Những giai điệu lan tỏa yên thương

15:16 12/08/2021

Sân khấu không đèn hoa rực rỡ mà chỉ là những khoảng sân với ánh sáng từ đèn cao áp hay những ô cửa căn hộ chung cư. Nghệ sĩ và khán giả không rõ mặt nhau vì khẩu trang kín mít, vì khoảng cách quá xa... Những buổi biểu diễn âm nhạc đặc biệt diễn ra tại một số bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly thời gian qua đã góp phần không nhỏ giảm bớt những vất vả, khó khăn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID - 19, mang đến hy vọng về một ngày mai cuộc sống trở lại bình thường.

Dịch bệnh COVID - 19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Số lượng bệnh nhân tăng cao khiến các lực lượng y tế tuyến đầu căng mình ngày đêm để cứu chữa bệnh nhân. Thấu hiểu nỗi vất vả của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu, nỗi buồn lo của bệnh nhân không may mắc bệnh, nhiều nghệ sĩ đã mang lời ca, tiếng hát của mình tới các khu cách ly, bệnh viện dã chiến như mang đến liều thuốc tinh thần đặc biệt. Nhiều chương trình ca nhạc đặc biệt đã được tổ chức trong thời gian này để sẻ chia yêu thương, mang đến niềm tin, hy vọng.

Gần đây nhất, đêm nhạc trực tuyến "Chia sẻ để gần nhau hơn" diễn ra vào tối 8/8 (truyền hình trực tiếp trên VTV1) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Lê Cát Trọng Lý, Đoan Trang, nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn, nhạc sĩ Vũ Quang Trung, rapper Hà Lê, nhóm nhạc DA LAB cùng một số nghệ sĩ nước ngoài...

Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh. 

Trong hoàn cảnh đặc biêt, nên đêm nhạc trực tuyến này cũng được thực hiện một cách rất đặc biệt với một "điểm cầu" là nhiếp ảnh gia Minh Hòa từ đường Đồng Khởi - vốn là nơi trung tâm sôi động, giờ vô cùng vắng lặng. Điểm cầu của nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn là sân Bệnh viện dã chiến số 3 và số 6 tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Các ca sĩ góp mặt trong chương trình đến từ nhiều nơi tại Việt Nam và trên thế giới. Ca sĩ Hồng Nhung và nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn từ TP Hồ Chí Minh, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý ở Kon Tum, ca sĩ Mỹ Linh và ban nhạc DA LAB tại Hà Nội. Ca sĩ Đoan Trang từ Singapore, ca sĩ Trần Thu Hà và nhạc sĩ Vũ Quang Trung từ Mỹ. Trong đó, NSƯT Thanh Lam cùng 2 con thể hiện ca khúc "Lời cảm ơn của con". Tác phẩm được biên soạn cho piano 4 tay để các con của Thanh Lam có thể đệm đàn cho mẹ hát.

Đây không phải lần đầu tiên nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn trong một không gian đặc biệt như thế này. Tối 24/7 vừa qua, anh cũng đã khiến những bệnh nhân có mặt tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 và 8 tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) được đắm mình trong giai điệu da diết của mình qua bản nhạc "Quê hương".

Giữa những chớp nháy liên hồi của xe cấp cứu chạy xung quanh, giữa những tòa nhà chung cư lâu nay đã trở thành nơi thu dung bệnh nhân COVID - 19, hình ảnh người nghệ sĩ say mê phiêu cùng cây đàn quen thuộc của mình đẹp đẽ, lãng mạn hơn bao giờ hết. Vượt lên nỗi sợ hãi bệnh tật, vượt lên nỗi vất vả với hàng trăm ca bệnh mỗi ngày, những giai điệu của ca khúc "Quê hương" khiến người nghe cảm động và thấy yêu hơn đất nước còn nhiều gian nan của mình. N

gay sau đó, tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội như sẻ chia, vỗ về và xoa dịu tâm tư cho bất kỳ ai trong giai đoạn khó khăn này. Có lẽ, nhiều khán giả không thể hình dung được, mình lại được thưởng thức những tiết mục âm nhạc đặc sắc trong hoàn cảnh đặc biệt như thế. Bản thân nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng không khỏi xúc động sau những lần biểu diễn trên sân khấu "có một không hai", khi khán giả xung quanh là hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế cùng hàng nghìn bệnh nhân F0.

Ngoài nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Ngọc Linh tham gia chương trình với các nhạc phẩm gắn bó với mình như "Rồi từ đây", "Tình thơ"... để tặng các khán giả đặc biệt. Chia sẻ trên báo chí, Ngọc Linh cho biết, với cô biểu diễn ở các bệnh viện dã chiến mang lại cảm xúc đặc biệt hơn bất kỳ một sân khấu nào. Mỗi lần hát lại khiến cô liên tưởng tới cha mẹ khi xưa, là những nghệ sĩ mang lời ca, tiếng hát đi phục vụ văn nghệ nơi tiền tuyến. Ngọc Linh, giờ đây có lẽ cũng chính là một ca sĩ trong cuộc chiến giữa thời bình, dùng âm nhạc để động viên các y, bác sĩ và những bệnh nhân đang phải cách ly xa gia đình, người thân.

Ca sĩ Phương Thanh và ca sĩ Quốc Đại hát phục vụ bệnh nhân COVID - 19 tại khu cách ly.

Tiết mục của các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, Ngọc Linh đều nằm trong khuôn khổ chương trình đêm nhạc dã chiến giữa mùa dịch do MC Quỳnh Hoa, hiện đang là Phó Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức. Nhóm nghệ sĩ vào bệnh viện dã chiến với mục đích ban đầu để vận chuyển thiết bị y tế tiếp sức cho bệnh viện và cắt tóc cho các y, bác sĩ nhưng sau đó một chương trình ca nhạc 60 phút trên sân khấu dã chiến đã được tổ chức. Các ca sĩ đã đứng hát dưới công viên trung tâm, xung quanh là hàng loạt các block nhà của 3 bệnh viện dã chiến thu dung số 6, 7, 8 nơi bệnh nhân đang điều trị.

Những ca sĩ như Phương Thanh, Quốc Đại, Ái Phương, Đăng Nguyên... đã hết mình trong một chương trình không trang phục biểu diễn cầu kỳ, không âm thanh hoàn hảo. Không có hoa, những bệnh nhân đung đưa theo điệu nhạc và dùng ánh sáng của điện thoại để giao lưu với nghệ sĩ đã tạo ra một không gian đặc biệt, khoảng cách nhưng ấm cúng, tuy xa mà gần. Giữa bệnh viện dã chiến, những tiết mục ấy đã khiến bao căng thẳng, mệt mỏi, lo âu được "hạ nhiệt", truyền thêm năng lượng cho các y bác sĩ và bệnh nhân tiếp tục cuộc chiến đấu khó khăn này.

Từ chương trình đầu tiên đầy ngẫu hứng ấy, MC Quỳnh Hoa cùng đội tình nguyện viên nghệ sĩ của mình đã có kế hoạch phục vụ thêm nhiều bệnh viện dã chiến nữa. Tới nay, nhóm nghệ sĩ đăng ký đã lên tới 130 người trong đó có 80 người hoạt động thường xuyên như Phương Thanh, Quốc Đại, Phi Hùng... MC Quỳnh Hoa cho rằng tinh thần vui vẻ, lạc quan sẽ giúp bệnh nhân mau khỏe, các y, bác sĩ cũng sẽ phấn chấn hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ca sĩ Phi Hùng cũng là một trong những nghệ sĩ tham gia tích cực vào các chương trình hát phục vụ các bệnh nhân, những người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu. Anh mang đến cho khán giả những ca khúc quen thuộc trong sự nghiệp của mình và những bài hát mang âm hưởng vui tươi, sôi nổi, lạc quan như "Nối vòng tay lớn", "Niềm tin chiến thắng", "Việt Nam ơi"... Anh cho biết, nhìn các bác sĩ tình nguyện sẵn sàng xuống tóc để tiện cho việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân, anh thấy mình cần phải mang lời ca, tiếng hát của mình để sẻ chia yêu thương, lan tỏa tinh thần lạc quan.

Không chỉ biểu diễn, trước đó, Nguyễn Phi Hùng đã được biết đến với những sáng tác như "Bao la những trái tim hồng" hay MV "Đến những nơi đang cần chúng ta", "Có một Sài Gòn như thế"... để tri ân các y, bác sĩ tuyến đầu cùng những tấm lòng nhân ái, động viên người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Người tham gia các buổi biểu diễn tại bệnh viện dã chiến, người ra MV, người có mặt tại các đêm nhạc trực tuyến không ngoài mang muốn sự sẻ chia, tinh thần lạc quan với các y, bác sĩ và bệnh nhân. Được biết, sau đêm nhạc "Chia sẻ để gần nhau hơn", đêm nhạc trực tuyến gây quỹ hỗ trợ tuyến đầu phòng, chống dịch "Cảm ơn những điều phi thường" sẽ diễn ra vào ngày 15/8. Cùng thời điểm này, Gala nghệ thuật "Ở nhà vẫn vui - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch" được tổ chức tại 4 điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đêm 15/8 cũng sẽ quy tụ nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tham gia nhằm lan tỏa thông điệp tích cực, chia sẻ yêu thương.

Chưa khi nào, ca nhạc lại có một đời sống sôi động như thế ngoài sân khấu chính thống. Dù không sân khấu hào nhoáng, không có hệ thống âm thanh hoàn hảo nhưng các ca khúc luôn được vang lên bằng cả trái tim, tâm hồn người nghệ sĩ. Vai trò quan trọng của âm nhạc đã được khẳng định qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giờ đây lại được thể hiện trong cuộc chiến đấu chống dịch bệnh COVID-19. Giữa "cuộc chiến" mà khoảng cách phải nghiêm chỉnh chấp hành  thì âm nhạc đã trở thành một sứ giả giữa tấm lòng với tấm lòng, chữa lành những vết thương trong những ngày dịch bệnh hoành hành.

Tuấn Phong

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文