NSƯT Dương Minh Đức: Viên ngọc của âm nhạc Việt Nam
Tôi nhớ hồi năm 1981, khi ấy tôi còn đang ở trên chốt ngoài biên giới Đông Bắc, một hôm “vớ” được tờ Báo Quân đội liền đọc “ngấu nghiến”. Trên báo có đăng bài viết về một Trung uý - kỹ sư tên là Dương Minh Đức, vừa đoạt giải Ba trong Cuộc thi âm nhạc Quốc tế mang tên “Hoa cẩm chướng đỏ” ở Liên Xô. Phải nói là rất tự hào về người chiến sĩ Việt Nam.
Nghe tôi nhắc lại chuyện xưa ấy NSƯT Dương Minh Đức rất vui, ông bảo: “Năm đó tôi mới tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam. Được cử đi tham dự Cuộc thi cũng đã là mừng rồi, nhận giải thưởng lại càng mừng”. Tôi được thể nói luôn: “Em nghe thiên hạ đồn là, một khi đã cất giọng lên là bác say mê hát, hát như muốn đốt cháy hết mình, hát để nhớ lại một thời tung hoành ngang dọc phô diễn giọng ca thiết tha và mạnh mẽ như con chim sơn ca được giấu mình trong lốt đại bàng”.
NSƯT Dương Minh Đức cười nhẹ, ông nói: “Người ta nói thế chứ thực ra để có được lời khen đó tôi cũng phải phấn đấu rất nhiều”. Rồi ông nói thêm sau mấy giây im lặng: “Cuộc đời của tôi cũng lắm “bôn ba” lắm. Nói ngắn gọn là tự lập là chính. Gia đình chỉ là điểm tựa”.
Vốn quê gốc ở Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nhưng tuổi nhỏ của Dương Minh Đức cũng khá “bôn ba”. Ba mẹ ông gặp nhau ở Chiến khu cục Nam Trung bộ. Chả là ông nội của Dương Minh Đức là công chức ngành hỏa xa hồi trước cách mạng, ông cụ được điều vào làm “Trưởng ga Sài Gòn" và thế là cả gia đinh “gồng gánh” vô Nam sinh sống.
Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, anh thanh niên Dương Minh Đẩu (ba của NSƯT Dương Minh Đức) hòa vào dòng người khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, rồi gia nhập đoàn quân rút lên rừng để kháng chiến. Ông sôi nổi, nhiệt huyết và trưởng thành trong quân ngũ, làm Chính trị viên Trung đoàn 82 Nam Trung bộ. Và lời ca hùng tráng của bài hát “Trung đoàn 82 quân hành khúc” do chính ông sáng tác không những được cán bộ chiến sĩ yêu thích mà lời ca ấy còn “đi vào lòng” cô nữ sinh Sài Gòn quê ở huyện Thủ Đức tên là Bùi Kim Dung, khi ấy cô đang là y tá trong đơn vị. Và ở nơi có những cánh rừng đại ngàn miền núi Bình Thuận ấy họ đã nên đôi lứa. Cậu bé Dương Minh Đức được sinh ra ở Sài Gòn khi mẹ cậu cải trang là thường dân bí mật về thành sinh con. Sinh xong người mẹ trẻ gửi con ở lại cho ba mẹ chồng chăm nuôi còn mình trở lại chiến khu cùng đồng đội.
Năm 1954, theo Hiệp định Giơ ne vơ, ba mẹ của Dương Minh Đức xuống tàu tập kết ra Bắc. Một năm sau, năm 1955, lúc cậu bé Dương Minh Đức vừa tròn 6 tuổi thì được ông bà nội nhờ một thương gia đưa ra Bắc theo đường qua Campuchia. Rồi từ Pnom Penh cậu Đức được đi máy bay bay ra Hà Nội.
“Thế là bác được đoàn tụ với ba mẹ rồi” tôi nói vội. NSƯT Dương Minh Đức gật đầu “Nhưng mà tôi cũng không được ở bên ba mẹ nhiều”. Được biết sau khi ra Bắc cậu bé tên Đức được ba mẹ gửi nhờ Đoàn Thể công cho tiện việc học vỡ lòng ngay trong đơn vị. Rồi tiếp đó cậu lại vào Trại nhi đồng miền Nam ở Thái Hà ấp, khu Đống Đa (Quận Đống Đa hiện nay). May mắn cho cậu là dịp này bà Bùi Thị Dung, mẹ cậu, với “vốn” từng làm y tá trong chiến khu nên được cử đi hàm thụ Đại học Y khoa. Bà Dung trở thành bác sĩ, Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Hà Đông. Lên cấp 2 cậu Dương Minh Đức lại được ba mẹ gửi vào học Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, cậu học ở đấy cho đến hết cấp 3.
Tôi cười nói vui “Vậy là bác tuy sống xa ba mẹ nhưng bù lại được học hành tử tế trong môi trường giáo dục tuy nghiêm khắc nhưng đầy đủ”. NSƯT Dương Minh Đức cười rất to rất vang, đúng như chất giọng tenor trữ tình, khoẻ khoắn của mình. Tôi cũng thấy vui lây, nhất là ngắm nhìn ông rất thư thái ngồi tiếp chuyện.
Nhìn bề ngoài, NSƯT Dương Minh Đức như trẻ hơn nhiều với tuổi 73 hiện tại. Tôi biết, ông là người lạc quan với tâm hồn rộng mở, nhìn đời nhìn người trên lăng kính trẻ trung, lãng mạn. Dù đời người có trải qua vui buồn, sóng gió nhưng đến một lúc nào đó, dòng đời cuồn cuộn kia bỗng lắng lại và cho Dương Minh Đức những phút tĩnh lặng thật đẹp làm nên cảm xúc thăng hoa của người nghệ sĩ.
Năm 1968, khi vừa tốt nghiệp cấp 3 ở “Trường Trỗi” xong thì anh thanh niên Dương Minh Đức nhập ngũ. Ông trở thành “anh bộ đội Hải quân” thực thụ, lòng đầy hoài bão biển cả, lại lãng mạn với chiếc mũ Hải quân có hai dải vải phía sau bay xòa theo cơn gió biển. Tôi đã tưởng tượng ra hình ảnh anh lính Hải quân ấy cùng con tàu của mình vượt muôn trùng sóng vỗ, ngăn bước quân thù, nên nói ngay “Chắc là những cảm xúc biển cả đã dồn vào huyết quản để rồi mấy năm sau ca khúc “Chiều trên bến cảng” của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã giúp bác giành giải Ba cuộc thi “Hoa cẩm chướng đỏ”. Đúng không ạ?”. NSƯT Dương Minh Đức gật đầu xác nhận “Cũng có cảm xúc thật mà mình được thấy”.
Một năm làm lính Hải quân trôi vèo, Dương Minh Đức thi đỗ vào Khoa Chế tạo máy (ngành xe quân sự) của Trường Đại học kỹ thuật Quân sự. Ông vào học khoá 3 nhưng lại là khóa đầu tiên của trường. Nghe ông nói vậy tôi hơi lạ. Hỏi ra mới biết trước đó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có phân hiệu Quân sự. Năm 1969, phân hiệu Quân sự được tách ra để thành lập Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự. Ông học khóa nối tiếp là 3 nhưng là khóa đầu sau khi tách trường.
Học làm kỹ sư nhưng mà sinh viên Dương Minh Đức lại say mê hát. Như ông đã tâm sự thì ông có năng khiếu ca hát từ bé. Mới bảy tám tuổi thôi đã hát hay khiến thầy cô bạn bè thán phục nên từ dạo đó mỗi khi trường lớp có sinh hoạt văn nghệ là Dương Minh Đức lên hát. Hát hay nên vào học làm anh Kỹ sư ông vẫn tích cực tham gia phong trào văn nghệ của trường. Chính bởi thế nên năm 1972 sinh viên Dương Minh Đức được cử đi tham dự Hội diễn Toàn quân lần thứ nhất. Thật tuyệt vời, trong cuộc thi ấy Dương Minh Đức đoạt ngay Huy chương Vàng với ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của Nhạc sĩ Phan Nhân.
Dường như đấy là cú hích để rồi khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Quân sự và được giữ lại Trường làm cán bộ nhưng chàng kỹ sư trẻ lại “từ chối”. Dương Minh Đức nộp giấy dự thi vào Khoa Thanh nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam, năm 1976, anh được vào thẳng hệ Đại học chứ không qua hệ Trung cấp bởi “hát quá hay”. Bắt đầu từ đây ông “bước hẳn” vào sự nghiệp ca nhạc. Nhất là năm 1980, dù đang còn là sinh viên nhưng Dương Minh Đức được tham dự “Cuộc thi Tiếng hát chuyên nghiệp Toàn quốc” và giọng ca trẻ đầy sôi nổi và nhiệt huyết ấy đoạt luôn Huy chương Vàng. Đó chính là ca khúc “Chiều trên bến cảng” nổi tiếng.
Còn nhớ năm 1979, ca sĩ trẻ Dương Minh Đức “xuất ngoại” lần đầu tiên, anh được tham gia đoàn Nghệ thuật thanh niên Việt Nam sang Liên Xô dự cuộc gặp gỡ thanh niên hai nước. Tiếp đó ca sĩ trẻ Dương Minh Đức được tham gia Fetival thanh niên thế giới tổ chức tại Cuba, được cùng mọi người đón Chủ tịch Phiđen. Trong liên hoan này anh đã “chinh phục” bạn bè năm châu bằng tài năng nghệ thuật của mình, nên ngay sau đó Dương Minh Đức được cử tham gia biểu diễn ở các nước vùng Trung Mỹ.
Năm sau, năm 1980, anh cùng đoàn Nghệ thuật Biên phòng sang Campuchia biểu diễn phục vụ bộ đội ta và nhân dân nước bạn. Trên đất nước Chùa Tháp đang hồi sinh ấy, người chiến sĩ, ca sĩ Dương Minh Đức đã thực sự phẫn uất khi chứng kiến tội ác của bọn diệt chủng Pôn Pốt. Anh càng thấu hiểu hơn ý nghĩa của công cuộc giúp nước bạn vượt qua khổ đau của bộ đội ta. Cũng từ những năm đó tiếng hát của Dương Minh Đức còn vang lên trên những cánh rừng biên giới phía Bắc khi ông được hát phục vụ bộ đội ta đang ngày đêm giữ vững biên cương của Tổ quốc.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc, Dương Minh Đức “khoác ba lô” về thẳng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) để “làm thầy”. Ông làm thầy liên tục cho đến khi về hưu năm 2008 với quân hàm Đại tá, Phó Hiệu trưởng. Cho đến hiện nay ông vẫn tham gia giảng dạy tại trường và ở ngay tại nhà. Tôi hỏi vội: “Bác nghĩ thế nào mà về làm giáo viên?”. NSƯT Dương Minh Đức thẳng thắn trả lời: “Tôi muốn đem kiến thức và kinh nghiệm của mình truyền lại cho các bạn trẻ”.