NSND Phạm Trà My: Đưa thanh âm dân tộc bay xa

08:21 08/03/2024

Nhiều năm qua, hình ảnh nữ nghệ sĩ xinh đẹp, duyên dáng trong tà áo dài cùng tiếng đàn tranh điêu luyện, đầy cảm xúc đã làm nức lòng khán giả trong và ngoài nước. Mới đây, chị vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trở thành tiến sĩ âm nhạc học đàn tranh đầu tiên và nhận danh hiệu NSND cao quý do Nhà nước trao tặng. Chị là NSND Phạm Trà My.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và NSND Phạm Trà My bắt đầu bằng “niềm vui kép” mà chị mới được nhận: Bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ và được phong tặng danh hiệu NSND. Quả ngọt của chặng đường 40 năm bền bỉ đi cùng đàn tranh dường như vẫn đọng lại long lanh trong mắt cười của chị. Gắn bó với cây đàn tranh từ khi mới là cô bé 9 tuổi, tới nay đã chạm ngũ tuần nhưng với NSND Phạm Trà My thì tất cả bắt đầu chỉ giản dị bằng một chữ “duyên”.

NSND Phạm Trà My bên cây đàn tranh.

Sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, lớn lên giữa thời bao cấp khó khăn, đa số những ai theo học nghệ thuật đều thuộc diện “con nhà nòi”. Một lần tình cờ thấy hình ảnh người nghệ sĩ đang đánh đàn tranh trên tivi, trong lòng cô bé 9 tuổi trào lên khát khao được học nhạc cụ ấy. “Mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng khi nghe mong muốn của tôi, bố mẹ không hề cấm cản mà mua đàn và tìm thầy dạy cho tôi” - NSND Phạm Trà My chia sẻ.

Từ đó, bố chị ngày ngày đạp xe đưa đón con gái tới Nhạc viện luyện đàn. Bốn mươi năm trôi xa nhưng hình ảnh bố tựa vào chiếc xe đạp đợi con nơi cổng trường vẫn in đậm trong ký ức của NSND Phạm Trà My. Chị rưng rưng nhắc lại lời bố động viên con gái ngày ấy: “Bố mẹ không trong nghề nên con sẽ thiệt thòi hơn so với các bạn. Nhưng, đã quyết tâm thì phải theo đến cùng. Như mẹ, dù chỉ là một giáo viên nhưng mẹ luôn phấn đấu là giáo viên dạy giỏi. Bố chỉ là một thợ tiện nhưng khi nào có ca khó nhất thì bạn bè, đồng nghiệp lại nhờ đến bố”. “Chỉ tiếc là bố tôi mất đã 20 năm, ông không được tận mắt chứng kiến những niềm vui tôi có được ngày hôm nay. Nhưng, tôi tin, ở nơi xa hẳn bố tôi đã rất tự hào” - NSND Trà My nghẹn ngào. Chỉ có 2 tháng ôn luyện, vào phòng thi gặp đúng nghệ sĩ đàn tranh hâm mộ trên tivi choáng tới nỗi ôm đàn vấp suýt ngã, nhưng tiếng đàn của cô bé Phạm Trà My đã thuyết phục được hội đồng tuyển sinh năm ấy.

Phạm Trà My không ngừng nỗ lực để có được những thành tích xuất sắc trong quãng thời gian học tại Nhạc viện. Chị hoàn thành chương trình từ sơ cấp lên tới đại học chỉ mất 10 năm (trong khi lẽ ra phải học 13 năm), là sinh viên có thành tích học tập tốt nhất trong khối nghệ thuật cả nước, được đại diện cho sinh viên Nhạc viện tham dự Đại hội Sinh viên toàn quốc... Đặc biệt, năm 1992, còn đang là sinh viên, Phạm Trà My đã tham gia “Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc” và xuất sắc giành Huy chương Bạc (không có giải Vàng) khi trình tấu bản concerto viết cho đàn tranh và dàn nhạc dân tộc của Đình Long có tên “Khúc hát quê hương” cùng một nhạc phẩm Nhật Bản mang tên “Tiếng suối reo”...

Được giữ lại trường làm giảng viên ngay sau khi tốt nghiệp nhưng chưa khi nào Phạm Trà My xa rời sân khấu biểu diễn. Công việc giảng dạy - biểu diễn song hành cùng chị suốt 40 năm qua. Năm 2000, chị và các bạn cùng trang lứa thành lập ban nhạc dân tộc “Hoa Tràng An” biểu diễn tại nhiều sự kiện quan trọng trong nước và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Sau này, chị cùng với nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My, DJ Trí Minh cùng thực hiện những bản hòa tấu mang màu sắc đương đại vô cùng cuốn hút. Với một giảng viên như Phạm Trà My, sự thành công trên sân khấu biểu diễn không chỉ mang lại kinh nghiệm, thu nhập mà còn chính là “tấm gương” sinh động nhất dành cho các học trò.

Nghe đàn tranh không chỉ là thưởng thức nghệ thuật mà còn là một cách cảm nhận tài năng, cảm xúc và những dòng tâm tư được người chơi gửi gắm qua tiếng nhạc. Âm sắc đàn tranh trong trẻo, tinh khiết, không có tạp âm, thích hợp với các điệu nhạc vui tươi, duyên dáng lại thánh thót như nước chảy mây trôi. Chính vì thế, đàn tranh được sử dụng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Ít ai biết rằng, trong phim “Chuyện của Pao” (sản xuất năm 2006), khi phụ trách âm nhạc cho phim, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã sử dụng những nhịp lướt đàn tranh do chính Phạm Trà My thể hiện vào một đoạn nhạc rất ấn tượng. Cũng trong năm này, Phạm Trà My được nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo mời trình tấu tác phẩm “Khói sóng” của ông tại Trại sáng tác âm nhạc quốc tế lần thứ nhất ở Huế và một tác phẩm tại Hội nghị APEC diễn ra ở Việt Nam...

Niềm tự hào của NSND Phạm Trà My là được tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình lớn ở Việt Nam và lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Phần Lan, Hà Lan, Mỹ, Ý, Nga, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thanh âm réo rắt của đàn tranh đặc biệt phù hợp với những bài dân ca của 3 miền như cải lương, quan họ, những câu hò, điệu lý... tạo thành một bầu không khí quê hương nên thường trở thành món quà tinh thần tặng cho các khán giả phương xa.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ với chị là chuyến lưu diễn một tháng tại Mỹ vào năm 2014. Nhóm nhạc của chị được đích thân Đại sứ quán Mỹ chọn mời sang biểu diễn tại Bộ Ngoại giao, 7 thành phố và tại nhiều trường học ở Mỹ. Ở đâu, nhóm nhạc cũng nhận được những tình cảm yêu mến của khán giả dành cho cây đàn dân tộc. Nhiều khán giả người Việt thổ lộ rằng, nghe tiếng đàn tranh của Phạm Trà My, họ thấy quê hương như ở thật gần. Trong năm đó, chị được nhận Bằng khen Sứ giả hòa bình do Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng.

Và, năm 2023 vừa qua, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, nghệ sĩ Phạm Trà My cùng nghệ sĩ cello Bryan Wilson, nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My và DJ Trí Minh đã khiến khán giả vỗ tay không ngớt khi kể câu chuyện bằng âm nhạc thông qua những bản hòa tấu với sự kết hợp truyền thống và hiện đại các tác phẩm như “Nhật ký của mẹ”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Tình ca Tây Bắc”...

Tình yêu kiên định với đàn tranh đã mang lại cho chị những thành tựu xứng đáng. Đó là giải thưởng đặc biệt cho âm nhạc hay nhất tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế tại Ý, Liên hoan Âm nhạc quốc tế tại Confolens (Pháp). Lần lượt các năm 2006, 2008, 2010, Phạm Trà My là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời tham dự Liên hoan Đàn tranh châu Á tại Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc)... Một loạt huy chương vàng tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc những năm 2017, 2020, 2023... cho thấy sức sáng tạo bền bỉ ở người nghệ sĩ mảnh mai này.

Điêu luyện trong kỹ thuật, dạt dào trong cảm xúc và không ngừng tìm tòi mang đến những khám phá mới từ những thanh âm tưởng chừng như quen thuộc ấy là cảm nhận của khán giả từ tiếng đàn của chị. Cùng với các nghệ sĩ Hải Phượng, Hồng Nga, Phạm Trà My được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nghệ sĩ đàn tranh xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay...

Nhìn người nghệ sĩ duyên dáng say sưa với từng giọt đàn, ngắm người đàn bà đẹp với nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi, ít ai biết rằng, cuộc đời chị trải qua không ít buồn vui. Cách đây 10 năm, khi đang tròn vẹn cùng hạnh phúc thì chồng chị rời xa vì bạo bệnh. Nữ nghệ sĩ lâu nay vốn chỉ quen với cây đàn phải tập với vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha của hai cậu con trai cũng bắt đầu vào tuổi lớn. Khi đó, chị phải tạm dừng kế hoạch bảo vệ luận án tiến sĩ để dành thời gian, sự quan tâm cho các con. Chị bảo, nhờ tiếng đàn, chị được chia sẻ, cân bằng và đi qua những chống chếnh, vất vả của cuộc sống để tiếp tục cống hiến cho tình yêu âm nhạc.

Có nhiều vai trò trong con người NSND Trà My: giảng viên, nghệ sĩ, tổ chức biểu diễn... nhưng chị bảo, làm gì cũng đều liên quan đến đàn tranh. Giờ đây, với cương vị là Trưởng bộ môn đàn tranh tại Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, thành viên Dàn nhạc truyền thống Việt Nam, thành viên Dàn nhạc châu Á... những điều mà chị ấp ủ, đau đáu đều là làm thế nào để lan tỏa được tình yêu đàn tranh, yêu âm nhạc dân tộc tới những người trẻ.

Trước đây, khi bắt tay vào thực hiện CD “Cầm khúc”, tập hợp những tác phẩm thành công của mình, NSND Phạm Trà My cũng chỉ mong muốn là các học trò có thể nghe trong quá trình học tập. Gần đây, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Nghệ thuật diễn tấu đàn tranh từ 1956 đến năm 2020” với nhiều tư liệu quý được chị kỳ công tìm tòi và nhận được từ các bậc tiền bối, chị ấp ủ sẽ in thành sách để các thế hệ sau có tư liệu tham khảo.

Thảo Duyên

Từ ngày 1/1/2025, khoảng 100.000 đơn vị trên cả nước chính thức thực hiện tổng kiểm kê tài sản công (TSC). Mục tiêu của việc kiểm kê là để nắm được thực trạng  TSC về mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng..., làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.

Ngày 1/1, thông tin từ Công an quận Hải An (TP Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một phụ nữ 65 tuổi cùng con trai 36 tuổi tử vong sau bữa ăn trưa.

Chiều 1/1/2025, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ của tổ công tác sử dụng camera nghiệp vụ để ghi hình người vi phạm giao thông, nhất là lỗi không tuân thủ đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ).

Ngày 1/1/2025, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, vừa đột kích vào quán karaoke Nice (phường Tân Phú, TP Đồng Xoài), giải cứu nhiều cô gái. Trong đó, có những cô gái chỉ 13 - 15 tuổi bị "sập bẫy" nợ, bị "giam lỏng" trong thời gian dài để buộc làm công việc không mong muốn.

Ngày 1/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thị Ngọc Ánh (SN 1998, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về hành vi giết người. Ánh là người dùng dao đâm bạn trai sống cùng mình tại phòng trọ, khiến nạn nhân tử vong.

Vào ngày 5/1 tới đây, Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sẽ tham gia thi đấu trận chung kết ASEAN Cup lượt về ở Sân vận động Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Sự kiện này đã khiến vé máy bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Bangkok trở nên "sốt", giá vé tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文