Kia
Mobifone

Khi tuồng "đối thoại" với nhạc Vinahouse

Thứ Sáu, 09/08/2024, 16:56

Nhằm đưa công chúng tiếp cận với di sản sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo, vở diễn “Đối diện với vô cùng” - dự án hợp tác của Nhà hát Tuồng Việt Nam với “Lên ngàn” là sự pha trộn hài hòa giữa vũ đạo, âm nhạc đương đại với các chất liệu nghệ thuật tuồng.

Khoác áo mới cho nghệ thuật tuồng

Khi lên ý tưởng cho vở diễn mới này, thử thách của các nghệ sĩ là tìm ra điểm giao thoa giữa tuồng và nhạc Vinahouse. Dưới góc nhìn của Nguyễn Quốc Hoàng Anh, cả hai loại hình nghệ thuật này đều đạt đến sự xuất thần. Nghệ sĩ vào vai trong vở tuồng, họ như bước vào hành trình tìm về thân phận con người thông qua vai diễn. Còn khi nhảy múa trong điệu nhạc của Vinahouse, người ta sẽ xóa nhòa khoảng cách và nhập hồn vào điệu nhạc. Nguyễn Quốc Hoàng Anh cùng nhóm nghệ sĩ táo bạo lựa chọn đối diện với nó: “Chúng tôi muốn nhìn vào điểm tận cùng - sự vô hạn của đời sống, đặt nó ra phía trước để đối diện với những khái niệm của truyền thống”.

Khi tuồng
Một cảnh trong vở diễn "Đối diện với vô cùng". Ảnh: Tuấn Đào

Trong tác phẩm “Đối diện với vô cùng”, mỗi nhân vật đại diện cho bốn phương theo quan niệm phương Đông và mang phong cách thẩm mỹ tín ngưỡng được tưởng tượng hóa; điều đó tạo ra sự ấn tượng không chỉ về mặt ý nghĩa mà còn ở giá trị phản chiếu. Mỗi màu sắc đều có ý nghĩa biểu tượng của nó.

Các nghệ sĩ được tự do đi vào tiềm thức, những phẩm chất siêu thực và ký ức sâu sắc về văn hóa địa phương, đồng thời mỗi phong cách của các cá nhân luôn dựa trên cái bóng của hình ảnh truyền thống, điều này đưa các nghệ sĩ đến một sự nhận thức khác về di sản - có liên quan nhưng cũng rất xa với nó.

Trong "Đối diện với vô cùng", nhân vật chính là "Cái Tôi" trải qua sự do dự, bất lực, đau đớn và sợ hãi trước cái chết và cuối cùng chọn đối diện với sự hữu hạn của đời sống, nâng tầm cuộc sống của mình vượt ra ngoài mục đích vật chất, từ đó tìm ra giá trị mới cho sự tồn tại. Truyền tải những ý tưởng trừu tượng dưới hình thức biểu diễn trên sân khấu múa đương đại là một thách thức. “Tôi đã hợp tác với biên đạo múa Tú Hoàng để cố gắng kết hợp một số yếu tố từ nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt, các động tác nhân vật điển hình từ nghệ thuật tuồng và một số biểu tượng nhất định từ triết học phương Đông vào các điệu múa và hình ảnh của tác phẩm”, Hoàng Anh chia sẻ.

Âm nhạc cũng là một điểm nhấn thú vị của vở diễn khi các nghệ sĩ tạo ra một không gian mới trên chất liệu của tuồng. Tác phẩm kết hợp những bản nhạc gốc của âm nhạc truyền thống Việt (có một số ảnh hưởng từ dân gian) với các sáng tác mới lấy cảm hứng từ âm nhạc của nghệ thuật tuồng; các yếu tố âm thanh của nhạc tôn giáo, âm nhạc thể nghiệm và đặc biệt là chất liệu từ văn hóa đại chúng: Vinahouse. Bằng cách kết hợp khéo léo các yếu tố nghệ thuật của thẩm mỹ phương Đông, các nghệ sĩ mong muốn truyền tải các giá trị cuộc sống bản địa và khám phá một góc nhìn hoàn toàn mới về "cảm giác sinh tồn" trong xã hội đương đại để trình bày đến khán giả.

Nghệ sĩ Hoàng Anh cho biết: “Tác phẩm vũ đạo này sẽ được biểu diễn dưới hình thức đa dạng và các nghệ sĩ múa khác nhau mang đến những bản sắc khác nhau về sự đối diện với điều vô thường trong đời sống: cái chết. Đối với tôi, điều mạnh mẽ nhất là âm thanh; nó mạnh mẽ đến mức tạo ra sự kết nối khiến chúng ta phải nghĩ đến sức mạnh bên trong cơ thể chúng ta”.

Cách tiếp cận của Hoàng Anh với không gian âm thanh mang lại sự tương phản trong nguồn năng lượng của sân khấu: “Nó phải là thứ gì đó đến từ Việt Nam trong phương Đông của thì hiện tại - cách chúng ta nhìn nhận sự sống và cái chết”, anh giải thích.

Đối với biên đạo múa Tú Hoàng, điều anh thực sự chú ý là biểu hiện về chuyển động vũ đạo của múa dân gian và nghệ thuật truyền thống. Với cách tiếp cận “tối giản và tối đa” từ chất liệu vũ đạo tuồng, Tú Hoàng có nhiều phương pháp để làm cho mọi chi tiết tạo ra ý nghĩa biểu tượng từ những chuyển động mang tính chất đặc thù của các chất liệu di sản.

Đạo diễn sân khấu Hà Nguyên Long chia sẻ: "Tính tối giản trong thiết kế bối cảnh của “Đối diện với vô cùng” hy vọng mở ra không gian rộng lớn hơn cho trí tưởng tượng và chuyển động vật lý cũng như các ẩn dụ. Tôi đã tạo ra những chiều không gian có tính tầng lớp trên sân khấu; nhưng nó có nghĩa là một cái gì đó biệt lập, mỗi không gian là điểm chạm cao nhất của con người: gọi là “không gian của cái thần”.

Khi tuồng
"Đối diện với vô cùng" kết hợp hài hòa giữa vũ đạo, âm nhạc đương đại với các chất liệu nghệ thuật tuồng. Ảnh: Tuấn Đào

“Đối diện với vô cùng" hình dung lại khái niệm sinh tồn thông qua các triết lý, biểu tượng và thẩm mỹ tâm linh của phương Đông. Tác phẩm cũng phản ánh tham vọng nghệ thuật của nhóm sáng tạo trong việc trau chuốt hơn nữa “tiếng nói” nghệ thuật của các nghệ sĩ trong bối cảnh đa văn hóa bằng cách đưa ra cách diễn giải của chính họ về cảm giác với sân khấu tuồng, thể loại sân khấu mang tính hàn lâm nhất trong nền nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Tiếp cận khán giả đương đại

Giới trẻ ngày nay không dễ dàng yêu thích, tiếp cận với nghệ thuật truyền thống, thậm chí họ thấy nghệ thuật truyền thống khá xa lạ. Nhiều bạn trẻ còn mông lung về loại hình nghệ thuật tuồng, thậm chí còn nhầm lẫn giữa tuồng và chèo. Điều đó cũng có lý bởi không gian sống và tư duy của người trẻ bây giờ đã khác. Vậy, có cách nào để đưa truyền thống vào dòng chảy hôm nay? Điều đó thôi thúc các nghệ sĩ trẻ sáng tạo, tìm kiếm một ngôn ngữ biểu đạt mới, để giúp các môn nghệ thuật này dễ dàng đến được với công chúng.

Có thể kể một vài cái tên như ca sĩ Hà Myo đã đưa xẩm, dân ca Mường kết hợp với Rap, âm nhạc điện tử nhằm thu hút khán giả trẻ. Hay chuỗi dự án “Dệt nên triều đại” của Việt Nam central với đa dạng thể loại từ ấn phẩm, trình diễn đến triển lãm. Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cũng chia sẻ hành trình tìm kiếm những sáng tạo mới trên chất liệu bản địa bằng một loạt dự án và mới đây nhất là sự ra đời của ban nhạc Thiên Thanh do anh làm giám đốc âm nhạc.

“Lên ngàn” với khởi xướng của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh cũng đi theo tinh thần đó, thể hiện rõ trong các dự án và tác phẩm của các nghệ sĩ khi cộng tác cùng ở mảng âm nhạc đương đại thể nghiệm và sân khấu, cho dù đó là cuộc phiêu lưu của các chất liệu dân gian như “Âm thanh sắc màu” (2019), phát triển nền tảng sân khấu biểu diễn từ nghệ thuật tuồng như “Cõi thinh không” (2020), sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc thể nghiệm với “Thanh cảnh” (2023) hay gợi nhớ ký ức mang tính sử thi bi hùng như “Vọng âm” (2023)... và mới đây nhất là “Đối diện với vô cùng”.

Hoàng Anh chia sẻ, khi cùng các nghệ sĩ xây dựng “Lên ngàn” mong muốn tạo ra một không gian cởi mở mang tính thử nghiệm trong việc phát triển các chất liệu di sản hơn là việc dừng lại ở sự pha trộn với những chất liệu âm nhạc, nghệ thuật phương Tây với nhạc cụ, giai điệu Việt Nam. Một trong những công việc có đóng góp cụ thể của “Lên ngàn” nằm ở phát triển những chất liệu truyền thống với những ngôn ngữ đương đại. Theo anh, tương lai của “giải trí” cũng như con đường ra với thế giới sẽ hướng về tinh thần càng địa phương sẽ càng quốc tế. Đó cũng là con đường bền vững để phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Điều đáng mừng là giới trẻ đã bắt đầu tiếp cận và yêu thích nghệ thuật đương đại. 2/3 khán phòng nhà hát tuồng trong 3 đêm diễn “Đối diện với vô cùng” là những khán giả trẻ mà ngày nay chúng ta hay gọi họ bằng cái tên GenZ. Họ xem một cách thích thú, say mê. Đêm diễn kết thúc mà khán giả vẫn không chịu ra về, những tràng pháo tay không ngớt. Điều đó cho thấy, bước đầu, vở diễn đã chạm đến cảm xúc của người xem.

Đây cũng là dự án nằm trong chương trình phát triển khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam với chuỗi sự kiện hướng công chúng vượt ra ngoài giới hạn nghệ thuật quen thuộc và tiếp cận với di sản sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo hơn.

Việt Hà

.
.