Những bộ phim video xứng đáng làm phim chiếu rạp

09:17 13/07/2024

Trong tiếng Anh có 3 khái niệm chỉ phim người đóng. Một là Feature Film (Phim điện ảnh), hai là TV Movie (Phim ngắn tập hoặc một tập chiếu trên truyền hình) và ba là TV Series (Phim dài tập chiếu trên truyền hình). Bài viết này đề cập đến TV Movie - phim ngắn tập hoặc một tập chiếu trên truyền hình, mà ở Việt Nam còn gọi là phim video. Chúng có thời lượng và tính chất giống như Feature Film, chỉ khác là không được mang ra chiếu rạp.

1. "Hoa đào ngày Tết" (đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn, 2004)

Một trong những phim video hay nhất xưa nay là “Hoa đào ngày Tết” (kịch bản Đào Thùy Trang, đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn). Phim 2 tập, là câu chuyện trầm buồn, sâu lắng về mối quan hệ giữa một cô cave và một anh công chức ở Hà Nội.

Chuyện phim giản dị là anh này muộn vợ, bố mẹ ở quê lại giục chuyện cưới xin nên hợp đồng với một cô làm gái thuê trọ gần nhà đóng giả bạn gái để về quê dịp Tết.

Những bộ phim sống mãi trong lòng độc giả.

Phim nhỏ đẹp, bối cảnh quanh quẩn làng quê, nhưng ghi dấu với nhiều ưu điểm: Nét văn hóa dân tộc trong phong tục Tết, trong những điệu ca quan họ, và trong mối quan hệ và sinh hoạt làng xã đặc thù... Trên cái nền ấy là chuyện tình cảm len nhẹ nhàng giữa cặp đôi nhân vật chính do Thùy Dương và Đức Khuê thủ vai. Phim chọn một cái kết khiến người xem vương vấn và thậm chí day dứt.

Gần đây, vào YouTube xem lại, thấy 2 tập phim đã có tổng cộng hơn 1.500 comment, gần như hầu hết là lời khen. Rất nhiều khán giả yêu và thương cô cave. Rất nhiều người ngậm ngùi, tiếc nuối cho mối tình của hai nhân vật chính. Rất nhiều người hoài niệm không khí Tết xưa. Rất nhiều người nói đã xem lại "10 lần", "20 lần", "mấy chục lần", "không đếm nổi"...

Nghĩ rằng, những người làm phim đã rất thành công.

Phim cũng chưa hẳn xuất sắc. Nghệ thuật quay - dựng cũng chưa phải đỉnh cao gì, dù đứng sau máy quay là nhà quay phim nổi tiếng Vũ Quốc Tuấn. Nhưng nội dung và diễn xuất đều rất ổn. Nếu được làm thành phim điện ảnh, có thể đảm bảo sẽ vừa nhận được nhiều giải thưởng vừa gây sốt phòng vé.

2. "Cỏ dại" (đạo diễn Đinh Đức Liêm, 2003)

Đinh Đức Liêm là đạo diễn hàng đầu ở địa hạt phim truyền hình. Những bộ phim của anh vừa có chất lượng nội dung tốt vừa gây sốt màn ảnh nhỏ. Có thể kể đến như “Giã từ dĩ vãng”, “Đồng tiền xương máu”, “Người đàn bà yếu đuối”, “Công ty thời trang”, “Miền đất phúc”... Anh có công phát hiện hoặc đẩy thành sao hàng loạt gương mặt diễn viên tài năng như Trương Ngọc Ánh, Quyền Linh, Chi Bảo, Kim Ngân, Trương Minh Quốc Thái...

Trong các bộ phim của anh, "Cỏ dại" có lẽ là phim mang bóng dáng điện ảnh nhất. Phim chỉ 3 tập, không bị lê thê kiểu “câu chuyện truyền hình” như các phim dài tập khác.

Phim dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ma Văn Kháng, về tình yêu giữa một cô gái dân tộc ít học với một chàng lính nghĩa vụ quân sự. Đọc truyện mới thấy là tác giả kịch bản Thành Long (bút danh của Đinh Đức Liêm, lấy theo tên con trai anh) dụng công rất nhiều, thêm nhiều tình tiết làm câu chuyện và nhân vật trong phim dày dặn hơn, và cũng đáng yêu hơn.

Phim về tuổi trẻ, về tình yêu, có cái thanh xuân sôi nổi và cũng có cái nhìn không tô vẽ về thực tế cuộc sống. Bối cảnh phim: một giữa rừng đại ngàn và một giữa một xóm lao động nghèo rất chân thực, gợi nhiều cảm xúc.

Phim có thể có một số chi tiết hơi quá, nếu được gọt giũa nữa thì hoàn hảo. Bộ đôi diễn viên chính Lý Thanh Thảo và Ngọc Thảo (tiếc là cả hai diễn viên này giờ đều đã giải nghệ) vào vai rất chân thật và duyên dáng, tạo nên một cặp tình nhân đẹp trên màn ảnh Việt. Nói ngắn gọn, đây là một trong những phim tình cảm hay, dù nó không chỉ là phim tình cảm mà còn là phim tâm lý chính kịch.

Phim này nếu được làm thành phim điện ảnh chiếu rạp thì chắc chắn gây sốt bởi chất thanh xuân và sự dễ cảm (phim không quá hàn lâm). Ba tập phim đăng lên YouTube nhận được hàng triệu lượt xem và gần 5.000 comment đa số là tích cực.

3. "12A và 4H" (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, 1995)

Phim “12A và 4H” của Bùi Thạc Chuyên đã trở thành hiện tượng ngay từ khi ra mắt.

Bùi Thạc Chuyên xuất thân từ diễn viên và sau đó mới chuyển sang làm đạo diễn. Nếu như sự nghiệp diễn viên của anh chẳng mấy ấn tượng thì bước chuyển mình sang đạo diễn lại sớm được ghi nhận.

Ở tuổi 27, với phim truyền hình này (đồng đạo diễn với Nguyễn Quốc Trọng, người về sau cũng trở thành một đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng), Bùi Thạc Chuyên đã gây xôn xao cả nước. Phim rất chín chắn và tròn nghề ở cái tuổi ấy.

Phim dựa theo tiểu thuyết “Vĩnh biệt mùa hè” của nhà văn Nguyễn Đông Thức, hay và có hiệu ứng hơn một tác phẩm điện ảnh cũng chuyển thể từ tiểu thuyết này trước đó 3 năm - đó là phim “Vĩnh biệt mùa hè” của đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng Hoa (người từng làm phim "Ván bài lật ngửa").

Đây có lẽ là phim về tuổi học trò chân thật, sinh động và hay nhất từ xưa đến nay. Phim vừa có cái phong vị tươi trẻ, thanh xuân của lứa tuổi, vừa có những rung động tinh tế trước ngưỡng cửa trưởng thành, vừa có những đối diện và mất mát trước thực tế cuộc sống khắc nghiệt.

Phim không quá xuất sắc kiểu phim nghệ thuật, nhưng so với một tác phẩm làm cho đại chúng thì nó đạt được đủ mọi điều kiện về cả chất lượng lẫn sức hấp dẫn. Nó là loại phim thành công đứng giữa ranh giới phim nghệ thuật và thương mại, kiểu "Titanic"...

4. "Nhà có ba chị em" (Đỗ Thanh Hải, 2006)

Một trong những đạo diễn gây tiếc nuối nhất khi không làm phim điện ảnh chính là Đỗ Thanh Hải. Anh thăng tiến suôn sẻ trong con đường quản lý (giờ là Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam). Mừng vì có một người quản lý giỏi chuyên môn, nhưng cũng vừa tiếc vì một người vừa có tài năng vừa có cơ hội nhưng lại không tận dụng để tỏa sáng trong khu vực đáng kể nhất của nghệ thuật làm phim, ấy là làm đạo diễn phim chiếu rạp.

Phim truyền hình nào của anh cũng vừa chất lượng vừa gây sốt (“Xin hãy tin em”, “Của để dành”, “Phía trước là bầu trời”), nhưng bộ phim tôi thích nhất lại là phim ít tiếng hơn.

Đó là phim “Nhà có 3 chị em” (phim 100 phút, biên kịch Trí Hùng - Thu Dung) dựa trên kịch bản sân khấu đình đám của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương. Sau khi phim ra mắt thì nhà văn Võ Thị Xuân Hà có lên tiếng tố kịch bản này đạo ý tưởng một truyện ngắn của chị. Sự việc này cũng gây xôn xao.

Phim là câu chuyện về 3 chị em gái (Thu Quế, Mai Thu Huyền và Kiều Thanh đóng) với tính cách và hoàn cảnh sống khác nhau, giữa những bộn bề, ngổn ngang của cuộc sống hiện đại. Chị cả Thu Quế thì hiền lành, cam chịu. Em thứ Mai Thu Huyền thì lãng mạn, nông nổi. Em út Kiều Thanh thì cá tính, thực tế... Ai cũng có những bất toàn, những bi kịch riêng.

Các diễn viên diễn đều hay, trừ Bình Minh không khá lắm nhưng cũng hợp vai. NSND Trần Hạnh, Trung Hiếu và Bá Anh có những vai diễn dấu ấn.

Phim thông minh, tỉnh táo, tinh tế. Có thể coi là một trong những phim thuộc đề tài đương đại thú vị của phim Việt trong thế kỷ 21.

5. "Xin hãy tin em" (đạo diễn Đỗ Thanh Hải - 1998)

Đỗ Thanh Hải sinh năm 1973 và hoàn thành bộ phim đầu tay “Xin hãy tin em” khi mới 25 tuổi. Và ngay lập tức nó gây sốt khắp nước khi trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia, trong chương trình Văn nghệ Chủ nhật.

Có lẽ chưa đạo diễn Việt Nam nào từ cổ chí kim có được thành công lớn đến thế ở tuổi còn trẻ. Phim ra mắt năm 1998. Các báo chuyên ngành điện ảnh đưa tin đã đành. Các báo phổ thông cũng tích cực đưa tin.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải ngay lập tức nổi tiếng. Tên tuổi, hình ảnh đạo diễn cùng cặp đôi diễn viên chính Bùi Lệ Hằng và Lê Vũ Long phủ sóng. Biên kịch Diệu Hương, quay phim Trần Anh Phương và nhạc sĩ Xuân Phương đều rất trẻ cũng nổi tiếng theo. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - tác giả truyện ngắn gốc kiêm biên tập cũng được “thơm lây”. Ca khúc “Mong ước kỷ niệm xưa” và Tam ca 3A thành “hàng hot”. Ngay dàn diễn viên phụ Hoa Thúy, Xuân Tùng, Anh Tuấn... cũng trở nên quen mặt. Tóm lại là một sự thành công hoàn hảo.

Khi ấy, Đài truyền hình Việt Nam thậm chí còn làm một phóng sự phỏng vấn ý kiến dư luận (đặc biệt giới trẻ) xung quanh bộ phim và tổ chức một buổi giao lưu trên truyền hình với người hâm mộ.

Phim thì vẫn hơi hướng thần tượng, nhưng khá sống động, nhiều màu sắc về đời sống sinh viên. Nói chung là một phim đại chúng tốt. Cặp đôi nhân vật có thể xếp vào hàng những cặp đôi kinh điển trên màn ảnh Việt.

Hoàng Lê

Sau một ngày xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Sỹ Tá (SN 1972, cựu Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Ủy ban Dân tộc) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đêm 9/9, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Tá tù chung thân. Bị hại trong vụ án là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng.

Chiều 9/9, tại số nhà 27, ngõ 9, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, CBCS Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) số 1, Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng trên địa bàn giải cứu thành công một bé gái 14 tuổi mắc kẹt trong nhà bị đổ sập.

Tối 9/9, Đại tá Lương Văn Thiểm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh làm trưởng đoàn đang có mặt tại xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình (cách hiện trường vụ sạt lở, vùi lấp xe khách khoảng 1 tiếng đi xe máy), trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Kiev, Ukraine, nhưng hơn 20 năm qua, bà Svetlana đã chọn rời quê hương để đến Việt Nam sinh sống. Vì chữ tình, chữ nghĩa và trên hết là tình yêu của người vợ dành cho người chồng không may bị đột quỵ, vượt qua nhiều khó khăn, bà Svetlana chưa bao giờ ngừng nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp, mang hy vọng cả gia đình cùng quay trở lại thăm Kiev.

Trao đổi với PV Báo CAND tối nay 9/9, Trung tá Trần Quốc Tuấn, Trưởng Công an huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) xác nhận, sau thời gian tạm giữ hình sự, cơ quan này vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 6 đối tượng trong một đường dây đánh bạc với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định: Kết quả buổi làm việc là cơ sở để Đoàn đại biểu Bộ Công nghệ và truyền thông Lào có cái nhìn tổng quan về vai trò, tầm quan trọng của dữ liệu dân cư – được đánh giá là tài nguyên quốc gia, là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, chuyển đổi số.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ thông tin với phóng viên Báo CAND về công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ những nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu, đồng thời cho biết đang tập trung khớp thông tin, xác minh camera ở hai đầu cầu để xác định cụ thể số lượng người và phương tiện bị nạn.

Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tối 9/9 về tình hình sự cố cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, trên Quốc lộ 32C, địa phận tỉnh Phú Thọ, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến thời điểm xảy ra sự cố, cục không nhận được báo cáo về dấu hiệu không bảo đảm an toàn đối với công trình cầu Phong Châu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文