Sự chuyển động của sân khấu cuối năm

11:30 13/11/2021

Sau một thời gian dài “tối lửa tắt đèn” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ cuối tháng 9 vừa qua khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, các nhà hát ở Hà Nội đã khẩn trương tập luyện trở lại các vở mới, hoàn thiện các vở diễn dang dở và bước đầu đưa vào lịch biểu diễn. Sự chuyển động của sân khấu đã đem đến một không khí tươi mới cho đời sống nghệ thuật vốn đã rơi vào khủng hoảng suốt từ gần 2 năm nay...

Sự chuyển động tích cực

Đúng 100 năm sau khi vở kịch “Chén thuốc độc” của cố tác giả Vũ Đình Long - vở kịch nói đầu tiên đánh dấu sự ra đời của nền kịch nói Việt Nam được biểu diễn, tối 21-10 vừa qua, vở kịch này đã được tái dựng qua bàn tay của đạo diễn tài năng Bùi Như Lai.

Theo chia sẻ của đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai, thời gian để tập luyện cho sự ra đời của vở diễn chỉ có 15 ngày, khá gấp rút và anh đã trải qua những cung bậc cảm xúc từ “đau đớn, vật lộn, điên loạn rồi giận dữ” cùng vở diễn để góp phần để lại một dấu mốc quan trọng đối với nền nghệ thuật nước nhà.

Vở diễn “Chén thuốc độc” bên cạnh việc quy tụ dàn diễn viên đến từ nhiều nhà hát kịch khác nhau, đạo diễn Bùi Như Lai đã thổi vào vở kịch ra đời cách đây 100 năm hơi thở của cuộc sống đương đại để làm nên thành công trong dịp lễ kỷ niệm đặc biệt này. Ngay sau khi hoàn thành vở diễn “Chén thuốc độc”, đạo diễn Bùi Như Lai đã bắt tay ngay chuẩn bị cho sự ra đời của một vở diễn mới nằm trong “Dự án Antigone” do Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện.

Vở chèo “Hồng Hà nữ sĩ” của Nhà hát Chèo Việt Nam chuẩn bị ra mắt khán giả Thủ đô.

Với “Dự án Antigone”, từ tháng 11-2021 đến tháng 3-2022, Nhà hát Tuổi trẻ cùng với các đạo diễn, nghệ sĩ đã được lựa chọn như Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long, Lê Thị Hòa An, Trần Minh Hải, nhà sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng sẽ giới thiệu đến công chúng 6 tác phẩm sân khấu “Antigone” khác nhau.

Điều đặc biệt của dự án này là với mỗi tác phẩm sẽ là một cách tiếp cận, một cách diễn giải, một “biến thể” về nàng Antigone của Socphocles (Hy Lạp) ra đời từ cách đây 2.500 năm và đã trở thành vở diễn kinh điển của thế giới sẽ xuất hiện trên sân khấu Việt Nam như thế nào thực sự là một điều đáng để người yêu nghệ thuật chờ đợi. Đây cũng là cơ hội quý để các nghệ sĩ ham cách tân như Trần Lực, Bùi Như Lai... thể hiện được khả năng sáng tạo không biên giới của mình trước một tác phẩm lớn của thế giới.

Sau thời gian giãn cách xã hội, hàng loạt vở diễn còn dang dở của các nhà hát đã được gấp rút hoàn thiện để đưa vào chương trình biểu diễn như “Thiên mệnh” (Kịch bản: Hoàng Thanh Du - Đạo diễn: NSƯT Kỷ) của Nhà hát Kịch Việt Nam; “Truân chuyên dải yếm đào” (Kịch bản: Lê Chí Trung - Chuyển thể cải lương: Đình Tư - Đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) của đoàn Hoa Mai thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội; “Hồng Hà nữ sĩ” (Kịch bản: TS Trần Đình Ngôn - Đạo diễn: NSND Thanh Ngoan)...

Các nhà hát đã hoàn thiện vở diễn trước khi nghỉ dịch như Sân khấu Lệ Ngọc đã nhanh chóng đưa vào biểu diễn chùm các vở kịch đã hoàn thiện trước đó như “Thị Nở - Chí Phèo”, “Dế Mèn”, “Làm vua” với nhiều suất diễn liên tục tại rạp Đại Nam trong tháng 11 này.

Trong 2 năm qua, Sân khấu Lệ Ngọc lập kỷ lục tại Thủ đô khi liên tục dàn dựng, ra mắt vở diễn mới trong hoàn cảnh dịch bệnh làm lịch biểu diễn liên tục bị gián đoạn. Hiện nay, một số nhà hát cũng bắt tay vào dựng vở mới như “Võ Tam Tư trảm cáo” của các nghệ sĩ đoàn Thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Theo chia sẻ của NSND Triệu Trung Kiên, khi tình hình đại dịch được cải thiện, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ tiếp tục cống hiến cho khán giả 3 tác phẩm sân khấu tâm huyết, đó là: "Thượng Thiên Thánh Mẫu" (Tác giả: Lê Thế Song - Xuân Hồng), "Nguyễn cầm ca - Kiều" (Kịch bản: Nguyễn Hiếu) và "Nước non vạn dặm"  (Kịch bản: Nguyễn Thế Kỷ).

Hâm nóng đời sống sân khấu

Có thể nói, sự chuyển động của sân khấu kịch nói trong thời gian qua có động lực từ việc kế hoạch tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021” đã được phê duyệt trước đó. Vì thế, từ quý II, một số nhà hát đã bắt tay vào dàn dựng, tập luyện vở diễn chuẩn bị cho tham dự liên hoan. Sau một thời gian trì hoãn vì dịch bệnh, từ ngày 5 đến 16-11, “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021” đã diễn ra tại thành phố Hải Phòng. Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức.

Ở kỳ liên hoan năm nay có sự tham gia của 14 đơn vị nghệ thuật với 20 vở diễn như “Tình mẹ”, “Lau trắng” (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), “Hà thành chí khí”, “Làng song sinh” (Nhà hát kịch Hà Nội), “Đường chân trời” (Nhà hát Kịch Hải Phòng), “Thiên mệnh” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Ngược chiều gió”, “Cái... ao làng” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Con đò của mẹ” (Nhà hát Công an nhân dân)...

Vở diễn “Tình mẹ” của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tham dự “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021” tại Hải Phòng.

Theo Ban tổ chức liên hoan, do tình hình dịch bệnh nên liên hoan năm nay có sự thiếu vắng các đơn vị kịch nói phía Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi không có dịch bệnh thì từ nhiều năm nay, đối với các liên hoan sân khấu, các đơn vị nghệ thuật phía Nam cũng không mấy mặn mà. Bởi vì họ chủ yếu là các đơn vị xã hội hóa, việc đầu tư để một vở diễn và ekip đi tham gia liên hoan là một vấn đề khó khăn, phải đặt lên bàn cân rất nhiều vì nó còn liên quan đến vấn đề “cơm áo gạo tiền” chứ không phải cách như sân khấu phía Bắc đang làm đó là vở diễn thường nằm trong kế hoạch năm, đã được nhà nước đặt hàng và có thể đem đi tham dự liên hoan.

Trước đó, trong thời gian dịch bệnh diễn ra căng thẳng tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng không nên tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021” vì nhiều lý do. Tuy nhiên, với phương châm của Chính phủ dần đưa cuộc sống về trạng thái “bình thường mới” kết hợp vừa phát triển kinh tế với các biện pháp phòng dịch, “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021” cũng đã được tổ chức. Ở khía cạnh tích cực, nó cũng là nguồn động lực đáng kể để hâm nóng đời sống sân khấu kịch nói nói riêng và nghệ thuật sân khấu nói chung sau một thời gian đóng băng hoàn toàn.

Theo thông từ Ban tổ chức, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan để tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021” đợt 2 (có thể quý I-2022) cho các đơn vị, nghệ sĩ phía Nam khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, có thời gian chuẩn bị hơn. Cùng với các hoạt động sôi nổi xung quanh tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Việt Nam, “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021” đã góp phần làm cho đời sống nghệ thuật ở Thủ đô và TP. Hải Phòng trở nên sôi động, thu hút sự chú ý của khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, thư giãn, giải trí của công chúng sau một thời gian cả xã hội căng thẳng vì dịch bệnh kéo dài.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Việt Nam, hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” đã được tổ chức với rất nhiều tham luận đã được trình bày về thực trạng của sân khấu Việt Nam trong những năm qua.

Trong đó, các ý kiến đề cập đến những vấn đề cấp thiết rất được quan tâm như: Làm sao để kéo khán giả trở lại với sân khấu, hướng đi nào cho sân khấu kịch sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, tương lai của sân khấu sẽ đi về đâu nếu thiếu đi lực lượng trẻ, đội ngũ kế cận và giải pháp nào cho việc “đào tạo khán giả sân khấu”, đặc biệt là với khán giả của sân khấu kịch hát truyền thống...

Các ngành nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng có một điều rất đáng mừng đó là, sau tất cả, kể cả sự càn quét, sự ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 vừa qua, điều mà khán giả nhìn thấy và trân trọng chính là lòng “yêu nghề - vượt khó” của các nghệ sĩ. Và nghệ sĩ - chủ thể của sân khấu, của sáng tạo với đam mê và lòng yêu nghề, sự dấn thân hết mình sẽ làm cho sân khấu có nhiều hi vọng.

Nguyệt Hà

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文