” mùa 2 (phát sóng từ 26/10/2024), tất cả cùng mang đến cho khán giả những “món ăn tinh thần” hấp dẫn và mới mẻ, sôi động và hoành tráng trong những màn tranh tài ca hát, vũ đạo được đầu tư công phu. Từ đó, góp mình vào dòng chảy âm nhạc đa sắc và sôi động của thị trường nhạc Việt.
Ca khúc thịnh hành nhờ tạo được chất riêng
Nếu trước đây, trường hợp gameshow ca nhạc dựa vào “drama”, “chiêu trò” để tăng sức cạnh tranh nhằm lôi kéo, giữ chân khán giả diễn ra thường xuyên, thì nay cuộc chơi đã vận hành theo quy luật khác. Khi chất lượng âm nhạc, sự sáng tạo, nỗ lực của nghệ sĩ, quy mô sân khấu, độ “chịu chi” của các nhà sản xuất, nhà đầu tư… mới là điều thực sự được coi trọng và quan tâm. Theo các nhận định của giới chuyên môn, để thành công trong một lĩnh vực liên tục có sự thay đổi như thị trường giải trí, các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn phải tạo ra được nhiều yếu tố bất ngờ, trong đó âm nhạc luôn là yếu tố tiên quyết.
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các tiết mục biểu diễn tại chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai 2024” đều đạt thứ hạng rất cao trên bảng xếp hạng “Âm nhạc thịnh hành” YouTube Việt Nam. Nếu “Anh trai say hi” ra mắt khán giả Việt với format “made in Vietnam”, quy tụ 30 nam nghệ sĩ trẻ trung, tài năng của làng nhạc Việt và sử dụng 100% các ca khúc mới trên sân khấu trình diễn, thì 33 anh tài ở sân khấu “Anh trai vượt ngàn chông gai” lại mang đến tinh túy âm nhạc từ “bình cũ rượu mới” khi làm sống dậy những ký ức xưa, những bâng khuâng cũ, những nỗi niềm ngỡ đã chìm vào lãng quên qua các ca khúc quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả bằng sự sáng tạo muôn màu ở phần thi cá nhân lẫn phần trình diễn nhóm.
Có thể thấy, hầu hết các bản hit trong “Anh trai say hi” đều là các bản nhạc pop, dance, ballad, EDM kết hợp lời tiếng Anh với tư duy âm nhạc hiện đại để dễ dàng tiếp cận khán giả trẻ, đặc biệt là Gen Z. Trong đó nhiều khán giả trẻ đã phát cuồng với các màn biểu diễn của HIEUTHUHAI, Dương Domic, Quang Hùng MasterD, Isaac, Rhyder… Sự biến hóa và sáng tạo của “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng được thể hiện rõ qua màn trình diễn ca khúc “quen” trong những bản phối mới. Tiết mục “Trống cơm” được NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven trình diễn đã “khoác áo mới” cho tác phẩm và chinh phục được nhiều tệp khán giả là một điển hình. Hậu chương trình, cả 2 gameshow đều tổ chức concert quy mô lớn. Ngay sau khi mở bán vào sáng 12/11, concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” Hà Nội chính thức cháy vé chỉ trong 40 phút.
Tái xuất khán giả, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” mùa 2 với chủ đề “Hoa trong mắt bão” quy tụ 30 nữ nghệ sĩ, vận động viên, doanh nhân nổi tiếng, tài năng. Ngoài tên gọi mới, đội ngũ sẽ giới thiệu các ca khúc được sáng tác ở mỗi buổi công diễn cùng sự trở lại của những ca khúc cũ trong màu áo mới.
Một cuộc chơi mới, một “diện mạo” mới
Trước đây, sức hút của các gameshow âm nhạc chủ yếu dựa vào lượt xem trên truyền hình. Nhưng giờ đây, với mạng xã hội, sức hút của mỗi nghệ sĩ tại gameshow vừa nhanh chóng, mạnh mẽ, vừa gần gũi, lan tỏa chỉ sau một khoảnh khắc, một video. Sự thay đổi cuộc chơi và thị hiếu khán giả buộc nhà sản xuất phải lắng nghe và làm mới mình, từ đó trình làng các gameshow âm nhạc hấp dẫn, chất lượng.
Nhờ format đặc biệt này, loạt ca khúc xuất hiện cách đây 10, 20 năm được các “anh tài”, “chị đẹp” gửi đến khán giả với một hình ảnh mới đậm chất riêng, nhưng vẫn hợp thị hiếu và không mất đi giá trị ban đầu của tác phẩm.
Vượt xa một gameshow giải trí đơn thuần với phần trình diễn mãn nhãn từ những cá nhân nổi bật, “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay gần đây nhất là “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” mùa 2 còn mang câu chuyện về tình yêu nghệ thuật, về nỗi lòng người nghệ sĩ sau ánh đèn. Đây chính là yếu tố khiến các chương trình truyền hình thực tế thu hút đông đảo sự quan tâm ngay từ thời điểm mới ra mắt đến sau khi kết thúc. Như một chiếc kính đa chiều, chương trình truyền hình thực tế giúp khán giả có cơ hội nhìn sâu vào hành trình theo đuổi nghệ thuật của các nghệ sĩ - điều mà các chương trình giải trí trước đây thường bỏ qua.
“Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” mùa 2 là một gameshow hội tụ nhiều nghệ sĩ vừa tài năng, vừa độc đáo. Ở đó, có sự chịu chơi, lăn xả hết mình cho các phần thi của các chị đẹp, có các tiết mục mãn nhãn xuất thần, có những khoảnh khắc hậu trường hài hước, có cả những nỗi sợ, những câu chuyện rất riêng trong hành trình theo đuổi đam mê. Để sau ánh đèn sân khấu là những bức tranh đa chiều về giới showbiz và cuộc sống dung dị của mỗi con người.
Bên cạnh cột mốc đầy ấn tượng trong các bảng xếp hạng đa nền tảng, hiệu ứng từ những concert bắt nguồn từ các gameshow ăn khách còn là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp văn hóa, chứng minh cho sự thay đổi trong việc thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật của khán giả Việt. Thế nhưng các gameshow mới tiếp tục tạo được thành công hay chỉ là màn pháo hoa chóng vội còn phụ thuộc vào sự nỗ lực đổi mới “diện mạo” của nhà sản xuất và nghệ sĩ Việt trong tương lai.