Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Quang Sơn: Trên những chênh vênh

09:31 29/07/2023

Trần Quang Sơn là nghệ sĩ con nhà nòi. Ông ngoại là một nhà nghiên cứu văn hóa, viết chèo và sáng tác thơ. Mẹ là diễn viên múa. Cha của anh từng công tác tại Đoàn nghệ thuật ca múa tỉnh Hà Sơn Bình cũ. Trong cảm thức của Sơn, ông là một hình mẫu của một người nghệ sĩ chân chính.

1. Tôi biết Trần Quang Sơn từ cách đây gần hai mươi năm, khi anh lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, trong một chương trình có khá nhiều những ngôi sao ca nhạc. Khi ấy Sơn vẫn là một ca sĩ gần như vô danh giữa những tên tuổi rất nổi tiếng. Thế nhưng, chàng trai chớm tuổi 20 ấy (Sơn sinh năm 1984), chỉ bằng một tiết mục duy nhất, đã khiến không ít khán giả, trong đó có tôi, phải nhớ vì giọng ca rất lôi cuốn và một phong cách “Hoàng tử Bé” trong trẻo đến lạ lùng…

Rồi bẵng đi một thời gian, nghe nói Sơn “hành phương Nam” tìm đất dụng võ ở thành phố Hồ Chí Minh, vừa với tư cách ca sĩ, vừa như một người sáng tác ca khúc… Vì có nhiều tiếp xúc với nhà báo Trần Nhật Minh (bút danh thơ: Khánh Văn), anh trai của Sơn, nên tôi cũng loáng thoáng biết tin tức về hoạt động của anh trong Nam, nhưng cũng không có nhiều dịp được mừng cho những thành công mới của Sơn… Mọi chuyện đại khái là vẫn ổn, nhưng không có những đột biến như mong đợi…

Rồi cách bây giờ khoảng chục năm, Sơn quay ra Hà Nội và mau chóng gia nhập làng âm nhạc trẻ Thủ đô… Anh đã sáng tác rất nhiều, những tác phẩm tự đặt lời và cả phổ thơ nữa. Anh bươn chải nhiều hoạt động nghệ thuật, vừa để kiếm sống vừa để trau dồi nghề nghiệp. Anh cũng tham gia trình diễn trên nhiều sân khấu, thậm chí đã có lần cùng biểu diễn một chương trình với cả Jimmy Nguyễn…

Anh đã có những ca khúc được quảng bá rộng rãi trên truyền thông, như “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”, năm 2021, được viết trong những vỡ òa cảm xúc vào đêm cơn bão số 8 tàn phá và cướp đi nhiều sinh mệnh đồng bào miền Trung. Ca khúc này đã được thể hiện bởi một dàn sao khá ấn tượng, như một lời nguyện cầu bằng âm nhạc hướng tới thức tỉnh ý thức ăn năn để bảo vệ môi trường, tạ lỗi trước Mẹ Thiên nhiên… Ở thời điểm ấy, công việc có vẻ như đã vào guồng, xuất hiện nhiều thuận lợi cho cuộc sống và sáng tác của Sơn…

Thế nhưng, thật không may, giữa năm 2021, Sơn đã bất ngờ vấp phải một tai nạn rất nặng khi đang đi tìm cảm hứng sáng tạo ngoài đảo Phú Quốc. Và anh bắt buộc phải nằm liệt giường trong một thời gian dài…

Tôi còn nhớ, những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022, tôi nhận được điện mời về quê của Trần Nhật Minh uống rượu Tết. Và vào tới Vân Đình, tôi đã chứng kiến cảnh Sơn nằm bất động trên giường trong ngôi nhà cũ của gia đình. Bác sĩ bắt anh phải như thế một thời gian dài để những phần tổn thương trong cơ thể có điều kiện hồi phục dần. Thế nhưng, dù phải nói với làn hơi rất yếu, anh vẫn toát lên vẻ lạc quan và vẫn chia sẻ những dự định sáng tạo mới… Tôi nghe mà trong lòng vẫn trĩu nặng những ái ngại cho anh vì hiểu, chắc để trở lại như cũ thì Sơn sẽ phải mất nhiều thời gian lắm…

Thật may, với sự nỗ lực của bản thân cộng với những lo lắng, cố gắng của gia đình, đặc biệt là ông anh trai rất tử tế Trần Nhật Minh, không mệt mỏi trong việc tìm thầy, tìm thuốc tốt cho em trai, nên tới đầu năm 2023 này, Sơn đã có thể đi lại bình thường và lại… cầm đàn và hát… Thật vui! Dù giọng anh và phong độ của anh vẫn còn chưa hoàn toàn như trước…

2. Trần Quang Sơn là nghệ sĩ con nhà nòi. Ông ngoại là một nhà nghiên cứu văn hóa, viết chèo và sáng tác thơ. Mẹ là diễn viên múa. Cha của anh từng công tác tại Đoàn nghệ thuật ca múa tỉnh Hà Sơn Bình cũ. Trong cảm thức của Sơn, ông là một hình mẫu của một người nghệ sĩ chân chính.

Sơn kể: “Cha em yêu nghệ thuật, tôn vinh giá trị nhân văn nhân bản của con người. Ông phản đối chiến tranh, cái ác từ khi còn rất trẻ. Chính những góc nhìn ấy đã soi rọi cho mấy anh em em trên đường đời sau này…”. Ở tuổi tứ thập, cha của Sơn, khi đó đang là ca sĩ chính, nhạc công ghi ta của đoàn nhưng đã thôi việc về quê. Sống đời thôn dã, kham khổ và vất vả, đào ao thả cá, trồng rau, nuôi lợn và làm thuốc Đông y, nhưng ông, như Sơn kể, “vẫn dành thời gian sáng dậy từ 4h tập võ, ngồi thiền... và đặc biệt là không ngừng sáng tác âm nhạc, thơ, văn...”.

Cho tới giờ Sơn vẫn nhớ hình ảnh người cha tuổi chưa cao vào những buổi sáng ngồi bên hiên nhà 3 gian cũ, nắn nót với những trang bản thảo sậm màu nâu…. Và đó đã là một ký ức thường nhật hằn sâu vào tâm khảm bốn người con… Sơn kể: “Em nhớ nhất là những đêm hè trăng thanh gió mát, cha trải chiếu bên hiên, pha trà rồi hát cho anh em em nghe những bản nhạc xưa của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh và những bài hát do chính ông sáng tác. Những bài của ông, em đều thích, đặc biệt là :"Ước đến", "Lời trong đêm", hay "Những đồi hoa sim" cha phổ thơ Hữu Loan...”.

Cũng từ khi còn nhỏ, Sơn đã được truyền dạy những kiến thức âm nhạc và chơi ghi ta. Lớn lên, Trần Quang Sơn vào phố theo học NSƯT Quang Phát, NSƯT Mạnh Trung, NSND Trung Đức... Vào Nhạc viện Hà Nội, thoạt đầu Sơn vào học lớp NSND Quang Thọ rồi chuyển sang học của NSƯT Đức Long... Sơn nói: “Mỗi người thầy là một bầu trời, nhưng đối với em, Cha vẫn mãi là Người Thầy lớn nhất cuộc đời!”.

Không chỉ những kỷ niệm về người cha mới giúp Sơn rất nhiều trên con đường sáng tạo sau này. Anh còn nhận được khá dồi dào cảm hứng từ vùng quê Vân Đình. Anh nói với tôi: “Vùng quê Vân Đình đã nuôi dưỡng cả con người, tâm hồn và trí tuệ của em, cho em rất nhiều điều thực sự quan trọng trong đời sống cũng như sáng tác. Ở đó là nơi dòng sông Đáy, sông Nhuệ đi qua, bồi đắp nên những bãi bờ trù phú, những triền sông với ngô khoai, nương dâu, nghề dệt lụa, và những món ăn độc đáo như bún bung lá mơ, vịt cỏ Vân Đình… Tất cả là dữ liệu quý giá trong đời sống và trong sáng tác của em…”.

Ở giai đoạn trưởng thành, khi người cha không còn nữa, Sơn rất may mắn là luôn nhận được sự quan tâm, sát cánh của người anh thi sĩ, Trần Nhật Minh. Sơn kể: “Anh Minh có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống cũng như con đường nghệ thuật của em. Có lẽ một phần bởi anh còn nhiều đau đáu về những gì cha em còn đang thực hiện dang dở… Anh luôn thường nhắc em về những lời dạy của cha, về truyền thống nghệ thuật của gia đình, dòng họ... Và nhắc em phải luôn cố gắng để xứng đáng với Cha, với truyền thống gia đình... Mỗi khi em gặp khó khăn anh đều hết sức giúp đỡ và động viên em vượt qua… như một người bạn tâm tình hơn là một người anh nghiêm khắc…”.

3. Khi tôi hỏi về thời điểm đã là bước ngoặt đặc biệt trong cuộc sống và sáng tác của Sơn, anh đã trả lời: “Đó là ngày lập đông năm 2011. Khi đó em đang ở một nơi xa quê hương, trời trở lạnh sắt se và em thấy nhớ Hà Nội vô cùng. Khi đó tự nhiên giai điệu của ca khúc “Hà Nội lập đông” cứ trào ra. Và chỉ một lúc buổi sáng em viết xong ca khúc đó. Lúc này em nhận ra sáng tác chính là con đường của cuộc đời mình. Từ đây em quyết định đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp. Trước đó em đã từng viết một số bài nhưng chỉ là cảm hứng!”.

Tới nay, Trần Quang Sơn đã là tác giả của hơn 400 ca khúc. Trong đó, những tác phẩm mà anh thấy tâm đắc hơn cả là “Đường lên trời”, “Đường em đi” (phổ thơ Triệu Huệ Quân), "Khúc hát vào Thu” (thơ Hồng Thanh Quang), “Chị” (thơ Khánh Văn - Trần Nhật Minh), “Ước nguyện thiên đường”, “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”, “Sài Gòn sẽ vui” (thơ Nguyễn Đức Hiển)...

Số lượng ca khúc thì đồ sộ đến vậy nhưng ở Sơn, mỗi khi tiếp xúc, tôi đều cảm nhận lúc thì rõ nét lúc thì phảng phất một nỗi buồn chưa thỏa nguyện. Anh tâm sự: “Nỗi buồn để lại trong em đôi khi đến từ những mảnh chắp vá của ký ức đã qua. Không ai được toàn vẹn cả một đời, trọn vẹn tất cả những quãng đời mình đi qua, đặc biệt là tuổi trẻ… Tuổi trẻ dễ sai lầm.. Chính vì vậy, nỗi thất vọng lớn nhất trong cuộc sống của em cho tới thời điểm hiện nay là khi em đã bước qua những tháng ngày gian khó, đôi khi vấp váp, để bắt đầu có những bước thành công trên con đường nghệ thuật thì cha em đã mất, không còn chứng kiến con trai nối tiếp con đường của ông được nữa...”.

Và hơn thế, tôi hiểu rằng Sơn còn buồn vì những dự định sáng tạo vẫn đang tiếp tục nóng bỏng trong lòng trước hành trình nghệ thuật chắc chắn vẫn còn xa hun hút. Với tư cách một người sáng tạo, anh luôn luôn tồn tại và phát triển trên những chênh vênh của giai điệu và ca từ, của những mong muốn ổn định và những đổ vỡ bản năng. Ngay cả những nguyên lý mà anh tuyên ngôn cũng luôn luôn xáo xác bởi sự tự vấn khôn nguôi của một tâm hồn nhạy cảm và rất mong manh trong những va đập với thực tế…

Hướng về tương lai, Trần Quang Sơn chia sẻ: “Sắp tới, em sẽ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm âm nhạc mà em hằng ấp ủ và tham gia các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng, bảo vệ môi trường... Em mong muốn được làm một đêm nhạc của riêng mình cùng với đó ra mắt cuốn tập sách nhạc khoảng gần 500 các ca khúc do em sáng tác, những MV mình đã hoàn thành mà chưa có dịp đưa đến công chúng…”.

Cầu mong cho người nhạc sĩ, ca sĩ tài năng và chân thành này đạt được những mong ước của mình, dù như thông lệ, trong sáng tạo nghệ thuật chẳng thể có gì dễ dàng và luôn xuôi chèo mát mái cả…

Hồng Thanh Quang

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới có 475 tàu cá; trong đó, có 200 tàu trên 15m theo quy định đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thời gian qua các ngư dân có các đội tàu xa bờ đều liên tục phản ánh tình trạng mất kết nối từ thiết bị giám sát hành trình do lỗi hệ thống từ nhà mạng viễn thông.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chiêu trò lừa đảo giả danh, mạo danh đã không còn xa lạ đối với người dùng thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thủ đoạn này đang có dấu hiệu bùng phát. Điều đáng nói là các đối tượng giả danh, mạo danh đã liên tục thay đổi kịch bản, thao túng tâm lý người dùng một cách tinh vi nên vẫn có không ít người dân bị sập bẫy.

Trong khi khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng bị hàng trăm hộ dân kéo tới lấn chiếm, trồng hoa màu, xây dựng nhiều công trình kiên cố thì công tác bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite tại huyện Bảo Lâm đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, một phần vì thiếu đất bố trí tái định canh, định cư cho các hộ trong diện bị thu hồi đất. 

Do thiếu nguồn cung đất san lấp nên nhiều công trình, dự án tại Quảng Nam đang gặp khó khăn, thậm chí là trễ tiến độ. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm nhanh chóng tháo gỡ bài toán nguồn cung đất san lấp phục vụ công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, cả nước xảy ra liên tiếp 5 vụ ngộ độc tập thể với hơn 1.000 người phải nhập viện. Các vụ ngộ độc này chủ yếu xảy ra sau khi sử dụng thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Theo Bộ Y tế, trong quý 1/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 673 người mắc và 6 người tử vong,

Nền nhiệt tại miền Bắc có xu hướng tăng trở lại trong ngày hôm nay, trời nắng về trưa chiều, chiều tối có khả năng mưa dông. Khu vực Nam Bộ nắng nóng, nhiệt độ ở hầu khắp các khu vực đều ở mức từ 35 - 36 độ C.

Sau 3 lần tiếp cận Mano Polking, CLB Bóng đá Công an Hà Nội (CAHN) cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận bổ nhiệm HLV này. Chiến lược gia 48 tuổi người Brazil có những phẩm chất đặc biệt để trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho đội bóng ngành Công an.

Ngày 16/5, tin từ Phú Thọ cho biết, ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Việt Trì (Phú Thọ) vừa ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ đối với ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文