Mang tinh thần múa rối vào tranh chân dung

10:19 24/03/2023

Những ngày giữa tháng 3, NSƯT Chu Lượng (nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long) đã ra mắt cuốn sách và triển lãm cùng tên "Từ chân dung đến chân dung: Những người đàn bà tôi vẽ". Vẽ tranh chân dung nhưng ông đã mang tinh thần múa rối - nghề mà ông đã theo đuổi suốt cuộc đời - vào bức tranh để tạo nên nét đặc sắc và sự khác biệt.

Vẽ chân dung phụ nữ chính là tôn thờ phái đẹp

7 năm sau triển lãm "Chu Lượng và những người bạn", NSƯT Chu Lượng trở lại với triển lãm cá nhân vẽ tranh chân dung. Khác với lần trước là vẽ về "cánh mày râu", lần này ông đã vẽ về những người phụ nữ mà mình từng quen biết trên đường đời. Ông cảm thấy vui và hạnh phúc khi được tôn vinh vẻ đẹp của những người phụ nữ qua những bức tranh chân dung. Ông cảm ơn họ đã cho ông thật nhiều cảm xúc để ông thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn, đáng yêu hơn.

NSƯT Chu Lượng ký tặng sách cho bạn bè.

Ông cũng thật sự biết ơn sự an bài của tạo hóa đã cho ông chút năng lực để cảm nhận, để gặp gỡ, để thể hiện những vẻ đẹp ấy bằng chính phương tiện hữu hiệu nhất của nghệ thuật hội họa, là màu sắc, đường nét, hình khối, bố cục… và cả những gì không lời, không ngôn từ nằm đằng sau những yếu tố hội họa kia.

Ông cũng tâm sự rằng, cứ mỗi lần vẽ xong một nhân vật, ông thấy mình như đã vượt qua được ngọn đèo, con dốc của chính mình. Và khi chia tay với những bức tranh đó, ông cũng thấy bùi ngùi, bịn rịn như chia tay với người mình yêu, cảm giác như thời mình còn thanh niên, xúc động vì rung động triền miên cùng cảm giác mãnh liệt mang khuynh hướng tôn thờ. Có một trường hợp khá thú vị là khi ông vẽ xong hai bức cho một nhân vật thì cô ấy đề nghị ông vẽ thêm một bức thứ ba, không được vẽ mặt nữa mà phải vẽ từ phía lưng. Vẽ mặt thì dễ nhận ra nhưng vẽ lưng mà mọi người vẫn phải nhận ra quả là hóc hiểm. Thật may cho ông, khi mang bức thứ ba đến, mọi người ở cơ quan và những người quen đều nhận ra cô ấy từ phía sau qua bức tranh mà ông vẽ. Rồi ông quả quyết: "Vẽ phụ nữ chính là tôn thờ, bởi khi ta tôn thờ, ánh sáng từ họ sẽ tỏa ra từ tất cả mọi hướng, dù xung quanh có là đêm tối, ta vẫn vẽ đẹp được họ, như chính họ luôn từng thế trong cuộc đời".

Vẽ cái ''bên trong'' của nhân vật

NSƯT Chu Lượng cho rằng, vẽ chân dung, đặc biệt là đề tài phụ nữ bao giờ cũng hấp dẫn giới nghệ thuật. Ông là người "tay ngang" khi gắn bó nhiều năm với nghệ thuật múa rối nước và muốn chạm thử đến đề tài này một lần xem sao. Khai thác đề tài phụ nữ không chỉ là giản dị mà còn là ẩn số, kể cả những họa sĩ lớn nhất thế giới cũng chưa thể giải mã được. Ban đầu ông chỉ dám vẽ về những người quen biết. Sau khi đăng một số bức chân dung lên Facebook, nhiều người đã chủ động tìm đến họa sĩ để bày tỏ được làm nhân vật trong tranh của ông.

"Tôi vẽ người phụ nữ trên tinh thần của nghệ thuật múa rối nước, vẽ họ trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất, khi vẽ rối nước cũng như vậy. Người phụ nữ phải lo toan rất nhiều việc, biết bao nhiêu mối quan hệ nên làm toát lên vẻ đẹp nội tâm của họ thực sự khó. Tôi không vẽ hình hài bên ngoài mà vẽ nội tâm, mong muốn, khát vọng của nhân vật", ông nhấn mạnh.

NSƯT Chu Lượng chia sẻ về các bức tranh trong triển lãm "Từ chân dung đến chân dung: Những người đàn bà tôi vẽ".

Mỗi bức tranh chân dung mà Chu Lượng vẽ là một câu chuyện thú vị. Ông đã đặt tên những bức tranh của mình bằng một cái tên rất gợi, rất nên thơ. Như bức "Cuối thu" ông vẽ một người phụ nữ miền Trung có nhiều năm làm trong ngành văn hóa của Thủ đô và rất yêu Hà Nội. Ông đã vẽ nhân vật đang dạo bước trên con phố dưới những hàng cây xanh mát bởi theo tâm sự của nhân vật thì, "Đặt chân lên mảnh đất nghìn năm văn hiến vào một ngày cuối thu, trong tôi đầy xúc động, đầy ngỡ ngàng trước những vẻ đẹp của cảnh quan và con người Hà Nội. Những năm còn là sinh viên, những con đường, góc phố đã đầy ắp những kỷ niệm".

Rồi bức ông vẽ nghệ sĩ chèo Lan Anh trong sự hoài niệm về ngày còn nhỏ, mỗi lần được người cha đèo trên chiếc xe đạp sang Hà Nội, qua cầu Long Biên rồi đến Ô Quan Chưởng vào chợ Đồng Xuân… Ông vẽ đạo diễn Việt Tú về một nỗi nhớ khi về làm dâu trên con phố Nhà Thờ trong bức "Phố nhà chồng". Không chỉ vẽ về những nghệ sĩ, ông đã vẽ chân dung nữ doanh nhân. Thế nhưng, ông đã không vẽ về đời sống với những khắc nghiệt và khó khăn trong đời sống thương trường của họ mà hướng đến sự mộng mơ, vẽ về cái bên trong của nhân vật, như trong bức "Nhớ về bản Lướt Sơn La".

Triển lãm của tâm hồn Việt Nam

Đồng hành cùng NSƯT Chu Lượng trong cuộc rong chơi hội họa luôn có các thành viên trong nhóm "Nhân sĩ Hà Đông". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng nhóm "Nhân sĩ Hà Đông" kể: "Mỗi khi vẽ xong một bức chân dung người phụ nữ nào đó là Chu Lượng lại mời chúng tôi tụ tập ở quán cà phê để mang tranh đến cho chúng tôi xem, bàn luận rồi về vẽ tiếp. Có những bức tranh tôi thấy đã hoàn thành nhưng Chu Lượng vẫn trầm tư nói "chưa phải người ấy". Chưa phải người ấy không phải là vẽ không giống người ấy về dáng vẻ bên ngoài mà là "con người" bên trong người ấy chưa hiện ra đầy đủ nhất. Thế là Chu Lượng lại mang tranh về, nhìn họ trong đêm như đang đối thoại với họ. Rồi Chu Lượng thao thức, dày vò và tiếp tục "đi tìm" con người của người ấy".

Đánh giá về những tác phẩm chân dung của NSƯT Chu Lượng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: "Các họa sĩ ai mà chẳng vẽ về chân dung, ít nhất về chân dung của chính mình. Nhưng khi Chu Lượng vẽ chân dung thì tôi nhận ra một tinh thần khác. Việc Chu Lượng chọn đề tài vẽ về những người phụ nữ, đây là một thách thức. Người phụ nữ nào muốn Chu Lượng vẽ đều mong ước nhan sắc của họ vĩnh hằng trên đường nét và màu sắc của Chu Lượng. Chu Lượng như thấu hiểu điều đó. Chu Lượng không bỏ sót bất cứ điều gì làm nên vẻ đẹp nhan sắc họ. Nhưng trong sâu thẳm, Chu Lượng dày công đi tìm một vẻ đẹp khác của họ-vẻ đẹp người".

Cũng là một người bạn, người anh rất thân thiết trong nhóm "Nhân sĩ Hà Đông", nhà thơ Lương Tử Đức đánh giá Chu Lượng là hiệp sĩ của cái đẹp: "Chu Lượng đã vẽ các "tiên nữ" bằng tinh thần hiệp sĩ. Ông chiến đấu với thời gian, với khó khăn nhọc nhằn của cuộc sống để ngăn lại, để chặn lại sự phôi pha nhan sắc, hao mòn ước mơ của những người đàn bà ở thế gian này. Hơn 40 bức chân dung Chu Lượng vẽ cho triển lãm này, hầu hết chị em không còn thời thiếu nữ. Họ đã trở thành những người đàn bà hoàn hảo, hoàn mỹ. Họ đã thấu trải cuộc đời và kết tinh những gian lao để có những nhan sắc lộng lẫy và tinh thần sang trọng, nhưng độ trong sáng thuần hậu, lấp lánh của mỗi người dường như vĩnh viễn, trẻ trung, đằm thắm".

Có mặt tại buổi khai mạc triển lãm, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: "Nếu tôi không nhầm thì triển lãm "Những người đàn bà tôi vẽ" là triển lãm đầu tiên ở Việt Nam vẽ những người phụ nữ. Độc đáo và đầy bản sắc. Qua triển lãm này, người xem không chỉ thấy được tài năng hội họa của Chu Lượng, một nghệ sĩ tài năng về múa rối mà còn thấy được tấm lòng của anh đối với phụ nữ Việt Nam mà anh từng gặp trong cuộc đời. Những bức tranh phụ nữ Việt Nam mỗi người một vẻ, bình dị, duyên dáng, kiêu sa, đầy tính cách trong triển lãm này là một cống hiến đáng quý của Chu Lượng cho đời sống văn hóa nghệ thuật. Đây là triển lãm của cái đẹp, của tâm hồn Việt Nam".

Ngô Khiêm

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trao Huân chương Chiến công hạng Ba tặng Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an Đà Nẵng về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả quy mô lớn.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 3/1 thông báo gia hạn thêm một tuần đối với việc kiểm tra tất cả 101 máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không nước này khai thác, trong bối cảnh cơ quan chức năng bắt đầu trục vớt xác máy bay của Jeju Air sau thảm họa hàng không xảy ra cuối tháng 12. 

Ngày 2/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với với Công an huyện Mèo Vạc, Đồn Biên phòng Xín Cái, tỉnh Hà Giang; Công an huyện Quảng Nam và huyện Phú Ninh, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiến hành giải cứu thành công một người phụ nữ ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sau 6 năm bị lừa bán.

Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) về tội "Hành hạ người khác".

Ngày 3/1/2025, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của các đối tượng khác trong đường dây để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文