Sân khấu về đề tài đồng tính: Nghệ thuật góp phần xóa bỏ sự kỳ thị

09:40 24/11/2023

Đề tài về người đồng tính xuất hiện trên sân khấu từ khá lâu, nhưng trước đây chủ yếu là trên sân khấu hài với những màn “chọc cười” khán giả. Những năm gần đây, khi nhận thức, quan niệm về người đồng tính trong cộng đồng LGBT (viết tắt tiếng Anh của cụm từ cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới) trở nên cởi mở và thấu hiểu hơn, những vở diễn về đề tài xoay quanh cuộc sống, tình yêu đồng tính đã xuất hiện nhiều hơn trên sân khấu chính kịch ở cả 2 miền Nam - Bắc...

Sự khác lạ của “Bóng rối”

Tuần qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã có các buổi công diễn vở “Bóng rối” (Kịch bản: Vũ Hoàng Hoa - Đạo diễn: NSƯT Tạ Tuấn Minh) - một vở diễn đương đại với khám phá mới mẻ trong nghệ thuật dàn dựng về đề tài gia đình, trong đó nhân vật chính chôn giấu một tình yêu đồng giới luôn bị giằng xé nội tâm giữa một người chồng, người cha và khao khát được sống là con người thật của chính mình.

Vở diễn không đi theo những quy tắc, cấu trúc truyền thống của sân khấu mà là những mảnh ký ức rời rạc của Kiên (diễn viên La Thiên) sau cú chấn động tâm lý khi bố (diễn viên Nguyễn Vũ) đột ngột qua đời.

1.jpg -0
Cảnh trong vở “Bóng rối” của Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra mắt.

Với Kiên, bố là một người bạn rất đỗi gần gũi, thân thương từ lúc bé thơ đến lúc trưởng thành. Vì thế cậu rất tò mò về cái chết của bố - một nghệ sĩ điêu khắc tài năng, bởi Kiên biết mẹ cậu (diễn viên Khuất Quỳnh Hoa) đang cố giấu giếm điều gì đó, có thể là sự thật về cái chết của bố. Nhốt mình vào căn phòng sáng tạo nghệ thuật của bố, Kiên đã lạc trong những giấc mơ và sự thật dần được hé lộ.

Kiên đã biết được sự thật về tình yêu đồng tính của bố với nhà văn Cedric (diễn viên Thế Nguyên) - người bạn thân nhất của mẹ và cũng chính là người đàn ông mà cả mẹ và cô ruột Kiên đều yêu say đắm. Mẹ Kiên đã biết được sự thật về tình yêu ngang trái của chồng mình với người bạn thân, mặc dù rất đau khổ nhưng bà đã mở cho bố Kiên một lối đi. Tuy nhiên bố Kiên đã không thể từ bỏ con trai để đến với người tình. Khi biết hết tất cả sự thật, Kiên đã thốt lên: "Mẹ ơi, con thương mẹ! Bố ơi, con thương bố!" và đó cũng là một cái kết mở để mỗi khán giả có thể có những suy tư, cảm nhận của riêng mình...

Có thể nói, đây là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng một vở diễn về bi kịch của một tình yêu đồng giới vốn vẫn được coi là khá “nhạy cảm”. Kịch bản “Bóng rối” của nhà văn Vũ Hoàng Hoa mặc dù nằm trong Top 5 kịch bản lọt vào danh sách đề cử “Giải thưởng Partrick White 2023” dành cho kịch bản do Nhà hát Kịch Sydney (Úc) tổ chức hàng năm, nhưng chính tác giả cũng từng nghĩ là sẽ ít có cơ hội để dàn dựng và biểu diễn ở Việt Nam.

Kịch bản về đề tài tình yêu đồng tính tuy không phải lần đầu xuất hiện trên sân khấu, nhưng với chính kịch miền Bắc chắc hẳn vẫn còn là điều “e ngại”. Chính vì thế, việc Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định đưa kịch bản này lên sân khấu có thể coi là một sự dũng cảm, thậm chí là sự… mạo hiểm. Tuy nhiên, đây cũng là một lần sân khấu chính kịch phía Bắc “thử” phản ứng của khán giả xem sự cởi mở, thấu hiểu và chia sẻ của công chúng đối với người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT đến đâu.

Đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh chia sẻ: “Khi mới tiếp xúc với kịch bản “Bóng rối”, tôi cảm thấy rất thú vị về vấn đề mà kịch bản đưa ra chứ không e ngại gì cả. Trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những góc khuất, những bí mật sâu thẳm mà ta giấu kín. Đó có thể là những khao khát, những tổn thương hoặc sai lầm rất con người nhưng đối lập với những quan niệm, tư tưởng phổ biến của gia đình và xã hội. Từ câu chuyện bi kịch về một gia đình không hạnh phúc, nó mở ra những vấn đề của con người trong toàn xã hội.

Với cái kết có tính gợi mở của “Bóng rối”, tôi muốn gửi gắm đến khán giả, đặc biệt là những khán giả của cộng đồng LGBT rằng, đừng trở thành cái bóng và biến mình thành những con rối bị điều khiển. Hạnh phúc hay bi kịch là do chính bạn quyết định. Không ai có thể quyết định thay bạn cả. Hãy tự quyết định hạnh phúc của mình trước khi quá muộn. Tôi thật sự mừng là sau đêm công diễn, nhiều khán giả rất xúc động, đồng cảm và mở ra nhiều tư duy mới một cách tích cực…”.

Không phải để… “mua vui”!

Trước sự ra mắt của “Bóng rối” tại Hà Nội, ở TP. Hồ Chí Minh đề tài về người đồng tính cũng như LGBT nói chung đang trở nên khá sôi động trên sân khấu trong mấy năm trở lại đây. Điển hình như Sân khấu kịch 5B từng công diễn các vở: “Tía ơi, con lấy chồng”, “Bồ công anh”, “Tin thì linh, không tin cũng linh”, “Rồi… mắc cái gì cười?”; Nhà hát Thanh niên đang có các vở: “Tình một đêm”, “Lạc lối ở Bangkok”, “Bất ngờ chưa bà già”; Sân khấu kịch Hồng Vân có “Hoa dại”, Sân khấu IDECAF có “Sắc màu”; Sân khấu Thế giới trẻ có “Chuyện hai chàng”…

Nhìn vào kịch mục của các nhà hát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, có thể nhận thấy dường như đang có một “trào lưu”dàn dựng các vở diễn có nhân vật thuộc cộng đồng LGBT. Cũng có ý kiến cho rằng, đây là một “món ăn tinh thần mới” có tính xu hướng mà các nhà hát, đơn vị làm sân khấu đã chuẩn bị để “đón” một thế hệ khán giả trẻ đã trở nên cởi mở, không còn định kiến với cộng đồng LGBT.

Cảnh trong vở “Được là chính mình” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn (năm 2012).

Ở Hà Nội, đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai được biết đến là một trong những nghệ sĩ đi tiên phong trong việc dàn dựng những tác phẩm về đề tài LGBT trong những năm qua với các vở như “Stereo Man”, “Hành trình đi tìm cảm xúc”, “Được là chính mình”... Trong đó, vở “Được là chính mình” đã đạt được nhiều thành công khi biểu diễn nhiều suất tại Hà Nội và các trường đại học tại nhiều địa phương trên cả nước.

Đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ rằng, trước khi đến với những vở diễn về đề tài người đồng tính, chính anh cũng từng có những suy nghĩ thiếu tích cực về người đồng tính: “Mọi người cũng có thể thấy rõ, từ trước 2006, có rất ít tác phẩm sân khấu về người đồng tính. Đơn giản vì chính nghệ sĩ chúng tôi cũng sợ bị kỳ thị, tẩy chay. Sau này, vẫn có nhiều người hỏi tôi rằng, tôi làm nhiều vở diễn về đề tài đồng tính, liệu tôi có bị đồng tính không? Nhưng từ đó đến nay, theo quan sát của tôi, quan niệm cũng như nhận thức của nhiều người, nhất là người trẻ, giới học sinh - sinh viên, người làm nghệ thuật… đã có nhiều thay đổi! Đó là điều rất đáng mừng và tôi cũng hạnh phúc vì những đóng góp trong nghệ thuật của mình đã góp phần nhỏ trong sự chuyển biến ấy!".

Có thể nói, sân khấu về đề tài người đồng tính xuất hiện từ khá lâu, nhưng ban đầu chỉ có trên sân khấu hài, hầu như vắng bóng trên trong chính kịch. Có thời gian, sân khấu hài sa đà vào đề tài này với biểu hiện “lạm dụng” chủ đề, hình ảnh nhân vật trong cộng đồng LGBT như một cách để “hút khách”.

Hình ảnh các diễn viên vào các vai “giả gái” với phấn son ăn mặc lòe loẹt, “giả trai” với những màn đối đáp đanh đá chua ngoa hoặc xoáy sâu vào những đặc điểm nhân dạng lập dị… xuất hiện với tần suất dày để gây cười, chọc cười và “mua vui” cho khán giả, trong đó có cả sự tham gia những nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng. Điều này vô tình làm tổn thương những người trong cộng đồng LGBT, bởi vì quãng thời gian đầu những năm 2000, quan niệm xã hội về người đồng tính còn khá nặng nề. Họ thường sống khép kín, giấu giếm thân phận và hầu như không nhận được những chia sẻ, thấu hiểu, cảm thông từ cộng đồng cũng như của gia đình.

Những năm sau đó, với sự vào cuộc, tham gia tích cực của các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế với mục đích thay đổi nhận thức của xã hội về giới và bình đẳng giới, dần dà các vở kịch tâm lý, đề cập đến đời sống nội tâm, tình cảm, tình yêu… của người đồng tính cũng như cộng đồng LGBT đã xuất hiện một cách nghiêm túc, chỉn chu, có chiều sâu suy tưởng hơn chứ không chỉ dùng đề tài, hình tượng này để đơn thuần “câu khách” nữa.

Cách đây nhiều năm, tại Hà Nội từng có một “Hội thảo Văn học - nghệ thuật về LGBT” để ghi nhận sơ lược về các sáng tác nghệ thuật tiêu biểu ở mảng đề tài này và những đóng góp của nó trong việc thay đổi nhận thức của xã hội. Văn học nghệ thuật trong đó có sân khấu, không thể chỉ đề cập đến đề tài LGBT để “mua vui”, mà phải chứa đựng những thông điệp nhân văn, hướng đến xóa bỏ sự kỳ thị, giải phóng con người khỏi những áp đặt, định kiến và có được hạnh phúc cá nhân.

Nguyệt Hà

Mỹ và Trung Quốc ngày 12/5 đã nhất trí đình chỉ hầu hết các mức thuế đối với hàng hóa của nhau trong một động thái cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu lắng dịu.

Ngày 12/5, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil. Đáng lưu ý, bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) vừa được giảm án 7 năm so với án sơ thẩm (28 năm), vì gia đình nộp 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Dư luận quan tâm rằng, với sự tiếp tay của ông Lê Đức Thọ cho Công ty Xuyên Việt Oil gây thiệt hại cho Nhà nước hàng tỷ đồng liệu số tiền khắc phục có thỏa đáng...

Thời gian gần đây, cướp tiệm vàng lại xảy ra tại một số địa phương, với phương thức hoạt động đơn lẻ, lưu động, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh. Mới đây nhất, ngày 5/5 vụ cướp tiệm vàng xảy ra trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và dư luận. Vụ án tuy thiệt hại về vật chất chưa lớn, nhưng phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng lại có phần liều lĩnh, bất chấp hậu quả…

Chiều 12/5, đối tượng Tàu Sa Chín (SN 2001, ngụ xã Phước Hà, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã bị Công an bắt giữ sau hơn 1 giờ đồng hồ gây ra vụ cướp tại chi nhánh một ngân hàng tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Ngày 12/5, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang điều tra vụ án mạng xảy ra tại một phòng trọ thuộc khu phố 5, phường Minh Thành, TX Chơn Thành, khiến người vợ tử vong và người chồng bị thương.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần dược Sơn Lâm, bị can Phạm Văn Cách đã có hành vi cấu kết với bị can Nguyễn Mạnh Quyền, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần y dược LanQ, dùng thủ đoạn gian dối, lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả. 

Ngày 12/5, Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác thực hiện kế hoạch tuần tra đảm bảo TTATGT tại địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì (Hà Nội), trong đó tập trung xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ba gác, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây mất ATGT khiến người dân bức xúc.

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đang điều tra vụ án "Tổ chức đánh bạc; đánh bạc" xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Để phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT Bộ Công an tiếp tục kêu gọi các cá nhân ra trình diện, hợp tác với Cơ quan ANĐT Bộ Công an, làm rõ các nội dung có liên quan đến vụ án để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.