Nghệ sĩ đàn bầu Nương Chiều: Vô ngôn nhưng không vô danh

08:37 19/05/2022

Giới nghệ sĩ đàn dân tộc đang sung sức hiện nay đều rất biết chị bởi tiếng đàn bầu của chị thật ngọt ngào, sâu lắng, chạm được vào đáy sâu của trái tim người nghe. Người ta còn biết đến chị bởi chị có cái tên thật độc đáo, dễ thương, ấn tượng, rất phù hợp với tính cách, dáng người: Nguyễn Nương Chiều. Tên này nếu vang lên cả 3 tiếng thì không thể có người thứ hai trùng lặp.

Chuyện kể rằng lúc đầu, người ta đều viết tên chị là Triều chứ không viết Chiều khiến chị phải mất thời gian đính chính. Khi biết rõ là Ch chứ không phải Tr, có chỗ còn hiểu là Nuông Chiều khiến chị phải kêu lên: “Khổ! Ai lại đặt tên kỳ như thế”. Không ít người muốn biết đầu đuôi thế nào mà lại có cái tên quá lạ như vậy, chị cho biết mình có người cha rất thích bài hát “Nương Chiều” của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. “Chiều ơi! Lúc chiều về nhuộm nắng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, hỡi chiều!...”.

Nghệ sĩ đàn bầu Nương Chiều.

Người cha của chị thời trẻ hát hay. Khi chưa lấy vợ, gặp cô nào xinh đẹp và thích nghe ông hát, ông đều hát bài này. Trong số những bóng hồng đó, có một người cứ luôn muốn nghe đi nghe lại. Thế là ông đã kết tóc và người đó chính là mẹ chị.

Có người quanh năm ngày tháng chỉ sống ở thành phố, không bao giờ biết đến nông thôn và miền núi hỏi chị: “Nương Chiều nghĩa là thế nào?”. Chị phải giải thích: “Thứ nhất, là buổi chiều ở trên nương rẫy. Buổi chiều trên nương qua sự miêu tả của Phạm Duy thì rất đẹp, nên thơ. Thứ hai: Cha tôi muốn dành sự nương nhẹ, vỗ về, chiều chuộng tôi và muốn nhắc tôi khi lớn lên hãy luôn xứng đáng với cái tên ấy: Nữ tính, nhẹ nhàng, e ấp. Ông rất dị ứng với những ai là nữ mà có tính cách đàn ông”.

Quả là nghệ sĩ đàn bầu Nương Chiều có nhiều cái độc đáo mà không nhiều người biết. Năm lên 7 tuổi, chị được cha cho theo học đàn bầu NSND Thanh Tâm - giảng viên Nhạc viện Hà Nội (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ngày nay). Chị thi đỗ vào đây. Sau 10 năm theo học, chị tốt nghiệp xuất sắc, tất cả các môn đều đạt điểm tối đa.

Năm chị lên 8 tuổi, một lần cố nhạc sĩ Lê Yên đến chơi nhà bỗng nghe được mấy bài hát viết cho tuổi mầm non do chị sáng tác. Lúc này cha chị đi công tác xa dài ngày. Tác giả “Bộ đội về làng” rất thú vị, bèn giới thiệu chị trên Báo Hà Nội mới và Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi người cha về, nghe Lê Yên nói lại, đã không tin con mình có thể sáng tác được như vậy và nghĩ vị nhạc sĩ nổi tiếng đã chỉnh sửa, nâng cao vì thấy có giai điệu hay, kết cấu bài hát rất gọn gàng, hợp lý, nhưng Lê Yên khẳng định là không sửa một chi tiết nhỏ nào. Lúc này, Nương Chiều đã vào học năm thứ nhất đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội.

Cô bé 8 tuổi phát triển năng khiếu rất nhanh, đã đánh được nhiều bài mà nhiều người phải năm thứ 2, thứ 3 mới vượt qua được. Ngày ấy, người ta đã chú ý đến một bé gái vừa đánh đàn bầu hay lại vừa sáng tác được ca khúc. Thế là chương trình phát thanh “Gửi đồng bào ở xa Tổ quốc” của Đài Tiếng nói Việt Nam đã giới thiệu cho cô bé một chương trình 30 phút, gây hiệu ứng tốt cho thính giả Việt kiều.

Vừa học đàn bầu, vừa học văn hóa, lại phải giúp mẹ chăm sóc hai em nhỏ trong khi người cha luôn phải đi công tác xa nên Nương Chiều đã không thể tiếp tục sáng tác mà chỉ có thể tập trung cho việc học đàn bầu. Và cô đã không trở thành nhạc sĩ sáng tác mà thành nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu.

Mặc dù tốt nghiệp đàn bầu loại xuất sắc, là niềm hy vọng lớn của các giảng viên đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được Đài Tiếng nói Việt Nam mời về làm việc tại Đoàn Ca nhạc dân tộc nhưng Nương Chiều đã gặp rắc rối. Số là lúc này tại Đoàn đã có một người nữa cũng học đàn này ra. Thế là chị phải chấp nhận đánh đàn khác.

Và chị nhanh chóng sử dụng đàn tứ bát, mặc dù không được học một giờ nào. Sự đời tế nhị, có những điều tuy vô lý nhưng xem ra lại có vẻ thuận tình. Người giỏi không được chơi nhạc cụ được học chỉ vì về đoàn sau. Và cái nhẽ “trước, sau” ở đây đã phải được ưu tiên hàng đầu, đặt lên trên hiệu quả, công việc. Nhưng cũng có lúc thấy chị độc tấu hay, người ta đã thi thoảng để cô thu thanh. Vậy là đã xảy ra cái điều thông thường vẫn xảy ra mà con người không dễ vượt lên được, là sự đố kỵ.

Người nghệ sĩ ngơ ngác trước những điều mà khi ấy còn quá non trẻ đã không sao tự lý giải được. Chị nghĩ 2 cộng 2 phải là 4 chứ không thể là con số khác. Nhưng cuộc đời nhiều khi lại chấp nhận sự vô lý. Chị mang sự dằn vặt, buồn phiền vào từng giấc ngủ, bữa ăn khi nghĩ về nhân tình thế thái. Định chuyển cơ quan, về một đơn vị nghệ thuật khác để được đánh cây đàn sở trường, nhưng Nương Chiều vì không nỡ phụ lòng người lấy mình về làm việc mà cuối cùng đã thôi. Thế là từ đó, chị chỉ đánh đàn bầu theo lời mời biểu diễn ở các nơi, những chương trình của Đài mà trong dàn nhạc, chị chỉ đánh đàn tứ bát. Tất nhiên là chị không thể thỏa được niềm đam mê vì đàn này chỉ để đệm, không phải là nhạc cụ chính trong dàn nhạc dân tộc.

Nghệ sĩ Nương Chiều nói chuyện về đàn bầu tại một lớp học Thiền.

Đó là những ngày tháng Nương Chiều rất buồn. Chị tìm đến Thiền, đến việc tập Yoga và dần lấy lại được sự cân bằng. Nhưng ngọn lửa yêu nghề, yêu cây đàn bầu thì vẫn luôn cháy trong chị, chưa một phút nguội lạnh. Rồi một ngày kia, sau khi đi đánh đàn ở các nơi có rất nhiều người hỏi chị: Đánh đàn bầu có khó không, người không biết gì về nhạc có thể học được không? Chị bỗng nhận ra một điều là có rất nhiều người yêu thích đàn bầu, có nhu cầu muốn chơi. Và chị trỗi dậy ý nghĩ sẽ mở lớp dạy đàn bầu cho những ai yêu thích thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội.

Nghĩ là làm. Lúc đầu chị dạy không thu học phí, chỉ muốn quảng bá cây đàn dân tộc vô cùng độc đáo để mọi người cùng yêu thích. Chỉ sau một thời gian ngắn mở lớp đã có rất nhiều người đăng ký học, từ những bé mới 6-7 tuổi đến các cụ già ngoài 70. Nhưng chị thấy nhiều người lúc đầu háo hức, sau bỏ giữa chừng, nguyên nhân bởi học không mất tiền, họ đã không ý thức được giá trị của mỗi buổi học, mỗi bài tập chị ra. Thế là chị tiến hành thu phí với mức để người nghèo cũng có thể tham dự. Quả nhiên, tình hình khác hẳn. Không ai bỏ dở và đến học rất đúng giờ, trả bài chu đáo.

Nếu bạn mở YouTube hoặc trang Web có tên “Bài ca đi cùng năm tháng”, gõ tên Vô Thanh sẽ thấy rất nhiều hoạt động âm nhạc của Nương Chiều gồm biểu diễn đàn bầu, dạy đàn bầu và hát. Vô Thanh là nghệ danh của chị. Cái tên này cũng thật độc đáo. Chị nói rằng mọi người - nhất là giới nghệ sĩ - ai cũng cầu mong nổi tiếng. Tất nhiên tài giỏi, được công chúng mến mộ thì tự nhiên sẽ nổi tiếng. Đó là điều tốt đẹp. Nhưng lại có không ít người tìm mọi cách để đạt được điều này, trong khi tài năng của mình bất cập. Chị sẽ chỉ là người vô thanh (không có tiếng). Nhưng thật thú vị, nếu ai yêu cây đàn độc huyền, yêu ca hát sẽ rất biết Vô Thanh. Chị không học thanh nhạc ra nhưng có giọng hát rất truyền cảm và cách xử lý ca khúc thông minh, đã đến được tận cùng cảm xúc. Nhưng chị rất kén bài, không dễ cất lời hát bất cứ bài nào dẫu tác giả có trả thù lao hậu hĩnh.

Dáng người mảnh mai, nhẹ nhõm mà có sức làm việc phi thường: Biểu diễn, dạy đàn, dạy hát dân ca, thu thanh ca khúc, đi nói chuyện khắp nơi về đàn bầu, về thiền (bên cạnh việc nội trợ của một phụ nữ trong gia đình). Thời gian làm việc của chị dày đặc nội dung suốt từ sáng sớm đến 23 giờ đêm. Vậy mà chị vẫn tràn đầy sinh khí, nội lực. Đó là nhờ mỗi ngày chị để ra 30 phút ngồi Thiền và chạy 2 vòng hồ 7 mẫu (tổng cộng 5km). Mỗi tuần 1 lần chạy quanh Hồ Tây (16 km). Cứ đều đặn như thế, nạp năng lượng vào người để lao động không biết mệt.

Tiếp xúc với Nương Chiều, ai cũng thấy nhẹ nhõm, thanh thản, dễ chịu như cái tên của chị và được truyền năng lượng, cảm thấy cuộc đời an nhiên, không có điều gì phải nặng nề, phiền muộn dẫu có khó khăn ngập đầu và sự thiệt thòi nhiều hơn may mắn.

Thôn Ca

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản “đóng băng”, không lưu thông, hay nằm “phơi sương, phơi nắng” trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Mang cái tên đặc biệt, Võ Thị Nở (SN 1979, không nơi cư trú nhất định) từng có 5 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng ngựa quen đường cũ, Nở vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ móc túi, lấy trộm ĐTDĐ đắt tiền tại khu vực rạp chiếu phim và bệnh viện xung quanh khu vực quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh…

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel và Lebanon đã chấp nhận đề xuất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hezbollah, mở đường cho việc kết thúc gần 14 tháng giao tranh xuyên biên giới đã giết chết hàng nghìn người.

Những tuyên bố gần đây của NATO về khả năng thực hiện các cuộc tấn công “phòng ngừa” nhằm vào Nga đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên, đẩy thế giới đến gần hơn với nguy cơ xung đột trực tiếp.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文