Nhan sắc Việt và hành trình vươn tầm quốc tế

09:12 16/12/2024

Vừa qua, việc người đẹp Huỳnh Thị Thanh Thủy bước lên ngôi vị cao nhất của cuộc thi Miss International 2024 (Hoa hậu Quốc tế) đã khiến khán giả Việt Nam vỡ òa hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giành được vương miện cao quý tại một trong ba cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới và cũng là thành tích cao nhất của nhan sắc Việt tính đến thời điểm này.

Ba cuộc thi hoa hậu lâu đời và danh giá nhất hành tinh (thường gọi là Big 3) bao gồm Miss World (Hoa hậu Thế giới), Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ) và Miss International (Hoa hậu Quốc tế). Với chiếc vương miện đầu tiên ở Big 3 của Thanh Thủy, đích đến với hai chiếc vương miện còn lại ở Miss World và Miss Universe là chuyện một sớm một chiều với nhan sắc Việt.

Trước đó, bảng thành tích quốc tế của chúng ta đã có hai chiếc vương miện của Thùy Tiên ở Miss Grand International 2021 và Phương Khánh ở Miss Earth 2018 - hai cuộc thi nằm trong Big 6 (tức 6 cuộc thi lớn nhất hành tinh). Danh hiệu Miss International 2024 của Thanh Thủy giúp Việt Nam nhảy vọt từ vị trí 41 lên vị trí thứ 33 trên bảng xếp hạng nhan sắc toàn cầu (theo bảng tổng kết của chuyên trang sắc đẹp Global Beauties cho 200 quốc gia).

Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy làm nên lịch sử cho nhan sắc Việt khi đăng quang Miss International 2024.

Nhìn lại chuỗi thành tích ấn tượng mà các người đẹp mang về cho Việt Nam, có thể khẳng định dấu ấn của họ ở sàn đấu năm châu không còn là cuộc chơi may rủi, phó mặc cho thiên định. Hơn chục năm trước, sự hiện diện của nhan sắc đến từ đất nước chữ S tại các đấu trường quốc tế chỉ được xem như “đi để học hỏi”, đứng sau vỗ tay làm nền cho người. Những đại diện đầu tiên tham gia các cuộc thi nhan sắc lớn như Miss Universe, Miss World hay Miss Earth thường bị lép vế trước dàn đối thủ đến từ các cường quốc sắc đẹp như Venezuela, Philippines, Colombia hay Thái Lan. Không phải đại diện Việt Nam thiếu nhan sắc hay tiềm năng, mà bởi họ chưa được đầu tư bài bản về kỹ năng trình diễn, ngoại ngữ lẫn phong cách giao tiếp, ứng xử.

Bước ngoặt đến vào khoảng năm 2015, khi các tổ chức trong nước bắt đầu quan tâm hơn đến việc đào tạo bài bản cho đại diện Việt Nam. Mở màn là danh hiệu Á hậu 3 của Thúy Vân tại Miss International 2015 và thành tích lọt top 11 tại Miss World 2015 của Lan Khuê. Cùng năm, dù không giành được thành tích gì ở Miss Universe nhưng hoa hậu Phạm Hương khiến truyền thông lẫn khán giả trong và ngoài nước dậy sóng nhờ phong thái tự tin, nổi bật. Cô được nhiều chuyên trang sắc đẹp lớn của thế giới xếp vào những thí sinh đáng tiếc nhất ở Miss Universe 2015 khi ra về trắng tay.

Đến năm 2018, thành tích Top 5 Miss Universe của H'Hen Niê đã mở ra một kỷ nguyên mới, khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ở những đấu trường lớn. Tiếp nối thành công của H'Hen Niê, những lần hiện diện của đại diện Việt Nam ở Miss Universe đều tạo ấn tượng: Hoàng Thùy lọt top 20 (2019), Kim Duyên lọt top 16 (2021)… Mới đây nhất, hoa hậu Kỳ Duyên được xướng tên vào top 30, trong khi cuộc thi năm nay quy tụ đến 125 thí sinh- số lượng đông đảo nhất từ trước đến nay.

Ở sân chơi Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế), từ năm 2016, Việt Nam liên tục duy trì chuỗi thành tích ấn tượng: Nguyễn Thị Loan - Top 20, Nguyễn Trần Huyền My - Top 10, Bùi Phương Nga - Top 10, Nguyễn Hà Kiều Loan - Top 10, Nguyễn Lê Ngọc Thảo - Top 20. Đến năm 2021, người đẹp Nguyễn Thúc Thùy Tiên khiến fan sắc đẹp nức lòng khi giành được vị trí cao nhất ở Miss Grand International.

Dù chỉ là cuộc thi nằm trong Big 6, nhưng với sức mạnh truyền thông, cuộc thi này đã đưa tên tuổi Thùy Tiên tỏa sáng và trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các cô gái. Sau chiến thắng của Thùy Tiên, Việt Nam vẫn duy trì phong độ đáng nể: năm 2022, hoa hậu Thiên Ân lọt vào top 20, Lê Hoàng Phương đoạt Á hậu 4 năm 2023… Ở Miss World, chúng ta vẫn chưa có nhiều trái ngọt nhưng những bước đà của Lan Khuê, Tiểu Vy, Lương Thùy Linh, Mai Phương… khi họ liên tục lọt top khiến người hâm mộ có quyền tin rằng nhan sắc Việt sẽ làm nên chuyện trong tương lai không xa.

Thành công của nhan sắc Việt trên trường quốc tế là kết quả của sự nỗ lực, đầu tư và chiến lược bài bản. Các cuộc thi nhan sắc trong nước như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam không ngừng cải thiện chất lượng tổ chức, tìm kiếm và đào tạo những gương mặt tiềm năng. Ngoài ra, các người đẹp đăng quang cuộc thi trong nước đều được “lò” rèn luyện kỹ lưỡng về kỹ năng catwalk, ứng xử, ngoại ngữ và cả các vấn đề xã hội. Xưa rồi cái thời cứ cử đại một người đẹp dự thi bất kỳ một cuộc thi nhan sắc tầm châu lục. Bây giờ, ứng với mỗi cuộc thi khác nhau, công ty chủ quản lựa chọn một người đẹp có gương mặt, ngoại hình, phong cách… phù hợp với tiêu chí cuộc thi đó để đào tạo “gà chiến”.

Chẳng hạn, Miss World đề cao vẻ đẹp của lòng nhân ái, sự phúc hậu nên những đại diện như Lương Thùy Linh, Lan Khuê, Tiểu Vy, Đỗ Thị Hà, Mai Phương… dễ dàng ghi điểm. Trong khi đó Miss Universe lại chuộng vẻ đẹp khỏe khoắn, kỹ năng catwalk siêu mẫu và câu chuyện cá nhân truyền cảm hứng. Miss Grand International thiên về sự gợi cảm, catwalk mang nặng yếu tố trình diễn, phong cách ứng xử thể hiện sự thông minh, khôn khéo của các người đẹp. Miss International thì đề cao vẻ đẹp ngọt ngào, thanh lịch, tinh thần hữu nghị và tầm hiểu biết về các vấn đề thế giới của thí sinh…

Hoa hậu Mai Phương lọt top 40 tại Miss World 2024.

Ngoài chiến lược đào tạo bài bản từ công ty quản lý, các người đẹp dần gạt bỏ tâm thế ngại ngùng “đem chuông đi đánh xứ người” mà nhập cuộc cạnh tranh một cách tự tin. Họ biết cách thể hiện bản thân ứng với tiêu chí từng cuộc thi, truyền tải câu chuyện cá nhân và văn hóa Việt Nam một cách tinh tế. Nhờ vậy, những cái tên như Phạm Hương, H'Hen Niê, Lương Thùy Linh, Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Huỳnh Thị Thanh Thủy… không chỉ tạo dấu ấn bởi nhan sắc cuốn hút mà còn nhờ vào sự tự tin, thần thái, phong cách ứng xử bản lĩnh, thông minh đi kèm câu chuyện cá nhân đầy cảm hứng.

Nếu H’Hen Niê là tính cách giản dị, thân thiện kèm câu chuyện nữ quyền, vượt lên hủ tục tảo hôn của dân tộc Ê Đê để theo đuổi đam mê của chính mình thì Nguyễn Thúc Thùy Tiên khiến người hâm mộ nức lòng khi cô có những màn ứng xử vô cùng thông minh và nhân văn, phù hợp với bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp năm châu. Không chỉ thành thạo tiếng Anh, Thùy Tiên còn chủ động học tiếng Thái để hùng biện, giao lưu với khán giả khi cô biết quốc gia đăng cai Miss Grand International 2021 là Thái Lan.

Tương tự, Huỳnh Thị Thanh Thủy không chỉ gây chú ý nhờ nhan sắc ngọt ngào, phong thái thanh lịch, dịu dàng mà cô rất chú trọng trau dồi kiến thức lẫn vốn tiếng Nhật khi tham dự Miss International 2024 tại Nhật Bản. Cô tỏa sáng với phần thi ứng xử bằng tiếng Anh rất lưu loát, đúng trọng tâm câu hỏi “Yếu tố nào trong sự phát triển toàn cầu đã tác động đến hệ thống giáo dục của thế hệ bạn?”: "Theo tôi, đại dịch COVID-19 đã mang đến sự chuyển mình mạnh mẽ cho hệ thống giáo dục toàn cầu. Vì đại dịch, chúng ta buộc phải ở nhà và học tập qua màn hình trực tuyến - một sự thay đổi chưa từng có. Đây chính là sự thay đổi của Ed-Tech (giáo dục và công nghệ). Tôi hy vọng rằng qua những thách thức này, các em học sinh có thêm nhiều cơ hội để khám phá và phát triển bản thân. Tôi cũng mong mọi người sẽ được tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng cao. Điều này phù hợp với mục tiêu Phát triển bền vững số 4 của Liên Hợp Quốc về chất lượng giáo dục”. Kết thúc phần thi ứng xử, cô gửi lời cảm ơn đến ban giám khảo bằng ba thứ tiếng: Anh, Nhật, Việt.

Nếu để ý kỹ sẽ dễ dàng nhận thấy những năm gần đây, nhan sắc châu Á dần soán ngôi khu vực Mỹ Latinh. Giống như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ…, một trong những điểm đặc biệt của nhan sắc Việt là sự giao thoa giữa vẻ đẹp Á Đông truyền thống và nét hiện đại, năng động. Điều này tạo nên dấu ấn riêng, giúp họ nổi bật giữa dàn thí sinh quốc tế. Bên cạnh đó, tốc độ lan tỏa thông tin của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đã giúp nhan sắc Việt nhận được sự chú ý và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng trong và ngoài nước.

Những cột mốc thăng hạng vượt bậc của Việt Nam chứng minh rằng vẻ đẹp Việt không chỉ dừng lại ở hình thể mà còn lan tỏa giá trị văn hóa, trí tuệ và nhân cách. Giờ đây, họ thực sự trở thành những ứng cử viên sáng giá, là đối thủ đáng gờm trước bạn bè năm châu và là đại sứ văn hóa của đất nước. Những thành công hiện tại không phải là đích đến mà là động lực để nhan sắc Việt tiếp tục thăng hoa, hứa hẹn thứ hạng của Việt Nam không chỉ dừng lại ở con số 33 trên bản đồ sắc đẹp thế giới.

Phan Thi Uyên

Hai tàu chở dầu của Nga bị hư hại và mắc kẹt tại eo biển Kerch, nằm giữa Nga và bán đảo Crimea, làm tràn dầu ở khu vực biển này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thành lập một nhóm công tác để tiến hành các hoạt động cứu hộ và giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra.

Chỉ trong một buổi chiều, 2 học sinh tại Quảng Nam và 2 học sinh tại tỉnh Bình Định đã bị đuối nước. Lực lượng chức năng đã hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân, sau đó bàn giao cho gia đình đưa về nhà lo hậu sự.

Thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), năm 2025 sẽ có 12 dự án giao thông được khởi công, gồm: Đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; Cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên QL37B; Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức PPP; Mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên.

Miền Bắc đang bước vào những ngày giá rét, vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 5 độ C. Để phòng tránh rét, nhiều người, nhất là ở các tỉnh miền núi có thói quen đốt than sưởi ấm trong không gian kín, mà không lường hết được hậu quả nguy hiểm tới tính mạng.

Theo dự báo, hầu hết các tỉnh thành tại Bắc Bộ hôm nay đều hửng nắng từ trưa và chiều, nhiệt độ tăng nhẹ tuy nhiên không đủ xua đi giá rét khắp các miền. Thủ đô Hà Nội nền nhiệt trong ngày hôm nay từ 11 - 20 độ C.

Liên quan vụ sạt lở đất đá tại một cung đoạn ở đèo Khánh Lê trên tuyến đường quốc lộ 27C nối Nha Trang (Khánh Hòa) với Đà Lạt (Lâm Đồng) như Báo CAND đã thông tin, đến 17h30' chiều nay 15/12, công tác khắc phục hậu quả vẫn còn đang được triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Nói đến đặc công nước là nhắc đến một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đã đi vào huyền thoại với lối đánh thủy chiến truyền thống và độc đáo. Để trở thành những chiến sĩ đặc công nước “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”, CBCS Lữ đoàn Đặc công nước 5 luôn phải đối mặt với hiểm nguy.

Trong xã hội hiện đại, “deadline” không chỉ là một cụm từ quen thuộc mà còn trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người trẻ. Không ít người đã bị cuốn vào guồng quay của công việc, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, đến mức kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có người phải nhập viện. Khoa học gọi đây là hội chứng “burn out” (cháy sạch). Đây là một thực trạng đáng báo động, phản ánh mặt trái của lối sống và làm việc quá tải mà người trẻ đang đối mặt.

Ngày 15/12, Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vừa phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng quốc tịch Lào, thu giữ 18.000 viên ma túy tổng hợp sau 2 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文