Sách nói và cuộc cách mạng văn hóa đọc thời 4.0
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, ngành xuất bản cũng đón nhận những thay đổi sâu sắc khi sách nói trở thành một xu hướng đọc thịnh hành. Các ứng dụng sách nói nở rộ và không ngừng cải tiến dần trở thành bàn đạp chủ lực trong cuộc cách mạng văn hóa đọc.
Sách nói (audio-book) là một loại xuất bản phẩm ghi âm xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2010. “Thư viện sách nói dành cho người mù” được xem là đơn vị đầu tiên thực hiện và sản xuất sách nói nhằm cung cấp sách nói miễn phí cho các em học sinh, sinh viên khiếm thị. Góp mặt ở thị trường sách nói sau đó có Phương Nam Books, Nhà xuất bản Trẻ, First News…
So với sách giấy hay ebook (sách điện tử), sách nói sở hữu nhiều tiện ích vượt trội, phù hợp với thời đại số đầy bận rộn. Chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối Internet là độc giả thoải mái đọc sách ở bất cứ đâu. Sách nói chinh phục nhiều đối tượng độc giả: từ trẻ em đến người già mắt kém, người không biết chữ, người bận rộn... Mọi người có thể vừa nấu ăn, chăm con, tưới cây... vừa nghe nội dung của audio - book qua giọng đọc truyền cảm thu sẵn.
Đã vậy, sách nói còn phục vụ được hàng trăm người cùng một lúc. Ngoài giọng đọc cuốn hút, audio-book có thêm nhạc đệm, nhạc chuyển tiếp, âm thanh minh họa hết sức sinh động để tăng cảm xúc cho người nghe. Nhiều sách văn chương khi được chuyển thể sang audio-book, nó không khác gì kịch truyền thanh. Về giá cả, audio-book đều có mức giá khá mềm, giảm đến 60% - 90% so với sách in. Thậm chí nhiều ứng dụng cung cấp sách nói có bản quyền và miễn phí.
Khi công nghệ dần chiếm lĩnh cuộc sống, sách nói được giới chuyên gia dự đoán sẽ trở thành “kỳ lân” mới trong ngành xuất bản. Thế nhưng phải hơn 10 năm sau, sách nói mới chính thức vượt khỏi mục tiêu khiêm tốn ban đầu (là ấn phẩm dành cho người khiếm thị) để chinh phục độc giả mọi lứa tuổi, trở thành nguồn cảm hứng cho văn hóa đọc thời đại số. Bởi bấy giờ, những khó khăn về hạ tầng công nghệ, kinh phí lẫn cuộc chiến bản quyền vẫn còn nhiều cam go với các đơn vị sản xuất sách nói.
Từ năm 2020, đại dịch COVID “trói chân” con người khiến sách online, trong đó có audio-book phát huy tối đa thế mạnh của mình, thu hút đông đảo độc giả, đặc biệt là giới trẻ và những người bận rộn. Độc giả dần nhận ra tiện ích tuyệt vời của hình thức sách nói khiến các ứng dụng sách nói lẫn số đầu sách nói phát triển mạnh mẽ.
Tại Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh 2024 vừa diễn ra mới đây, trả lời cho câu hỏi: "Vì sao sách nói lại được đón nhận nồng nhiệt đến vậy, trong khi hình thức đọc truyền thống vẫn còn sức hấp dẫn của riêng nó?", các chuyên gia đã chỉ ra rằng sách nói không đơn giản chỉ là một giải pháp cho nhu cầu tiện ích trong thời đại chuyển đổi số, mà là một cuộc cách mạng trong cách thức tiếp nhận tri thức. Sự phát triển của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và TTS (chuyển văn bản thành giọng nói) đã tạo ra những trải nghiệm nghe đọc vô cùng phong phú. Người nghe tùy chỉnh từ giọng đọc ngọt ngào, ấm áp cho đến các giọng chuyên nghiệp, thậm chí thoải mái điều chỉnh tốc độ và ngữ điệu, mang lại sự sinh động chưa từng có cho người nghe.
Ngoài YouTube, Spotify, Voiz FM, những năm gần đây, các ứng dụng sách nói như Audiobooks.com, Bookas, Fonos, Waka 4.0, TuneFM, Ngheluon… không ngừng cải tiến, đổi mới về công nghệ, hình thức để cuốn hút người dùng. Ra mắt tại Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh 2024, ứng dụng Bookas nổi bật nhờ tính năng cá nhân hóa với sự hỗ trợ đắc lực của AI. Sách nói của Bookas được tích hợp từ công nghệ AI và giọng đọc độc quyền có phân vai theo tuyến nhân vật.
Ông Nguyễn Anh Dũng, người đồng sáng lập Bookas cho hay: “Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, với sự trợ giúp của công nghệ AI, chúng tôi đã sản xuất hơn 1.000 cuốn sách nói, mang đến cho độc giả những trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc số hóa sách mà còn tạo ra những sản phẩm âm thanh chất lượng, giúp người nghe cảm nhận được cảm xúc chân thực nhất từ tác phẩm”. Ứng dụng này không chỉ là một sản phẩm công nghệ mà còn là “nơi kết hợp trí tuệ nhân tạo với nghệ thuật kể chuyện”, đặc biệt chú trọng đến tính chất tương tác trong mỗi tác phẩm, tạo ra những trải nghiệm không gian sống động cho người nghe, khiến họ hòa mình vào không gian của tác phẩm.
Trong khi đó, Fonos là một trong những ứng dụng sách nói đầu tiên tại Việt Nam ký kết hợp tác với nhiều nhà xuất bản lớn, mang đến cho độc giả những tác phẩm đa dạng từ sách kỹ năng, kinh doanh, văn học đến sách thiếu nhi. Nhờ đầu tư vào chất lượng giọng đọc chuyên nghiệp và hiệu ứng âm thanh, Fonos tạo ra cảm giác gần gũi và dễ tiếp cận cho người nghe. Mảng truyện ngủ với các sáng tác chuyên biệt giúp con người dễ dàng chìm vào giấc mộng là điểm nổi bật của ứng dụng này.
Với sự tham gia của các nền tảng số, từ các dịch vụ streaming sách nói cho đến việc sản xuất nội dung số trong nước như Waka, VoizFM, các nhà xuất bản Việt Nam đã bắt kịp xu hướng toàn cầu. Không đơn thuần dừng lại ở việc “số hóa” những cuốn sách in, các ứng dụng còn đẩy mạnh sự sáng tạo trong việc sản xuất nội dung sách nói, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến các sách hướng dẫn, kỹ năng. Chẳng hạn Bookas đón nhận tác phẩm gốc từ nhiều tác giả nổi tiếng như nhà báo Trung Nghĩa, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng và nhà văn Tống Phước Bảo, tạo thêm không gian cho các tài năng văn học trẻ có thể tiếp cận độc giả qua hình thức sách nói, góp phần xây dựng một cộng đồng yêu thích sách nói tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển của sách nói cũng đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Mặc dù sách nói đang phát triển mạnh mẽ, nhưng không phải tất cả các thể loại sách đều được chuyển thể tốt dưới hình thức này. Trước những lo ngại về tương lai của “văn hóa đọc truyền thống”, các chuyên gia cho rằng sách nói không phải là một hình thức thay thế sách giấy, mà là một “bổ sung” hữu ích cho văn hóa đọc trong thời đại số. Nó không làm mờ nhạt đi giá trị của sách in, mà là một phần mở rộng, đưa con người tiếp cận tri thức từ những chiều hướng khác nhau. Đọc sách giấy và nghe sách nói có thể song hành và thậm chí hỗ trợ nhau, giúp người đọc thỏa mãn những nhu cầu khác nhau trong việc tiếp nhận thông tin và cảm nhận tri thức.
Thực tế cho thấy, sách nói đang giúp nâng cao ý thức đọc sách của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ - những người đang lớn lên trong môi trường công nghệ cao và có xu hướng sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News - Trí Việt, cho biết sách nói đang là thị trường tiềm năng bởi các đầu sách nói của First News bán rất chạy. Theo ông, trong thời đại 4.0, sách nói không còn là một xu hướng mới mẻ nhất thời mà đã trở thành một phần quan trọng trong việc tiêu thụ sách in, tác động trực tiếp đến quyền lợi của tác giả và thúc đẩy văn hóa đọc hiện đại.
Trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, sự chặt chẽ của hành lang pháp lý, sách nói không chỉ dừng lại ở việc chuyển thể sách in sang dạng âm thanh mà còn mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo khác. Xu hướng “tương tác hóa” trong các cuốn sách nói sẽ tạo ra những không gian trải nghiệm thú vị, nơi người nghe có thể tự do chọn lựa nội dung, thậm chí điều chỉnh diễn tiến câu chuyện.
Việc tích hợp công nghệ thực tế ảo (VR) hay thực tế tăng cường (AR) vào sách nói sẽ giúp người nghe ở thế chủ động, cùng “sống” trong câu chuyện, mở ra một kỷ nguyên mới cho loại hình xuất bản này. Nhiều đơn vị tiếp tục phát triển các công cụ minh họa và phần mềm sản xuất sách nói hiện đại, giúp bất cứ ai đam mê viết lách cũng có thể tự tạo ra sách nói trên ứng dụng, góp phần làm phong phú thêm thư viện nội dung và khuyến khích sự sáng tạo trong cộng đồng.